Hồi ngày xưa còn bé của tôi, ngày Tết Trung Thu còn gọi là Tết Thiếu Nhi, được bọn con nít háo hức chờ đợi đếm từng ngày như sắp đến Tết Nguyên Đán vậy. Còn gì vui hơn khi được cùng nhau đi xem múa lân, cùng rước đèn dưới ánh trăng ngà sau khi ăn bánh kẹo Trung Thu. Vì ở quê nghèo nên chúng tôi không được phá cỗ ăn bánh nướng bánh dẻo như các bạn ở trên phố
Trước Tết nửa tháng, thầy cô giáo đã cho học sinh làm lồng đèn để đem lên lớp chấm điểm thủ công, xong rồi học trò đem về nhà cất giữ cẩn thận để ngóng trông đến đêm rằm tháng 8 đi rước đèn. Chưa biết làm cái lồng đèn, tôi phải về nhờ mấy anh láng giềng làm giúp. Tre nan làm lồng đèn thì dễ quá, chỉ cần xuống hàng tre mép sông thì tha hồ mà chặt. Các anh tận tụy giúp đỡ hết lòng từ việc chặt tre, chẻ nan uốn thành đèn bánh ú hoặc đèn ngôi sao. Tiền ít, tôi chỉ mua được loại giấy “đục” còn bạn nào có tiền nhiều hơn thì mua loại giấy kiếng “trong” đem về cho mấy anh dán lên khung lồng đèn đủ màu xanh, đỏ, trắng, vàng.
Cái lồng đèn Trung thu của tôi hình bánh ú, đem nộp cho thầy dạy lớp của tôi. Không tha thiết gì đến điểm cao điểm thấp, chỉ lo tâng tiu cái lồng đèn, tôi đem về treo lên vách, ngày nào cũng ngắm nghía và trông cho đến lúc được rước đèn.
Rồi đêm Trung thu cũng đến, bọn trẻ í ới gọi nhau cùng rước đèn đi đến sân chùa, ở đây đã dọn sẵn một bàn bánh kẹo làm quà Trung Thu cho thiếu nhi. Khi bọn con nít cả xóm tập trung đông đủ rồi, các anh chị phật tử hướng dẫn cho tất cả ngồi lại thành vòng tròn, chúng tôi được phát mỗi đứa mấy cái bánh quy, mấy cái kẹo đậu phụng, vừa ăn vừa được anh chị kể cho nghe chuyện Thằng Cuội với chị Hằng. Những cặp mắt tròn xoe ngây thơ hướng lên mặt trăng tròn vạnh, tìm hình thằng Cuội ngồi gốc cây đa. .
Cả bọn được bắt nhịp hát bài hát Rước Đèn Tháng Tám:
Tết Trung thu rước đèn đi chơi,
Em rước đèn đi khắp phố phường.
Lòng vui sướng với đèn trong tay.
Em múa ca trong ánh trăng rằm.
Đèn kéo quân với đèn cá trắm,
Đèn thiên nga với đèn bươm bướm…
Click để nghe Rước Đèn Tháng 8 thu âm trước 1975
Sau đó cả bọn rước đèn ra đường cái đến ngã ba chợ. Bạn bè ở chợ thì chơi sang hơn, tụi nó chắc cũng nhờ anh chị làm đủ thứ lồng đèn cá chép, lồng đèn bươm bướm, còn trong xóm nghèo chúng tôi chỉ có lồng đèn bánh ú, sang hơn chút nữa là lồng đền ngôi sao năm cánh…
Cả bọn xóm nghèo cũng như xóm chợ cùng say mê rước đèn, những chiếc lồng đèn sặc sỡ đủ sắc màu lung linh làm chúng tôi quên cả tiếng trống múa lân dồn dập thúc gọi từ phía trên phố vọng dần về. Qua khỏi Đập Đá là phố đường Lê Lợi phồn hoa đèn xanh đỏ vui mắt, bên này đập là thôn Vỹ Dạ như vùng ngoại ô của thành phố đèn “ngọn tỏ ngọn lu”, chúng tôi mỗi lần ham theo đám múa lân lắm cũng chỉ theo đến bìa đập là rủ nhau quay về, không dám đi xa qua ranh giới của quê và phố.
Những cái Tết Trung Thu ngày xưa đã xa, mà màu sắc xanh đỏ tím vàng của những chiếc lồng đèn còn lung linh, tiếng trống múa lân còn thùng thình vang mãi trong ký ức.
Bây giờ lồng đèn ngôi sao, bánh ú thô sơ tự làm cũng thành kỷ niệm. Các cháu của tôi gần đến ngày Tết Thiếu Nhi, được cha mẹ mua cho những đồ chơi công nghệ điện tử chạy đèn sáng bằng pin.
Chúng không có được niềm vui háo hức ngồi nhìn cha mẹ vót từng nan tre, dán từng miếng giấy kiếng trong suốt đủ sắc màu lên khung sườn lồng đèn, tay chúng không bị dính nước sáp nóng hổi chảy từ cây nến thắp sáng trong lồng đèn, thắp lên ánh rực rỡ mãi trong những mùa vui thời trẻ thơ xa xưa.
Đời sống ngày nay văn minh phát triển, đồ chơi hiện đại cho Tết Trung Thu bán đầy đường phố, bánh trung thu cũng bày bán từ 2 tháng trước ngày rằm tháng 8. Các cháu của tôi đứa nào cũng lơ là không buồn đụng đến những cái bánh ngon và xinh đẹp đựng trong vỏ hộp sang trọng. Vừa mừng cho đời sống sung túc của các cháu, tôi vừa nhớ đến những ngày Tết Trung Thu thơ ấu của mình, bạn bè bẻ đôi chia nhau cái bánh, cắn đôi chia nhau cái kẹo, ăn Tết nghèo vậy mà vui!
Và để vui lây với niềm vui ngày Tết Thiếu Nhi của các cháu, tôi ra sau vườn chặt cây tre vào ngồi vót nan làm lồng đèn, vừa làm quà gửi xuống phố cho các cháu, vừa được quay trở về với những ngày cận Tết Trung Thu ngày xưa…
Bài: Trương Đình Tuấn
chuyenxua.net