Ngày nay, hầu hết người Việt đều quen thuộc với khái niệm “giờ dây thun”, nên xin phép bỏ qua khâu giải thích khái niệm, mà đi thẳng vào vấn đề, và vấn đề đó liên quan tới “chuyện xưa”, đó là: Người Việt Nam xài “giờ dây thun” từ bao giờ, vì sao người ta lại phát minh ra “giờ dây thun”?
Không có một nghiên cứu chính thức nào, và có lẽ cũng không có ai rảnh bỏ công tìm hiểu câu trả lời cho điều đó. Nhưng có một điều chắc chắn là người Việt xài giờ dây thun từ những năm thập niên 1930. Lúc đó khái niệm “giờ dây thun” chưa xuất hiện, nhưng nhà văn Hồ Biểu Chánh đã mô tả rất kỹ tình trạng trễ giờ đó, và giải thích lý do của sự trễ giờ trong tiểu thuyết mang tên “Đoạn Tình”, viết năm 1940.
Theo Hồ Biểu Chánh, những người đầu tiên xài “giờ dây thun” là những kẻ trưởng giả học làm sang, cố tình tới buổi tiệc trễ giờ để làm cho bản thân trở nên khác người, nhằm gây sự chú ý đối với mọi người. Họ cảm thấy việc bắt người khác phải chờ đợi mình sẽ làm cho bản thân trở nên “quan trọng” hơn trong mắt những người tới đúng giờ. Trong khi đó, những người tới đúng giờ buộc lòng phải chờ đợi những “kẻ quan trọng trễ giờ”, vì bữa tiệc đông đủ khách thì mới có thể khai tiệc.
Ai tới đúng giờ sẽ bị gọi là nhà quê. Còn người sang trọng, thượng lưu thì phải tới trễ giờ, hay là xài “giờ dây thun” theo cách gọi ngày nay, để cho người khác phải chờ đợi.
Sau đây là nguyên văn đoạn mô tả giờ dây thun trong truyện Hồ Biểu Chánh:
(chú thích: 2 nhân vật trong đoạn này là Kiểm và Thuần, đều là dân Tây học, nên nói chuyện với nhau xưng là Moa (tôi) và Toa (anh):
Vô tới tửu lầu “Tiểu Ðịa Võng”, Kiểm đậu xe sát trong lề đường, khoá máy kỹ lưỡng, kéo ống quần sửa bâu áo, rồi dắt vợ và Thuần lên lầu; nhạc đánh rập rình. Lúc lên thang Thuần đưa đồng hồ tay ra mà coi rồi nói với Kiểm:
– Ðã 8 giờ 40 rồi. Mình đi trễ một chút.
Kiểm day lại mà đáp:
– Thiệp mời 8 giờ 30 mình đến 8 giờ 40 mà trễ nỗi gì?
– Trễ 10 phút, chớ sao lại không trễ.
– Toa quê mùa quá. Theo lễ nghi của Việt Nam bây giờ, tiệc mời 8 giờ 30, nếu mình đến đúng giờ thì mình là nhà quê. Người sang trọng thượng lưu phải để 9 giờ rồi sẽ đến. Ðể lên lầu rồi toa sẽ biết, mình đến đây sớm hơn người ta nhiều.
– Lễ nghi gì mà kỳ vậy! Khách mời đông người, chớ không phải một mình mình. Nếu mình đi trễ để người ta chờ đợi thì mình thất lễ quá.
– Ấy! Bực sang trọng thì phải làm như vậy, phải để cho người ta chờ đợi, rồi họ đói bụng họ hỏi còn chờ ai nữa, đặng cho chủ tiệc nói: “Còn chờ ông nầy, còn thiếu ông kia”, làm thế ấy mới có danh, hiểu chưa?
– Danh gì vậy?… danh thất giáo hả?
– Không. Họ tính làm quảng cáo cho tên tuổi của họ chớ.
– Gớm quá!
– Còn nhiều cái gớm hơn nữa kia chớ!
Y như lời của Kiểm đoán trước, lên tới phòng tiệc thật quả Thuần chưa thấy một bạn nào hết.
—
“Giờ dây thun” là khái niệm ý nói về việc sai hẹn, hoặc không tôn trọng giờ giấc của đa số người Việt. Từ lâu, chuyện đám cưới mời 18h, mà tới 20h mới được cử hành hôn lễ, rồi tới 20h30 thì quan khách mới có chút bỏ bụng là chuyện thường tình ở các đám cưới.
Rồi rút kinh nghiệm từ việc khách khứa đi trễ, “nhà cưới” cũng “linh hoạt” điều chỉnh giờ trong thiệp mời: thay vì cô dâu chú rể 18h mới đứng ra đón khách, thì cứ ghi đại vào thiệp mời lúc… 17h, làm cho những người “nhà quê” đi đúng giờ, tới nơi không biết mình có đi nhầm ngày hoặc lộn chỗ hay không.
Có thể nói, giờ dây thun đã làm lãng phí bao nhiêu thời gian vàng bạc của nhiều người. Điều này rất phổ biến ở các đám tiệc ở các thành phố lớn, còn ở tỉnh lẻ thì không hiểu sao tình trạng đó ít hơn. Có nhiều người Sài Gòn về ăn đám cưới ở quê, thấy thiệp mời 18h30 dự tiệc, họ “trừ hao” giờ dây thun nên tới nơi lúc 19h30 thì tiệc đã gần tàn.
Hồi mới đi làm, nhiều lần tôi được đi gặp đối tác với sếp, nhận thấy rằng sếp càng to, thì họ càng đúng giờ trong việc hẹn với đối tác. Có lần đi với big boss, hẹn đối tác 17h, thì 14h30 tôi đã bị hối, để trừ hao thời gian di chuyển, và bảo đảm phải tới nơi trước giờ hẹn ít nhất là 10 phút. Đó là một trong những bài học đầu đời mà tôi học được từ những người sếp thành công trong sự nghiệp, đó là luôn nói không với “giờ dây thun”.
Đông Kha