Ngày nay, Thủ Dầu Một là trung tâm của tỉnh Bình Dương, cách Sài Gòn chỉ khoảng 20-30km. Thời thế kỷ 19, địa bàn tỉnh Thủ Dầu Một nguyên là vùng đất thuộc 2 huyện Bình An và Ngãi An, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa của triều Nguyễn. Sau khi kiểm soát được Biên Hòa theo hòa ước Nhâm Tuất (1862), người Pháp cải biến toàn tỉnh Biên Hòa thành hạt thanh tra Biên Hòa.
Năm 1866, quyết định của Soái phủ Sài Gòn tách địa bàn huyện Bình An và Ngãi An cũ khỏi Biên Hòa nhập thành một đơn vị để thành lập hạt thanh tra Bình An, đặt lỵ ở tại thôn Phú Cường. Tuy nhiên sau đó không lâu thì Ngãi An được tách thành một hạt thanh tra riêng (vùng đất Ngãi An tương ứng với Thủ Đức ngày nay). Lỵ sở huyện Bình An khi đó đặt tại thôn Phú Cường thuộc tổng Bình Điền.
Năm 1868, hạt thanh tra Bình An đổi tên thành hạt thanh tra Thủ Dầu Một.
Năm 1876, nghị định của Thống đốc Nam kỳ đổi tên hạt thanh tra thành hạt tham biện, hạt thanh tra Thủ Dầu Một trở thành hạt tham biện Thủ Dầu Một, thuộc khu vực hành chính thứ 1, các đơn vị hành chính cấp thôn đổi thành làng. Khi đó lỵ sở của hạt Thủ Dầu Một đặt ở làng Phú Cường. Ngày nay cái tên Phú Cường vẫn còn, là một phường của thành phố Thủ Dầu Một.
Năm 1888, quyết định giải thể hạt Thủ Dầu Một, hạ cấp xuống thành Đại lý hành chính, nhập địa bàn vào hạt tham biện Biên Hòa. Đến năm 1892, hạt Thủ Dầu Một lại được tái lập với địa bàn cũ.
Nghị định ngày 20/12/1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tên gọi các hạt tham biện trên quản hạt Nam kỳ thành Tỉnh (Province) kể từ ngày đầu tiên của thế kỷ 20 (1/1/1900), từ đó hạt tham biện Thủ Dầu Một được gọi là tỉnh Thủ Dầu Một cho đến năm 1956.
Tháng 10 năm 1956, chính quyền VNCH chia Thủ Dầu Một thành các tỉnh Bình Dương, Bình Long. Ngoài ra, một phần khác của tỉnh Thủ Dầu Một cũng được cắt ra, nhập với một phần của tỉnh Biên Hòa để trở thành tỉnh mới Phước Long. Năm 1976, 3 tỉnh Bình Dương, Bình Long và Phước Long nhập thành tỉnh Sông Bé, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Thủ Dầu Một, đến năm 1997 tách trở lại thành 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước (Bình Phước là tên gọi của 2 tỉnh cũ Bình Long – Phước Long).
Tên gọi Thủ Dầu Một xuất phát từ việc ngày xưa xứ này là một rừng cây dầu cổ thụ, xưa kia đồn binh canh giữ tại huyện lỵ Bình An nằm trên ngọn đồi có cây dầu lớn, người ta quen gọi là Thủ Dầu Miệt, trong đó Thủ là “giữ”, còn “miệt” là vùng đất (giống như miệt xứ). Dần dần Thủ Dầu Miệt trở thành Thủ Dầu Một.
Ngày nay, hình tượng trái dầu xuất hiện chính thức tại một số công trình ở trung tâm Thủ Dầu Một, đó là tại chợ Thủ Dầu Một hoặc bùng binh ngã 6 Thủ Dầu Một. Trung tâm Thủ Dầu Một xưa là Phú Cường, lỵ sở của hạt thanh tra Thủ Dầu Một hồi thế kỷ 19.
Là địa danh có lịch sử lâu đời, hiện nay vùng đất Phú Cường vẫn còn lại nhiều di tích thời Pháp, và khu hành chính của tỉnh Thủ Dầu Một nằm trên một ngọn đồi ở Phú Cường đã có từ khoảng 100 năm trước. Khu hành chinh này cũng đã từng là trung tâm hành chính của tỉnh Sông Bé, tỉnh Bình Dương, ngày nay là trung tâm hành chính của thành phố Thủ Dầu Một.
Sau đây mời các bạn xem lại một số hình ảnh xưa của thị xã Phú Cường thuộc tỉnh Thủ Dầu Một (trước 1956) và tỉnh Bình Dương (từ 1956 đến 1976):
–
Ngay góc ngã 6 này là nhà thờ lớn nhất Bình Dương, đó là Nhà thờ chính tòa Phú Cường:
Ở vị trí này, từ năm 1864 đã có ngôi nhà thờ đầu tiên được xây dựng, đến năm 1897 thì được xây lại ngôi nhà thờ thứ 2. Đến năm 1941 thì xây lại ngôi thứ 3, chính là nhà thờ trong hình này. Sau gần 70 năm sử dụng, ngôi nhà thờ này đã chập hẹp và xuống cấp nên ngôi nhà thờ thứ 4 (là nhà thờ hiện nay) được xây dựng và khánh thành năm 2014.
Cách Nhà Thờ không xa là ngôi chùa nổi tiếng của miền Nam, nơi hành hương của rất nhiều người vào tháng Giêng hàng năm, đó là Chùa Bà Thiên Hậu, được xây dựng từ khoảng 100 năm trước:
Nhắc đến Thủ Dầu Một, không thể không nhắc đến ngôi chợ đã được xây dựng từ năm 1935, đến nay vẫn còn giữ được phần nào dấu tích cũ:
Mặt tiền chợ có một tháp đồng hồ đến nay vẫn còn. Ngôi chợ hướng ra bờ sông Sài Gòn, là con sông ranh giới của Sài Gòn/Gia Định và Thủ Dầu Một. Đường dọc bờ sông này được gọi là đường Bạch Đằng. Ngay bờ sông chính diện có một bến tàu bên cạnh nhà bát giát gọi là chợ cá:
Những dãy nhà thương mại 2 bên chợ:
Hình ảnh chợ Phú Cường thập niên 1960:
–
–
–
–
Một số hình ảnh ở bờ sông, bến Bạch Đằng xưa:
–
Ở Phú Cường còn có một địa điểm nổi tiếng, đó là trường sĩ quan công binh trên đường Châu Văn Tiếp, thời Pháp là doanh trại Vassoigne của quân đội Pháp tại Thủ Dầu Một thập niên 1920, ngày nay là trường sĩ quan Công Binh nằm trên đường Nguyễn Văn Tiết.
–
–
–
–
–
Ra khỏi trường Công Binh, đi về hướng Củ Chi qua cầu Phú Cường. Trước năm 1963, Củ Chi thuộc địa phận của tỉnh Bình Dương, trước khi tách ra để nhập vào tỉnh Hậu Nghĩa. Tỉnh này chỉ tồn tại từ năm 1963 đến 1976.
Một số hình ảnh khác của Thủ Dầu Một:
–
Đông Kha – chuyenxua.net