Hoàn cảnh sáng tác những ca khúc bất hủ của nhạc sĩ Cung Tiến: Hoài Cảm, Thu Vàng, Hương Xưa

Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Cung Tiến là một trường hợp rất đặc biệt. Ngay từ tác phẩm âm nhạc đầu tay từ khi mới 14-15 tuổi của ông đã trở thành những bài hát được xem là kinh điển của tân nhạc, được yêu thích cho đến tận ngày nay sau 70 năm. Hành trình âm nhạc của Cung Tiến thời kỳ ban đầu là thứ âm nhạc tự phát từ tâm hồn hòa trộn trong ngôn ngữ thường nhật của đời sống, nhưng càng về sau lại càng ngả về phía những thanh âm của thứ âm nhạc hàn lâm, sang trọng, những bài hát có giai điệu tuyệt kỹ và lời ca tuyệt mỹ.

Trong hai nhạc phẩm đầu tay được nhạc sĩ Cung Tiến sáng tác năm 1953, thì ca khúc Hoài Cảm đã mang lại sự sửng sốt với giới mộ điệu, bởi những tâm sự chất chứa trong ca khúc của một cậu học trò chưa thành niên, lại khiến người nghe từ già tới trẻ say đắm, thể hiện được sự chín chắn, trưởng thành và già dặn, chứ không giống như những suy tư của một cậu bé 14-15 tuổi.

Trong nhiều cuộc phỏng vấn sau này, nhìn nhận lại nhạc phẩm đầu tay của mình, nhạc sĩ Cung Tiến cho rằng đó không phải là những tác phẩm quan trọng, có ý nghĩa với cuộc đời ông. Nhưng với đông đảo công chúng yêu nhạc thì lại khác, sự giản dị của ngôn từ và những thanh âm gần gũi của đời sống mới là thứ âm nhạc quyến luyến, lắng sâu, níu giữ tâm hồn.

Khi được hỏi về cơ duyên ra đời của ca khúc này, nhạc sĩ chia sẻ: “Hồi đó nghĩ gì mình đâu có biết, mấy chục năm rồi, đi học thì nghĩ lơ tơ mơ vậy. Tất nhiên bài đó không có một đối tượng nào cả – no object, hoàn toàn là trong tưởng tượng. Trong tưởng tượng, nhớ một người nọ, nhớ một người kia, nhớ một người yêu, nhớ một người bạn, hay là nhớ bất cứ ai. Nhớ là hồi đó tôi mới ở ngoài Bắc vào, năm 1952. Tôi đi sớm, tức là từ Hà Nội vào Sài Gòn sớm lắm. Lúc đi, nhớ tất cả những gì mà ở Hà Nội ghi vào ký ức mình, thì là có bản nhạc đó.”

Dựa vào những chi tiết mờ nhạt còn sót lại trong trí nhớ của nhạc sĩ sau mấy chục năm, với một tác phẩm dường như rất “vu vơ” của ông. Ta có thể hình dung bối cảnh ra đời của ca khúc. Đó là khi, cậu bé Cung Tiến của tuổi 14-15 vừa trải qua biến cố lớn đầu tiên trong đời, rời xa quê nhà đầy ắp những kỷ niệm tuổi thơ êm đềm, vượt qua một cuộc hành trình dài, mệt mỏi từ Bắc vào Nam, để chuyển tới một thành phố hoàn toàn xa lạ. Từ phố phường, con người, tiếng nói, cách ăn uống, trang phục, lối sinh hoạt, thói quen,… tất cả đều lạ lẫm. Một Sài Gòn trẻ trung, hoa lệ không có bất kỳ mối liên hệ nào với quê nhà Hà Thành cổ kính, trầm buồn của cậu. Sự thay đổi đột ngột đó đã tạo ra một cú “sốc văn hoá” mà cậu bé không thể định nghĩa, không thể gọi tên. Điều đó khiến cho nỗi nhớ quê nhà càng da diết, sầu bi hơn.

“Chiều buồn len lén tâm tư”

Câu hát kéo người nghe vào một khung cảnh quen thuộc. Ở một góc phòng nào đó, bên cửa sổ, một cậu học trò đang ngồi chống cằm trên bàn học, trước mặt cậu là sách, là bút, là những trang giấy học trò phất phơ theo gió. Nhưng đôi mắt cậu thì đã phóng ra ngoài cửa sổ từ lâu, tâm hồn đã “treo ngược cành cây” từ bao giờ. “Len lén tâm tư” đúng là tâm trạng của những cô cậu học trò mới lớn, thoáng buồn, thoáng vui. Những cảm xúc tâm tư thơ thẩn ấy nếu có cũng phải “len lén” giấu cho thật kỹ nếu không muốn bị chọc ghẹo, cười cợt, bị cho là hâm dở.

Theo lời kể của nhạc sĩ, thì mối duyên với âm nhạc của ông cũng không ít lần bị gia đình ngăn trở: “Hôm tôi mới vào Sài Gòn, trên đài phát thanh quốc gia có tổ chức tuyển lựa ca sĩ các thứ. Tôi cũng lên hát dự thi, nhưng tôi không nhớ hát bài gì. Khi về nhà, thấy ông bố của tôi vứt hết quần áo, sách vở của tôi ra trước cửa.” Vì vậy, cái chuyện “len lén” càng không thể tránh khỏi.

Trong dòng cảm xúc “len lén tâm tư” đó, cậu học trò nghe những âm thanh mơ hồ dội về từ quá khứ:

Mơ hồ nghe lá thu mưa
Dạt dào tựa những âm xưa
Thiết tha ngân lên lời xưa

lá thu mưa

Những thanh âm xưa cũ đổ về từ tiềm thức đã biến thành những rung cảm mạnh mẽ ngân lên dạt dào, thiết tha trong tâm hồn. Đó là những thanh âm từ mùa thu lá rụng như mưa của mùa đông xứ Bắc, của Hà Nội thương nhớ, thứ không thể kiếm tìm ở một Sài Gòn đầy nắng. Khi tiềm thức rung nên những nốt nhạc của mùa thu Hà Nội thì cũng là lúc cậu học trò thấm thía sự lạc lõng của mình giữa Sài Gòn đô hội.

Quạnh hiu về thấm không gian
âm thầm như lấn vào hồn

Nỗi cô độc, “quạnh hiu” từng chút từng chút một thấm đẫm không gian xung quanh cậu, chầm chậm lấn lướt vào tâm hồn cậu học trò vô tư lự. Cậu giống như một cây non bị nhổ khỏi đất mẹ, đưa đến trồng ở một mảnh đất xa lạ. Cậu âm thầm cảm nhận một sự rạn nứt, chia ly ko thể hồi cứu, ko thể quay về. Tâm sự đó với một cậu bé chưa thành niên thật khó để giãi bày. Cứu cánh duy nhất với cậu khi đó có lẽ chỉ có âm nhạc. Vậy nên cậu chỉ có thể bấu víu vào âm nhạc dù là trong vô thức để trút bỏ nỗi lòng. Và trong sự chuyển động của vô thức, cậu bé tạo ra một ảo ảnh “cố nhân” không tên, không mặt, như một cái cớ để nhớ thương, hồi tưởng những tháng ngày thơ ấu êm đềm nơi quê nhà. Nhưng càng nhớ lại càng buồn:

Buổi chiều chợt nhớ cố nhân
Sương buồn lắng qua hoàng hôn

Chẳng thể có buổi chiều nào buồn hơn, hiu quạnh hơn, mịt mù tuyệt vọng hơn buổi chiều ấy: “Sương buồn lắng qua hoàng hôn”. Một cảnh tượng bi mỹ, sầu buồn đến cực đại. Nó kích hoạt mọi giác quan nhạy cảm trong tâm hồn non nớt của cậu, không thể kìm giữ:

Lòng cuồng điên vì nhớ
ôi đâu người, đâu ân tình cũ?
Chờ hoài nhau trong mơ
Nhưng có bao giờ, thấy nhau lần nữa

Sự tăng cấp đột ngột của dòng cảm xúc, đẩy những “tâm tư len lén” đang ẩn giấu bật lên: “Ôi đâu người, đâu ân tình cũ?”. Đây hẳn là một cậu bé giàu tình cảm, thuỷ chung, đa sầu đa cảm. Bởi điều đầu tiên cậu nhớ đến khi đi xa là “người”, là “ân tình cũ”, là bè bạn, xóm làng, là tình nghĩa gắn bó, yêu thương,.. giữa con người với con người. Điều tuyệt vọng nhất với cậu là dù “lòng cuồng điên vì nhớ” nhưng chỉ một mong ước nhỏ nhoi là được gặp lại “cố nhân” trong mơ cũng không thể toại nguyện.


Click để nghe Sĩ Phú hát Hoài Cảm trước 1975

Một mùa thu xa vắng
Như mơ hồ về trong đêm tối
Cố nhân xa rồi, có ai về lối xưa?

Trong khi ở nơi mới cậu chưa thể hoà nhập mà những ký ức êm đềm, vỗ về tâm hồn khi xưa lại đang ngày một xa vắng, mơ hồ, mờ mịt chẳng thể níu giữ. Câu hát “Cố nhân xa rồi, có ai về lối xưa?” như một sự gửi gắm, một lời khẩn cầu, tựa như lời của một nhà thơ xa quê đã viết:

“Có ai về Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng” (Nhớ Bắc – Huỳnh Văn Nghệ)

Lời gửi gắm, khẩn cầu đầy mơ hồ còn bỏ ngỏ, bỏ ngỏ vì vô vọng… nhưng vẫn chan chứa, siết chặt yêu thương.

Gần như trong toàn bộ ca khúc, nhạc sĩ vận dụng lối gieo vần linh hoạt của thể thơ lục ngôn (6 chữ). Đây là một thể thơ có âm điệu nhẹ nhàng, dễ gieo vần, dễ thuộc. Rất nhiều người, đặc biệt là những người trẻ tập tành làm thơ rất ưa chuộng và yêu thích lối thơ này vì tính thông dụng và dễ viết của nó. Đây là thể thơ rất tự sự, phù hợp để bày tỏ tâm sự, cảm xúc, nỗi lòng. Cậu học trò Cung Tiến đã rất khéo léo khi vận dụng lối thơ này trong nhạc phẩm đầu tay của mình. Bởi bản thân cách gieo vần của thơ lục ngôn, chưa cần đến nhạc, đã giúp gắn kết những lời ca thành một dải lụa mềm mại quấn quít, vương vít tâm hồn.

Tuy nhiên, cậu nhạc sĩ chưa thành niên này cũng rất sáng tạo khi đẩy một đoạn hát ra khỏi lề lối quen thuộc của thơ lục ngôn. Đó là đoạn lời hát từ “Lòng cuồng điên vì nhớ…. có ai về lối xưa”, để có thể tự do bay bổng với những cảm xúc cuộn trào dữ dội trong lòng. Âm nhạc, lời ca của Hoài Cảm, do đó không đều một nhịp mà theo dòng cảm xúc của người viết, tựa như những lớp sóng đêm dập dờn lên xuống, lúc êm êm, lúc cuộn trào, nhưng luôn tịnh tiến vào một bến bờ duy nhất:

Chờ nhau hoài cố nhân ơi!
Sương buồn che kín nguồn đời
Hẹn nhau một kiếp xa xôi,
nhớ nhau muôn đời mà thôi!

Thời gian tựa cánh chim bay,
qua dần những tháng cùng ngày
Còn đâu mùa cũ êm vui?
Nhớ thương biết bao giờ nguôi?

“sương buồn che kín nguồn đời”, vẫn “hẹn nhau một kiếp xa xôi”, vẫn “nhớ nhau muôn đời mà thôi”. Cái hay của ca khúc Hoài Cảm là sự giản dị của lời ca ngay từ những câu hát đầu tiên đến những câu hát cuối cùng, mà ai cũng có thể hiểu được, hoà quyện trong những nốt nhạc có khi trầm buồn, có khi dữ dội nhưng đều được đặt trên một cái nền vững chắc, yên ả, thanh bình của những ký ức về quê hương, tuổi thơ.


Click để nghe Lệ Thu hát Hoài Cảm

Toàn bộ ca khúc là những thanh âm rung động thuần khiết bật ra từ tâm hồn, từ trí tưởng của một tài năng âm nhạc thiên bẩm, chứ không phải là thứ âm nhạc được trui rèn, thoát thai từ những trải nghiệm của đời sống hay những kỹ năng của người sáng tác chuyên nghiệp. Cái cách mà ca khúc được viết ra hoàn toàn tự nhiên, tự nhiên như hơi thở, như nhịp tim. Thứ làm nên Hoài Cảm chính là thứ thần thức âm nhạc mà rất hiếm người có được.

Trong thơ ca Việt Nam, một tác giả cũng may mắn có được cái thần thức ấy khi sáng tác, đó là thi sĩ Hoàng Cầm. Chính cái thần thức đó đã cho ông rất nhiều chất liệu để sáng tạo ra: lá diêu bông, cỏ thi bồng,… và những câu thơ thần tiên không thể lý giải. Nếu Hoàng Cầm diễn giải về cái thần thức thơ ấy trong ông vô cùng dân dã: “Thần linh đọc sao tôi viết vậy”, thì nhạc sĩ Cung Tiến đơn giản bảo: “Đó chỉ hoàn toàn là trí tượng tưởng”.

Ngoài ra, nhạc sĩ còn cho rằng, ca khúc của ông có “Lời ca bị ảnh hưởng từ những bài thơ mình học ở trường, như thơ của Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, những nhà thơ lãng mạn của Việt Nam hồi đó.” Nếu quả thực như vậy, thì hẳn là những vị nhà giáo đã từng giảng Văn cho Cung Tiến sẽ rất tự hào, sung sướng vì có một người học trò vô cùng ưu tú và xuất sắc.

Thu Vàng

Gần như cùng một lúc với Hoài Cảm, cũng trong năm 1953 nhạc sĩ đã viết Thu Vàng cùng với một tâm trạng nhớ nhung về cố xứ, với những ý niệm rõ ràng hơn. Trong lời đề tặng của Thu Vàng, ông viết: “Tặng Hà Nội của những ngày ấu thơ”.

Ở Việt Nam, nếu nhắc đến mùa thu, thì đó thường là nhắc đến mùa thu ở Hà Nội, và nhắc đến Hà Nội, người ta cũng thường nhớ về những mùa thu, đó hai khái niệm không thể chia lìa. Hà Nội có bao nhiêu mùa thu thì có bấy nhiêu lớp người ngẩn ngơ, xuýt xoa, ngắm nhìn, thương nhớ. Mùa Thu Hà Nội chưa bao giờ là một đề tài cũ trong thơ văn nhạc họa, chưa bao giờ phai nhạt trong tâm hồn những người con xa xứ.

Nhạc sĩ Cung Tiến cũng không ngoại lệ. Theo lời kể của nhạc sĩ Cung Tiến, ông viết ca khúc Thu Vàng năm 1953, khi mới rời Hà Nội vào Sài Gòn. Bài hát được viết trong nỗi nhớ nhung về những tháng ngày thơ ấu ở quê nhà, và trong lời đề tặng của ca khúc, ông viết: “Tặng Hà Nội của những ngày thơ ấu”.

Cùng trong năm 1953, nhạc sĩ Cung Tiến cho ra đời hai nhạc phẩm nổi tiếng là Hoài Cảm Thu Vàng. Nhưng nếu Hoài Cảm nặng trĩu nỗi lòng thương nhớ “cố nhân”, thì với Thu Vàng, cậu học trò Cung Tiến trở lại với đúng lứa tuổi thật của mình, lứa tuổi đẹp nhất đời người, tuổi thần tiên. Lứa tuổi vô lo, vô nghĩ, chưa nhuốm u sầu, nhưng đã dần chạm vào những cung bậc đẹp nhất của đời sống. Qua lăng kính mộng mơ của tuổi, mọi thứ dường như trở nên long lanh, tươi đẹp, rực rỡ lạ kỳ: tình yêu đầu tiên, những rung động đầu đời, những người bạn, những ký ức học trò, những ước mơ,… Đó phải chăng là thứ quà tặng mà cuộc sống đã ban tặng riêng cho tuổi trẻ.

Vậy nên, trước khi lắng nghe ca khúc, bạn hãy ngồi xuống, chọn một thức uống yêu thích, rũ bỏ hết mọi ưu phiền đang vương vít tâm hồn để có thể tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của “mùa thu tinh khôi nhất trong âm nhạc” qua lời kể của chàng nhạc sĩ khi còn ở tuổi măng tơ::

Chiều hôm qua lang thang trên đường
Hoàng hôn xuống, chiều thắm muôn hương
Chiều hôm qua mình tôi bâng khuâng
Có mùa Thu về, tơ vàng vương vương

Với hai câu hát đầu tiên, có thể hình dung ra cảnh tượng một cậu học trò đang thong thả rải bước một mình trên đường chiều, bỗng bất chợt giật mình nhận ra “hoàng hôn xuống, chiều thắm muôn hương”. Mùa Thu mỗi năm lại đến rồi đi trong vòng quay miên viễn của thời gian, chưa bao giờ đổi dời. Cậu học trò đã lớn lên qua 14 lần mùa thu Kinh Bắc như vậy, nhưng chỉ “chiều hôm qua” cậu mới phát hiện ra cảnh sắc xinh đẹp, quyến rũ của mùa thu khi hoàng hôn buông xuống. Chỉ đến “chiều hôm qua” cậu mới thấy “bâng khuâng” vì “có mùa Thu về, tơ vàng vương vương”. Chỉ với 4 chữ “tơ vàng vương vương”, vẻ đẹp óng ả, lóng lánh, vàng rượm của mùa Thu đã được lột tả thật tinh tế, gợi cảm.

Cảnh sắc quyến rũ, lóng lánh của thu vàng đã thu hút hết mọi sự chú ý của cậu. Những thứ rất đỗi bình thường của mùa thu bỗng trở nên tươi mới, lạ kỳ. Lần đầu tiên trong đời, cậu học trò biết rung cảm trước cảnh sắc mùa thu; phát hiện ra những dấu vết, chuyển động của mùa thu; biết ngắm nhìn, hít vào hết cả hương sắc của mùa thu. Vậy nên, trong lời hát, lời kể, nghe như có sự hưng phấn và xúc động đặc biệt. Lời kể tuôn trào, tự nhiên, hào hứng, kể mà không cần ai hỏi, không cần lý do; Kể trong niềm hứng khởi, say mê, để chia sẻ và được nói ra điều mình tâm đắc:

Một mình đi lang thang trên đường
Buồn hiu hắt và nhớ bâng khuâng
Lòng xa xôi và sầu mênh mông
Có nghe lá vàng não nề rơi không?

Và có lẽ cũng lần đầu trong đời, cậu phát hiện ra những tầng bậc cảm xúc khác nhau trong tâm hồn mình, vậy nên một loạt từ láy đã diễn tả cảm xúc đã được nhắc đến trong lời ca: buồn hiu hắt, nhớ bâng khuâng, lòng xa xôi, sầu mênh mông, não nề,..

Không chỉ là hát, mà đây hẳn là một cuộc dạo chơi giữa mùa thu của ngôn từ trong âm nhạc, và cậu học trò mà tâm hồn vừa chớm nở, bắt đầu biết quan sát, biết cảm nhận sâu sắc hơn những vẻ đẹp của đất trời, thiên nhiên, lần đầu tiên đón nhận những cảm xúc tinh khôi, nồng nhiệt, chộn rộn khó tả.


Click để nghe Thanh Lan hát trước 1975

Trong sự hứng khởi của lần đầu tiên, có cả niềm tự hào rất “trẻ con” của nhạc sĩ học trò. Thay vì kể: Tôi nghe được cả tiếng lá vàng não nề rơi xuống, thì cậu lại hỏi ngang “có nghe lá vàng não nề rơi không?”. Câu hỏi giống như một sự “khoe khéo” rằng tôi đã nghe được âm thanh đặc biệt đó và đưa ra một lời thách đố nho nhỏ với những người bạn để thử xem họ có nghe được như mình không, có khám phá ra những thứ mình vừa phám phá không.

Có thể thấy, dù là một nhạc sĩ thành công ở tuổi dậy thì, thì trong nhạc của mình, thấp thoáng dưới những tâm sự có vẻ già dặn vẫn là một cậu học trò với những suy nghĩ rất hồn nhiên, trẻ trung:

Mùa thu vàng tới là mùa lá vàng rơi
Và lá vàng rơi, khi tình thu vừa khơi
Nhặt lá vàng rơi, xem màu lá còn tươi
Nghe chừng đâu đây màu tê tái

Từng câu hát, từng ý thơ giản dị nối đuôi nhau bật ra tinh nghịch, thanh thoát và trong trẻo lạ kỳ. Những vần “ơi” (tới, rơi, khơi) liên tục xuất hiện ở giữa câu, cuối câu, rồi lại giữa câu, cuối câu như một cuộc rượt đuổi, đùa dai đầy lém lỉnh, cho đến chữ cuối cùng của câu thứ ba thì đột ngột thoát ra, biến mất. Hát mà như chơi, chơi với vần, chơi với chữ, chơi đùa với âm nhạc, giống như những cuộc đuổi bắt, đào thoát bất ngờ của trò chơi cút bắt.

Những câu hát hồn nhiên, tinh nghịch như vậy hẳn những tâm hồn “già nua” chẳng bao giờ có thể viết được bởi nó mang một vẻ ngây ngô, ngơ ngẩn, vòng vèo có phần buồn cười của những thứ mà ai cũng biết, chẳng có gì đáng để kể, để nói, kiểu như mùa mưa thì có mưa, mưa thì ướt, ướt thì lạnh,… Nhưng với góc nhìn tươi trẻ, hồn nhiên của cậu học trò, thì những phát hiện đó vô cùng mới mẻ, tuyệt diệu. Chúng khiến cậu trở nên phấn khích, hưng phấn kỳ lạ.

Trong suốt những năm tháng ấu thơ của mình nơi quê nhà, chắc không ít lần cậu nhặt lá rụng để chơi đồ hàng như bao đứa trẻ khác, và không ít lần được nhìn thấy lá vàng rơi xuống, trải thảm khắp nơi. Nhưng đây là lần đầu tiên cậu “nhặt lá vàng rơi”, để “xem màu lá còn tươi”, lần đầu tiên cậu ngắm nhìn kỹ một chiếc lá để rồi phát hiện thêm một gam màu vô cùng đặc biệt, mới mẻ: “màu tê tái”. Đó thực sự là một phát kiến tuyệt vời, lần đầu tiên xuất hiện trong thơ ca Việt Nam. Đó không phải là sắc màu thông thường của sự vật, thứ có thể nhìn thấy bằng mắt, mà phải nghe bằng trái tim.


Click để nghe Mỹ Thể hát trước 1975

Chiều hôm qua lang thang trên đường
Nhớ nhớ, buồn buồn với chán chường

Mùa thu trong thi ca bao giờ cũng buồn, sầu, sâu lắng, ngồn ngộn tâm sự nhưng cái buồn, cái chán chường của mùa thu trong Thu Vàng lại được kể bằng một giọng điệu rất tinh nghịch, hồn nhiên. Một kiểu giận hờn, sầu buồn vu vơ, ngúng nguẩy: “nhớ nhớ, buồn buồn với chán chường”. Đó không phải là cái buồn u uẩn, lẩn khuất, giấu kín trong tâm hồn mà là cái buồn mênh mông, xa xôi, “tôi buồn không hiểu vì sau tôi buồn”, nỗi buồn bày ra trên mặt, buồn cho cả thế giới biết rằng tôi đã biết buồn, buồn mà không luỵ. Nỗi buồn rất đặc trưng của lứa tuổi “dở dở ương ương”, buồn đó rồi vui ngay được:

Chiều hôm nay trời nhiều mây vương
Có mùa Thu Vàng bao nhiêu là hương

Ca khúc kết lại bằng một bức tranh thu dịu dàng, tinh khôi, mê hoặc với “mây vương”, với “mùa thu vàng bao nhiêu là hương”. Cách gieo từ thật đắt “mây vương” và “bao nhiêu là hương” khiến cho người nghe, dù lời ca đã dứt, cứ vương vít, lấn quấn mãi không thể thoát khỏi cái mùa thu vàng rượm của buổi chiều hôm ấy. Chiều thu đầu tiên.

Trong cuộc đời mỗi người có rất nhiều những khoảnh khắc đầu tiên mà ấn tượng và sự hưng phấn để lại tưởng như không bao giờ phai nhạt. Lần đầu trong đời nếm thử que kem mát lạnh, ngọt lim, tan nhanh trên đầu lưỡi; lần đầu đứng trước biển, chạm chân trần lên cát; lần đầu chạm mắt với một cô gái mà những rung cảm để lại chấn động cả tâm hồn; lần đầu rụt rè nắm những ngón tay thon mềm của người yêu,… Nhưng có mấy ai kể lại được, truyền lại được nguyên cái cảm xúc đó bằng lời, bằng chữ. Với Thu Vàng, nhạc sĩ Cung Tiến đã tái hiện lại những khoảnh khắc rung động đầu đời ngọt ngào và tinh tế, mà nhiều người trong chúng ta đã bỏ lỡ hoặc quên mất tự bao giờ.

Có thể nói, nếu Văn Cao có một “Mùa Xuân Đầu Tiên” náo nức, tràn ngập sắc hương, thì với ca khúc Thu Vàng, Cung Tiến cũng có một “mùa thu đầu tiên” trong trẻo, trinh nguyên, lóng lánh sắc hương.

Hương Xưa

Khi hai bản nhạc được xem là đầu tay của nhạc sĩ Cung Tiến sáng tác ở tuổi 14-15 là Thu Vàng Hoài Cảm ra mắt năm 1953, ngay lập tức được công chúng yêu thích, rồi trở thành bất tử suốt 70 năm qua, nhưng nhạc sĩ lại nói rằng ông vẫn xem những ca khúc đầu tiên trong sự nghiệp này chỉ là bài tập sáng tác nhạc, chứ chưa thật sự là tác phẩm. Điều đó cho thấy sự cầu toàn trong âm nhạc của Cung Tiến. Vì vậy ca khúc đầu tiên mà ông cảm thấy hài lòng và ưng ý, có lẽ là bài Hương Xưa được sáng tác năm 1957. Bài hát được ghi lời đề tặng cho người bạn thân là Khuất Duy Trác, và cũng chính danh ca Duy Trác là người đầu tiên thể hiện thành công Hương Xưa, đưa ca khúc này trở thành bất tử, là một trong những tuyệt tác sáng lấp lánh nhất của tân nhạc Việt Nam.


Click để nghe Duy Trác hát Hương Xưa trước 1975

Người ơi, một chiều nắng tơ vàng hiền hòa hồn có mơ xa?
Người ơi, đường xa lắm con đường về làng dìu mấy thuyền đò
Còn đó tiếng tre êm ru
Còn đó bóng đa hẹn hò
Còn đó những đêm sao mờ hồn ta mênh mông nghe sáo vi vu…

Nhạc sĩ Cung Tiến rời Hà Nội năm 14 tuổi, vào cái tuổi bắt đầu có những thay đổi về suy nghĩ và nhận thức. Rời quê mẹ vào thời điểm đó, ông như là một cái cây non bị bứng đi khỏi mảnh vườn thân thuộc, nên nỗi nhớ thương về cố xứ vẫn cứ hoài không nguôi, điều đó cũng đã được ông thể hiện qua 2 sáng tác đầu tay là Thu Vàng, Hoài Cảm.

Vài năm sau, khi sáng tác Hương Xưa với cùng một mạch cảm xúc đó, nhạc sĩ Cung Tiến vẫn mơ xa về những chiều nắng tơ vàng trên đường cũ, nhớ tiếng tre êm ả những trưa hè, nhớ bóng đa rợp mát bên giếng nước đầu làng, và nhớ những đêm sao mờ nghe tiếng sáo vi vu… Trên nền nhạc thật du dương, thấp thoáng trong câu hát chúng ta có thể thấy được hình ảnh của cây đa, cổng làng, con đường mòn nhỏ ngoằn ngoèo… những hình ảnh đặc trưng của làng quê xứ Bắc vẫn còn hoài trong tâm tưởng của chàng trai lúc nào cũng tương tư về hình bóng quê hương đã xa mịt mờ…

Người ơi, còn nhớ mãi trưa nào thời nào vàng bướm bên ao
Người ơi, còn nghe mãi tiếng ru êm êm buồn trong ca dao
Còn đó tiếng khung quay tơ,
Còn đó con diều vật vờ
Còn đó, nói bao nhiêu lời thương yêu đến kiếp nào cho vừa…

Trong một lần trả lời phỏng vấn, nhạc sĩ Cung Tiến nói rằng cho đến khi sáng tác Hương Xưa, ông đã được nghe thêm nhiều nhạc Tây Phương, nhất là nhạc cổ điển của nhạc sĩ thiên tài người Áo – Mozart. Nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Mozart vào năm 1956, tổng thống Ngô Đình Diệm đã tổ chức một chương trình đại hòa tấu ngay trong Dinh Độc Lập với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi, trong đó Cung Tiến – khi mới 18 tuổi – cũng vinh dự được có mặt. Ông nói rằng đã rất xúc động vì lần đầu tiên được nghe trực tiếp biểu diễn đại hòa tấu nhạc của Mozart, một người mà ông rất ngưỡng mộ và có ảnh hưởng lớn đến âm nhạc Cung Tiến từ đó về sau này.

Ảnh hưởng đó được thể hiện ngay từ ca khúc Hương Xưa được sáng tác sau đó không lâu. Hương Xưa như một tấu khúc buồn ngân dài miên man gợi nhiều hoài niệm. Và điều đặc biệt nhất, ca khúc là sự kết hợp hoàn hảo giữa giai điệu âm hưởng nhạc phương Tây và ca từ thuần chất Việt Nam. Những lời hát đẹp như thơ, rất bay bổng, tha thiết, và cũng là những hình ảnh dân dã vô cùng quen thuộc với người dân quê. Như là “vàng bướm bên ao”, tiếng ru câu ca dao, khung quay tơ và con điều vật vờ… Là những hình ảnh trìu mến của quê hương, như là lời yêu thương ngân dài bất tận biết đến kiếp nào cho vừa.

Ôi, những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một kiếp xa xôi
Buồn sớm đưa chân cuộc đời
Lời Đường Thi nghe vẫn rền trong sương mưa
Dù có bao giờ lắng men đợi chờ

Tình Nhị Hồ vẫn yêu âm xưa
Cung Nguyệt Cầm vẫn thương Cô Tô
Nên hồn tôi vẫn nghe trong mơ tiếng đàn đợi chờ mơ hồ
Vẫn thương muôn đời nàng Quỳnh Như thuở đó

Đoạn nhạc này nhắc đến nhân vật Quỳnh Như, nhắc về mối tình của vừa lãng mạn và bi thương giữa Phạm Thái và Trương Quỳnh Như thời Lê mạt – Nguyễn sơ của Việt Nam. Cả bài hát nhuốm một màu sắc nuối tiếc về những ngày yêu dấu cũ không thể tìm lại, vì đường về quê còn xa lắc nên niềm mong ngóng đó thật mơ hồ cũng như là một giấc mơ mà thôi.

Cũng trong đoạn nhạc này, tác giả sử dụng một số điển tích xưa cả ở bên Tàu lẫn ở trong văn chương Việt Nam.

Tình Nhị Hồ vẫn yêu âm xưa
Cung Nguyệt Cầm vẫn thương Cô Tô

Ở đoạn sau đó là: “Nên hồn tôi vẫn nghe trong mơ tiếng đàn đợi chờ mơ hồ”. “Tiếng đàn đợi chờ” đó chính là 3 loại đàn cổ truyền mà tác giả nhắc đến chỉ trong 2 đoạn nhạc ngắn:

Nhị là cây đàn nhị, loại đàn có 2 dây, người Miền Nam quen gọi là “đờn cò”.

Hồ còn gọi là Hồ cầm, đàn làm bằng gổ ngô đồng có 5 giây tượng của Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thuỷ, Hỏa, Thổ).

Nguyệt Cầm là cây đàn nguyệt, là loại đàn có thùng tròn như mặt trăng, nên gọi là Nguyệt cầm.

Tình Nhị Hồ trong bài hát gợi lại Truyện Kiều, về tình tri âm của Thúy Kiều và Kim Trọng. Sau nhiều năm gặp lại, chàng vẫn một lòng tha thiết với tình xưa:

Tình xưa lai láng khôn hàn
Thong dong lại hỏi tiếng đàn ngày xưa… (Truyện Kiều)

“Cung Nguyệt Cầm vẫn thương Cô Tô” là nhắc về chuyện tình Tây Thi với Ngô Phù Sai và Phạm Lãi. Núi Cô Tô ở phía Tây Nam thành phố Tô Châu tỉnh Giang Tô, là tích liên quan đến thời kỳ Xuân Thu.

Tây Thi là người tình của Phạm Lãi – quân sư của Việt Vương Câu Tiễn. Vì Câu Tiễn bị thất thế, khi nằm gai nếm mật để nuôi chí phục thù, đã dâng Tây Thi cho Ngô Vương Phù Sai. Vì Phù Sai say mê nhan sắc, sủng ái hết mực nên đem nàng ở Xuân Tiêu cung tại Cô Tô đài trên núi Linh Nham. Phù Sai dốc ngân quỹ cho người trùng tu Cô Tô đài, biết Tây Thi thích ca nhạc nên thiết kế cung điện, ca hát… đắm chìm trong tửu sắc, bỏ bê việc nước, tạo cơ hội cho Câu Tiễn và Phạm Lãi lấy được thiên hạ. Tây Thi sống trong nhung lụa với Phù Sai nhưng trái tim vẫn luôn nhớ về hình bóng Phạm Lãi.

Thi hào Lý Bạch đã viết về Tây Thi ở Cô Tô đài như sau:

“Phong động hà hoa thuỷ điện hương,
Cô Tô đài thượng yến Ngô vương.
Tây Thi tuý vũ kiều vô lực,
Tiếu ỷ đông song bạch ngọc sàng.”

Dịch nghĩa:

Gió lay động hồ sen, hương thơm ngát
Trên đài Cô Tô, vua Ngô đang ăn tiệc
Múa trong cơn say, Tây Thi chừng mệt lả
Dựa mình vào giường ngọc trắng bên cửa sổ phía đông mà cười.

Nhạc sĩ Cung Tiến đã dựa vào nhạc cụ và điển tích về các mỹ nhân xưa để viết về nỗi luyến nhớ về những ngày yêu dấu cũ. Cả hai mỹ nhân Thúy Kiều và Tây Thi đều bất đắc dĩ vướng vào cuộc tình tay 3 với Kim Trọng – Từ Hải và Phạm Lãi – Phù Sai, cũng không khác gì Cung Tiến ở trong tâm trạng khi sáng tác bài hát. Người thì ở phương Nam nhưng lại nhớ về đất Bắc, mà đó lại là xứ Kinh Bắc của nhiều năm trước đó nữa, vào cái thời Hoàng Kim đã bị chìm khuất xa mờ, được nhắc đến ở đoạn nhạc tiếp theo:

Ôi, những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một giấc ai mơ
Dù đã quên lời hẹn hò
Thời Hoàng Kim xa quá chìm trong phôi pha
Chờ đến bao giờ tái sinh cho người…

Chính nhạc sĩ Cung Tiến đã từng giải thích ý nghĩa của những câu chữ này: “Tôi nhớ lại thời hoàng kim, thời xưa của Việt Nam hãy còn hòa bình, nhớ lại cảnh hòa bình xưa của Việt Nam đẹp như thế nào so với cảnh chιến chinh, lúc đó vào khoảng năm 1957-1958, so sánh thời điểm đó với cảnh thanh bình hồi xưa của Việt Nam mà thành lời ca của bản Hương Xưa”.

Đời lập từ những đêm hoang sơ
Thanh bình như bóng trưa đơn sơ
Nay đời tan biến trong hư vô,
ᴄhếƭ đầy từng mồ oán thù.
máu xương tơi bời nhiều mùa thu…

Vào năm 1957, trước mắt chàng trai 18 tuổi Cung Tiến là hoàn cảnh đất nước bị chia thành hai nơi, khói binh chìm đắm, nhìn đâu cũng thấy đầy những mồ oán thù và máu xương tơi bời, đã làm người bị chìm đắm vào một giấc Nam Kha để chờ đợi một ngày “tái sinh” chưa biết bao giờ có được.

“Đời lập từ những đêm hoang sơ” là câu hát thật ý nghĩa để ca tụng thời thơ ấu của mỗi người. Đời người đã được khởi đầu từ những ngày ban sơ thanh bình đó, thanh bình đến từ những điều vô cùng bình dị như là bóng trưa đơn sơ, nhưng nay thì những điều đơn sơ đó cũng đã tan biến trong hư vô, thay vào đó toàn là những “mồ oán thù”…

Người ơi, chiều nào có nắng vàng hiền hòa sưởi ấm nơi nơi?
Người ơi, chiều nào có thu về cho tôi nhặt lá thu rơi?
Tình có ghi lên đôi môi
Sầu có phai nhòa cuộc đời
Người vẫn thương yêu loài người và yên vui cuộc sống vui.

Đời êm như tiếng hát của lứa đôi,
Đời êm như tiếng hát của lứa đôi….

Đoạn cuối bài hát là những mong chờ của tác giả về một ngày mây đen sẽ tan đi, nắng vàng sẽ về hiền hòa để sưởi ấm lại tình người, sưởi ấm cuộc đời. Khi đó thì sẽ không còn “máu xương tơi bời nhiều mùa thu” nữa, mà mùa thu sẽ về thật thanh bình, yên vui, người sẽ lại được thong thả “nhặt lá thu rơi” như những ngày tươi đẹp cũ, và “người thương yêu loài người” chính là lời nhắn nhủ đơn sơ nhưng thiết tha và đầy ý nghĩa.

Và cuối cùng, cuộc đời sẽ lại êm đềm như “tiếng hát của lứa đôi”. Còn điều gì đẹp hơn như vậy nữa…

Ca khúc này được nhạc sĩ Cung Tiến dành tặng cho danh ca Duy Trác, và chính giọng hát điêu luyện, truyền cảm của Duy Trác đã thể hiện ca khúc này có nhiều cảm xúc nhất, thành công nhất. Bên cạnh đó thì Hương Xưa cũng gắn liền với giọng hát Lệ Thu vào những năm 1960. Ca sĩ Lệ Thu kể về kỷ niệm khi hát Hương Xưa vào gần 60 năm trước như sau:

“Tôi còn nhớ mãi mỗi đêm ở phòng trà Queen Bee, khi tôi hát Hương Xưa xong, khán giả lặng đi một hồi lâu, như là vẫn còn chìm đắm miên man ở trong dòng cảm xúc của bài hát, chưa biết là bài hát đã kết thúc. Tôi hát câu cuối là “Đời êm như tiếng hát của lứa đôi…” rất tình cảm và ngân rất dài. Sau khi dứt tiếng đàn, tiếng hát, mọi người im lặng một lúc, sau đó mới ồ lên vỗ tay…”


Click để nghe Lệ Thu hát Hương Xưa

Bài: Niệm Quân – Đông Kha
chuyenxua.net

1 bình luận về “Hoàn cảnh sáng tác những ca khúc bất hủ của nhạc sĩ Cung Tiến: Hoài Cảm, Thu Vàng, Hương Xưa”

  1. Nhạc sĩ Cung Tiến tự chỉ trích bài Hoài Cảm được chắp nối tình cảm và ghép nối cảm nghĩ của nhiều đối tượng, và ông không nghĩ có gì là đặc sắc. Tôi và rất nhiều người nghe nhạc lại nghĩ bài này là tuyệt sắc, một master piece, cho kho tàng âm nhạc Việt Nam. Không như những bài thơ mộng lung để người đọc hiểu sao cũng được, lời trong bài Hoài Cảm rất rõ ràng, người nghe đều hiểu một thứ,”” sương buồn che kín nguồn đời”, vẫn “hẹn nhau một kiếp xa xôi”, vẫn “nhớ nhau muôn đời mà thôi””. … Người nghe như tôi hiểu là bải nhạc viết nỗi nhớ cho một người duy nhất. Bài hát quá hay đã sáng tác bởi một người được thiên phú về âm nhạc! Nhờ đọc bài viết về nhạc vả đời của Cung Tiến tôi mới hiểu thêm về chi tiết nhạc đã ra đời. Cảm ơn tác giả đã bình luận nhạc của Cung Tiến này!

    Trả lời

Viết một bình luận