Trong những công trình kiến trúc, tòa nhà có tuổi đời hơn 100 năm vẫn còn cho tới nay của Sài Gòn, thậm chí vẫn đang là trụ sở quan trọng của chính quyền, tòa nhà Dinh Thượng Thơ có những vai trò đặc biệt trong quá khứ mà ít người biết tới.
Dinh Thượng Thơ (Hôtel de L’Interieur) được đưa vào sử dụng năm 1881, nằm ở góc đường Catinat – Grandière thời Pháp, thời VNCH đổi tên thành đường Tự Do – Gia Long, nay là Đồng Khởi – Lý Tự Trọng.
Công trình này hoàn thành năm 1881, nhưng nếu tính thời gian nó bắt đầu được khởi công thì vào khoảng năm 1878-1879, gần như cùng thời điểm với 2 tòa nhà xưa nhất vẫn còn được sử dụng tới nay là khách sạn Continental Palace (năm 1878), và Nhà Thờ Đức Bà (1877).
Khác với Khách sạn hay là Nhà thờ, Dinh Thượng Thơ là tòa nhà công sở, và hiện nay chính là công trình lâu đời nhất Việt Nam vẫn còn được sử dụng làm trụ sở cơ quan (trụ sở của 2 Sở Thông tin & Truyền thông và Sở Công thương của Sài Gòn), sau hơn 130 năm. Những năm cuối thế kỷ 19, đây là cơ quan quyền lực đứng thứ 2 ở Nam kỳ, chỉ xếp sau Dinh Thống đốc Nam kỳ (Dinh Norodom).
Dinh Thượng Thơ là cơ quan đầu não quản lý Nam Kỳ thi hành các nghị định, chính sách của chính phủ, chi thâu tài chánh cho các công sở, trả lương cho các công nhân viên, chi phí cho lễ hội, di chuyển, đi xa công tác, phát hành các công báo về các nghị định, quyết định, lập bản báo cáo hàng năm chi thâu tường trình cho thống đốc và Hội đồng quản hạt.
Đây cũng là tòa soạn của tờ báo Quốc ngữ đầu tiên: Gia Định báo của Trương Vĩnh Ký. Còn theo tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp thì Văn phòng giám đốc nội vụ ở dinh Thượng Thơ đã theo lệnh của Thống đốc Nam kỳ tài trợ cho các nghệ nhân, nghệ sĩ đi qua Pháp triển lãm các sản phẩm Nam Kỳ, văn hóa, công nghệ và trình diễn hát bội ở Hội chợ thế giới Paris năm 1889; trong đó có ông Trương Minh Ký – nhà giáo và nhà văn quốc ngữ trong giai đoạn đầu (tác phẩm Như Tây Nhựt trình kể lại chuyến đi này).
Trước đó, văn phòng giám đốc nội vụ cũng đã tài trợ nhà giáo Trương Minh Ký dẫn các học sinh trong đó có ông Nguyễn Trọng Quản (tác giả Truyện thầy Lazaro phiền – tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên), Diệp Văn Cương (sau này giáo sư trường Chasseloup-Laubat) qua Algier du học. Ông Trương Minh Ký là học trò xuất sắc của Trương Vĩnh Ký, từng được đặt tên đường ở Sài Gòn giai đoạn 1955-1975 (nay là 1 đoạn của đường Lê Văn Sĩ).
Năm 1894, nghị định của bộ trưởng thuộc địa Pháp Delcassé đổi tên Bureaux du sécrétériat générale (Văn phòng tổng thư ký) thành Bureaux du sécrétariat du gouvernement (Văn phòng thư ký chính phủ) và thuộc quyền trực tiếp của phó soái ở Nam Kỳ (tức là Phó Toàn Quyền Đông Dương phụ trách khu vực Nam kỳ, chức vụ thay thế cho chức vụ Thống đốc Nam kỳ cũ).
Năm 1900, đoàn ca tài tử Nguyễn Tống Triều ở Mỹ Tho được tài trợ từ Văn phòng thư ký chính phủ do ông Nguyễn Hữu Vang dẫn qua Paris để dự hội chợ Paris.
Ngoài ra, Văn phòng giám đốc nội vụ (sau là Văn phòng thư ký chính phủ) cũng cấp tiền cho các lễ hội ở Nam kỳ.
Một trong những nhiệm vụ của Văn phòng giám đốc nội vụ là báo cáo chi tiêu, thu nhập tài chính trong các bản tường trình hàng năm cho phó soái hay thống đốc và hội đồng quản hạt.
Các tập san báo cáo của văn phòng giám đốc nội vụ cho ta biết nhiều chi tiết về chi tiêu như bảo trì, bổ dụng, trợ cấp cho nhân viên, các hạt, tỉnh, sinh hoạt lễ lạc, hội chợ…
Ban đầu Văn phòng giám đốc đốc nội vụ tự thiết lập và quản lý nhà in chính phủ (Imprimerie imperiale sau là Imperimerie nationale) trên đường Route National (nay là Hai Bà Trưng).
Nhưng sau này vì tốn kém nên nhà in đóng cửa và khoán lại cho tư nhân in ấn các Tạp chí Nam Kỳ (Bulletin de la Cochinchine) và các công báo.
Văn phòng giám đốc nội vụ ngoài ra còn cấp tiền cho các quận, hạt tổ chức hội trong các ngày lễ (theo Bulletin officiel de la Cochinchine française, Imprimerie nationale, Saigon 1863-1878). Trong các phiên họp của Hội đồng quản hạt, các bản báo cáo về tình hình tài chánh, kinh tế, thương mại, hành chánh ở Nam Kỳ đều phải có.
Một chức năng đáng kể khác của Văn phòng giám đốc nội vụ là cấp bằng sáng chế ở Nam kỳ.
Như đã nói trên, đến cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, Văn phòng giám đốc nội vụ được đổi tên là Sécrétariat du gouvernement de la Cochinchine, hàng năm báo cáo hoạt động của ban thư ký được ghi trong các số tập san vẫn còn lưu trữ ở thư viện quốc gia Pháp như sau: Bulletin du Secrétariat du gouvernement de la Cochinchine (Tập san ban thư ký chính phủ Nam Kỳ, 1891, 1905-1945), Bulletin administratif de la Cochinchine (Tập san hành chánh Nam Kỳ, 1902, Imprimerie coloniale).
Ngoài các báo cáo hoạt động của ban thư ký cho chính phủ Nam Kỳ còn có các báo cáo gởi cho toàn quyền Đông Dương được ghi trong báo cáo hằng năm của chính phủ Đông Dương, Bulletin officiel de l’Indochine française (Tập san chính thức của Đông Dương thuộc Pháp) như năm 1889, tập san được in ở nhà in Imprimerie coloniale, Saigon, có phần riêng về Nam Kỳ (Cochinchine) và Cam Bốt (Cambodia).
Ngoài ra Văn phòng ban thư ký chính phủ ở dinh Thượng Thơ cũng đảm nhiệm nhiệm vụ liên quan đến các luật nghị định ở Pháp.
Thí dụ nghị định ngày 13-3-1911 về cấp bằng sáng chế ở Đông Dương đặt cơ quan văn phòng ban thư ký chính phủ Nam Kỳ (dinh Thượng Thơ) là nơi cấp bằng sáng chế ở Nam Kỳ theo luật sáng chế ở chính quốc năm 1844 và 1902. Các thí sinh học hàm thụ các trường ở Pháp, sau khi thi tốt nghiệp, bằng được gởi từ Pháp đến dinh Thượng Thơ, nơi đây sau khi đăng ký thí sinh đến nhận.
Dinh Thượng Thơ – Tác phẩm đầu tiên của kiến trúc sư lỗi lạc Foulhoux ở Sài Gòn
Những công trình/tòa nhà được xây từ hơn 100 năm trước ở Sài Gòn, hầu hết đã bị thay thế tháo dỡ. Những công trình nào còn lại cho đến nay thì đều rất quen thuộc với những người từng sống ở Sài Gòn, có thể kể đến Bưu Điện Sài Gòn, Dinh Gia Long, Tòa Pháp Đình (nay là Tòa Án trên đường NKKN), Tòa nhà Quan Thuế (được sửa lại từ nhà ông Wang Tai, đầu đường Hàm Nghi ngày nay), và không thể không kể tới Dinh Thượng Thơ.
Điểm chung của những tòa nhà/công trình kiến trúc được kể bên trên, đó là chúng đều là tác phẩm của một người, là tổng kiến trúc sư đầu tiên của thành phố Sài Gòn, ông Marie-Alfred Foulhoux (1840-1892). Có thể nói rằng ít có quan chức thuộc địa nào đã ghi dấu ấn đậm nét đối với kiến trúc đô thị Sài Gòn nhiều như Foulhoux.
Marie-Alfred Foulhoux được sinh vào ngày 23 tháng 9 năm 1840, tại Mauzun thuộc tỉnh Puy-de-Dôme – vùng Auvergne-Rhône-Alpes miền trung nước Pháp. Ông học kiến trúc tại École des Beaux-Arts ở Paris từ 1862 đến 1870, sau đó trở thành Kiến trúc sư tại Compagnie des Chemins de fer de Paris à Lyon et à la Méditerranée (PLM), một trong những công ty đường sắt tư nhân lớn nhất ở Pháp thời bấy giờ.
Năm 1874, ông đến Sài Gòn làm việc, một năm sau đó được bổ nhiệm làm Giám đốc phụ trách xây dựng công trình công cộng. Năm 1879, sau khi chế độ dân sự đầu tiên ở Nam Kỳ được thành lập dưới thời Thống đốc Charles Le Myre de Vilers, Foulhoux được bổ nhiệm làm Tổng kiến trúc sư, từ lúc này ông có thể chuyên tâm hoàn toàn vào những gì mà ông làm tốt nhất – đó là thiết kế các tòa nhà dân sự.
Công trình lớn đầu tiên ở Sài Gòn mà Foulhoux phụ trách chính là Dinh Thượng Thơ (Hôtel de L’Interieur).
Vào năm 1864, chỉ 2 năm sau khi chiếm được Gia Định, người Pháp bắt tay vào quy hoạch, xây dựng thành phố Sài Gòn và xây dựng một trong những cơ quan hành chính đầu tiên của chính quyền ở thuộc địa, đó là Hôtel de la direction de l’intérieur (Nha giám đốc Nội vụ). Lúc này con đường trước trụ sở này chưa mang tên Grandière, mà còn tên là Gouveneur. Vị trí được chọn để xây dựng Nha giám đốc nội vụ là nằm ngay đối diện Dinh của “Thủy sư đề đốc”, chức vụ tương đương Thống đốc Nam kỳ thời những năm cuối thập niên 1860s.
Lúc đó, Dinh Thủy sư đề đốc và Nha giám đốc Nội vụ là 2 cơ quan đầu não của chính quyền Pháp ở Đông Dương, vào thuở họ chỉ mới chính thức kiểm soát 3 tỉnh Nam kỳ.
Nha giám đốc Nội vụ có vai trò điều hành trực tiếp của các thanh tra sự vụ bản xứ về toàn bộ vấn đề dân sự, tư pháp và tài chính của thuộc địa. Một thời gian sau, khi Sài Gòn bắt đầu đông đúc, tòa nhà trụ sở cũ của Nha Nội vụ trở nên nhỏ bé, vì vậy vào năm 1875, Giám đốc xây dựng công trình công cộng vừa mới được bổ nhiệm là Foulhoux đã được giao cho việc thiết kế, xây dựng một trụ sở mới, với tổng chi phí là 108.000 francs,
Công trình chính thức được hoàn thành năm 1881, với kiến trúc hình chữ U vẫn còn lại đến tận ngày nay, sau hơn 130 năm.
Đến năm 1888, chức năng của Nha giám đốc Nội vụ được nhập vào Thư Ký Thống đốc Nam kỳ ở góc đường Catinat – d’Espagne (nay là Lê Thánh Tôn) sát bên Dinh xã Tây (Tòa Đô Chánh). Vào năm 1894, như đã nói ở trên, cơ quan này còn có tên là Văn phòng thư ký Chính phủ.
Năm 1945, Liên bang Đông Dương sụp đổ vì sự xuất hiện của quân Nhật, sau đó là Việt Minh, trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương từ năm 1946, Dinh Thượng Thơ trở thành dinh Thủ tướng của chính phủ Nam Kỳ tự trị trong giai đoạn 1946-1949 trước khi sáp vào Quốc Gia Việt Nam. Sau đó, Dinh Thượng Thơ là Dinh Thủ hiến Nam Việt, rồi Tòa Đại biểu Nam phần cho tới năm 1954.
Sau khi chính thế Quốc Gia Việt Nam sụp đổ, Dinh Thượng Thơ trở thành trụ sở Bộ Kinh tế (chức năng cũ của Dinh Thượng Thơ là Nội Vụ thì được chuyển qua tòa nhà bót Catinat cũ). Ngày nay, Dinh Thượng Thơ trụ sở của cả 2 Sở Thông tin – truyền thông và Sở Công thương ở Sài Gòn, địa chỉ số 59-61 Lý Tự Trọng.
Nói thêm về kiến trúc sư Foulhoux, sau công trình đầu tiên là Dinh Thượng Thơ, ông lần lượt là tác giả của các tòa nhà mà ngày nay vẫn còn, đó là Palais de Justice (Tòa Công Lý), nay là Tòa án Sài Gòn, xây năm 1881, Tòa nhà Quan Thuế năm 1887 (sửa lại từ nhà của ông Wangtai xây từ năm 1867), Palais du Lieutenant Gouverneur (Dinh Gia Long) năm 1885, Hôtel des postes (Bưu Điện Trung Tâm Sài Gòn) năm 1886.
Sau khi công trình Bưu Điện Sài Gòn được hoàn thành năm 1891 thì kiến trúc sư Foulhoux qua đời năm 1892, ông được an táng tại nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi (nay là công viên Lê Văn Tám).
chuyenxua.net biên soạn