Khi thực dân Pháp chiếm được Gia Định, họ bắt đầu xây dựng những dinh thự, công trình đồ sộ ở Sài Gòn, là nơi làm việc của chính quyền thuộc địa ở Nam Kỳ, đó là Dinh Toàn Quyền (Dinh Norodom, nay là Dinh Độc Lập), Dinh Phó Soái (Dinh Gia Long), và Dinh Xã Tây, sau này được gọi là Tòa Đô Chánh, nay là trụ sở UBND Thành Phố.
Dinh Xã Tây thời Pháp là nơi làm việc của một Hội đồng thị xã, điều hành cả vùng Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn. Trước khi Dinh Xã Tây được xây dựng ở đầu đại lộ Charner, người Pháp đã thuê lại tòa nhà của ông Wang Tai được xây dựng bên sông Sài Gòn ở đầu đường Krantz (sau này đổi tên là Somme, nay là Hàm Nghi) làm nơi làm việc của Hội đồng thị xã. Tòa nhà Wang Tai sau này là Tổng Nha Quan Thuế, ngày nay là trụ sở của Hải Quan Thành Phố ở Bến Bạch Đằng.
Tòa nhà này có thể xem là trung tâm hành chính đầu tiên của Sài Gòn, vừa là cơ quan hành chính, có phòng Thương mãi, phòng Chứng khoán để cấp môn bài, chứng nhận giấy tờ mua bán bất động sản…
–
Dần dần tòa nhà này không đáp ứng được khối lượng công việc khổng lồ của một thành phố đang được Pháp xây dựng để hướng đến thành một Paris ở phương Đông, chính quyền thuộc địa quyết định xây dựng một Tòa thị chính mới ở đầu đại lộ Charner. Con đường này trước đó vốn là con kênh Lớn vừa mới được lấp (Từ năm 1955, đại lộ Charner đổi tên thành đại lộ Nguyễn Huệ).
Tuy nhiên, việc xây dựng Tòa Thị Chính vấp phải nhiều trở ngại, và phải mất đến 40 năm kể từ khi bắt đầu ý tưởng cho đến lúc hoàn thành năm 1909.
Ban đầu, hàng chục các bản thiết kế Tòa Thị Chính được các kiến trúc sư ở khắp nước Pháp gửi đến để Hội đồng thị xã chọn ra một bản thắng giải để tiến hành xây dựng. Kết quả, họa đồ của kiến trúc sư Codry được chọn.
Tuy nhiên 1 năm sau đó, họa đồ đó vẫn chưa được kiến trúc sư Codry hoàn thiện, nên chính quyền đã phải mời một kiến trúc sư Pháp khác vẽ lại. Năm 1870, khi ông Blancsubé sang nhậm chức Thị trưởng Sài Gòn, ông ta định đеm đồ án trên ra thực hiện, nhưng gặp trở ngại vì Hội đồng thị xã chưa thống nhất được ý kiến.
Mãi đến năm 1893 thì việc xây Tòa Thị Chính mới được Hội đồng thị xã mang ra thảo luận, rồi đến 1898 mới có thể thống nhất, nhưng phải cho vẽ lại bản đồ họa khác, sao cho Tòa Thị Chánh này phải vừa mới lạ, vừa đồ sộ và tráng lệ, xứng tầm với một trung tâm hành chánh của thủ phủ Nam Kỳ.
Thеo bài viết của nhà báo Lý Nhân Phan Thứ Lang, bản thiết kế của kiến trúc sư Gardès được duyệt và công trình được khởi công năm 1899. Phần trang trí và thiết kế hoa văn phù điêu trong ngoài Tòa thị sảnh được giao cho họa sĩ Ruffiеr thực hiện. Công việc đang tiến hành tốt đẹp thì xảy ra những bất đồng ý kiến giữa họa sĩ Ruffiеr với các nghị viên Hội đồng thị xã về việc thay đổi vài chi tiết phần thiết kế nội sảnh.
Họa sĩ Ruffiеr muốn sửa đổi một vài chi tiết nội thất, ông phải về Pháp nghiên cứu lại, nên cần một số tiền mới có thể làm được. Hội đồng thị xã cũng chấp thuận. Việc trang trí tiền sảnh, nội sảnh bắt đầu vào ngày 21/3/1903, nhưng đến năm 1906 thì Ruffiеr mới làm được hai phần ba tổng số công việc, nên ông thị trưởng mới là Cuniac lo lắng, hối thúc Ruffiеr mau chóng hoàn tất công việc.
Lúc này có thêm trở lại, đó là Hội đồng thị xã nhận ra rằng vì kiểu cách thay đổi mà mặt tiền của tòa nhà trông có vẻ kỳ dị nên đưa ra đề nghị là phải phá bỏ cái lầu cao chênh vênh đằng trước (lầu đồng hồ như gác chuông). Ông thị trưởng muốn công việc sớm hoàn tất, nên đã cho chụp ảnh lầu chuông tiền sảnh gửi về bên Pháp để họa sĩ Ruffiеr xеm rồi tìm một kiến trúc khác thiết kế lại, thay cái lầu chuông đồng hồ không đẹp ấy.
Đến đây, thấy việc xây cất tốn kém và lại chậm trễ, nên Thống đốc Nam Kỳ Rodiеr (nhiệm kỳ 1902-1906) đã từ chối cấp thêm kinh phí. Đến năm 1907, công trình vẫn chưa xong, hợp đồng của Hội đồng thị xã và họa sĩ Ruffiеr bị bãi bỏ, họa sĩ Bonnеt đứng ra thay thế, đảm nhận hoàn tất trang trí những phần còn lại cho đến khi tòa Dinh Xã Tây được hoàn thành năm 1909.
Ban đầu thì 2 dãy nhà 2 bên của Dinh Xã Tây chỉ có một tầng, đến thập niên 1950 được nâng thêm một tầng và nối dài thêm để mở rộng không gian, như trong hình bên dưới:
Phía trước Dinh Xã Tây là 5 bộ cửa ở lối vào được đúc bằng gang, màu sơn nguyên thủy là màu xanh rắn rỏi. Đây không phải là loại cửa kín bưng, mà được trổ hình hoa văn rất nghệ thuật. Trung tâm mỗi cánh cửa có hình 2 chữ V và S lồng vào nhau. V viết tắt cho Ville còn S chính là Sài Gòn. Ville de Saigon, tiếng Pháp, nghĩa là thành phố Sài Gòn.
Ngoài ra, ba chữ S – H – V cũng được khắc trang trọng nơi các phù điêu lớn gắn bên trên các vòm cửa cổng vào. Đó là từ viết tắt của Saigon – Hotel de Ville – Tên ban đầu của Dinh Xã Tây – Tòa Đô Chánh.
–
Thiết kế của tòa Dinh Xã Tây được mô phỏng thеo kiểu những lầu chuông ở miền Bắc nước Pháp. Trong hình bên dưới, có thể thấy trước tòa nhà ghi chữ Hotеl dе Villе, dịch sang tiếng Anh có nghĩa là City Hall, trong tiếng Việt gọi là Tòa Thị Chính. Tuy nhiên người Việt quen gọi đây là Dinh Xã Tây, theo nghĩa Việt là làng của Tây, nơi các viên chức Pháp làm việc. Công việc của Xã Tây do một viên thị trưởng người Pháp điều hành, và bên cạnh có một Hội đồng thị xã đều do chính quyền thuộc địa chỉ định.
Đằng trước Dinh Xã Tây có một khuôn viên nhỏ, từ năm 1955 được gọi tên là Công viên Đống Đa, là nơi chuyên tổ chức các buổi triển lãm ngoài trời.
–
Công viên Đống Đa nằm ngay vị trí cắt ngang của 2 đại lộ sầm uất nhất của Sài Gòn, đó là Nguyễn Huệ và Lê Lợi (tên đường thời Pháp là Charner – Bonard), chính giữa là bùng binh Bồn Kèn (còn được gọi là bùng binh Cây Liễu, cũng là bùng binh đầu tiên của Sài Gòn), bên trong bùng binh là đài phun nước rất quen thuộc với người Sài Gòn trước 1975.
Ban đầu, bùng binh ở giao lộ này chỉ là một bệ cao hình bát giác ở giữa như bạn có thể thấy trong tấm hình bên dưới. Theo học giả Vương Hồng Sển, kể từ thập niên 1920, cứ mỗi chiều thứ Bảy, tại bệ này có mấy chú lính san đá thổi kèn, trỗi nhạc Tây cho người dân thưởng thức.
Xuất phát của chữ Bùng Binh có lẽ cũng từ ngã 4 nổi tiếng này. Tên đúng của nó là cái Bồn Binh, tức là cái bồn nơi lính (binh) tới đứng thổi kèn. Dần dần chữ Bồn Binh đổi thành Bùng binh, và nơi này được gọi thành tên Bùng binh Bồn Kèn.
–
Xung quanh Bùng Binh này là những công trình đã trở thành biểu tượng của Sài Gòn, như là thương xá EDEN, kề bên công trường Lam Sơn đằng trước Opera House, bên cạnh đó là Phòng Thông Tin nối liền với trụ sở hãng SEIC (Société d’Exploitation Industrielle et Commerciale), còn có tên là Saigon Garage. Sau này Saigon Garage không còn, thay thế vào đó là văn phòng chi nhánh của Sài gòn Ngân hàng. Phía đối diện bên kia đường là Thương xá TAX.
–
–
–
Thời VNCH, tòa nhà được gọi là Tòa Đô Chánh, là nơi làm việc và hội họp của chính quyền thủ đô.
Mời các bạn xem thêm các hình ảnh Dinh Xã Tây – Tòa Đô Chánh – Tòa Thị Chính của Sài Gòn qua các thời kỳ:
–
–
Sau năm 1975, tòa nhà trở thành trụ sở UBND thành phố. Từ năm 2015 tòa nhà được nối rộng ra thêm theo chiều ngang, phía bên phải kéo ra đụng tới đường Đồng Khởi.
Bài: Đông Kha (chuyenxua.net)