Nhà hát Thành Phố ở Sài Gòn từng mang tên là “Nhà Văn Hóa” trong giai đoạn nào?

Tên chính thức ngày nay của tòa nhà trong hình này là Nhà hát TpHCM.

Tên của tòa nhà này theo các thời kỳ là:

1900-1954: Municipal theatre (tiếng Pháp là Nhà hát thành phố)
1955-1963: Trụ sở Quốc Hội
1964-1967: Nhà Văn Hóa
1967-1975: Trụ sở Hạ Nghị Viện
Sau 1975: Nhà hát TpHCM

Như vậy có thể thấy sau hơn nửa thế kỷ làm nhiệm vụ đúng với công năng ban đầu, tới năm 1955 Nhà hát đã trở thành một cơ quan lập pháp của quốc gia (trụ sở Quốc Hội):

Giai đoạn người Mỹ hiện diện nhiều ở Sài Gòn trước 1975, họ gọi tòa nhà này là Opera House, dù lúc đó phần lớn thời gian tòa nhà này là trụ sở chính trị, là nơi họp quốc hội, trừ một thời gian ngắn nó mang tên Nhà Văn Hóa, như trong các hình bên dưới.

Vì sao tòa nhà lại từng mang tên này?

Sau đảo chánh 1/11/1963 lật đổ nền đệ nhất Cộng Hòa, Hội đồng Quân nhân Cách mạng được thành lập và quyết định giải tán chính phủ, quyền hành pháp tạm thời do Hội đồng nắm giữ thông qua một chính phủ lâm thời.

Trụ sở họp “Hội Đồng Nhân Sĩ”

Quốc hội cũ – cơ quan lập pháp – cũng bị giải tán, thay vào đó là Hội đồng Nhân sĩ – cơ quan cố vấn dân sự cho chính quyền quân sự của Hội đồng Quân nhân Cách mạng. Lúc đó Hội đồng Nhân sĩ giữ nhiệm vụ và có quyền hạn của một cơ quan lập pháp tạm thời trong lúc chờ đợi Hiến pháp và Quốc hội mới. Ngoài ra, nó còn đóng vai đối lập với chính quyền, một vai trò thể hiện dân chủ trong giai đoạn quân nhân nắm quyền. Hội đồng nhân sĩ này họp ở Hội trường Diên Hồng (nay là trụ sở của Sở giao dịch chứng khoán), vì vậy trụ sở Quốc Hội cũ (tức Nhà hát) không còn làm nhiệm vụ của cơ quan lập pháp nữa, nên từ cuối năm 1963, người ta gỡ tấm bảng Quốc Hội trên tòa nhà, thay vào đó là chữ Nhà Văn Hóa.

Sau khoảng 3 năm dưới chế độ quân quản, ngày 14 tháng 4 năm 1966 tướng Nguyễn Văn Thiệu (chủ tịch Ủy ban lãnh đạo Quốc Gia) quyết định tổ chức bầu cử Quốc hội Lập hiến, ngày 27 tháng 9 năm 1966, Quốc hội Lập hiến mở màn. Lúc này Quốc Hội có lưỡng viện, Thượng Nghị Viện họp tại trụ sở là Hội trường Diên Hồng, còn Hạ Nghị Viện họp tại trụ sở Quốc Hội cũ, tức Nhà hát.

Vì vậy từ cuối năm 1966, tấm bảng Nhà Văn Hóa được hạ xuống và thay bằng chữ Hạ Nghị Viện, đến năm 1975 thì lưỡng viện ở Sài Gòn bị giải tán, sau Nhà hát được trở lại với công năng ban đầu.

Nhà hát năm 1979, lúc này có chữ Nhà Hát Thành Phố

Một số hình ảnh khác cùa tòa nhà khi mang tên Nhà Hát Thành Phố:

   

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận