Bài thứ 3 trong loạt bài về những tên đường Sài Gòn mang tên Việt từ trước thời điểm năm 1954. Kỳ 1 và 2 đã nhắc về những tên đường mang tên Gia Long, Bùi Quang Chiêu, Bảo Hộ Thoại, Đỗ Hữu Vị, Đỗ Thanh Nhơn, Huỳnh Quang Tiên, Lê Lợi, Lê Lai, Lê Quang Hiển, Lê Văn Duyệt.
Đường Ngô Tùng Châu
Con đường Trần Chánh Chiếu ngày nay ở Chợ Lớn, vốn chỉ là một con đường ngắn chỉ vài trăm mét nhưng có lịch sử lâu đời. Thời xưa con đường này chuyên bán gạo, được xem là ngôi chợ chuyên doanh đầu tiên bán lúa gạo tại Sài Gòn.
Chợ gạo này đã có từ năm 1750. Khi Pháp quy hoạch Sài Gòn – Chợ Lớn, đường này được đặt tên là Des Tamariniers. Ngày 4/5/1954, ngay sau hiệp định Geneve thì chính quyền Quốc Gia Việt Nam của quốc trưởng Bảo Đại đặt tên cho đường này là Ngô Tùng Châu. Tuy nhiên tên đường này chỉ tồn tại chỉ được hơn 1 năm, đến cuối năm 1955, chính quyền VNCH đặt tên Ngô Tùng Châu ở đoạn ngã 6 Phù Đổng hiện nay (nay là đường Lê Thị Riêng), để tránh bị trùng tên, đường Ngô Tùng Châu ở Chợ Lớn đổi tên thành Trần Chánh Chiếu. Cái tên này tồn tại cho đến tận ngày nay.
Ngô Tùng Châu được xem là vị tướng khai quốc công thần của nhà Nguyễn. Cùng với Võ Tánh, ông đã ra sức cố thủ thành Bình Định trong nhiều tháng dài, cầm chân được đội quân hùng mạnh của nhà Tây Sơn, tạo cơ hội cho chúa Nguyễn vượt biển đánh lấy được kinh đô Phú Xuân, hoàn thành công cuộc thống nhất Việt Nam.
Trận thành Bình Định hồi đầu thế kỷ 19, Ngô Tùng Châu cùng Võ Tánh đã bị Trần Quang Diệu của Tây Sơn vây hãm suốt 14 tháng, rồi cuối cùng đành bị thúc thủ vì đã bị chặn mọi đường tiếp viện. Võ Tánh đã sai người trao cho Trần Quang Diệu một bức thư, nội dung là xin được tha cho toàn bộ binh sĩ, rồi cùng với Ngô Tùng Châu tuẫn tiết tại thành. Cảm động trước sự trung dũng của 2 tướng giữ thành của phe đối địch, Trần Quang Diệu sai người tẩm liệm hai ông tử tế, rồi y theo lời yêu cầu của Võ Tánh, tha cho toàn bộ hàng binh nhà Nguyễn về với gia đình.
Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm
Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Quận 1 đi ngang qua Thảo Cầm Viên hiện nay được đặt tên từ ngày 22/3/1955, đổi từ tên đường Angier thời Pháp thuộc. Tuy nhiên đây không phải là con đường mang tên Nguyễn Bỉnh Khiêm đầu tiên ở Sài Gòn. Trước đó, có một con đường khác nằm ở Chợ Lớn dài 312m đã được chính quyền Quốc Gia Việt Nam của quốc trưởng Bảo Đại đặt tên Nguyễn Bỉnh Khiêm từ ngày 4/5/1954. Trước đó, đường không có tên, mang số 6.
Chỉ vài tháng sau đó, thủ tướng Ngô Đình Diệm truất phế Bảo Đại để lên làm tổng thống, đặt lại tên đường toàn bộ Sài Gòn, trong đó có tên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm ở quận Nhứt như đã nói ở trên từ tháng 3 năm 1955. Từ lúc đó, đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn có 2 con đường tên Nguyễn Bỉnh Khiêm, nên đến ngày 6/10/1955, chính quyền đổi tên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Chợ Lớn thành Bạch Vân. Đường này vẫn giữ nguyên tên cho đến ngày nay, nằm ở Phường 5 Quận 5, nối từ bến Hàm Tử (cũ) đến đường An Bình, đi qua các ngã tư Bùi Hữu Nghĩa và Trần Tuấn Khải.
Điều đặc biệt, Bạch Vân cũng chính là biệu hiệu của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585).
Đường Nguyễn Du
Đường Nguyễn Du ở trung tâm Sài Gòn hiện nay được đặt tên từ năm 1955, sau khi sáp nhập 2 con đường mang tên Pháp trước đó là Taberd và Lucien Mossard.
Tuy nhiên, ngay từ năm 1943, chính quyền thuộc địa đã tôn vinh đại thi hào của người Việt bằng cách đặt tên đường mang tên Nguyễn Du. Đó là ngày 23/1/1943, con đường dài 145m ở khu Dakao trước đó mang số 8 được đổi thành đường Nguyễn Du. Đến tháng 3 năm 1955, chính quyền VNCH đổi tên lại tất cả các đường ở đô thành, trong đó có đường Nguyễn Du ở Quận Nhứt như đã nhắc đến ở trên. Từ lúc đó ở Sài Gòn có đến 2 đường mang tên Nguyễn Du, vì vậy đến ngày 6/10/1955, đường Nguyễn Du ở Dakao đổi tên thành Phan Tôn. Khi đó, đường Phan Tôn nối đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ) và Hiền Vương (nay là Võ Thị Sáu). Cách đặt này mang hàm ý, vì Phan Tôn đã cùng với những người con của Phan Thanh Giản chiêu tập nghĩa quân chống Pháp.
Tên đường Phan Tôn vẫn còn giữ cho đến ngày nay, nhưng đường Phan Thanh Giản sau 1975 đổi thành Điện Biên Phủ.
Đường Nguyễn Đình Chiểu
Cụ Đồ Chiểu là người chống Pháp quyết liệt, tuy nhiên có điều thú vị là ngay từ năm 1950, sau khi người Pháp trở lại chiếm Sài Gòn rồi xây nhà giam Chí Hòa, họ mở con đường trước cổng nhà giam và đặt tên đường này là Nguyễn Đình Chiểu từ ngày 30/1/1950.
Đến ngày 22/3/1955, chính quyền VNCH đổi tên đường d’Arfeuilles ở Tân Định thành đường Nguyễn Đình Chiểu. Từ lúc này, Sài Gòn có 2 tên đường Nguyễn Đình Chiểu, vì vậy đến 6/10/1955, chính quyền đổi tên đường Nguyễn Đình Chiểu ở bên Chí Hòa thành đường Hòa Hưng.
Tên đường Hòa Hưng vẫn được giữ nguyên cho đến ngày nay, vốn là tên một thôn của tỉnh Gia Định cũ có từ triều Minh Mạng, nằm ở chính vị trí đường Hòa Hưng ngày nay. Tại làng Hòa Hưng thời cuối thế kỷ 18, nhà giáo Võ Trường Toản mở trường dạy học, đào tạo được nhiều nhân tài. Khi qua đời, Võ Trường Toản được an táng ngay tại Hòa Hưng, nơi ông ngồi dạy học. Sau khi Pháp chiếm được 3 tỉnh Nam kỳ năm 1862, Kinh lược sứ Phan Thanh Giản và Đốc học Vĩnh Long Nguyễn Thông đã cải táng di cốt của Võ Trường Toản (cùng vợ và con) về xã Bảo Thạnh (Ba Tri, Bến Tre), với ý nghĩa là không để mộ thầy nằm trong vùng cai quản của quân xâm lược. Lúc đó Nguyễn Đình Chiểu có đến dự lễ rước.
Nói thêm về tên đường Nguyễn Đình Chiểu, sau năm 1975, đường Nguyễn Đình Chiểu ở Tân Định đổi tên thành Trần Quốc Toản cho đến nay. Thay vào đó, đường tên Phan Đình Phùng trước 1975 ở Quận Ba được đổi tên thành đường Nguyễn Đình Chiểu như hiện nay. Tên đường Phan Đình Phùng được đẩy qua phía bên kia cầu Kiệu, đặt cho con đường trước 1975 tên là Võ Di Nguy của tỉnh Gia Định cũ.
Riêng đường Trần Quốc Toản trước 1975 vốn là con đường mang tên 3 Tháng 2 của hiện nay.
Đường Đặng Nguyên Cẩn
Con đường ở Quận 6 được chính quyền Bảo Đại đặt tên là Đặng Nguyên Cẩn từ năm 1952 và vẫn còn cho đến nay, thuộc địa bàn 2 quận 6 và 11, từ ngã 3 chợ Bình Thới đến đường Kinh Dương Vương.
Lúc ban đầu, đường Đặng Nguyên Cẩn chỉ có từ đoạn ngã tư Tân Hòa Đông đến Bà Hom, đến năm 1998 mới được mở rộng như ngày nay.
Đặng Nguyên Cẩn (1866-1923) là nhân sĩ yêu nước quê ở Nghệ An. Ông đỗ Phó bảng, nổi tiếng là người hay chữ, làm quan tại Huế, rồi thành Đốc học tỉnh Nghệ An, Bình Thuận. Là quan triều đình nhưng ông cổ động phong trào Đông Du, Duy Tân của nhóm Minh Xã. Năm 1908, ông bị Pháp bắt vì ủng hộ phong trào xin sưu thuế của người dân các tỉnh kiền Nam Trung kỳ, bị kết án chung thân đày ra Côn Đảo. Năm 1921 ông được ân xá và trả tự do, nhưng chỉ 2 năm sau thì qua đời ở tuổi 57.
Đông Kha – chuyenxua.net