Trong hàng ngàn tấm ảnh màu chụp cảnh ở Việt Nam năm 1915-1916, thuộc “kho lưu trữ hành tinh” do Bảo tàng Albert Kahn ở Pháp lưu giữ, có khá nhiều tấm chụp khu lăng mộ của kinh lược sứ Hoàng Cao Khải (Ấp Thái Hà) sau đây:
Thời điểm những hình ảnh này được chụp, khu lăng mộ đã được xây khoảng 10 năm, nhưng những chủ nhân của lăng mộ (vợ chồng Hoàng Cao Khải và vợ chồng người con của ông là Hoàng Trọng Phu) vẫn đang còn sống, nên nơi này được gọi là sinh từ (đền thờ sống).
Khu lăng mộ được xây vào năm 1893, tức là 40 năm trước khi Hoàng Cao Khải qua đời. Khi đó, ông đã cho thiết lập một vùng đất rộng lớn nhằm làm nơi chôn cất và cúng tế cho gia tộc mình.
Dưới đây là những hình ảnh gia đình Hoàng Cao Khải và con trai là Hoàng Trọng Phu, cũng được chụp vào năm 1915:
Hình ảnh vợ chồng tổng đốc Hà Đông – Hoàng Trọng Phu và 4 người con.
Cũng như cha của mình, Hoàng Trọng Phu làm quan triều Nguyễn và làm việc cho chính quyền thuộc địa. Vợ cả của Hoàng Trọng Phu là con ông Phan Đình Vận. Ông Vận là chú ruột của Phan Đình Phùng, nên có thể nói Hoàng Cao Khải và Phan Đình Phùng có quan hệ thông gia. Họ đã đứng ở hai phe trái ngược, thậm chí Hoàng Cao Khải là người trực tiếp đàn áp cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng lãnh đạo.
Năm 1888, Hoàng Trọng Phu đã được chính quyền thuộc địa cử sang Pháp học cùng với Thân Trọng Huề, Lê Văn Miến (họa sĩ Việt Nam đầu tiên).
Hoàng Trọng Phu làm tổng đốc Hà Đông trong hơn 30 năm (1907-1938). Trong thời gian đó, dù làm việc cho Pháp nhưng Hoàng Trọng Phu được nhận định là đã âm thầm hỗ trợ Phong trào Đông Du, làm lơ cho hai trung tâm tuyển chọn người đi Đông Du ở Hà Đông và Nam Định hoạt động.
Ngoài ra, Hoàng Trọng Phu cũng là người phát triển các làng nghề thủ công ở Hà Đông, lập ấp Hà Đông ở Đà Lạt vẫn còn cho tới nay.
Trở lại với khu lăng mộ, còn được gọi là Ấp Hoàng Cao Khải, có tổng diện tích 17 ha, là một quần thể gồm 14 công trình kiến trúc về lăng mộ, đình chùa như: Lăng Hoàng Cao Khải, Lăng Hoàng Trọng Phu (tổng đốc Hà Đông – con của Hoàng Cao Khải), đồi Nghinh Phong, hồ Tẩm Nguyệt, khu đền thờ họ Hoàng với bảy gian theo phong cách kiến trúc dân gian… nằm rải rác ở khu vực phía Tây của gò Đống Đa. Quần thể di tích này được người Pháp đánh giá là có độ kiến trúc tinh xảo trong nghệ thuật điêu khắc đá phương Đông.
Khu lăng mộ được làm toàn bộ từ đá cẩm thạch, một loại đá quý hiếm được ưa chuộng ở châu Á. Đây là công trình đá lớn nhất Hà Nội và lớn thứ hai Việt Nam chỉ sau Thành nhà Hồ (Thanh Hóa). Để xây dựng và thiết kế khu lăng mộ này, Hoàng Cao Khải đã mời rất nhiều kiến trúc sư người Pháp và người Việt Nam cùng tham gia thiết kế.
Lăng Hoàng Cao Khải
Lăng được xây theo kiến trúc chữ “Đinh”, dài 8 m, cao 6 m, ở giữa có một cái bàn đá màu trắng rộng.
Mộ của Hoàng Cao Khải bên trái, của vợ ông ở bên phải, đều làm bằng đá cẩm thạch trắng, chạm trổ tinh vi, khắc các dòng chữ Hán sắc sảo. Toàn bộ các hạng mục từ mái nhà, trần, các kèo, cột, cho đến nền nhà, các ngôi mộ, bệ thờ, diềm, tường và tượng các vị tướng đứng chầu ngoài sân… đều làm từ đá, chạm trổ công phu với hoa văn cách điệu tinh xảo, phản ánh nghệ thuật điêu khắc đá của Việt Nam ở cuối thế kỷ 19.
Đá xây dựng lăng được chở về từ phủ Quốc Oai. Chế tác đá là các hiệp thợ nổi tiếng quanh vùng núi An Hoạch (Thanh Hóa).
Tuy nhiên, hiện khu lăng mộ Hoàng Cao Khải lại trở thành trụ sở của tuần tra cụm dân cư số 9 của Công an phường Trung Liệt. Theo tài liệu của một nhà nghiên cứu người Pháp, phía trước lăng mộ vào đầu thế kỷ 20 có hai dãy tượng gồm 8 chiến binh cao 1,3 m, gần bằng người thật, đầu đội mũ nhỏ có tua đứng gác; hiện chỉ còn lại 3 bức tượng và cả ba đều mất phần chân do bị nền xi măng đôn lên lấp mất phần chân.
Lăng Hoàng Trọng Phu
Cách lăng Hoàng Cao Khải khoảng vài chục mét phía bên phải là lăng mộ Hoàng Trọng Phu, con trai ông, xây bằng đá xanh. Tuy được xây dựng sau lăng cha mình nhưng lăng Hoàng Trọng Phu lại được đánh giá là có quy mô đồ sộ, hoành tráng hơn. Lăng cũng được xây theo kiểu chữ Đinh gồm 3 gian tiền tế, 1 gian hậu cung.
Khoảng những năm 1970, một số người dân đã đến đây chiếm dụng không gian của lăng làm nơi ở. Tính đến năm 2016, đã có 12 người dân sống trong khu lăng này. Tại đây còn một đôi rồng đá khá nguyên vẹn ở nơi trước kia vốn là cửa lăng (nay đã bị bít lại, thành nơi để xe và chậu cảnh)
Một số hình ảnh khác của khu lăng mộ Hoàng Cao Khải 100 năm trước:
Hoang tàn lăng mộ cổ
Hiện nay khu lăng mộ cổ họ Hoàng nằm sâu trong con ngõ 255 Tây Sơn (Trung Liệt – Đống Đa – Hà Nội), Riêng lăng của Hoàng Cao Khải đã trở thành “Trụ sở tuần tra nhân dân cụm 9” của Công an phường Trung Liệt.
Đây là nơi mọi người đến khai báo tạm trú tạm vắng, nên người dân không vào lấn chiếm để sinh sống giống như lăng Hoàng Trọng Phu nằm bên cạnh, vốn đã bị tàn phá nghiêm trọng, mặc dù khu lăng mộ này đã được xếp hạng di tích từ năm 1962.
Quyết định xếp hạng di tích ngày 28/4/1962 của Bộ Văn hóa Thể thao đã đánh giá: “Đây là chứng tích duy nhất của nước ta về một quần thể các công trình lăng tẩm, dinh thự của một phó vương”.
Tuy nhiên, khu lăng mộ gồm nhiều công trình này ngày nay gần như trở thành một phế tích tan hoang, bị chia cắt nằm rải rác ở những vị trí khác nhau, hầu hết đã mất đi những dấu tích xưa cũ.
Bàn đá trên đồi Nghinh Phong ngày nay nằm trọn trong nhà một hộ dân. Ông Nguyễn Văn Năm – cán bộ của Trụ sở tuần tra cho biết: “Xưa, Hồ Tẩm Nguyệt trước đền thờ Hoàng Cao Khải rất sâu, nước trong vắt. Người dân ở quanh vùng đến gánh nước về ăn, nhưng nay trở thành hố nước đọng và là nơi sinh sống của đàn vịt, ngan bởi nhiều nhà mua về thả đó ăn dần. Không những vậy, không gian xung quanh lăng mộ và hồ Bán Nguyệt bị biến thành chợ tạm. Mùa hè oi bức bốc lên một mùi hôi tanh nồng nặc”.
Còn giáo sư Sử học Lê Văn Lan nói trên báo Lao Động: “Chúng tôi đã lăn xả, can thiệp ít nhất là 20 năm nay nhưng không có hiệu quả, mà đứng ở phương diện những người bảo vệ các di tích lịch sử thì tôi cảm thấy rất là hụt hơi và nản lòng”.
Báo Vietnamnet đưa tin: Bà Lê Thị Trầm (sinh năm 1933), trú tại ngõ 252 Tây Sơn từ năm 1980 cho biết, năm bà mới về, khu vực lăng mộ còn ít người sinh sống, cây cối rậm rạp. Lăng mộ vẫn giữ được những cấu trúc cũ.
“Người dân e ngại, ít khi bén mảng đến, thi thoảng có một số kẻ tin rằng có vàng bạc trong lăng mộ, rình mò đào bới. Tuy nhiên, khoảng năm 1990, dân tứ xứ đổ về Hà Nội làm, thiếu chỗ ở, họ kéo nhau ra đây dựng nhà, tá túc. Ban đầu chỉ một vài hộ, sau dân số cứ thế tăng dần lên.
Phần đất trong quần thể lăng mộ bị cắt xén nham nhở, đường tôn cao lên, nhiều ngôi mộ chìm sâu xuống lòng đất. Một số người còn đưa vợ con vào trong lăng ở, sinh hoạt. Cách đây hơn 3 năm, chính quyền đã tiến hành giải tỏa một số hộ dân sống trong lăng mộ Hoàng Cao Khải, bố trí cho họ nơi ở mới và tận dụng lăng mộ làm nơi khai báo nhân khẩu của địa phương”.
Nhiều năm trước, hậu duệ của Hoàng Cao Khải (hiện sinh sống ở Pháp, Anh, Mỹ) về thăm và có ý định mua lại lăng mộ của cha ông, nhưng sau vì lý do nào đó không thấy đề cập nữa. Thi thoảng con cháu vẫn về Việt Nam thắp hương, thăm phần mộ cha ông vào dịp Tết’.
“Việt gian” Hoàng Cao Khải
Hoàng Cao Khải (1850-1933) tên thật là Hoàng Văn Khải, quê làng Đông Thái, thuộc xã Tùng Ảnh, huyện La Sơn (nay là Đức Thọ), tỉnh Hà Tĩnh. Ông đỗ cử nhân năm Tự Đức thứ 21 (1868). Ông là nhà văn, nhà sử học, là đại thần dưới triều vua Thành Thái, đồng thời được xem là cộng sự đắc lực của thực dân Pháp thời cuối thế kỷ 19, bị nhiều người coi là “Việt gian” tiêu biểu trong giai đoạn lịch sử này. Ông chính là người đã đàn áp tất cả những cuộc khởi nghĩa chống Pháp lớn nhất thời đó, như phong trào Cần Vương (khởi nghĩa Bãi Sậy), Phan Đình Phùng (khởi nghĩa Hương Khê), Hoàng Hoa Thám (khởi nghĩa Yên Thế)…
Hoàng Cao Khải giữ chức Kinh lược sứ Bắc kỳ, người Pháp gọi là Phó Vương (ở Bắc kỳ, ông là người Việt quyền lực thứ 2, chỉ xếp sau vua triều Nguyễn). Năm 1897, Nha Kinh lược Bắc Kỳ bị bãi bỏ, Hoàng Cao Khải được điều về Huế lãnh chức Thượng thư Bộ Binh và làm phụ chính đại thần cho vua Thành Thái, hàm Thái tử Thái phó, Văn minh điện Đại học sĩ. Như vậy, Hoàng Cao Khải là viên Kinh lược sứ Bắc Kỳ cuối cùng của triều Nguyễn.
Năm 1904 khi tỉnh Cầu Đơ được đổi tên là Hà Đông, ông làm Tổng đốc tỉnh Hà Đông, giúp Thống sứ Bắc Kỳ soạn Nghị định về tổ chức bộ máy quản lý cấp xã ở Bắc Kỳ. Về sau con trai ông là Hoàng Trọng Phu kế nhiệm ông làm Tổng đốc Hà Đông đến năm 1938.
Ông về hưu tại Ấp Thái Hà, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông nay thuộc phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội và mất tại đây.
Sáng lập Ấp Thái Hà
Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải cũng là người có nhiều ý tưởng canh tân đời sống thôn quê và vào tháng 11 năm 1893, những ý tưởng ấy được thể hiện trong việc biến một vùng đất trũng ở phía Tây Nam Hà Nội thành một ấp mang tên ấp “Thái Hà” (là sự kết hợp địa danh quê hương của ông là Đông Thái ở Nghệ An với Hà Nội) tạo ra một mô hình quy hoạch khá mới mẻ tại vùng giáp ranh đô thị.
Theo các sử liệu, Hoàng Cao Khải bấy giờ đã có dinh cơ ở phố Tràng Thi, tuy nhiên ông vẫn muốn lập thêm dinh cơ để ở khi về già. Ông quyết định chọn khu vực ruộng trũng, ao hồ của bốn làng: Thịnh Quang, Nam Đồng, Khương Thượng và Yên Lãng (Láng) để xây dựng khu thái ấp, đặt tên là Thái Hà Ấp. Tên gọi Thái Hà được cho là ghép từ hai địa danh Đông Thái (tức làng Đông Thái tại Hà Tĩnh, quê hương của Hoàng Cao Khải) và Hà Nội.
Đến năm 1899, chính quyền thực dân Pháp quyết định thành lập huyện Hoàn Long với vai trò là khu ngoại thành của Hà Nội, Thái Hà Ấp trở thành lỵ sở của huyện này.
Theo số liệu đo đạc vào thời điểm đó, khu đất của Hoàng Cao Khải rộng đến 150 ha. Do đất đai nằm ở thế trũng, chính quyền đã cấp cho ông 2.000 đồng bạc để cải tạo lại khu đất. Ông cho đào kênh mương ngang dọc để thoát nước trong gần một năm, đất đào lên đem đi đắp nền. Những con kênh được đào rộng và thẳng còn đóng vai trò là đường hào tự nhiên bảo vệ khu ấp. Trong ấp được chia thành khoảng chục lô đất vuông vắn, dinh cơ của Hoàng Cao Khải chiếm khoảng một phần tư khu vực, ở góc đông nam đường cái (phố Tây Sơn ngày nay). Khu dinh cơ này có cổng chính, cổng phụ, cầu bắc qua hào, tường bao quanh kín đáo. Tư dinh của ông là một tòa nhà chín gian nằm sâu bên trong, được trang trí lộng lẫy với các bức hoành phi, câu đối, bức trướng, các sập gụ, các đồ đồng, đồ sứ quý giá. Lăng tẩm có nhà tiền tế, đường thần đạo đi giữa hai dãy tượng quan quân chầu hầu nối với chính tẩm xây bằng đá đẹp.
Phần đất còn lại của ấp cũng được ông dành cho các quan chức xây biệt thự. Bên cạnh đó, ông còn khuyến khích dân chúng dựng nhà cửa xung quanh chùa Đồng Quang ở dưới chân gò Đống Đa, dọc hai bên đường cái thành một đoạn đường phố tấp nập. Thái Hà Ấp do đó nhanh chóng trở thành thị trấn – phố lớn, vào năm 1928 đã có 685 nhân khẩu.
Từ thập niên 1910, nhiều cơ quan chính phủ thuê nhà trong ấp Thái Hà để làm trụ sở, như Viện Đại lý Pháp, Sở Đại chính Bắc Kỳ, Phòng thí nghiệm vi trùng học… Năm 1927, chính quyền cho đặt tại đây một trại thu nhận trẻ lang thang.
Hoàng Cao Khải có tài về văn học và là nhà sử học. Ông sáng tác cả bằng chữ Hán lẫn chữ Nôm trên nhiều lĩnh vực. Về lịch sử nổi bật có Việt sử yếu, Việt Nam nhân thần giám, Việt sử kinh bằng chữ Hán, sau được chính ông diễn nôm; Nam sử diễn âm bằng chữ Nôm. Ông được xem là có phát kiến mới về phương pháp luận sử học và những đánh giá khác lạ so với thời đó.
Các sáng tác của Hoàng Cao Khải thường lấy đề tài lịch sử: Tây nam đắc bằng (Đi về hướng tây nam gặp được bạn) kể việc Gia Long gặp Bá Đa Lộc nhờ cầu viện nước Pháp, truyện “Trung hiếu thần tiên” nói về Hưng Đạo Vương và thời Trần. Ông cũng soạn các truyện lịch sử mang tính giáo dục luân lý phong kiến như Gương sử Nam, Làm con phải hiếu, Đàn bà Việt Nam… Ông cũng là soạn giả vở tuồng Gia Long phục quốc.
“Đánh giá lại” Hoàng Cao Khải
Vì cộng tác đắc lực với thực dân Pháp nên hầu hết các sĩ phu đương thời đều coi khinh Hoàng Cao Khải, dù ông có tài văn học. Quan điểm đó đặc biệt được nhấn mạnh kể từ sau 1954 tới nay. Tuy nhiên gần đây, cuốn sử Việt Sử Yếu của Hoàng Cao Khải lại được cấp phép xuất bản chính thức ở trong nước.
Trên báo Thanh Niên năm 2007 có bài mang tên “Đánh giá lại” Hoàng Cao Khải, trong đó có dẫn lời PGS.TS Chương Thâu như sau:
“Ngoài chuyện làm quan cho nhà Nguyễn, Hoàng Cao Khải còn mắc phải một “tội trạng” nặng nề khác là đàn áp khởi nghĩa. Nhưng, lục tìm tài liệu cũ của Pháp, tôi lại phát hiện những trang “mật” ghi chép cẩn thận mọi hành vi của Hoàng Cao Khải. Càng đọc càng thấy, các “quan trên” tỏ ý nghi ngờ Tổng đốc họ Hoàng làm việc “hai mang”. Nếu không thì tại sao, ngày giờ tiến hành đàn áp khởi nghĩa Yên Thế, Hoàng Cao Khải đều thống nhất với một đồng sự vốn là bà con xa của Hoàng Hoa Thám, như thể ngầm “đánh tiếng” sang nghĩa quân. Rồi, sau này lập ấp Thái Hà, thực tâm Hoàng Cao Khải muốn giúp đỡ những người từ phương xa tới kinh kỳ. Trong danh sách những người được ông cưu mang, có cả Hoàng Mậu Dân, thân phụ của Hoàng Ngọc Phách. Mà Hoàng Mậu Dân thì vốn là thủ túc của Phan Đình Phùng, bị truy nã gắt gao ở Hà Tĩnh. Ngay Phan Bội Châu, lãnh tụ của phong trào Đông Du cũng nhận định: Hoàng Cao Khải là người “nhất điểm linh đài”, “còn một điểm lương tâm, còn biết Việt Nam là nước của tổ tông cha mẹ, là nước đồng bào, không nỡ trông thấy người Pháp phá hoại mòn mỏi đi”. Ông cũng hy vọng Hoàng Cao Khải một lúc nào đấy sẽ hồi tâm. Theo suy nghĩ của tôi, dù làm việc cho Pháp nhưng Hoàng Cao Khải vẫn là người có tinh thần dân tộc (tôi không dùng chữ yêu nước). Tinh thần dân tộc ấy đã lan truyền đến thế hệ con, cháu của ông. Hoàng Trọng Phu, Tổng đốc Hà Đông cũng thiết lập một trại ấp “từ thiện” và còn có công khôi phục làng nghề cho tỉnh Hà Đông. Đặc biệt, cả Hoàng Trọng Phu và Hoàng Mạnh Trí (Tổng đốc Nam Định) đều âm thầm hỗ trợ phong trào Đông Du, làm lơ cho hai trung tâm tuyển chọn đi Đông Du ở Hà Đông và Nam Định cứ việc hoạt động. Chừng ấy chi tiết đã đủ để chúng ta nên xem xét lại chưa? Chính từ trường hợp của Hoàng Cao Khải mà tôi nhận thấy, tầng lớp sĩ phu cùng thời với ông có sự phân hóa rõ rệt: một bộ phận đi làm cách mạng, một bộ phận “án binh bất động”, một bộ phận vì nhiều lý do tạm thời làm việc cho Pháp. Nét độc đáo ấy, khi nhìn lại lịch sử dân tộc, lẽ ra chúng ta cần để tâm nghiên cứu”. (nguồn: https://thanhnien.vn/danh-gia-lai-hoang-cao-khai-185134041.htm )
chuyenxua.net biên soạn