Mời các bạn xem lại hình ảnh chụp Sài Gòn năm 1969 được đăng tải trên flickr cùa một nhiếp ảnh gia có nickname là larsDH. Bộ ảnh này chụp cảnh vòng quanh Sài Gòn, trong đó có toàn cảnh đại lộ Lê Lợi từ công trường Lam Sơn tới quảng trường Quách Thị Trang, hình ảnh bên trong Thảo Cầm Viên, trường đua Phú Thọ, đặc biệt là hình ảnh rất chi tiết bên trong trại Lê Văn Duyệt. Đó là nơi đặt trụ sở Bộ Tư lệnh Biệt Khu Thủ Đô, không phải ai cũng có quyền ra vào, nên có thể nhiếp ảnh gia là thuộc biên chế quân đội Hoa Kỳ.
Đại lộ Thống Nhứt (nay là Lê Duẩn) từ ngã 4 với đường Pasteur nhìn về phía dinh Độc Lập
Từ công trường Mê Linh nhìn về phía đường Thi Sách. Rìa bên trái hình là Nhà máy bia BGI. Tòa nhà màu trắng là vị trí tòa IBC ngày nay
Tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo được dựng năm 1967 ở công trường Mê Linh, tay chỉ ra Bến Bạch Đằng Bạch Đằng cũng là tên son sông đã gắn liền với sự nghiệp chống quân Nguyên của Hưng Đạo Vương. Tượng này đại diện cho Hải quân của VNCH, là binh chủng đã suy tôn Trần Hưng Đạo là “thánh tổ”
Công trường John F. Kennedy (nay là công trường Công xã Paris), bên trái là trường Tiểu học Hòa Bình. Nơi này ngày nay là cafe Bệt bên hông Nhà thờ. Đi tới một chút là đường Hàn Thuyên
Bưu điện Sài Gòn nằm bên hông Nhà thờ
Nhà thờ Đức Bà nhìn từ đầu đường Tự Do, góc Tự Do – Nguyễn Du
Tòa nhà nằm ở góc đường Tự Do – Gia Long, bên phải là công viên Chi Lăng. Tòa nhà này ngày nay vẫn còn, nằm ở góc Đồng Khởi – Lý Tự Trọng, tầng trệt cho thuê quán bar và tầng 1 là CỘNG cafe
Đường Tự Do nhìn từ công viên Chi Lăng về phía ngã tư Tự Do – Lê Thánh Tôn, nơi có cafe La Pagode bên phải
Bùng binh Bồn Kèn và Tòa Đô Chánh
Triển lãm điêu khắc trong công viên Đống Đa trước Tòa Đô Chánh
Bên trong công viên Đống Đa, bên trái là Tòa Đô Chánh
Công trình tòa đại sứ quán Mỹ này được xây dựng năm 1965 và khánh thành 2 năm sau đó với chi phí 2,6 triệu USD, là một trong những tòa Đại sứ quán lớn nhất, được bảo vệ cẩn mật nhất thế giới thời điểm đó.
Trẻ em tắm sông ở gần Bến Bạch Đằng
Từ Bến Bạch Đằng nhìn qua sông Sài Gòn, bên kia là nhà máy CARIC sửa chữa và đóng tàu
Từ Bến Bạch Đằng nhìn qua Thủ Thiêm
Chiến hạm trên sông Sài Gòn
Bến Bạch Đằng và cột cờ thủ ngữ
Một số hình ảnh trên đại lộ Lê Lợi:
Ngay đâì đại lộ Lê Lợi chính là công trường Lam Sơn, nơi đặt tượng TQLC trước trụ sở Hạ Nghị Viện
Từ đầu công trường Lam Sơn nhìn về phía đại lộ Lê Lợi. Bên phải là REX Hotel, bên trái là Thương xá TAX
Tượng đài TQLC bên trong công trường Lam Sơn. Bên cạnh là thương xá EDEN
Trụ sở của Hạ Nghị Viện VNCH. Trước đó, đây là tòa nhà Quốc Hội (thời Đệ Nhất Cộng hòa. Ban đầu, đây vốn là Nhà hát, sau 1975 đã trả lại công năng ban đầu
Công trường Lam Sơn, nhìn từ góc đường Lê Lợi – Nguyễn Huệ
Bãi xe máy nằm ở lề đường chỗ thương xá Eden, bên hông công trường Lam Sơn
Nhiếp ảnh gia đang đứng ngay bùng binh Bồn Kèn và chụp chụp đại lộ Lê Lợi. Bên phải hình này là 1 góc của REX Hotel. Ở bên trái, đi một đoạn ngắn nữa sẽ tới ngã tư với đường Pasteur
Đại lộ Lê Lợi góc ngã tư Lê Lợi – Công Lý, nhìn về phía Hạ Nghị Viện. Đi tới 1 chút là gặp ngã tư Lê Lợi – Pasteur, chỗ có tòa nhà Viễn Đông bên tay phải
Trên lề đường Lê Lợi, nhìn qua bên trái là Nhà thương Chú Hỏa (Bịnh viện Đô Thành, nay là BV Đa Khoa Sài Gòn), đi tới đoạn ngắn là tới chợ Bến Thành
Ở cuối đại lộ Lê Lợi chính là bùng binh trước chợ Sài Gòn (chợ Bến Thành), trong hình là cầu bộ hành dẫn từ bùng binh vô cổng chợ
Từ trên cầu bộ hành nhìn ngược về phía đầu đại lộ Lệ Lợi. Con đường này chỉ dài chưa tới 1km
Chính giữa bùng binh là tượng đài Trần Nguyên Hãn
Một góc chợ Sài Gòn
Người Sài Gòn đi chợ Sài Gòn
Góc trên bên phải là bảng hiệu của Bót Lê Văn Ken, bùng binh chợ Sài Gòn
Những người chạy xích lô trước chợ
Đêm Saigon, đường Lê Lợi nhìn từ trên cầu bộ hành trước chợ Bến Thành
Tòa nhà căn hộ góc đường Lê Lợi – Công Lý, gần chỗ rạp Vĩnh Lợi xưa
Đường Công Lý nhìn từ góc Lê Lợi – Công Lý, bên trái là Cystal Palace – Thương xá Tam Đa
Đường Lê Lợi gần ngã tư Lê Lợi – Công Lý, Bên trái là nhà hàng Quốc Tế góc Lê Lợi – Công Lý. Tòa nhà chính giữa hình chính là Nhà sách Khai trí của ông Hùng Trương (nay là nhà sách FAHASA). Bên cạnh nhà sách là Tiệm giày Bata Phúc Thành, về sau là nhà sách Phúc Thành. Theo manhhai flickr, khi còn là “chiêu đãi viên hàng không” của hãng Air Vietnam, bà Đặng Tuyết Mai đã ở tại nhà sách Phúc Thành – cũng là nhà của một người dì.
Chợ Cũ đường Hàm Nghi
Chợ Cũ, ngay góc Võ Di Nguy – Phủ Kiệt (nay là góc Hồ Tùng Mậu – Hải Triều) – Nơi ngày nay là cao ốc Bitexco Tower cao 68 tầng
Xe lam trên đường Phạm Ngũ Lão
Walling Hotel đường Phạm Ngũ Lão
Dãy nhà trên đường Trần Quốc Toản (nay là đường 3/2), nhiếp ảnh gia chụp hình này khi đứng trên tòa nhà Viện Trợ Quốc Tế (sau 1975 là khách sạn Kỳ Hòa)
Trên xa lộ Saigon – Biên Hòa, hướng về ngã tư Hàng Xanh (Hàng Xanh), bìa trái là chùa Phước Viên
Tương Thương Tiếc đặt ở Nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa, đặt tại Dĩ An. Trước 1975, Dĩ An thuộc địa phận thị xã Biên Hòa, còn ngày nay nghĩa trang này được gọi là Nghĩa trang nhân dân Binh An, ở Dĩ An thuộc Bình Dương
Tượng được dựng năm 1966
Bên cạnh nghĩa trang có đền Tử sĩ, được xây trên một ngọn đồi thấp, trước đền có cổng tam quan
Gần nghĩa trang quân đội là núi Châu Thới, có thể thấy ở xa xa trong hình này
Một số hình ảnh ở trường đua Phú Thọ xưa:
Một số hình ảnh ở Trại Lê-Văn-Duyệt, nơi đặt trụ sở Bộ Tư lệnh Biệt Khu Thủ Đô, ngày xưa địa bàn của Quân khu Thủ đô đặc trách vùng Đô thành Sài Gòn-Chợ Lớn, trại Lê-Văn-Duyệt ngày nay là câu lạc bộ Lan Anh.
Một số hình ảnh trong Sở thú (Thảo Cầm Viên Sài Gòn xưa):
Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm trước Thảo Cầm Viên
Đền Kỷ Niệm, lúc này mang tên là Đền thờ Vua Hùng nằm bên trong Thảo Cầm Viên
Hướng đạo sinh trong Thảo Cầm Viên
chuyenxua.net biên soạn