Mời các bạn cùng nhìn lại những hình ảnh so sánh “xưa và nay” của các ca sĩ nổi tiếng nhất của miền Nam trước năm 1975. Đến nay, thời gian đã qua hơn nửa thế kỷ, không ai có thể tránh khỏi được quy luật của thời gian. Tuy nhiên cũng có một số ca sĩ vẫn còn mang phảng phất nét đẹp quý phái của một thời vàng son.
Thứ tự các ca sĩ được xếp theo thứ tự alphabet:
1. Anh Khoa
Ca sĩ Anh Khoa sinh năm 1948, là một trong những nam ca sĩ nổi tiếng nhất của miền Nam trước 1975 ở dòng nhạc trữ tình. Giọng hát truyền cảm và nhẹ nhàng của ông đã gây ấn tượng với khán giả cho đến ngày nay.
Ca sĩ Anh Khoa tên thật là Trần Công Khai, sinh năm 1948 tại Phan Thiết trong gia đình có đến 12 người con.
Năng khiếu về ca hát của Anh Khoa đã thể hiện từ khi còn ngồi ghế nhà trường. Khi mới 12 tuổi (1960), ông đại diện địa phương để vào Sài Gòn tham gia giải Văn Nghệ Ấp Chiến Lược Toàn Quốc tại rạp Quốc Thanh và đạt giải nhất với ca khúc Biệt Kinh Kỳ.
Thời gian đầu của sự nghiệp, ca sĩ Anh Khoa khá lận đận, từng tham gia nhiều ban nhạc trẻ ở Phan Thiết, Nha Trang để hát trong các club Mỹ nhưng chủ yếu là nghiệp dư.
Năm 20 tuổi, ông quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp, ban đầu là chơi guitar bass cho một ban nhạc trong club Mỹ, sau đó được nhận vào chơi nhạc trong ban của Jo Marcel ở vũ trường Tự Do. Đó có thể xem là bước ngoặt trong sự nghiệp Anh Khoa, vì thời gian sau đó ông được Jo Marcel tận tình dìu dắt, nâng đỡ để dần trở nên nổi danh trong làng nhạc Sài Gòn.
Chỉ trong 5 năm đầu của thập niên 1970, Anh Khoa đã thu âm hàng trăm bài hát và trở thành một ca sĩ rất ăn khách. Báo chí thời đó đã viết rằng “ca sĩ Anh Khoa bước chân vào nền âm nhạc Việt Nam bằng đôi hia bảy dặm”.
—
2. Sơn Ca
Ca sĩ Sơn Ca tên thật là Nguyễn Thị Tuyết Nga, sinh năm 1953 tại Sài Gòn, là thế hệ ca sĩ sau cùng của làng văn nghệ Sài Gòn trước 1975, nổi tiếng với những bài tình ca quê hương của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ như Rước Tình Về Với Quê Hương, Tình Ca Trên Lúa, Đám Cưới Trên Đường Quê, Đưa Em Qua Cánh Đồng Vàng…
—
3. Băng Châu
Từ khoảng đầu thập niên 1970, làng văn nghệ Sài Gòn có sự xuất hiện của một khuôn mặt rất trẻ, vẫn còn mang dáng dấp một nữ sinh với những nét đẹp tươi tắn, nhu mì, rạng rỡ nhưng vẫn còn phảng phất hương lúa ngọt ngào của miền Tây trù phú.
Ca sĩ Băng Châu sinh năm 1950, ngoài sở hữu giọng hát ngọt ngào, cô còn là một trong những ca sĩ có nhan sắc khả ái nhất trong giới ca sĩ Sài Gòn trước 1975. Kể từ khi xuất hiện trước công chúng từ độ tuổi đôi mươi cho đến nay đã qua 50 năm, trên gương mặt của cô vẫn còn giữ được phần nào nét khả ái.
—
4. Thái Châu
Ca sĩ Thái Châu tên thật là Trương Chiêu Thông, sinh năm 1951, là một trong những nam ca sĩ nổi tiếng của làng nhạc miền Nam trước 1975 sở hữu giọng hát ngọt ngào phù hợp với các bài ca trữ tình nhẹ nhàng.
—
5. Trung Chỉnh
Ca sĩ Trung Chỉnh sinh năm 1943, là ca sĩ nhạc vàng nổi tiếng trước năm 1975 và thường song ca với Hoàng Oanh, Phương Dung. Dù là một ca sĩ được yêu thích cả trước năm 1975, nhưng nghề nghiệp chính của ông là bác sĩ quân y, ca hát chỉ là nghề tay trái.
—
6. Phương Dung
Ca sĩ Phương Dung sinh năm 1946 (có thông tin cho rằng năm sinh thật của cô là 1942), là ca sĩ thuộc thế hệ đầu của dòng nhạc vàng, được khán giả mến mộ trong suốt 60 năm qua. Cô được đặt biệt danh là “Nhạn Trắng Gò Công”, rất thành công với những ca khúc nhạc vàng nổi tiếng như Nỗi Buồn Gác Trọ, Tạ Từ Trong Đêm, Những Đồi Hoa Sim…
Nếu nói về những danh ca hát nhạc vàng nổi tiếng nhất, người ta thường nhắc đến 4 giọng ca thuộc thế hệ tiên phong hát nhạc vàng từ đầu thập niên 1960, đó là Trúc Mai, Thanh Thuý, Hoàng Oanh và Phương Dung. Từ sự thành công của những ca sĩ “đàn chị” này, sau đó mới bắt đầu xuất hiện những nữ ca sĩ mà tên tuổi cũng đã trở thành huyền thoại là Thanh Tuyền, Giao Linh, Hương Lan…
—
7. Trang Mỹ Dung
Ca sĩ Trang Mỹ Dung là 1 trong những nữ ca sĩ tiêu biểu của dòng nhạc vàng trước năm 1975, nổi tiếng từ cuối thập niên 1960, là học trò của nhóm nhạc sĩ Lê Minh Bằng (Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng).
Trang Mỹ Dung tên thật là Trương Thị Mỹ Dung, sinh năm 1951 tại Phan Thiết, trong một gia đình Phật tử không có ai theo con đường nghệ thuật. Cô theo gia đình vào Sài Gòn sinh sống từ năm 6 tuổi. Năm 1967, khi mới 16 tuổi, Trang Mỹ Dung ghi danh cuộc thi tuyển lựa ca sĩ do Đài Truyền hình Sài Gòn tổ chức. Sau buổi sơ khảo, nhạc sĩ Anh Bằng đến nói chuyện, khuyến khích cô theo con đường ca hát và nhận vào học lớp nhạc Lê Minh Bằng.
Tại lớp nhạc này, cô được các thầy giới thiệu đến thâu âm cho hãng dĩa Asia – Sóng Nhạc mà nhóm Lê Minh Bằng đang cộng tác. Vào ngày 9/8/1967, một sự kiện quan trọng trong nghiệp hát của Trang Mỹ Dung đã diễn ra, đó là ngày cô được thu âm ca khúc đầu tiên “Hai Mùa Mưa” của nhóm Lê Minh Bằng sáng tác, ca khúc do Sóng Nhạc phát hành này đã đưa tên tuổi Trang Mỹ Dung trở thành một ngôi sao sáng chói của làng nhạc.
—
8. Phương Đại
Ca sĩ Phương Đại được yêu mến và biết đến nhiều nhất khi hát trong ban tam ca Sao Băng. Ngoài ra ông cũng thường song ca với nữ ca sĩ Phương Hồng Quế. Ông đã bị trải qua một cơn đột quỵ từ năm 1986, vì vậy gần như hoàn toàn vắng bóng trong làng nhạc hải ngoại, ngoại trừ 1 lần duy nhất xuất hiện trên Paris By Night cùng với Thanh Phong năm 1998.
—
9. Khánh Hà
Ca sĩ Khánh Hà sinh năm 1952. Cô đã đi hát trước năm 1975, nhưng chủ yếu là hát nhạc trẻ. Từ sau khi sang hải ngoại, Khánh Hà được yêu mến với dòng nhạc trữ tình từ thập niên 1980 với giọng hát rất điêu luyện và được so sánh với các diva nước ngoài.
Nối tiếp phần 1 và 2 đã đăng, mời các bạn cùng nhìn lại những hình ảnh so sánh “xưa và nay” của các ca sĩ nổi tiếng, phần 3. Hình ảnh được tuyển chọn từ các thời kỳ trước 1975, sau 1975 và hiện nay.
—
10. Thái Hiền
Ca sĩ Thái Hiền sinh năm 1956, là người con thứ năm – đồng thời là trưởng nữ của nhạc sĩ Phạm Duy và danh ca Thái Hằng.
Thái Hiền bước chập chững bước vào con đường nghệ thuật từ khi mới 13 tuổi, với những bài “Bé Ca” mà nhạc sĩ Phạm Duy viết dành riêng cho con gái của mình. Khi trở thành thiếu nữ, Thái Hiền lại được hát những bài “Nữ Ca” cũng của người cha nổi tiếng viết riêng cho giọng hát trong trẻo của cô.
Sự nghiệp âm nhạc của Thái Hiền lên tới đỉnh cao khi cô hát ở hải ngoại, đặc biệt là vào thập niên 1980, 1990. Giọng hát Thái Hiền rất nhẹ nhàng và thảnh thơi, hát như là nói, như lời tâm tình, hát hồn nhiên, hát vô ưu, hát giản dị… Dù lời ca có đau khổ như thế nào, có vui sướng ra sao, qua sự thể hiện của Thái Hiền, đều trở nên nhẹ như mây, có thể gây nghiện đối với nhiều người, bởi cái tình sâu kín ẩn bên trong vẻ ơ thờ, bởi âm thanh thánh thót trong ngần thể hiện rõ thế giới nội tâm đẹp đẽ của người ca sĩ.
—
11. Mai Lệ Huyền
Ca sĩ Mai Lệ Huyền tên thật là Nguyễn Thu Cúc, sinh năm 1946, từng được xem là một hiện tượng âm nhạc đặc biệt trong làng nhạc miền Nam trước 1975, đã được giới báo chí và giới mộ điệu đặt biệt danh là “Búp Bê Lửa” hay “Nữ Hoàng Nhạc Kích Động”.
Cô sở hữu một vẻ đẹp lạ với khuôn mặt tròn đầy, mũm mĩm như búp bê, đôi mắt sâu to tròn và thân hình bốc lửa khoẻ khoắn. Với ngoại hình nổi bật như vậy, Mai Lệ Huyền đã làm mưa làm gió ở các vũ trường Sài Gòn, đặc biệt là khi xuất hiện trên sân khấu bên cạnh Hùng Cường.
—
12. Julie
Ca sĩ Julie (trước 1975 có nghệ danh là Julie Quang) sinh năm 1951, mang hai dòng máu Việt và Ấn, là một nữ ca sĩ nổi tiếng trước 1975 được yêu mến với giọng hát rất đặc biệt, được mô tả là liêu trai và đầy mê hoặc. Ngoài ra khi nhắc đến Julie, người ta nhắc đến ca khúc Mùa Thu Chết, và ngược lại.
Vì thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, nên thời gian đầu của sự nghiệp, Julie thường hát nhạc ngoại tại các club Mỹ. Trên các sân khấu đó, cô quen với ca sĩ Duy Quang, họ nhanh chóng trở thành một đôi.
Thời gian sau đó, Julie được nhạc sĩ Phạm Duy khuyến khích và dẫn dắt để chuyển sang hát nhạc Việt, và ca khúc được thu dĩa đầu tiên của Julie chính là ca khúc định mệnh Mùa Thu Chết, gắn liền với tên tuổi của cô suốt 50 năm qua. Nhạc sĩ Phạm Duy đã sáng tác Mùa Thu Chết riêng cho tiếng hát Julie, và trong cùng thời điểm đó, cũng chính ông đã đặt cho Julie cái nghệ danh mới là Julie Quang, cái tên đã gắn liền với sự nghiệp của cô trước năm 1975.
Sau này sang hải ngoại, cô chia tay với Duy Quang và dùng lại nghệ danh là Julie.
—
13. Hương Lan
Ca sĩ Hương Lan sinh năm 1956, được xem là 1 trong những nữ danh ca nổi tiếng nhất của nhạc vàng trước và sau năm 1975. Giọng hát của Hương Lan nổi tiếng với sự ngọt ngào đặc trưng, đặc biệt là khi hát nhạc quê hương âm hưởng dân ca Nam Bộ. Hương Lan cũng là 1 trong những ca sĩ có nhiều bản thu âm nhất với hàng ngàn ca khúc được phát hành trong hơn 50 năm ca hát.
—
14. Thanh Lan
Thanh Lan sinh năm 1948, là ca sĩ, diễn viên của Việt Nam. Sở hữu nhan sắc khả ái, Thanh Lan là nữ nghệ sĩ đa tài đã thành công trên cả ba lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh và sân khấu. Trong sự nghiệp âm nhạc, cô cũng trình bày thành công nhiều thể loại nhạc khác nhau, từ dân ca, nhạc tiền chiến, trữ tình, nhạc trẻ, nhạc vàng, và đặc biệt là nhạc Pháp.
—
15. Chế Linh
Ca sĩ Chế Linh sinh năm 1942, là một huyền thoại của dòng nhạc vàng, là một trong những ca sĩ đầu tiên hát nhạc vàng phổ thông thịnh hành và được yêu thích cho đến ngày nay. Ông bắt đầu nổi tiếng từ thập niên 1960, vừa là ca sĩ, vừa là nhạc sĩ bút hiệu là Tú Nhi. Ông cùng với các ca sĩ – nhạc sĩ khác là Duy Khánh, Hùng Cường và Nhật Trường được xưng tụng là “tứ trụ nhạc vàng”, và trong bộ tứ này hiện nay chỉ còn lại duy nhất ca sĩ Chế Linh, 3 người còn lại đã tạ thế được nhiều năm.
Hiện nay ở tuổi gần 80, ông vẫn còn đi hát, là giọng hát bền bỉ nhất của nhạc Việt mọi thời đại.
—
16. Giao Linh
Ca sĩ Giao Linh sinh năm 1949, thường được nhắc đến như là một trong những nữ ca sĩ nổi tiếng nhất của nhạc vàng thế hệ trước năm 1975. Cô sở hữu giọng hát truyền cảm và có phần nức nở, thổn thức, phù hợp với những ca khúc nhạc buồn sâu lắng, được nhiều người gọi với biệt danh là “nữ hoàng sầu muộn”.
Yêu thích và có năng khiếu ca hát từ nhỏ, dù bị cha ngăn cấm nhưng ca sĩ Giao Linh vẫn được mẹ khuyến khích và cho đi học hát song song với học văn hóa ở trường nữ trung học Nguyễn Bá Tòng. Giao Linh được một giáo sư dạy nhạc tại trường trung học là nhạc sĩ Thu Hồ phát hiện ra tiềm năng và giới thiệu đến nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, rồi may mắn được ông nhận làm học trò. Đó có thể xem là bước ngoặt trong cuộc đời và sự nghiệp của ca sĩ Giao Linh. Nhờ sự hết lòng dìu dắt và nâng đỡ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, cùng với sự kèm cặp về nhạc lý của nhạc sĩ Ngọc Sơn, cô đã dần trở thành một trong những nữ ca sĩ nổi tiếng nhất của dòng nhạc vàng, được yêu thích suốt hơn 50 năm qua.
—
17. Kim Loan
Ca sĩ Kim Loan sinh năm 1948, nổi tiếng khắp làng nhạc miền Nam xưa với nhan sắc khả ái với ca khúc được mến mộ nhất là Căn Nhà Ngoại Ô của nhạc sĩ Anh Bằng.
—
18. Khánh Ly
Ca sĩ Khánh Ly sinh năm 1945, được xem là một trong những nữ danh ca nổi tiếng nhất của làng nhạc Sài Gòn trước năm 1975. Cùng với Thái Thanh và Lệ Thu thì Khánh Ly được đánh giá là 1 trong 3 nữ danh ca tiêu biểu nhất của nhạc trữ tình Việt Nam.
Tên tuổi của Khánh Ly thường được nhắc đến bên cạnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, và bà được xem là người hát nhạc Trịnh hay nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên có lẽ cũng vì vậy mà đã có nhiều sự nhìn nhận không đúng, cho rằng Khánh Ly chỉ hát hay nhạc của Trịnh Công Sơn, trong khi bà vẫn hát rất thành công nhạc của nhiều nhạc sĩ khác, như Phạm Duy, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên… đặc biệt là Trầm Tử Thiêng và Nguyễn Đình Toàn, với những album được xem là hay nhất tại hải ngoại như Kinh Khổ (nhạc Trầm Tử Thiêng), Hiên Cúc Vàng (nhạc Nguyễn Đình Toàn).
—
19. Thanh Mai
Ca sĩ Thanh Mai sinh năm 1955. Trong làng nhạc Sài Gòn trước năm 1975, dù Thanh Mai không phải là ca sĩ thuộc hàng nổi danh nhất, nhưng tên tuổi của cô vẫn được rất nhiều người biết đến và yêu mến. Đã có một thời đôi song ca Quốc Dũng – Thanh Mai làm khuấy động các sân khấu nhạc trẻ Sài Gòn.
Ấn tượng của Thanh Mai trong lòng khán giả yêu nhạc thập niên 1970 là một ca sĩ trẻ có vóc dáng nhỏ nhắn, khuôn mặt bầu bĩnh dễ thương và giọng hát tươi vui trong trẻo.
—
20. Trúc Mai
Ca sĩ Trúc Mai sinh năm 1942, thuộc thế hệ đầu tiên của nhạc vàng miền Nam. Cô không chỉ có giọng hát ngọt ngào, ấm áp mà còn chinh phục khán giả với vẻ đẹp yêu kiều, quý phái. Giọng hát Trúc Mai gắn liền với bài hát “Hàn Mặc Tử” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.
—
21. Họa Mi
Ca sĩ Họa Mi tên thật là Trương Thị Mỹ, sinh năm 1955, là một trong những ca sĩ nổi bật nhất thuộc thế hệ sau cùng của làng nhạc Sài Gòn trước năm 1975. Cô được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ phát hiện, nhận làm học trò và được đánh giá là có “giọng hát trong và thánh thót ở những nốt cao, ấm áp và tình cảm ở những nốt trầm”, vì vậy đã trình bày thành công được đa dạng thể loại nhạc.
—
22. Anh Ngọc
Anh Ngọc sinh năm 1925 tại Hà Đông, là một trong những nam danh ca có ảnh hưởng nhất trong làng nhạc trữ tình miền Nam trước 1975, nhiều đồng nghiệp và người trong giới văn nghệ đã thừa nhận tài năng của ông, một giọng ca trung hòa được 2 yếu tố là giọng ca tuyền cảm và dày dặn về mặt kỹ thuật:
“Ngoài việc truyền đạt lời hát một cách rõ ràng và chuẩn xác, Anh Ngọc còn sử dụng cách luyến láy cũng như phân đoạn câu hát để nói lên ý nghĩa của bài hát, hay nói đúng hơn là những ý nghĩa chứa đựng trong bài hát” (Jason Gibb)
“Tiếng hát ông rất mạnh, sang sảng. Ông lên tới những nốt rất cao mà không mỏng, xuống được những nốt trầm mà vẫn dầy, vẫn rõ. Khoảng cách của các nốt nhạc được ông xướng lên đồng đều, không lép mà chắc nịch. Phải nói đến chuyện trời cho ấy vì ngày nay nhờ kỹ thuật âm thanh ai cũng có thể tự nghĩ rằng mình có giọng ca thiên phú.
Anh Ngọc có làn hơi phong phú. Ông là một trong số ca sĩ hiếm hoi của Việt Nam vẫn giữ được trường độ của một câu nhạc rất dài. Từ chuyện thiên phú phải nói đến chuyện nhân tài: ông hiểu nội dung ca khúc và cách diễn tả. Nói một cách khác ông rất thông minh và nắm được cách thế bắt buộc của câu hát. (ca sĩ Quỳnh Giao)
Cho đến nay, ở tuổi 96 (năm 2021), Anh Ngọc là ca sĩ Việt Nam lớn tuổi nhất vẫn còn tại thế.
—
23. Tuấn Ngọc
Ca sĩ Tuấn Ngọc sinh năm 1947, xuất thân trong một gia đình nghệ sĩ có cha và các chị, em đều là ca sĩ nổi tiếng, và bản thân Tuấn Ngọc cũng được xem là một trong những nam ca sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc trữ tình hải ngoại sau năm 1975 cho đến nay.
Ông sở hữu giọng hát trầm ấm và có phong cách diễn tả đặc biệt, là nam ca sĩ nhận được đánh giá cao của giới chuyên môn cũng như sự hâm mộ của công chúng yêu nhạc. Dù Tuấn Ngọc đã đi hát trước năm 1975, nhưng chủ yếu là hát nhạc ngoại, và ông chỉ thực sự hát nhạc trữ tình Việt Nam từ thập niên 1980, nhưng những nhạc sĩ trữ tình nổi tiếng nhất của nhạc Việt là Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn đều xem Tuấn Ngọc là giọng ca nam hát thành công nhất những ca khúc của họ.
Tuấn Ngọc cũng được nhiều người xem như một “tượng đài” của dòng nhạc trữ tình, luôn xuất hiện trên sân khấu với một phong cách chỉn chu, lịch thiệp của một quý ông đích thực. Đặc biệt, gióng hát của ông còn tạo thành một “trường phái Tuấn Ngọc” tạo được sự ảnh hưởng tới nhiều nam ca sĩ thế hệ sau như Nguyên Khang, Trần Thái Hòa, Quang Dũng, Xuân Phú,…
—
24. Hoàng Oanh
Ca sĩ Hoàng Oanh sinh năm 1946, là một trong những ca sĩ tiên phong hát dòng nhạc vàng từ thập niên 1960 và đã dành trọn cả đời để cống hiến cho âm nhạc trong suốt gần 70 năm ca hát. Số lượng bài hát nhạc vàng gắn liền với tên tuổi Hoàng Oanh rất nhiều, có thể liệt kê những bài nổi tiếng nhất là Ai Ra Xứ Huế (Duy Khánh), Chuyến Đò Vỹ Tuyến (Lam Phương), Tình Yêu Trả Lại Trăng Sao (Lê Dinh), Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy (Trầm Tử Thiêng), Về Đâu Mái Tóc Người Thương (Hoài Linh), Câu Chuyện Đầu Năm (Hoài An), Một Người Đi (Mai Châu), Mưa Trên Phố Huế (Minh Kỳ & Tôn Nữ Thụy Khương), Sao Chưa Thấy Hồi Âm (Châu Kỳ)… Hoàng Oanh cũng là ca sĩ hiếm hoi của dòng nhạc vàng học lên đến đại học thời đó. Cô tốt nghiệp Cử nhân (Ban Sử Địa) ở Đại Học Văn Khoa.
—
25. Thanh Phong
Ca sĩ Thanh Phong tên thật là Đào Công Khanh, sinh năm 1942, là 1 trong những môn sinh đầu tiên của lò nhạc Nguyễn Đức, và được biết đến nhiều nhất khi hát trong ban tam ca Sao Băng.
Từ thập niên 1960, Thanh Phong hoạt động trong đoàn Văn Nghệ bảo An (Địa Phương Quân) và Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương. Đây cũng là thời gian ông có ý định thành lập một nhóm hát, xuất phát tư sự mến mộ của Thanh Phong dành cho ban Thăng Long nổi tiếng. Tại biệt đoàn văn nghệ, Thanh Phong kết thân với 2 nam ca sĩ khác là Phương Đại và Duy Mỹ, cùng nhau thành lập một nhóm hát 3 người, và cũng chính nhạc sĩ Nguyễn Đức là người đặt cho cái tên là ban Tam Ca Sao Băng để họ cùng đứng trên các sân khấu ca nhạc của Đại Nhạc Hội, phòng trà cũng như trong các phòng thu của hãng dĩa.
Cách hát phối bè mới lạ trong các bài hát như Những Bước Chân Âm Thầm, Thôi, Gót Phiêu Du… của Ban Sao Băng đã hấp dẫn được công chúng và trở thành một hiện tượng. Ba người với ba phong cách, phối hợp với nhau nhịp nhàng ăn ý cả về tiếng hát, giọng bè, lẫn cử chỉ và cách trình diễn.
—
26. Elvis Phương
Ca sĩ Elvis Phương sinh năm 1945, là một trong những nam danh ca tiêu biểu của làng nhạc miền Nam trước 1975, là ca sĩ hiếm hoi có chất giọng tốt phù hợp với rất nhiều dòng nhạc khác nhau. từ nhạc vàng đến nhạc trẻ, từ nhạc tiền chiến đến nhạc nước ngoài, từ rock đến pop và nhạc trữ tình. Suốt hơn 50 năm đứng trên sân khấu âm nhạc, Elvis Phương luôn là một cái tên được yêu mến bởi giọng hát nam tính, tròn đầy, sắc nét, đã một thời khuấy động phong trào nhạc trẻ đầu tiên của Sài Gòn thập niên 1960-1970 với hình ảnh sôi nổi, luôn cháy hết mình trên sân khấu, đặc biệt là thường được nhắc đến cùng với tên tuổi của ban Phượng Hoàng trước năm 1975.
—
27. Phương Hồng Quế
Ca sĩ Phương Hồng Quế sinh năm 1953, là một trong những giọng hát tiêu biểu thuộc thế hệ sau cùng của làng nhạc Sài Gòn trước năm 1975.
Từ khi mới khi 16 tuổi, tên tuổi của Phương Hồng Quế đã nổi tiếng khắp miền Nam, vinh dự được gọi danh hiệu là “Ti vi chi bảo”. Xuất phát của danh hiệu này, nguyên do là vì từ cuối thập niên 1960, hầu như chương trình nào chiếu trên TV – màn ảnh nhỏ ở miền Nam cũng đều có sự xuất hiện của Phương Hồng Quế.
Thời gian từ năm 1972 đến 1975, cô hoạt động rất sôi nổi trong nhiều lĩnh vực như phòng trà, vũ trường và đại nhạc hội, ngoài những lần xuất hiện liên tục trên các chương trình ca nhạc truyền hình và tham gia vào những chương trình truyền thanh trên cả hai đài Quân Đội và Sài Gòn.
Đó cũng là thời kỳ mà Phương Hồng Quế ở tuổi đôi mươi đã đạt được đỉnh cao trong sự nghiệp, và tiếng hát Phương Hồng Quế đã được thu thanh trên nhiều băng, dĩa nhạc của các trung tâm Nghệ Thuật, Sóng Nhạc, Asia, Dư Âm, Việt Nam,…
Sau năm 1975, Phương Hồng Quế tiếp tục hoạt động nghệ thuật ở trong nước, đồng thời mở nhà hàng làm ăn phát đạt. Năm 1991 cô sang Mỹ, tham gia thường xuyên với trung tâm Asia và Thuý Nga cho đến nay.
—
28. Ngọc Đan Thanh
Ca sĩ Ngọc Đan Thanh sinh năm 1952 tại Bạc Liêu, là nghệ sĩ khả ái và đa tài, tên tuổi của cô đã phủ sóng khắp các lĩnh vực, từ cải lương, kịch nghệ, điện ảnh, tân nhạc cổ nhạc, MC và là xướng ngôn viên đài truyền hình.
Có lẽ ai cũng dễ nhận thấy ở khuôn mặt Ngọc Đan Thanh toát ra một vẻ đẹp hiền dịu, nụ cười gần gũi, dễ mến và nhân hậu thuần chất người miền Tây Nam bộ, được đánh giá là nữ nghệ sĩ có một sắc đẹp sắc sảo, rất ăn ảnh khi thu hình ở Đài Truyền Hình hoặc khi đóng phim.
Ngọc Đan Thanh đã hát tân nhạc, cổ nhạc, đóng phim, đóng kịch trước và sau 1975. Sau khi sang hải ngoại năm 1990, cô cộng tác với trung tâm băng nhạc Người Đẹp Bình Dương trong một số băng video ca nhạc, sau đó còn tham gia chuyển âm cho phim bộ Đài Loan, Hàn Quốc.
Từ năm 2007, Ngọc Đan Thanh cộng tác với Thúy Nga, sau đó là Asia, đài SET và SBTN.
Năm 2021, ca sĩ Ngọc Đan Thanh chính thức xuất gia, gửi phần đời còn lại nơi cửa Phật.
—
29. Giáng Thu
Dù đã từ rất lâu, ca sĩ Giáng Thu không còn xuất hiện trên sân khấu ca nhạc, nhưng những khán giả yêu nhạc vàng vẫn không thể quên một tiếng hát đặc biệt, với giọng luyến và ngân rất truyền cảm không thể nhầm lẫn với bất kỳ một ai khác trong các bài hát Thiệp Hồng Báo Tin, Sao Nỡ Vô Tình, Những Chuyến Xe Trong Cuộc Đời…
Ca sĩ Giáng Thu xuất thân từ lớp nhạc Lê Minh Bằng, được biết đến từ cuối thập niên 1960 và đã nhanh chóng tạo cho mình một chỗ đứng trong lòng công chúng yêu nhạc vàng. Cô đã có nhiều ca khúc được xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông cũng như trên sân khấu đại nhạc hội.
Sau năm 1975, Giáng Thu không tham gia sinh hoạt văn nghệ, sống rất âm thầm. Sau khi sang Pháp định cư, ca sĩ Giáng Thu có thực hiện một số album của trung tâm Làng Văn, Thúy Anh, Thanh Lan, và thỉnh thoảng có xuất hiện trên video của một số trung tâm tại hải ngoại.
Bên trên là hình ảnh Giáng Thu năm 2016 trong một lần về thăm Việt Nam. Từ đó cho đến nay không còn ai biết tin tức về cô nữa. Có thông tin cho rằng Giáng Thu đã xuất gia và không còn không còn vướng bận bụi trần.
—
30. Thanh Thúy
Ca sĩ Thanh Thúy sinh năm 1943, là một trong những nữ ca sĩ có ảnh hưởng lớn nhất đến nền Tân nhạc Việt Nam trước năm 1975, là thế hệ ca sĩ đầu tiên của dòng nhạc vàng miền nam. Tên tuổi của cô đã gắn liền với nhạc sĩ Trúc Phương và những tình khúc tiền chiến. Cô cũng là người yêu trong mộng của cả một thế hệ, được các nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn, đạo diễn truyền hình nổi tiếng… ca ngợi hết lòng với rất nhiều mỹ danh, trong đó nổi tiếng nhất là Tiếng hát liêu trai, Tiếng hát khói sương.
—
31. Thiên Trang
Ca sĩ Thiên Trang sinh năm 1951, là một trong những ca sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc vàng. Cô có giọng hát ngọt ngào và gương mặt rất hiền từ, dễ gây thiện cảm với khán giả, đã nổi tiếng từ trước 1975, sau đó sự nghiệp đạt đến đỉnh cao khi sang đến hải ngoại vào thập niên 1980.
—
32. Thanh Tuyền
Ca sĩ Thanh Tuyền sinh năm 1947 (có thông tin cho rằng cô sinh năm 1948), là một trong những nữ ca sĩ nổi tiếng nhất của dòng nhạc vàng.
Thanh Tuyền là chị cả trong một gia đình nghèo ở Đà Lạt có tổng cộng đến 16 người con. Lên trung học, cô thi đậu vào trường nữ Bùi Thị Xuân danh tiếng nhất Đà Lạt, dù nhà nghèo đông con nhưng vẫn cố gắng học giỏi với ước mơ sau này trở thành cô giáo. Tuy nhiên từ nhỏ Như Mai (tên thật của Thanh Tuyền) đã say mê và có năng khiếu về ca hát, vì vậy vào ăm 1959, khi chỉ mới vừa lên trung học, cô đã đoạt được giải Thần đồng Đà Lạt với ca khúc Nắng Đẹp Miền Nam của nhạc sĩ Lam Phương.
Đầu thập niên 1960, khi còn đang đi học, Thanh Tuyền được nhận vào hát ở đài phát thanh, đồng thời được người cậu chỉ dẫn nhạc lý sơ cấp. Trong một lần thu thanh tại đài phát thanh ca khúc Vọng Gác Đêm Sương của nhạc sĩ Mạnh Phát, được chính nhạc sĩ Mạnh Phát tình cờ nghe được và nhận ra những tiềm năng của cô nữ sinh Đà Lạt, sau đó nói lại với nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông – Giám đốc hãng dĩa Continental.
Thanh Tuyền trở thành học trò của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, sau đó cũng trở thành học trò của nhạc sĩ Mạnh Phát, và được 2 nhạc sĩ tên tuổi này hết lòng nâng đỡ để sau đó trở thành một danh ca nhạc vàng nổi tiếng suốt hơn nửa thế kỷ qua.
—
33. Lê Uyên
Ca sĩ Lê Uyên sinh năm 1952, tên thật là Lâm Phúc Anh, cô rất được yêu mến khi kết hợp với nhạc sĩ Lê Uyên Phương để trở thành đôi song ca Lê Uyên & Phương, là cặp đôi rất đặc biệt trong làng nhạc trữ tình miền Nam.
Lâm Phúc Anh vốn là con gái một thương gia giàu có ở Chợ Lớn. Đên khi 16 tuổi, cô được cha mẹ cho học tại Virgo Maria (Đà Lạt), ngôi trường sang trọng bậc nhất lúc bấy giờ. Đó cũng là thời điểm định mệnh se duyên cho cặp đôi Lê Uyên Phương và Lâm Phúc Anh. Nhạc sĩ Lê Uyên Phương đã chia bút hiệu của Lê Uyên của mình cho người tình xinh đẹp, để rồi từ đó họ đồng hành cùng nhau trong tình yêu và bước đường nghệ thuật, cùng nhau trải qua rất nhiều thăng trầm trong cuộc sống.
—
34. Bạch Yến
Danh ca Bạch Yến sinh năm 1942, là một trong những ca sĩ nổi tiếng nhất của làng nhạc Sài Gòn từ cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960. Cho đến nay, Bạch Yến là người Việt Nam duy nhất được xuất hiện trên chương trình Ed Sullivan Show nổi tiếng của Mỹ năm 1965, đồng thời cũng là nghệ sĩ Việt Nam duy nhất trình diễn cùng một chương trình với những tên tuổi nổi tiếng của Mỹ như Bob Hope, Bing Crosby, Pat Boone, Frankie Avalon…
Khi nhắc đến danh ca Bạch Yến, ai cũng nghĩ đến ca khúc Đêm Đông của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, và ca khúc này cũng gắn liền với cuộc đời của bà như một định mệnh, đưa tên tuổi Bạch Yến lên đỉnh cao trên đài danh vọng.
—
Cuối cùng, mời các bạn xem lại loạt ảnh “Trước và Sau” của những ca sĩ nổi tiếng đã về cõi vĩnh hằng…
35. Phương Hoài Tâm
Cho đến nay, những khán giả yêu nhạc vàng vẫn còn nhớ đến tên tuổi của Phương Hoài Tâm. Cô ca sĩ xinh đẹp này không sở hữu giọng hát xuất sắc hay thật truyền cảm, mà nổi tiếng nhờ khuôn mặt khả ái cùng với đôi má lúm đồng tiền và một mái tóc cắt úp, đã một thời được nhiều nữ sinh coi như kiểu tóc thời trang. Có thể nói Phương Hoài Tâm là mỹ nhân trong một của cả một thế hệ học trò thập niên 1960.
36. Khánh Ngọc (1937-2021)
Ca sĩ Khánh Ngọc tên thật là Hàn Thị Lan Nam, sinh năm 1937, là minh tinh điện ảnh thuộc thế hệ đầu tiên của làng nghệ thuật Sài Gòn. Trong lĩnh vực âm nhạc, bà sở hữu giọng hát nhiều nội lực, từng là thành viên của ban Thăng Long danh tiếng, và cũng là vợ cũ của nhạc sĩ Phạm Đình Chương.
Không chỉ thành công trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, Khánh Ngọc thời trẻ còn nổi tiếng là người có nhan sắc quyến rũ.
—
37. Lệ Thu (1943-2021)
Ca sĩ Lệ Thu tên thật là Bùi Thị Oanh, sinh năm 1943, thường được nhắc đến như là 1 trong 3 nữ ca sĩ nổi tiếng nhất của làng nhạc Sài Gòn trước năm 1975, cùng với Khánh Ly và Thái Thanh.
Nhắc đến Lệ Thu, người ta nhớ đến “giọng hát vàng mười” rất sang trọng, giàu năng lượng, truyền cảm và sâu lắng. Giọng hát đã thể hiện thành công rất nhiều ca khúc của các nhạc sĩ nổi tiếng như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Trường Sa, Cung Tiến…
—
38. Thái Thanh (1934-2020)
Danh ca Thái Thanh tên thật là Phạm Thị Băng Thanh, sinh năm 1934 và qua đời năm 2020. Bà được mọi tầng lớp khán giả, các nghệ sĩ và giới nghiên cứu âm nhạc xưng tụng là tên tuổi lớn nhất trong số những ca sĩ của tân nhạc Việt Nam. Bà được nhà văn Mai Thảo gọi là “Tiếng hát vượt thời gian”, và danh hiệu này đã đi liền với cuộc đời và sự nghiệp của bà. Nhiều người cũng gọi Thái Thanh là “đệ nhất danh ca” của âm nhạc Việt Nam.
—
39. Thái Hằng (1927-1999)
Ca sĩ Thái Hằng tên thật là Phạm Thị Quang Thái, sinh tại Hà Nội. Bà được biết đến với vai trò là vợ của nhạc sĩ Phạm Duy, chị ruột của danh ca Thái Thanh.
Thái Hằng còn là thân mẫu của các ca sĩ nổi tiếng Duy Quang, Thái Hiền, Thái Thảo và nhạc sĩ Duy Cường. Tên tuổi nữ danh ca Thái Hằng gắn bó với Phạm Duy và ban hợp ca Thăng Long thành một gia đình nghệ sĩ hàng đầu đã có những đóng góp lớn lao cho âm nhạc Việt Nam.
—
40. Duy Quang (1950-2012)
Ca sĩ Duy Quang sinh năm 1950, là con trai đầu của nhạc sĩ Phạm Duy và danh ca Thái Hằng, là một trong những ca sĩ nổi bật của tân nhạc Việt Nam thuộc thế hệ thứ hai. Với chất giọng ngọt ngào, tình cảm, Duy Quang hát thành công nhiều thể loại: từ nhạc tình ca, nhạc tiền chiến đến một số ca khúc thuộc dòng nhạc vàng, tuy nhiên thành công nhất vẫn là những bài tình ca do cha của ông là nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác, được giới sinh viên – học sinh rất mến chuộng.
—
41. Hà Thanh (1937-2014)
Ca sĩ Hà Thanh tên thật là Trần Thị Lục Hà, sinh năm 1937, là giọng ca xuất thân từ Huế và thành danh ở Sài Gòn từ đầu thập niên 1960, sở trường hát nhạc thính phòng cổ điển, nhạc tiền chiến, và cả nhạc vàng.
Tiếng hát của Hà Thanh được nhận xét là thanh nhã, cao quý và có nội lực, khi lên cao thì chót vót, trong trẻo, khi xuống thấp thì dịu dàng, mượt mà, đầy tự sự. Bà là nữ ca sĩ mà từ tài năng, phẩm hạnh đến thân thế đều có sự đồng nhất, luôn sang trọng và quý phái.
—
42. Duy Khánh (1936-2003)
Ca – nhạc sĩ Duy Khánh tên thật là Nguyễn Văn Diệp, sinh năm 1936, được xem là nam danh ca nhạc vàng được yêu thích nhất trước năm 1975, được xưng tụng là một trong “tứ trụ nhạc vàng” cùng với Hùng Cường, Chế Linh và Nhật Trường.
Không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực ca hát, ông còn là nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc nhạc vàng bất hủ như: Thương Về Miền Trung, Xin Anh Giữ Trọn Tình Quê, Thư Về Em Gái Thành Đô, Đêm Bơ Vơ…
Có thể nói, Duy Khánh là ca sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc có tầm ảnh hưởng lớn nhất của làng nhạc vàng trước năm 1975.
Cố ca sĩ – nhạc sĩ Duy Khánh sinh năm 1936 và qua đời năm 2003, ông được xưng tụng là 1 trong tứ trụ nhạc vàng, và có thể xem là “cánh chim đầu đàn” của dòng nhạc vàng được khai sinh vào thập niên 1950-1960 ở miền Nam.
—
43. Nhật Trường – Trần Thiện Thanh (1942-2005)
Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (ca sĩ Nhật Trường) sinh năm 1942, là tên tuổi nổi bật của dòng nhạc vàng, đặc biệt thành công trong cả vai trò nhạc sĩ và ca sĩ, được xưng tụng là một trong “tứ trụ nhạc vàng”, là người tài hoa nhưng cũng không kém phần lận đận, đặc biệt là sự nghiệp trong những năm cuối đời.
—
44. Hùng Cường (1936-1996)
Ca sĩ Hùng Cường sinh năm 1936, qua đời năm 1996, được công chúng yêu nhạc xưng tụng là một trong tứ trụ nhạc vàng cùng với Duy Khánh, Chế Linh và Nhật Trường.
4 nam danh ca này vừa có khả năng hát, vừa có khả năng sáng tác nhạc vàng, và là những nam danh ca nổi tiếng nhất của làng nhạc miền Nam vào thập niên 1960 – nửa đầu thập niên 1970. Nếu chỉ xét riêng trong dòng nhạc vàng thì tên tuổi của Hùng Cường có phần yếu thế nhất trong 4 cây “đại trụ” này, nhưng nếu xét về sự đa tài, mức độ tài hoa thì Hùng Cường lại nổi trội hơn cả, vì ông không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc, mà còn là tài tử điện ảnh nổi tiếng, một kép chính cải lương lừng danh và là một trong những nghệ sĩ kịch đầu tiên của miền Nam.
—
45. Sĩ Phú (1940-2000)
Danh ca Sĩ Phú tên thật là Nguyễn Sĩ Phú, sinh năm 1940 tại tại thành phố Boneng Thaket, Lào. Cha của ông là người Hà Nội và mẹ quê ở Bắc Ninh sinh năm 1940. Ông là 1 trong 3 nam danh ca nổi tiếng nhất của dòng nhạc trữ tình trước năm 1975, cùng với Anh Ngọc và Duy Trác.
Dù là một danh ca nổi tiếng, nhưng nghề hát vẫn chỉ là nghề tay trái của Sĩ Phú, vì ông là một quân nhân chuyên nghiệp với quân hàm sau cùng là thiếu tá.
—
46. Mỹ Thể (1940-2000)
Ca sĩ Mỹ Thể tên thật là Công Huyền Tôn Nữ Mỹ Thể sinh năm 1940 tại Huế. Xứ Huế là nơi đã sản sinh ra nhiều giọng hát đã trở thành huyền thoại, từ thế hệ thập niên 1940 là danh ca Minh Trang, Minh Diệu, Mộc Lan, Ngọc Cẩm, sau đó là thế hệ Hà Thanh, Thanh Thúy, và Mỹ Thể.
Mặc dù Mỹ Thể kém danh tiếng nhất trong số những nữ ca sĩ có xuất thân từ Huế, nhưng giọng hát đặc biệt của cô vẫn luôn được khán giả yêu nhạc vàng nhớ đến với những ca khúc Đường Xưa Lối Cũ, Xe Hoa Một Chiếc, Con Đường Xưa Em Đi, Lá Thư Không Gửi…
—
47. Dạ Hương (1951-2009)
Ca sĩ Dạ Hương tên thật là Nguyễn Thị Vẹn, sinh ngày 4 tháng 11 năm 1951 tại Saigon.
Trong số những nữ ca sĩ nổi danh trước 1975, cái tên Dạ Hương có lẽ không quen thuộc lắm với đại đa số người nghe nhạc như nhiều tên tuổi lừng lẫy khác, nhưng tiếng hát của cô vẫn để lại một ấn tượng rất đặc biệt đối với những người từng thưởng thức, dù là chỉ một lần.
Ca sĩ Dạ Hương xuất hiện khá muộn trong làng nhạc, được biết đến chỉ từ đầu thập niên 1970 trong những cuốn băng nhạc Shotguns, Thanh Thúy, và trình diễn ở một số phòng trà ca nhạc Sài Gòn. Giọng hát của cô thiên về chất mộc, đượm một nỗi buồn đằm thắm, trình bày thành công các ca khúc 7000 Đêm Góp Lại, Hồn Trinh Nữ, Mùa Xuân Đầu Tiên, Người Tình Và Quê Hương…
—
48. Minh Trang (1921-2010)
Danh ca Minh Trang tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Trâm, sinh năm 1921 tại Bến Ngự – Huế, là ca sĩ hát tân nhạc nổi tiếng từ cuối thập niên 1940. Bà là thân mẫu của cố ca sĩ Quỳnh Giao, là vợ của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, đã có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển rực rỡ của tân nhạc thời kỳ đầu thập niên 1950.
Trong số những nữ danh ca đầu tiên của tân nhạc Việt Nam thuộc thế hệ thứ 2 từ cuối thập niên 1940, người ta thường nhắc đến những tên tuổi như Minh Đỗ, Tâm Vấn, Thái Thanh và Thái Hằng ở miền Bắc, miền Trung có Minh Diệu, Mộc Lan, và Sài Gòn có Minh Trang.
Vào cuối thập niên 1940, khi Thái Thanh, Thái Hằng, Tâm Vấn… và nhiều nghệ sĩ khác vẫn còn sinh hoạt văn nghệ ở miền Bắc, chưa di cư vào Nam, thì có thể xem Minh Trang là đệ nhất danh ca của Sài Gòn thời điểm đó.
—
49. Quỳnh Giao (1946-2014)
Ca sĩ Quỳnh Giao tên thật là Công Tằng Tôn Nữ Đoan Trang, sinh ngày 8 tháng 11 năm 1946 tại làng Vỹ Dạ, Huế. Cô là con gái của nữ danh ca Minh Trang nổi tiếng từ thập niên 1940 tại Sài Gòn.
Sinh ra trong gia đình nghệ sĩ (cha dượng cô là nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, từ bé Quỳnh Giao đã được hát trên đài Phát thanh Quốc gia Sài Gòn, trong những chương trình Tuổi Xanh của Ban Nhi Đồng Kiều Hạnh.
Năm 15 tuổi, thay thế cho mẹ là Minh Trang để hát trong ban Hoàng Trọng, từ đó Quỳnh Giao chính thức bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp, trở thành ca sĩ tiêu biểu của nhạc trữ tình thập niên 1960 nối tiếp thế hệ của Thái Thanh, Mộc Lan, Kim Tước…
Không chỉ nổi tiếng trong vai trò ca sĩ, Quỳnh Giao còn nghiên cứu về tân nhạc, đóng góp nhiều bài viết giá trị về âm nhạc trong những năm cuối đời.
—
50. Mai Hương (1941-2020)
Ca sĩ Mai Hương tên thật là Phạm Thị Mai Hương, sinh năm 1941 trong một đại gia đình nghệ sĩ có nhiều đóng góp nhất cho nền nghệ thuật Việt Nam. Cha của bà là Phạm Đình Sỹ (anh ruột của danh ca Thái Thanh, Thái Hằng, Hoài Bắc…). Mẹ của bà là Kiều Hạnh, nữ kịch sĩ nổi tiếng.
Mai Hương được hầu hết đồng nghiệp nhận xét là nắm rất vững nhạc lý, nên khi vào hát trong đài phát thanh ngay từ khi còn rất trẻ, bà có thể cầm tờ nhạc lên là có thế hát ngay được và phối hợp rất ăn ý với ban nhạc, chứ không cần phải tập dượt trước như nhiều ca sĩ khác.
Tên tuổi Mai Hương được biết đến nhiều chủ yếu là từ các chương trình phát thanh và truyền hình. Ngoài đài phát thanh Pháp Á và Đài Phát Thanh Sài Gòn, bà còn hát trên những đài Quân Đội và Tiếng Nói Tự Do, đài Truyền Hình Việt Nam, cộng tác với hầu hết những chương trình ca nhạc nổi tiếng vào thời đó với các trưởng ban như Nghiêm Phú Phi, Nguyễn Quí Lãm, Võ Đức Tuyết, Y Vân, Hoàng Trọng, Vũ Thành…
Đông Kha (chuyenxua.net) biên soạn