Bệnh viện Đa Khoa Sài Gòn trên đường Lê Lợi hiện nay, nằm ở gần chợ Bến Thành, được xây dựng vào năm 1914, chỉ sau ngôi chợ này 2 năm.
Ban đầu, bệnh viện này được đặt tên là Dejean de la Bâtie, nằm trên đại lộ mang tên Bonard. Xin nhắc lại rằng đường Bonard trước đó chỉ dài từ Opera House tới đường Mac-Mahon. Đường Mac-Mahon sau 1955 là đường Công Lý (nay là NKKN). Đến năm 1914, khi chợ Bến Thành mới được xây dựng xong thì đại lộ Bonard cùng được nối dài từ quảng trường Francis Garnier (nay là công trường Lam Sơn) đến quảng trường Cuniac (nay là quảng trường Quách Thị Trang), và đó cũng là thời điểm bệnh viện Dejean de la Bâtie được xây dựng nằm trên đường Bonard đoạn vừa được nối dài đó.
Lịch sử bệnh viện Saigon bắt đầu từ bác sĩ Theodose Dejean de la Bâtie (Ông cũng là bác sĩ làm việc và sau đó làm giám đốc bệnh viện Chợ Quán). Từ tháng 4 năm 1903, ông đã tự bỏ tiền ra để lập phòng chữa bệnh miễn phí cho dân chúng Saigon-Gia Định ở đường Rue d’Adran (đường Võ Di Nguy, nay là Hồ Tùng Mậu).
Bác sĩ Bâtie mất năm 1912, khi mới 47 tuổi. Người thay thế ông điều hành phòng chữa bệnh là bác sĩ Montel đã vận động chính quyền được mở rộng quy mô phòng khám vì bệnh nhân mỗi lúc một đông.
Năm 1914, gia tộc Hui Bon Hoa đã hiến tặng mảnh đất gần chợ Bến Thành để xây bệnh viện (lúc này “Chú Hỏa” đã qua đời nên công ty Hui Bon Hoa do những người con của ông điều hành).
Hội đồng thành phố Sài Gòn đã thông qua việc dời phòng khám nhỏ của Montel đến địa điểm rộng rãi hơn do Hui Bon Hoa tặng bên đại lộ Bonard (đại lộ vừa được nối dài tới chợ Bến Thành mới xây), đồng thời quyết định lấy tên bác sĩ Dejean de la Bâtie đặt tên cho bệnh viện (Polyclinique Dejean de la Bâtie). Người Pháp thường gọi bệnh viện này bằng những cái tên khác nữa là Polyclinique du boulevard Bonard (Bệnh viện đa khoa trên đại lộ Bonard), Polyclinique du Marché (Bệnh viện đa khoa Chợ, vì nó gần Chợ Bến Thành).
Một số hình ảnh bên trong bệnh viện lúc nó vừa mới được xây dựng xong:
–
–
–
Từ lúc được xây dựng cho đến năm 1939, bệnh viện liên tục được nâng cấp và xây thêm, tổng chi phí là 185000 piastres (tiền Đông Dương), trong đó gia tộc Hui Bon Hoa ngoài hiến đất còn góp thêm 38000 piastres.
Ngoài ra, một nghị định năm 1938 của Đốc lý Sài Gòn đã đặt tên của bác sĩ Montel cho dãy nhà bên phải của bệnh viện, còn tên Hui Bon Hoa được đặt cho dãy nhà bên trái, để ghi công lao của 2 người này trong việc xây dựng và phát triển bệnh viện. Vì vậy, thời gian này người dân cũng quen gọi đây là Nhà thương Chú Hỏa.
Một số hình ảnh cựu hoàng Bảo Đại đến thăm bệnh viện:
Từ năm 1955, bệnh viện đổi tên chính thức thành Bịnh viện Sài Gòn, nhưng người dân vẫn quen gọi tên là Nhà Thương thí (vì nơi đây khám chữa bệnh hoàn toàn miễn phí). Ngoài ra Bịnh viện Sài Gòn còn thường được gọi bằng những cái tên khác là Y viện Sài Gòn hoặc Bịnh vện Đô Thành.
Năm 1985, Bịnh viện Sài Gòn sáp nhập với Trung Tâm Cấp Cứu Thành phố. Năm 1999, Trung tâm này trở thành Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn với 250 giường.
Đông Kha – chuyenxua.net