Lịch sử những đường phố Sài Gòn xưa: Đường Hồng Thập Tự (Nguyễn Thị Minh Khai) – Tuyến đường cổ xưa nhất Sài Gòn còn lại đến nay

Con đường mang tên Hồng Thập Tự ngày xưa (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai) là một trong những tuyến đường quan trọng bậc nhất của Sài Gòn. Đường Hồng Thập Tự trước 1975 tương ứng với đường Nguyễn Thị Minh Khai (giai đoạn từ sau năm 1991), nối từ cầu Thị Nghè đến ngã 6 Cộng Hòa.

Đây là một trong những con đường cổ xưa nhất của Sài Gòn, chính là một trong 3 đường thiên lý (đường Cái Quan) xuất phát từ Sài Gòn, cũng là đường thiên lý quan trọng nhất đi về phía Bắc thẳng hướng kinh đô Huế, được hình thành ngay từ khoảng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 (2 đường còn lại là đường Thiên Lý phía Tây tương ứng với đường CMT8 – Trường Chinh hiện nay đi về hướng Cao Miên, và đường Thiên Lý phía Nam tương ứng với đường Nguyễn Trãi ngày nay đi từ Sài Gòn ra Chợ Lớn rồi về lục tỉnh).

Khi người Pháp chiếm được thành Gia Định, họ gọi tên đường này là stratégique (đường chiến lược). Khi Sài Gòn bắt đầu được quy hoạch thành một đô thị lớn, con đường huyết mạch này được đánh số là đường 25, rồi đến năm 1865 thì con đường này chính thức mang tên Chasseloup Laubat.

Gần 10 năm sau đó, người Pháp mở ngôi trường công lập đầu tiên ở Sài Gòn ngay chính giữa con đường này, đặt tên là Collège Indigène (Trung học bản xứ). Đến năm 1928, trường trung học bản xứ được đặt lại tên theo tên của đường: Trường Collège Chasseloup Laubat. Từ năm 1955 đến nay, trường đổi thành tên Lê Quý Đôn.

Tên đường Chasseloup Laubat đã được giữ nguyên trong suốt 90 năm, trước khi được đổi tên thành Hồng Thập Tự vào năm 1955. Chasseloup Laubat (1754-1833) là tên của một bộ trường Pháp phụ trách thuộc địa.

Ở ngay góc đường Chasseloup Laubat – Verdun (sau 1955 mang tên Hồng Thập Tự – Lê Văn Duyệt, nay là đường NTMK-CMT8), thuộc khuôn viên vườn Bờ Rô (Vườn Tao Đàn) có một khu nhà là trụ sở của hội Hồng Thập Tự. Sau năm 1955, nơi này còn là trụ sở của bộ Y tế VNCH, nên khi Thuần Phong – Ngô Văn Phát được giao việc đặt tên lại cho toàn bộ tên đường Sài Gòn vào năm 1955, ông đã đổi tên đường Chasseloup Laubat thành Hồng Thập Tự.

Tên đường Hồng Thập Tự đã tồn tại tròn 20, đến tháng 8 năm 1975 thì được gộp chung với đường Hùng Vương và đổi tên thành Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh lúc này kéo dài từ ngã 6 Cộng Hòa cho đến tận Thanh Đa, bao gồm các đường cũ là Hồng Thập Tự (từ ngã 6 Cộng Hòa đến cầu Thị Nghè) và đường Hùng Vương (từ cầu Thị Nghè đến Thanh Đa).

Đến năm 1991, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đoạn từ ngã 6 Cộng Hòa đến cầu Thị Nghè (tương ứng với đường Hồng Thập Tự cũ) được tách thành con đường mang tên Nguyễn Thị Minh Khai cho đến ngày nay.

Từ năm 1975 đến 1991, đường mang tên Nguyễn Thị Minh Khai vốn là con đường Pasteur được đặt tên từ năm 1955, nhưng bị đổi tên sau 1975, đến năm 1991 thì đường này được trả lại tên Pasteur (như hiện nay), vì vậy chính quyền đã tách đường Xô Viết Nghệ Tĩnh ra thành đoạn mang tên Nguyễn Thị Minh Khai từ năm 1991 đến nay.

Sau đây mời các bạn xem lại hình ảnh đường Hồng Thập Tự xưa qua từng góc đường (Hình ảnh sưu tầm từ trang manhhai flickr)

Khởi đầu đường Hồng Thập Tự sẽ là cầu Thị Nghè, là vị trí ngăn cách 2 đường Hồng Thập Tự và Hùng Vương (Đoạn đường Hùng Vương này thuộc tỉnh Gia Định, tương ứng với đường Xô Viết Nghệ Tĩnh ngày nay):

Cầu Thị Nghè

Ngay đầu đường Hồng Thập Tự là Thảo Cầm Viên Sài Gòn, thường hay được gọi là Sở Thú, là công viên Bách Thảo – Vườn Thú nổi tiếng của Sài Gòn, được bắt đầu xây dựng năm 1865, là vườn thú lâu đời, có tuổi thọ đứng hàng thứ 8 trên thế giới.

Cho đến thập niên 1990, Sở Thú vẫn là một địa điểm quen thuộc cho những buổi vui chơi, thư giãn cuối tuần của người dân Sài Gòn và những tỉnh lân cận.

Thảo Cầm Viên nằm trên Nguyễn Bỉnh Khiêm và đi qua 3 con đường Hồng Thập Tự, Thống Nhứt và Cường Để (nay là NTMK, Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng), có cổng chính nằm bên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm:

Đường vào Thảo Cầm Viên từ cổng sau phía đường Hồng Thập Tự (đầu cầu Thị Nghè)

Một số hình ảnh khác của ngã 4 Hồng Thập Tự – Nguyễn Bỉnh Khiêm:

Từ ngã tư Hồng Thập Tự – Nguyễn Bỉnh Khiêm nhìn về phía Thị Nghè

Từ Hồng Thập Tự – Nguyễn Bỉnh Khiêm đi tới một chút sẽ đến một khu vực có nhiều địa điểm nổi tiếng: Sân vận động Hoa Lư, nơi nhiều lần diễn ra đại hội nhạc trẻ thu hút hàng chục nghìn người. Sân Hoa Lư nằm ngay ngã tư Hồng Thập Tự – Đinh Tiên Hoàng, cũng là nơi đặt trụ sở của đài truyền hình, bên cạnh đó còn có trường đại học Văn Khoa (nay là trường ĐH KHXHNV), là nơi ca sĩ Hoàng Oanh và Thanh Lan từng theo học.

Đường Hồng Thập Tự đoạn giữa Nguyễn Bỉnh Khiêm và Đinh Tiên Hoàng. Tòa nhà cao là trụ sở Điện Lực, phía sau tòa nhà điện lực này sẽ là Sân vận động Hoa Lư. Cô nữ sinh áo dài đang đi từ hướng Đinh Tiên Hoàng về phía Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bên trái hình này là đài truyền hình-

Ngay góc đường Hồng Thập Tự – Đinh Tiên Hoàng/Cường Để có 2 khu nhà ở 2 bên. Khu nhà trong hình này là Đại học Canh Nông, đối diện bên kia đường là đài truyền hình. Tòa nhà này trước kia là doanh trại của Trung đoàn 11 Bộ binh Thuộc địa Pháp.

Ngã tư Hồng Thập Tự – Đinh Tiên Hoàng. Bên trái là đại học Canh Nông, bên phải là đài truyền hình. Phía sau lưng người chụp hình còn có 2 tòa nhà của đại học Văn Khoa (bên phải) và đại học Dược (bên trái). Ngày nay 2 tòa nhà này vẫn còn, nằm ở góc đường Cường Để – Thống Nhứt (nay là Đinh Tiên Hoàng – Lê Duẩn)

Khu vực sân Hoa Lư và đài truyền hình nhìn từ trên cao. Đường Hồng Thập Tự là đường xéo từ góc trên bên trái xuống góc dưới bên phải

Góc hình khác thể hiện đường Hồng Thập Tự với 1 bên là sân Hoa Lư, một bên là đài truyền hình. Góc dưới bên phải là ra tới ngã 4 với đường Đinh Tiên Hoàng, góc trên bên trái là đi Thị Nghè

Đường Hồng Thập Tự – bên trái là đài Truyền hình, bên phải là sân Hoa Lư, phía xa là nhà thờ Mạc Ty Nho gần ngã tư Hồng Thập Tự – Đinh Tiên Hoàng

Ngã tư Đinh Tiên Hoàng – Hồng Thập Tự, cạnh đài truyền hình

Góc đường Cường Để/Đinh Tiên Hoàng và Hồng Thập Tự

Ngã tư Hồng Thập Tự – Cường Để / Đinh Tiên Hoàng, góc nhìn hướng về phía Dakao

Hình khác của góc ngã tư này. 4 ông cháu đang ngồi ngắm phố ngay bên cạnh đài truyền hình

Từ ngã 4 này, đi thêm 2 giao lộ nữa sẽ đến Hồng Thập Tự- Hai Bà Trưng:

Đường Hai Bà Trưng, lề đường bên hông Tòa đại sứ Pháp. Phía xa là ngã tư Hai Bà Trưng – Hồng Thập Tự

Đường Hồng Thập Tự, bên trái là ngã tư Hồng Thập Tự – Hai Bà Trưng, bên phải là phía trước trụ sở Tổng Hội SV Saigon (nay là nhà văn Thanh Niên cổng chính ở đường Phạm Ngọc Thạch)

Tháp nhà thờ Đức Bà nhìn từ góc Hai Bà Trưng – Hồng Thập Tự. Hình chụp năm 1947

Ngã tư Hai Bà Trưng-  Hồng Thập Tự. Tòa nhà chỗ này một thời gian là Café TRUNG NGUYÊN ở số 104 Hai Bà Trưng. Ngày nay (2021) là nhà hàng Sushi Saiko

Một góc ảnh tương tự hình bên trên

Ngay góc ngã tư ngày còn có Tòa đại sứ Pháp, số 27 Hồng Thập Tự, ngày nay vẫn là tòa đại sứ Pháp, ở số 27 Nguyễn Thị Minh Khai

Đi một đoạn nữa sẽ đến ngã 4 Hồng Thập Tự – Duy Tân (nay là Nguyễn Thị Minh Khai – Phạm Ngọc Thạch). Sau đây là một số hình ở góc đường này:

Nữ sinh đang ở trước số nhà 84 Hồng Thập Tự, nằm ở góc Hồng Thập Tự – Duy Tân

Cảnh sát công lộ đang làn nhiệm vụ ở ngã 4

Xe dừng ngay ngã 4

Ở ngay góc ngã 4 này có một căn villa nổi tiếng vẫn còn lại cho đến ngày nay

Trước 1975, đây là tư gia của ông bà Ưng Thi (chủ rạp Rex). Có một thời gian ông bà Trần Văn Chương (song thân của bà Nhu) ở đây. Sau năm 1975, có một thời gian nơi này là trụ sở Tổng lãnh sự quán Trung Quốc. Sau khi lãnh sự quán chuyển qua đường Hai Bà Trưng như hiện nay, tòa nhà này được cho thuê để mở nhà hàng Con Gà Trống. Tuy nhiên vào năm 2020, nhà hàng Con Gà Trống cũng đóng cửa vì ảnh hướng của đại dịch

Đi một đoạn nữa sẽ gặp ngã 4 Hồng Thập Tự – Pasteur, nơi có địa điểm nhận diện quen thuộc suốt hơn 60 năm qua, đó là cây xăng. Trước 1975 đây là cây xăng SHELL, nay vẫn là cây xăng, của Petrolimex:

Ngã tư Hồng Thập Tự-Pasteur

Đi một đoạn ngắn nữa sẽ đến ngã 4 Hồng Thập Tự – Công Lý (Nay là NTMK – NKKN), nơi góc đường có trường Lê Quý Đôn, tức trường Collège Chasseloup Laubat cũ, là ngôi trường trung học công lập đầu tiên ở Sài Gòn. Đối diện bên kia của trường chính là bên hông của Dinh Độc Lập. Đây có thể gọi là trung tâm của con đường Hồng Thập Tự.

Góc Công Lý – Hồng Thập Tự. Tòa nhà trong hình là trường Lê Quý Đôn

Hàng cây xanh là bên trong khuôn viên Dinh Độc Lập

Khu ngã tư đông đúc Hồng Thập Tự – Công Lý

Từ ngã tư Hồng Thập Tự – Công Lý nhìn về phía cổng trường Lê Quý Đôn. Bên phải là trường, bên trái là khuôn viên Dinh Độc Lập

Hướng nhìn ngược lại với hình bên trên

Đường Hồng Thập Tự đi ngược về phía ngã tư với Công Lý. Bên phải là trường Lê Quý Đôn, bên trái là Dinh Độc Lập

Bên trái là tường rào dinh Độc Lập, phía trước là ngã tư Hồng Thập Tự – Công Lý. Bên trái hình này là trường Lê Quý Đôn. Hình này được chụp năm 1968, khi khói lửa lan tới đô thành nên đường phố giăng nhiều rào kẽm gai

Tường rào dinh Độc Lập, bên trong là nhà bát giác được xây trên một gò đất cao trong khuôn viên. Người đạp xích lô đang đi trên đường Hồng Thập Tự hướng về ngã tư với đường Công Lý, nếu quẹo phải thì sẽ đến cổng chính của dinh Độc Lập

Đường Công Lý đi ra góc ngã tư Hồng Thập Tự. Tường màu vàng của trường Lê Quý Đôn, bên kia đường là góc khuôn viên Dinh Độc Lập (nhà bát giác)

Ngay bên cạnh trường Lê Quý Đôn là trụ sở Việt Nam Thông Tấn Xã, sau 1975 trở thành Nhà in của Thông tấn xã Việt Nam (ITAXA).

Đi một chút nữa, hết khuôn viên Dinh Độc Lập sẽ gặp ngã 3 Hồng Thập Tự – Huyền Trần Công Chúa. Đường Huyền Trần Công Chúa là con đường đặt biệt, chiều dài của nó vừa bằng chiều rộng của khuôn viên Dinh Độc Lập, nằm ở phía sau dinh, nối đường Hồng Thập Tự và đường Nguyễn Du. Con đường nhỏ này rất vắng, có 2 hàng cây cao thẳng tắp che bóng mát. Sau năm 1968, có thời gian đường Huyền Trần Công Chúa bị rào chặn để đảm bảo an ninh cho dinh tổng thống.

Từ đầu đường Hồng Thập Tự nhìn vô đường Huyền Trân Công Chúa. Bên trái là Dinh Độc Lập, bên phải là khuôn viên Vườn Tao Đàn

Đi một chút nữa sẽ đến ngã 4 Hồng Thập Tự – Trương Công Định/Đoàn Thị Điểm (nay là NTMK – Trương Định).

Con đường Trương Định đi xuyên qua Vườn Tao Đàn (nay là công viên Tao Đàn), có cây rợp bóng mát:

Đường Trương Công Định (nay là đường Trương Định) đi xuyên qua Vườn Tao Đàn

Vườn Tao Đàn thời Pháp thường được gọi là Vườn Ông Thượng, hoặc vườn Bờ Rô, ban đầu vốn là vườn phía sau lưng Dinh Norodom (Dinh Độc Lập), sau đó tách ra thành khu riêng bằng cách mở con đường mang tên Poulo Condor (Côn Đảo), sau đó đổi tên thành Miss Clavell. Từ năm 1955 đến nay thì con đường đó chính là Huyền Trân Công Chúa.

Sau đó có thêm một con đường cắt ngang qua khu vườn này nữa, mang tên Roze (sau 1955 tên là Trương Công Định, sau 1975 tên là Trương Định). Nối dài với đường Roze, cắt ngang với Chasseloup Laubat (Hồng Thập Tự) là đường mang tên Jardin (trong Tiếng Pháp mang nghĩa là “Vườn”), sau 1955 đường Jardin đổi tên thành Đoàn Thị Điểm. Sau 1975, đường Trương Công Định nhập với đường Đoàn Thị Điểm thành một đường tên là Trương Định như ngày nay

Đường Trương Công Định bên trong Vườn Tao Đàn, hướng ra phía Hồng Thập Tự

Cổng Vườn Tao Đàn phía đường Hồng Thập Tự

Đi qua cổng Vườn Tao Đàn một chút nhìn bên phải sẽ gặp ngã 3 Hồng Thập Tự – Bà Huyện Thanh Quan. Đối diện bên kia đường nhìn xéo sẽ thấy trụ sở Hồng Thập Tự và Bộ Y Tế:

Trụ sở Bộ Y Tế VNCH, nay là Sở Y Tế TPHCM

Ban đầu khu đất này là viện dục nhi năm 1917, nằm trong khuôn viên Vườn Ông Thượng, ngay góc đường Chasseloup Laubat – Verdun (sau 1955 mang tên Hồng Thập Tự – Lê Văn Duyệt, nay là đường NTMK-CMT8). Năm 1932, phần phía tây được giao cho hội Hồng Thập Tự. Một năm sau đó, viện dục nhi không còn và một phần của nơi này trở thành sở Y tế vào ngày 1 tháng 5 năm 1933, phần còn lại trở thành Nhà thương thí Krautheimer, chưa bịnh miễn phí cho người nghèo.

Năm 1951, Hội Hồng Thập Tự Việt Nam chính thức được thành lập tại Sài Gòn, đặt trụ sở ở nơi này. Vì vậy mà năm 1955, con đường Chasseloup Laubat được đổi tên thành Hồng Thập Tự. Đồng thời trong cùng năm 1955, một phần của khu nhà này cũng là trụ sở của bộ Y Tế VNCH, nay là Sở Y Tế TPHCM.

Một số hình ảnh của góc ngã tư Hồng Thập Tự – Lê Văn Duyệt (nay là đường NTMK-CMT8):

Ngã tư Lê Văn Duyệt – Hồng Thập Tự. Bên kia là dãy nhà thuộc Bộ Y Tế

Xe màu trắng bên trái đang đi trên đường Hồng Thập Tự hướng từ phía ngã 6 Cộng Hòa về tới ngã 4 tới đường Lê Văn Duyệt. Dãy nhà ngói bên phải nằm trên đường Lê Văn Duyệt, hướng về phía đường Trần Quý Cáp (nay là đường Võ Văn Tần)

Ngã tư Hồng Thập Tự – Lê Văn Duyệt, góc có cây xanh là đường Hồng Thập Tự phía Vườn Tao Đàn. Góc ngã tư ở bên trái hình này ngày nay là cửa hàng máy tính Phong Vũ (dời từ đối diện bên kia đường qua)

Hình này cũng 1 góc ảnh của hình bên trên, nhìn nhìn lệch qua bên trái 1 chút về phía đường Lê Văn Duyệt. Lúc này căn nhà ngay góc đã xây lên lầu.

Đường nằm ngang là Lê Văn Duyệt, bên trái là ra trung tâm Saigon, bên phải là đi về phía vòng xoay Công trường Dân Chủ. Người chụp nhìn đứng ở ngã 4 nhìn về phía ngã 6 Cộng Hoà, quay lưng về phía vườn Tao Đàn. Khu nhà ở giữa hình sau này một thời gian là công ty máy tính Phong Vũ (nay đã đóng cửa và dời qua phía đối diện)

Biệt thự ở góc Hồng Thập Tự – Lê Văn Duyệt. Ông bà Ưng Thi (chủ rạp REX) có thời gian ở đây trước khi dọn về biệt thự lớn ở góc Đoàn Thị Điểm – Tú Xương. Những thanh niên nam nữ đang đứng trên lề đường Lê Văn Duyệt

Đường Hồng Thập Tự, đoạn gần rạp Olympic, hướng đi từ phía rạp Olympic (rạp Kim Chung) về trung tâm Sài Gòn. Đi thẳng lên phía trên của hình là ngã tư Hồng Thập Tự – Lê văn Duyệt. Ở giữa hình là khu nhà rất đẹp có thể nhìn rõ hơn ở hình bên dưới

Bên trái của khu căn hộ này là đi về phía ngã tư Hồng Thập Tự – Lê Văn Duyệt

Chiếc taxi con bọ đang đậu trước khu căn hộ của hình bên trên, phía trước là tới ngã tư Hồng Thập Tự – Lê văn Duyệt

Từ ngã 4 Hồng Thập Tự – Lê Văn Duyệt đi 1 chút nữa sẽ gặp cinema Olympic nổi tiếng, sau này là nơi đóng đô của đoàn Kim Chung, số 97 Hồng Thập Tự (nay trở thành trung tâm văn hóa).

Cinema Olympic

Đây là nơi đóng đô của đoàn Kim Chung khi nắm độc quyền rạp Olympic trong khoảng 10 năm, là nơi những tên tuổi lừng lẫy nhất của cải lương Miền Nam từng biểu diễn

Từ rạp Olympic đi tới chút nữa sẽ đến ngã 3 Hồng Thập Tự – Bùi Chu (nay là NTMK – Tôn Thất Tùng)

Đoạn đường Hồng Thập Tự ở giữa rạp Olympic và Bùi Chu

Ngay đoạn này còn có một địa điểm nổi tiếng, đó là CLB Thể Thao Saigon Cercle Sportif Saigonnais được xây từ năm 1925, nay là Cung văn hóa Lao Động:

Đường Hồng Thập Tự hướng về phía ngã 6 Cộng Hòa, bên phải là Cercle Sportif Saigonnais

Bên trong Cercle Sportif Saigonnais có hồ bơi được xây từ năm 1933, ngày nay vẫn còn

Từ Hồng Thập Tự – Bùi Chu đi thêm chút nữa sẽ gặp các đường cắt ngang rất nhỏ là Nguyễn Thượng Hiền, Lương Hữu Khánh.

Đường Hồng Thập Tự đoạn giữa Bùi Chu và Nguyễn Thượng Hiền. Cạnh bên xe tang là hẻm 153 Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay, chạy thẳng tới trường Nguyễn Bá Tòng, nay là trường Bùi Thị Xuân

Đi một chút nữa là sẽ gặp giao lộ quan trọng là Hồng Thập Tự cắt ngang Cống Quỳnh và Cao Thắng, nơi có bảo sanh viện Từ Dũ.

Từ đường Hồng Thập Tự nhìn vào đường Cống Quỳnh, bên trái là Bảo sanh viện Từ Dũ

Vào năm 1937, gia tộc Hui Bon Hoa (tức chú Hỏa) đã hiến mảnh đất riêng với diện tích 19.123m2 trên đường Arras cũ (nay là đường Cống Quỳnh) để xây bảo sanh viện mang tên Maternité Indochinoise.

Năm 1944, bệnh viện đổi tên thành Việt Nam Bảo sanh viện. Đến năm 1946 được đổi thành Maternité George Béchamps còn dân chúng thường gọi là “Nhà sanh Chú Hỏa”. Đến năm 1948, bệnh viện được mang tên của thái hậu triều Nguyễn: Từ Dụ, tuy nhiên đọc chệch là Từ Dũ và được đổi tên thành Bảo sanh viện Từ Dũ.

Đứng từ đường Cao Thắng nhìn qua đường Cống Quỳnh. Đường ngang là Hồng Thập Tự

Ngã ba Hồng Thập Tự – Cống Quỳnh. Đường Cống Quỳnh ở bên trái hình. Phía sau lưng lô cốt là khu vực bảo sanh viện Từ Dũ. Hình chụp năm 1968, khi khói lửa đã lan tới đô thành

Đường Hồng Thập Tự gần ngã ba với đường Cao Thắng

Góc Hồng Thập Tự – Cao Thắng

Các nữ sinh trên đường đến trường, góc ngã ba Hồng Thập Tự – Cao Thắng

Hồng Thập Tự – Cao Thắng

Từ góc Hồng Thập Tự – Cao Thắng nhìn ngược lại về phía trung tâm Sài Gòn. Bên tay phải là dãy nhà của Từ Dũ

Từ góc đường này, đi một chút nữa là sẽ kết thúc đường Hồng Thập Tự, đó là ngã 6 Cộng Hòa. Ngã 6 này được đặt theo tên con đường mang tên Cộng Hòa (nay là đường Nguyễn Văn Cừ). Trước khi ra tới ngã 6, đường Hồng Thập Tự cắt chéo đường Phạm Viết Chánh tạo thành mũi tàu:

Giao lộ Hồng Thập Tự – Phạm Viết Chánh. Bên trái là Hồng Thập Tự, bên phải là Phạm Viết Chánh, đường xe lửa chạy dọc theo Phạm Viết Chánh

Vòng xoay Ngã sáu Cộng Hòa. Các xe hơi đang tiến vào đường Hùng Vương. Phía xa là đường Hồng Thập Tự và Phạm Viết Chánh. Đường xe lửa sẽ chạy dọc theo đường Phạm Viết Chánh, vòng qua phía sau nhà thờ Huyện Sĩ rồi vào Ga Saigon (ga cũ ở chợ Bến Thành)

Đông Kha (chuyenxua.net)

 

2 bình luận về “Lịch sử những đường phố Sài Gòn xưa: Đường Hồng Thập Tự (Nguyễn Thị Minh Khai) – Tuyến đường cổ xưa nhất Sài Gòn còn lại đến nay”

  1. Bài viết đã quên trụ sở Hội Hồng Thập Tự , qua ngã tư Cao Thắng – H T Tự về phía ngã 6 Cộng Hòa .Bây giờ vẫn còn là Hội Chữ Thập đỏ, tôi không nhớ xây năm nào nhưng hồi còn nhỏ thập niên 60 tôi đã biết nó rồi ,tôi nghĩ tên đường là đặt theo trụ sở Hội ở đây .

    Trả lời
  2. Tac giả có lẽ không nhớ 1 tòa nhà rất nổi tiếng bên cạnh trường Lê Quý Đôn, số 120 Hồng Thập Tự la trụ sờ của Viêt Nam Thống Tấn Xã !

    Trả lời
  3. Con đường này tôi đã trọ học tại 2 địa chỉ:
    1. 492. Hồng Thập Tự (gần Ngã 6 Cộng Hòa, niên khóa 1972-1973) nhà của cô Tú Thanh, tiệm vải ngoài đường Tạ Thu Thâu)
    2. 18. Hồng Thập Tự ( gần Ngã tư Cường Để, niên khóa 1973-1974)
    Sau này chuyển qua 320/20. Trần Bình Trọng nhưng vẫn thường xuyên đi lại con đường này…
    Rất, rất nhiều kỷ niệm…

    Trả lời

Viết một bình luận