Danh ca Thái Thanh có giọt ca vút cao là tên tuổi tiêu biểu của dòng nhạc trữ tình âm hưởng tiền chiến, dòng nhạc thường được biểu diễn thính phòng. Tuy nhiên bà cũng hát nhạc vàng, dòng nhạc thường dành cho đại chúng bình dân.
Trong một bài phỏng vấn, khi Thái Thanh được hỏi bà có hát nhạc vàng hay không, và bà có suy nghĩ như thế nào về loại nhạc mà nhiều người dè bỉu gọi thành “nhạc sến” này, danh ca Thái Thanh không ngại ngần bày tỏ:
Dùng chữ “sến” để chỉ những bài nhạc đó là thiếu lịch sự, và chắc chắn là tôi có hát những bài loại đó. Ngày xưa, có một ông nhạc sĩ, nay đã mất rồi, tôi không nhớ rõ tác giả nào, nói với tôi thế này: “Thái Thanh ạ, nếu có một loại nhạc gọi là nhạc sến thì tôi xin làm sến, vì Thái Thanh mới trình bày một bài hát với hình ảnh đẹp đẽ quá, tươi tắn quá, và nếu tôi là sến thì tôi sẽ may cái áo thật đẹp để mặc”.
Thực ra, nhạc vàng, hay nhiều người còn gọi là nhạc đại chúng, nhạc thời trang… có nhiều ca khúc có ranh giới thật mong manh với các dòng nhạc khác, khó có thể phân biệt rạch ròi bằng khái niệm. Ranh giới đó càng mong manh hơn nữa khi cùng 1 bài hát nhưng mỗi ca sĩ sẽ hát với phong cách và phối nhạc khác nhau. Trong bài viết này, xin nhắc lại 1 số ca khúc vốn được xếp vào dòng nhạc vàng – được danh ca Thái Thanh hát.
Click để nghe bài đọc về cuộc đời và sự nghiệp danh ca Thái Thanh
Một Mai Giã Từ Vũ Khí (Ngân Khánh)
Trong số những ca khúc nhạc vàng mà Thái Thanh đã chọn hát, đây là ca khúc nổi tiếng nhất. Cho dù trước năm 1975, bài hát này đã rất nổi tiếng qua giọng hát của 1 trong tứ trụ nhạc vàng là Duy Khánh, và sau 1975 có thêm bản thu âm của Chế Linh, nhưng Một Mai Giã Từ Vũ Khí phiên bản Thái Thanh vẫn được yêu thích vì cách hát luyến láy đặc biệt của bà.
Đây là một tình khúc thời chinh chiến, nói về khát vọng hoà bình của những người dân hiền lành. Trong ca khúc này, Thái Thanh đã rất tiết chế giọng của mình để bài hát trở thành một lời kể lể, tâm tình chứa chan tình cảm.
Click để nghe bài hát
Thôi (Y Vân – Nguyễn Long)
Ca khúc Thôi của nhạc sĩ Y Vân, lời của thi sĩ Nguyễn Long, một ca khúc rất buồn và nức nở nhất của nhạc vàng từng làm nên thương hiệu của ca sĩ Chế Linh. Giọng hát kéo dài lê thê, thổn thức của Thái Thanh đã mang lại cung bậc tột cùng của mỗi lòng “lệ sầu chia ly buồn tê tái…”
Click để nghe bài hát
Sang Ngang (Đỗ Lễ)
Đây cũng là một ca khúc buồn thảm khác giống như bài Thôi, nhưng thích hợp với giọng hát của Thái Thanh hơn. Ngay câu đầu của bài hát, bà kéo dài chữ “nínnnn” để nức nở: Thôi nínnnn đi em… làm cho người nghe cũng như tan chảy, nín thinh và thổn thức cùng với giọng hát.
Click để nghe bài hát
Hạ Thương (Thanh Phương)
Đây là một ca khúc nhac-vàng-thuần-chất nhất trong số những ca khúc mà danh ca Thái Thanh đã thu âm, và cũng là bản thu âm làm cho nhiều người ngạc nhiên nhất.
Click để nghe bài hát
Bài hát Hạ Thương có một lịch sử ra đời khá ly kỳ. Lâu nay, nhiều băng dĩa cả trong nước đều ghi nhạc sĩ sáng tác ca khúc này là Hàn Châu. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Nếu xem lại tờ nhạc trước 1975, tác giả bài này được ghi là Châu Phương Thảo. Châu ở đây là Hàn Châu, còn Phương là nhạc sĩ Thanh Phương. Chính gia đình cố nhạc sĩ Thanh Phương đã xác nhận với người viết rằng ông chính là người đồng sáng tác ca khúc này vào khoảng năm 1971.
Tên Thảo trong bút danh Châu Phương Thảo này có thể là nhạc sĩ Nguyên Thảo, ông chủ nhà xuất bạn nhạc tờ nổi tiếng trước 1975.
Trước 1975, danh ca Thái Thanh là người duy nhất hát bài này, nhưng bản thu âm đã bị thất lạc vì thời cuộc, cho đến khi tôi tình cờ tìm được trong một bộ tuyển chọn Ciao Nhạc Tuyển, rồi phát lên YouTube hồi năm 2016, được nhiều người tìm nghe. Bản thu âm này đã gây ra những ngạc nhiên, thú vị, và được nhiều người yêu thích.
Ngạc nhiên, thú vị là bởi vì lời gốc của bài Hạ Thương không giống như những gì mà người ta biết bấy lâu, lời gốc bài này viết về tâm tình của một người lính trận.
Sau năm 1975, nhạc sĩ Hàn Châu đã đổi lại lời bài hát, bỏ đi phần viết về người lính để dễ lưu hành trong chế độ mới. Bài hát Hạ Thương (lời mới) được Hương Lan hát đầu tiên ở hải ngoại, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là qua tiếng hát Ngọc Sơn khoảng cuối thập niên 1980.
Mời bạn đọc lại lời gốc của bài hát Hạ Thương:
Hạ ơi! anh xa em mấy mùa phượng rồi
Giờ tạm dừng quân lần đầu tiên thương gửi về em
Lối xưa có còn những tà áo trắng tung bay
Cho anh ngây ngất ngàn ngày
Bên người tình nhân nhỏ bé
Hạ ơi! anh xa em mấy ngày thật dài
Hỏi người năm xưa giờ còn thương nhớ người con trai
Đã hơn những chiều hẹn hò
Anh đón anh đưa, bên ai quấn quít từng giờ
Ôi tình yêu rót mật thành thơ
Mùa hạ nay vắng anh chắc em sẽ buồn
Lối hẹn lối hò còn ai
Để đưa em đường vắng lối dài
Anh yêu em cũng trong mùa phượng vỹ
Mà giờ đây xa rồi, chợt buồn mênh mang
Giờ đây, anh lênh đênh bốn ngả đường dài
Lòng nặng niềm thương về người em bé bỏng hậu phương
anh sẽ trở về cũng mùa phượng vỹ đơm hoa
Em anh vui tuổi ngọc ngà
Ta bỏ đi nỗi buồn ngày qua
Đường Xưa Lối Cũ (Hoàng Thi Thơ)
Đây là một sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ từ những năm thập niên 1950, là cảm xúc của tác giả trong một lần về thăm quê cũ ở Quảng Trị. Qua giọng hát Thanh Tuyền, ca khúc này trở thành 1 trong những ca khúc nhạc vàng được yêu thích nhất. Tuy nhiên qua giọng hát Thái Thanh, ca khúc này trở nên nồng nàn hơn.
Click để nghe bài hát
Bài Hương Ca Vô Tận (Trầm Tử Thiêng)
Đây cũng là một ca khúc nằm mong manh giữa ranh giới nhạc vàng và không phải nhạc vàng. Nếu Chế Linh, Thanh Tuyền hát thì bài hát có phong cách khác, nếu là Thái Thanh hát mang 1 phong cách khác. Thái Thanh từng nói về “Bài Hương Ca Vô Tận” như sau:
Tôi đã hát bài hát đó của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng cách đây nhiều năm, khi chúng tôi còn ở Việt Nam. Với ca sĩ được làm thân, được nói chuyện với các nhạc sĩ là điều rất thú vị vì mình hiểu biết hoàn cảnh các bài hát hơn. Khi nói chuyện với nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng tôi mới biết ý của ông trong những lời ca. Trong bài có những câu như “Hát nữa đi hương…“, nhiều khán giả tưởng “hương” là tên một người con gái, nhưng co nói chuyện với ông mới biết chữ “hương” là ông muốn nói đến “quê hương“.
Click để nghe bài hát
Đông Kha