Danh ca Thái Thanh và những ca khúc gằn liền với sự nghiệp: Tình Ca, Tình Hoài Hương, Ngày Xưa Hoàng Thị…

Danh ca Thái Thanh được hầu hết các chuyên gia về âm nhạc nhận xét là giọng hát hàng đầu của âm nhạc Việt Nam. Trong sự nghiệp lừng lẫy của mình, bà đã thu âm đến vài trăm bài hát, đã từng trình diễn hàng ngàn bài hát, hầu hết những bài hát mà Thái Thanh đã từng trình bày đều trở thành những chuẩn mực cho các thế hệ sau. Thật khó để chọn ra tất cả những bài hát tiêu biểu nhất của danh ca Thái Thanh. Trong bài này, xin nhắc lại những bài hát nổi tiếng, quen thuộc, đã gắn liền với sự nghiệp ca hát của “đệ nhất danh ca”, nghe lại những bản thâu thanh trước 1975 đã trở thành những chuẩn mực không thể thay thế dù thời gian đã qua hơn nửa thế kỷ.

1. Dòng Sông Xanh

Khoảng năm 1947, gia đình Thái Thanh mở một quán phở mang tên Thăng Long tại vùng kháng chiến. Quán Thăng Long không chỉ là địa điểm ăn uống, mà còn là nơi dừng chân sinh hoạt văn nghệ và nghe nhạc của các văn nghệ sĩ kháng chiến. Anh chị em Thái Thanh cũng thường hát ngay tại quán để phục vụ khách và tạo dựng nền móng đầu tiên cho ban hợp ca Thăng Long đình đám, lừng lẫy một thời ở Sài Gòn sau này.

Sau khi mở quán Thăng Long, gia đình Thái Thanh bắt đầu có sự quen biết với nhạc sĩ Phạm Duy như một người bạn văn nghệ. Đây cũng là thời gian Thái Thanh bắt đầu chập chững bước vào nghề ca hát theo chị là ca sĩ Thái Hằng. Dù không nhớ rõ bài hát đầu tiên mà bà trình diễn là bài nào nhưng Thái Thanh bảo, bài hát ấy chắc chắn là một nhạc phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy.

Khi nhạc sĩ Phạm Duy bắt đầu theo đuổi cô chị Thái Hằng, do Thái Hằng lúc đó còn mang nhiều tâm sự cũ nên khá trầm lặng và e dè. Để có thể cưới được Thái Hằng, nhạc sĩ Phạm Duy đã phải nhờ rất nhiều “nguồn lực” để tác động vào người đẹp. Một trong những màn ghi điểm đẹp mắt của Phạm Duy với gia đình Thăng Long là việc ông viết lời Việt cho ca khúc tiếng Áo nổi tiếng Le Beau Danube Bleu (tạm dịch là Dòng sông Danube xanh) của nhạc sĩ Johann Strauss II, cho cô em Thái Thanh khi đó chỉ mới 14 tuổi trình diễn. Việc thể hiện thành công ca khúc Dòng Sông Xanh (lời Việt) của nhạc sĩ Phạm Duy đã giúp Thái Thanh tự tin bước lên sân khấu âm nhạc, sánh vai cùng các anh chị trong thời gian sau đó.

Hai chị em Thái Hằng – Thái Thanh

Mời các  bạn nghe lại Thái Thanh hát Dòng Sông Xanh (lời Việt của Phạm Duy):


Click để nghe Thái Thanh hát Dòng Sông Xanh trước 1975

2. Tình Hoài Hương

Trong gia tài âm nhạc đồ sộ đa dạng và nhiều thể loại của nhạc sĩ Phạm Duy, có loạt ca khúc viết về quê hương mang những làn điệu âm hưởng dân ca mà ông gọi là những bài “dân ca mới”, những ca khúc được sáng tác từ 70-80 năm trước vẫn luôn được người yêu nhạc nhiều thế hệ nhớ đến. Một trong số đó là nhạc phẩm nổi tiếng Tình Hoài Hương đã gắn liền với giọng hát của nữ danh ca Thái Thanh.


Click để xem Thái Thanh hát Tình Hoài Hương trên Paris By Night 19 năm 1993

Năm 1952, ngay khi vừa mới đưa gia đình rời Hà Nội để vào sinh sống ở Sài Gòn, nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác Tình Hoài Hương để thể hiện niềm nhớ cố hương đã xa ngút ngàn. Trong tập hồi ký được viết vào thập niên 1990, nhạc sĩ chia sẻ về nhạc phẩm này:

“Tôi soạn bài Tình Hoài Hương (1952) nằm trong loạt huyền thoại quê hương mà tôi tạo ra, nhờ có cơ hội đi khắp ba miền đất nước trong thời bình và trong thời ᴄhιến… bài hát này không còn là một bài đối cảnh sinh tình như trước đây nữa. Nó là một bài hát hoài cảm, là sự nhớ nhung của riêng tôi đối với một nửa mảnh đất quê hương mà tôi vừa phải xa lìa. Ngờ đâu nó sẽ là bài hát hoài hương của một triệu người di cư vào Nam hai năm sau đó”.


Click để nghe Thái Thanh hát Tình Hoài Hương trước 1975

Cái hay của Tình Hoài Hương là chất tự sự, hoài nhớ da diết trong từng lời hát. Về cuối đời, khi nhìn lại nhạc phẩm này của mình, chính nhạc sĩ Phạm Duy cũng đặt câu hỏi về “niềm nhớ lớn lao” mà ông có được trong bài hát được ông viết khi ngoài 30 tuổi, đã có gia đình nhưng còn rất phong lưu và chưa hề chồn chân mỏi gối trên con đường phiêu du: “Tại sao vào cuối năm 1952 này tôi có nổi một niềm nhớ quá lớn lao như vậy? Nhớ tất cả những chi tiết nhỏ nhất của dĩ vãng chưa đủ, còn phóng tâm tư đi tới những mối tình muôn đường của hàng ngàn phương trời mình chưa hề đặt chân tới. Cũng có thể vì sức sáng tác bị dồn nén sau gần hai năm bây giờ mới được toàn vẹn tung ra chăng?” (trích hồi ký Phạm Duy)

Và chính nhờ “niềm nhớ lớn lao” đó, “nhớ tất cả những chi tiết nhỏ nhất của dĩ vãng” mà đã có một bức tranh quê hương ngọt ngào, sống động, bình dị mà thân thương phủ tràn trong lời hát Tình Hoài Hương:

Quê hương tôi, có con sông dài xinh xắn
Nước tuôn trên đồng vuông vắn
Lúa thơm cho đủ hai mùa
Dân trong làng trời về khuya vẳng tiếng lúa đê mê

Quê hương tôi có con sông đào ngây ngất
Lúc tan chợ chiều xa tắp
Bóng nâu trên đường bước dồn
Lửa bếp nồng, vòm tre non, làn khói ấm hương thôn!

Trong những lời kể về quê hương xứ sở của nhạc sĩ thấp thoáng một thứ tình yêu nồng nàn, vô điều kiện. Cụm từ “quê hương tôi” được lặp đi lặp như một sự đánh dấu chủ quyền, xen lẫn niềm tự hào sâu kín. Quê hương tựa như một người mẹ lớn mà mỗi người con xa quê khi nhắc nhớ về, tâm hồn đều bỗng như trẻ dại. Đó là thứ tình yêu không bao giờ đổi dời, không trầm bổng, éo le hay bội phản như tình yêu trai gái. Tình yêu đó nuôi dưỡng tâm hồn con người, ve vuốt, vỗ về trái tim mà bất cứ lúc nào, bất cứ thời khắc nào cũng có thể triệu hồi.

Và với tình yêu đó, nhạc sĩ như triệu hồi tất cả những gì ngọt ngào, thân thương nhất của quê mẹ vào trong ca từ, giai điệu. Từ cảnh sắc hiền hoà của làng quê với những con sông xinh xắn, những phiên chợ chiều xa tắp, những cánh đồng lúa thơm đủ hai mùa đến những người dân quê áo nâu rải bước trên đường chiều hay những ký ức thân thương với lửa bếp nồng, vòm tre non, làn khói ấm,… đến những làn điệu dân ca ngọt ngào tình tự hoà quyện, phảng phất trong lời hát.

3. Tình Ca

Có thể rằng nếu không có Thái Thanh thì Phạm Duy vẫn là một nhạc sĩ tiếng tăm, nhưng cũng phải thừa nhận rằng nếu không phải là giọng hát của nữ danh ca Thái Thanh thì khó có ai khác có thể làm thăng hoa hết được những rung cảm sâu lắng, cuộn trào như suối nguồn của ca từ, giai điệu và truyền tải hết những tâm tư và nguyện vọng lớn lao mà nhạc sĩ Phạm Duy gửi gắm trong đó. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến nhạc phẩm Tình Ca. Đây là một sáng tác được nhạc sĩ Phạm Duy viết từ năm 1953, với mơ ước lớn lao là gắn kết tình cảm của con dân nước Việt về cùng một mối, như lời chia sẻ của ông trong hồi ký:

“Sau khi tung ra Tình Hoài Hương, tôi có ngay bài Tình Ca xưng tụng tiếng nói, cảnh vật và con người Việt Nam. Mùa Xuân năm đó, trong gian phòng bốn thước vuông ở căn nhà gỗ ngõ Phan Thanh Giản, tôi vừa bế con (Phạm Duy Minh mới ra đời) vừa hát: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi/ Mẹ hiền ru những câu xa vời, à à ơi tiếng ru muôn đời…

Bài Tình Ca này không còn thẳng băng ruột ngựa như những bài ca kháng chiến trước đây. Bây giờ nó muốn gắn bó tất cả người dân trong nước bằng một tình cảm thống nhất: tôi yêu tiếng nước tôi, yêu đất nước tôi, yêu người nước tôi.

Thật là may mắn cho tôi là nói lên được phần nào bản sắc quốc gia (identité nationale) qua bản Tình Ca này.


Click để nghe Thái Thanh hát Tình Ca trước 1975

Trong quá khứ, các bậc tiền bối chưa kịp làm công việc đó vì đã có lúc chúng ta có một cuộc nội chiến khá dài. Đó là 200 năm phân tranh giữa hai miền Đàng Ngoài – Đàng Trong. Trong khoảng từ những năm 1600 cho tới 1800, người trong nước khó có được sự đồng nhất quốc gia. Đàng Ngoài, sĩ phu Bắc Hà không có thời gian và phương tiện để tìm hiểu bờ cõi giang sơn mỗi ngày một thêm bành trướng với cuộc Nam Tiến. Đàng Trong, sĩ phu bận bịu với những lo toan kiến thiết ở địa phương. Miền nào kẻ sĩ phải phục vụ vua quan của miền đó.

Tuy là một nước nhưng có hai bộ máy chính trị và văn hoá. Do đó, chưa hề có tác phẩm nào nói lên được một ý thức quốc gia toàn diện. Tới khi nhà Nguyễn thống nhất sơn hà và đất nước mở rộng hơn nữa về phía Nam, trong khoảng 50 năm ngắn ngủi, các nhà nho của triều Nguyễn chưa kịp đưa ra một hình ảnh quốc gia trọn vẹn nhất thể, nhất tề, nhất trí thì người Pháp tới xâm lăng Việt Nam. Trong 80 năm nô lệ sau đó, bản sắc quốc gia trong văn học nghệ thuật Việt Nam chưa kịp hình thành thì bị xé nát bởi chính sách chia để trị của Pháp, cố tình đề cao sự khác biệt giữa ba miền và giữa những người dân trong một nước, khiến ta mất đi ý niệm quốc gia đồng nhất. Khi có những phong trào phục quốc như Cần Vương, Văn Thân… ý thức quốc gia vẫn còn mang ý niệm bảo hoàng, phong kiến.

Định mệnh khiến cho tôi, một cá nhân tầm thường, qua một bản Tình Ca ngắn ngủi, đưa ra khái niệm con người Việt Nam với địa dư, lịch sử và tiếng nói chung của một dân tộc đã từng chia sẻ với nhau trên vài ngàn năm lẻ. Tôi làm được việc này vì tôi có may mắn được đi ngang đi dọc nhiều lần trên bản đồ hình chữ S, gặp gỡ đủ mọi hạng người trong xã hội, nhất là được sống với những nổi trôi của lịch sử từ thời thơ ấu qua thời vào đời tới thời cách mạng kháng chiến.

Bài Tình Ca được mọi người yêu thích ngay. Nó nói tới quê hương đất nước nhưng cũng nói luôn tới tiếng nói và con người nữa. Là bài hát tình ca quê hương nhưng nó còn là bài hát tình tự dân tộc”.

 

4. Bà Mẹ Gio Linh

Đây là một trong những ca khúc về mẹ xúc động, bi thương nhất của nhạc Việt, được nhạc sĩ Phạm Duy viết dựa trên câu chuyện có thực, vào thời điểm ông còn theo kháng chιến chống Pháp, và chính ông cũng đã tự nhận xét đây là tác phẩm xuất sắc nhất của mình thời kỳ trước năm 1950.


Click để nghe Thái Thanh hát trước 1975

Ca khúc Bà Mẹ Gio Linh gây được xúc động to lớn với nhiều khán giả nghe nhạc vì đã truyền tải được tất cả nỗi đau của người dân mất nước thời kỳ 70 năm trước. Riêng với bài hát này, gần như chỉ có duy nhất Thái Thanh mới có thể diễn tả được trọn vẹn nỗi thê thiết của một người mẹ khắc khổ ở vùng quê nghèo, có người con hy sinh vì nước.

Mẹ già cuốc đất trồng khoai
Nuôi con đánh giặc đêm ngày
Cho dù áo rách sờn vai
Cơm ăn bát vơi bát đầy…

Câu chuyện về Bà Mẹ Gio Linh được nhạc sĩ Phạm Duy viết hoàn toàn dựa trên sự thật mà ông nghe kể lại khi đi qua vùng Bình Trị Thiên năm 1949. Sự việc xảy ra chỉ vào 1 năm trước đó ở làng Mai Xá Chánh, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, lính Pháp ở đồn Nhĩ Hạ bắt được xã đội trưởng của Việt Minh tên là Nguyễn Đức Kỳ rồi đem đi hành quyết giữa chợ.

Nghe tin dữ, bà mẹ tên là Lê Thị Cháu cắp thúng ra chợ, gói đầu con vào chiếc khăn rồi giấu trong thúng đem về, sau đó bỏ vào hộp vuông đem đi chôn cất.

Năm 1949, nhạc sĩ Phạm Duy từ Thanh Hóa vào Thừa Thiên, đi ngang qua Quảng Trị, nghe người dân kể câu chuyện này, ông đã nhờ người dẫn đến thăm bà mẹ. Là một người nhạc sĩ nhạy cảm, ông dễ dàng rung động trước câu chuyện quá thê lương này, cộng với nỗi nhớ về người mẹ ở quê nhà đã không gặp từ khi theo kháng chiēn, ông đã sáng tác Bà Mẹ Gio Linh (ban đầu đặt tên là Bà Mẹ Nuôi) chỉ sau một đêm. Sáng hôm sau, ông đã hát luôn cho “bà mẹ Gio Linh” Lê Thị Cháu nghe, vì vậy “bà mẹ Gio Linh” là người đầu tiên được nghe ca khúc cảm động viết về hoàn cảnh của chính mình.

Lúc sinh thời, danh ca Thái Thanh đã tâm sự như sau:

Tôi hát Bà Mẹ Gio Linh từ lúc mười mấy tuổi, mà lần nào tôi cũng khóc, không chỉ hồi kia, mà ngay cả thời gian sau này. Bài hát có những hình ảnh, tình cảm mà không bao giờ có thể phai nhạt được. Chỉ có những người cùng thế hệ với Thái Thanh, lớn hoặc nhỏ hơn một xíu, mới hiểu được cái bi kịch và thảm cảnh đó. Thế hệ sau này chỉ được biết qua sách vở, qua lời kể nên những cảm xúc khi nghe bài hát không được như thế hệ trước. Còn thời xưa khi tôi hát, 100 người nghe thì có trọn 100 người không cầm được nước mắt. Cả người hát lẫn khán giả cùng nhau khóc, vì hiểu rõ được hoàn cảnh trong bài hát…

5. Nụ Tầm Xuân

Ngoài phổ thơ, nhạc sĩ Phạm Duy còn phổ nhạc cho ca dao, và ông cũng là người tiên phong trong việc sáng tác các bài hát mà ông gọi là “dân ca mới” vào những năm thập niên 1940-1950. Chất liệu dân tộc, dân gian được ông sử dụng rất nhuần nhuyễn trong các ca khúc Ru Con, Bài Ca Sao, Trường Ca Con Đường Cái Quan, Gánh Lúa… và bài hát gằn liền với giọng ca Thái Thanh là Nụ Tầm Xuân.


Click để nghe Thái Thanh hát Nụ Tầm Xuân trước 1975

Trong cuốn sách “Tính Dân Tộc Trong Âm Nhạc Phạm Duy”, Giáo sư Trần Văn Khê đã có phân tích rất hay về các vận dụng ngũ cung của Phạm Duy trong bài hát Nụ Tầm Xuân như sau:

“[…]

Trước tiên tôi muốn đề cập tới một nhạc phẩm tiêu biểu mà tôi cho là rất đặc sắc trong cách sử dụng thang âm ngũ cung với một tinh thần sáng tạo của Phạm Duy. Đó là nhạc phẩm “Nụ Tầm Xuân”, dựa theo một câu ca dao rất quen thuộc của người Việt Nam:

“Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vường cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em (đi) lấy chồng anh tiếc lắm thay…”

Câu đầu “Trèo lên cây bưởi hái hoa”, Phạm Duy dùng thang âm ngũ cung dạng II (âm cơ bản La):

Hò – Xự – Xang –Xê – Cống

Mi Fa# La Si Do#

mà cách vận hành giai điệu cũng đi từ Hò lên Liu và trở xuống như bài Lưu Thủy đoản. Nhưng cách sáng tạo của Phạm Duy lại không đi từ thấp lên cao bằng con đường thẳng hay con đường vòng, mà là đi từng bực quãng 5 chồng chất (La-Mi, Mi, Ré-La, Mi-Si, Si, La-Mi, Mi…) để cho chúng ta có cảm giác đi lên từng nấc thang hay “trèo lên cây bưởi”, tay vin cây, chân leo lên từng cành để hái cho được bông bưởi trắng muốt.

Trèo lên, lên, trèo lên, trèo lên, lên, trèo lên

La – Mi, Mi, Re – La, Mi – Si, Si, La – Mi

Cách vận hành giai điệu từ thấp lên cao bằng những quảng 5 chồng chất mà cách vận hành mà tôi chưa từng gặp trong dân ca Việt Nam. Khi hát nhạc Phạm Duy, chúng ta chẳng những theo giai điệu từ thấp lên cao mà có cảm giác “thấy” được người trèo lên cây bưởi. Đó là một biệt tài của Phạm Duy

[…]”

Trong hồi ký của mình, nhạc si Phạm Duy nói rằng ông sáng tác Nụ Tầm Xuân khi gặp lại nàng Helene (Hệ Liên) tại Sài Gòn trong một dịp rất tình cờ:

“Để ghi lại cuộc gặp gỡ này, tôi phổ nhạc một câu ca dao thành một tình khúc nhan đề Nụ Tầm Xuân, khi in ra có đề tặng Hệ Liên (về sau nàng lấy tên là Huệ Liên, cũng do ở tên Helene mà ra): “Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc, em lấy chồng rồi anh tiếc lắm thay”…

Để tìm hiểu thêm về cuộc gặp gỡ mà nhạc sĩ Phạm Duy đã nhắc tới, quay ngược thời gian trở lại trước đó hơn 10 năm, đó là từ năm 1944, khi còn là 1 du ca hát rong khắp các miền trong một gánh hát cải lương tên là Đức Huy, nhạc sĩ Phạm Duy đã gặp một thiếu phụ người Việt lai Anh tên Helene tại Phan Thiết. Lúc này Helene có 2 người con và đã ly dị chồng.

Cũng theo hồi ký của nhạc sĩ Phạm Duy ghi lại thì giữa chàng du ca và người thiếu phụ trẻ tuổi có một cuộc tình rất nhẹ nhàng, theo nhạc sĩ thì đó là một mối tình trong sáng. Hai người đều biết có sự yêu mến lẫn nhau nhưng không ai dám lên tiếng yêu đương. Có thể vào lúc đó, ông mang mặc cảm tự ti của anh hát rong trong gánh cải lương và nàng chưa ra thoát lối sống goá phụ thầm lặng. Họ chỉ được coi là đang ở mấp mé một cuộc tình. Suốt một tháng trời, hai người dạo chơi trên phố xá đông đảo hay trên bãi cát vắng vẻ, nói với nhau những chuyện trên trời dưới bể, nhưng không bao giờ dám nắm tay nhau hay nói những lời ân ái.

Khi Phạm Duy rời Phan Thiết, giã từ Helene để theo gánh hát vào Nam, bà đã tiễn Phạm Duy trên sân ga xe lửa. Trên bước đường giang hồ, Phạm Duy trao đổi nhiều bức thư (và cả những bài thơ) với Helene. Chuyện tình của họ dừng lại ở những chuyện gặp gỡ, gần nhau, hát và đọc cho nhau nghe những lời ca, lời thơ rồi chia tay nhau, gửi cho nhau những lá thư màu xanh màu tím… Thời gian trôi qua, Phạm Duy sau đó gần như đã hoàn toàn quên lãng người góa bụa trẻ tuổi.

Đến năm 1956, Phạm Duy tình cờ gặp lại Helene khi đang lang thang trước chợ Bến Thành. Lúc này Helene đã có chồng mới và có thêm 3 đứa con nữa, 2 người con riêng đã lớn. Helene mở lời:

– Nếu “ông” rảnh rỗi, xin mời lại chơi. Nhà ở ngay đầu đường Trần Hưng Đạo kia kìa…

Nhạc sĩ Phạm Duy theo Helene về nhà, hai người con riêng là Alice và Roger chạy ra nắm tay ông để chào. Phạm Duy ngỡ ngàng khi thấy Alice vì cô đã lớn và giống mẹ như đúc.

Thời gian sau đó, giữa Phạm Duy và Alice đã nảy sinh một mối tình kéo dài 10 năm, là xuất phát của những bài tình ca hay nhất trong sự nghiệp của ông, như là Cỏ Hồng, Ngày Đó Chúng Mình, Nha Trang Ngày Về, Con Đường Tình Ta Đi…

Con bài hát Nụ Tầm Xuân, theo như lời nhạc sĩ Phạm Duy nói, thì xuất phát từ sự gặp gỡ với người mẹ: Helene, tức Hệ Liên:

Nụ tầm xuân ơi nụ tầm xuân
Nở ra xanh ơ biếc
Em lấy chồng, em đi lấy chồng
Anh tiếc tiếc lắm thay…

6. Kiếp Nào Có Yêu Nhau

Bài thơ Kiếp Nào Có Yêu Nhau được nữ thi sĩ xinh đẹp, sắc sảo và tài năng là Minh Đức Hoài Trinh viết cho cuộc tình của chính mình, cho nỗi đau rất chân thật, khắc khoải và nhiều buồn thương:

Anh đừng nhìn em nữa
Hoa xanh đã phai rồi
Còn nhìn em chi nữa
Xót lòng nhau mà thôi

Người đã quên ta rồi
Quên ta rồi hẳn chứ
Trăng mùa thu gãy đôi
Chim nào bay về xứ

Chim ơi có gặp người
Nhắn giùm ta vẫn nhớ
Hoa đời phai sắc tươi
Đêm gối sầu nức nở

Kiếp nào có yêu nhau
Nhớ tìm khi chưa nở
Hoa xanh tận nghìn sau
Tình xanh không lo sợ

Lệ nhoà trên gối trắng
Anh đâu, anh đâu rồi
Rượu yêu nồng cay đắng
Sao cạn mình em thôi


Click để nghe Thái Thanh hát Kiếp Nào Có Yêu Nhau trước 1975

Như thường lệ, vị “phù thuỷ âm nhạc” tài ba là Phạm Duy đã bắt được những ý thơ tuyệt đẹp của Minh Đức Hoài Trinh thả tung lên bầu trời âm nhạc thành một tuyệt phẩm não lòng. Ông bắt ngay đoạn thơ đầu tiên của nữ thi sĩ “Anh đừng nhìn em nữa…xót lòng nhau mà thôi” biến tấu thành những câu ca mở đầu ngân dài đầy xúc động để khắc hoạ nỗi day dứt, tuyệt vọng của người thiếu nữ bị mất đi người yêu trong tình cảnh trớ trêu, đau xót:

Đừng nhìn em nữa anh ơi
Hoa xanh đã phai rồi
Hương trinh đã tan rồi
Đừng nhìn em, đừng nhìn em nữa anh ơi
Đôi mi đã buông xuôi, môi răng đã quên cười

Nàng thiếu nữ trong cơn mê sảng vì nỗi đau quá lớn dường như đã có lúc nhìn thấy đôi mắt người tình nhìn mình đầy ám ảnh nên nàng đã xua tay cố trốn tránh “đừng nhìn em nữa anh ơi”. Nàng cầu xin người tình đừng nhìn mình, bất kể đó là ánh mắt yêu thương, buồn bã hay oán trách. Bởi chẳng cần nhìn vào đôi mắt chàng, nàng cũng đã đau đớn, khổ sở lắm rồi, đã tan nát, phôi pha cả đời hoa rồi. “Hoa xanh đã phai rồi, hương trinh đã tan rồi… đôi mi đã buông xuôi, môi răng đã quên cười”: cuộc đời nàng coi như đã tắt.

Hẳn người thôi đã quên ta
Trăng Thu gẫy đôi bờ
Chim bay xứ xa mờ
Gặp người chăng, gặp người chăng, nhắn cho ta
Hoa xanh đã bơ vơ đêm sâu gối ơ thờ

Ở đoạn hát tiếp theo, lời ca đột ngột đẩy người nghe vào một trường đoạn cảm xúc trái ngược. Nàng thiếu nữ chẳng còn mơ thấy người tình trở về tìm mình nữa nên ủ rũ kêu than: “Hẳn người thôi đã quên ta, trăng thu gẫy đôi bờ”, rồi dáo dác tìm kiếm, nhắn gửi.

Kiếp nào có yêu nhau
Thì xin tìm đến mai sau
Hoa xanh khi chưa nở
Tình xanh khi chưa lo sợ 

Bao giờ có yêu nhau
Thì xin gạt hết thương đau
Anh đâu anh đâu rồi?
Anh đâu anh đâu rồi? 

Từng câu hát cất lên da diết, ai oán, sầu muộn lột tả trọn vẹn nỗi đau của nàng thiếu nữ. Nàng ước mong được gặp lại người tình trong kiếp sau nhưng nàng chỉ xin được đi cùng nhau trong đoạn tình xanh để “hoa xanh tận nghìn sau” như trong lời thơ. Tại sao chỉ là “tình xanh”? Bởi “Hoa xanh khi chưa nở, tình xanh khi chưa lo sợ”. Tình yêu khi còn “xanh”, còn e ấp, chưa nhuốm u sầu, chưa nồng đượm thì sẽ “chưa lo sợ” bị mất, bị tan vỡ, bị sứt mẻ. Khối tình ấy sẽ chỉ mang lại những phút giây ngọt ngào, dịu nhẹ, chẳng thể khiến lòng người quay quắt, đớn đau với những thăm trầm, với những lúc chia xa, gãy đổ. Bởi hơn ai hết, cô gái thấm thía nỗi đau của khối tình nồng khi bị chia cắt.

Và “bao giờ có yêu nhau thì xin gạt hết đau thương”. Nếu lỡ như tình ấy có chẳng còn “xanh” mà chuyển sang màu nồng đượm thì “xin hãy gạt hết thương đau”, để hai người được trọn vẹn ở bên nhau.

Ở câu hát: “Anh đâu anh đâu rồi? Anh đâu anh đâu rồi?”, lời hát và giai điệu đột ngột bị đẩy lên cao trào, thể hiện sự thảng thốt của nàng thiếu nữ khi không thấy người yêu xuất hiện nữa dù nàng đang một lòng nghĩ về chàng và cầu nguyện. Để rồi khi chàng xuất hiện, nàng lại vội vã trốn tránh, hoảng hốt xua tay:

Đừng nhìn nhau nữa anh ơi
Xa nhau đã xa rồi, quên nhau đã (đã) quên rồi
Còn nhìn chi, còn nhìn chi nữa anh ơi
Nước mắt đã buông rơi theo tiếng hát qua đời
Đừng nhìn nhau nữa… anh ơi! 

Có thể nói, nếu bài thơ “Kiếp Nào Có Yêu Nhau” của Minh Đức Hoài Trinh là những dòng thơ ủ rũ, sầu buồn, nhiều day dứt, suy tư thì ca khúc “Kiếp Nào Có Yêu Nhau” qua lăng kính Phạm Duy là những trường đoạn cảm xúc mãnh liệt, cuốn hút và rực rỡ. Phạm Duy giống như một vị đạo diễn tài ba, đẩy “kịch bản” của Minh Đức Hoài Trinh lên sân khấu thêm thắt những đoạn đóng mở, âm thanh, ánh sáng, sắc diện nhân vật,.. làm thành một vở diễn lôi cuốn, xúc động, chinh phục và lấy đi nhiều nước mắt của người thưởng ngoạn. Và vị “đạo diễn” tài ba Phạm Duy cũng may mắn không kém khi có được cho mình một giọng ca vô cùng điêu luyện và tài năng đó chính là nữ danh ca Thái Thanh với cung giọng thổn thức, xốn xang ở những đoạn trầm và nức nở, nghẹn ngào, đầy ma mị, liêu trai ở những đoạn cao trào.

7. Ngày Xưa Hoàng Thị

Đầu thập niên 1970, ca khúc Ngày Xưa Hoàng Thị của Phạm Duy phổ nhạc thơ Phạm Thiên Thư, với ca từ trong sáng và tinh khôi, đã được khán giả yêu nhạc đón nhận nồng nhiệt. Thời đó ai cũng yêu và thuộc lời bài hát này, đặc biệt là giới học sinh trung học, vì hình như là ai cũng có một nàng Hoàng Thị của riêng mình:

Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ
Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ
Ôm nghiêng tập vở, tóc dài tà áo vờn bay…

Em đi dịu dàng, bờ vai em nhỏ
Chim non lề đường nằm im giấu mỏ
Anh theo Ngọ về, gót giầy lặng lẽ đường quê…

Hình ảnh cô nữ sinh đi học về ôm nghiêng tập vở tóc dài tà áo cùng vờn bay theo làn gió, đã làm xao xuyến bao trái tim của những chàng trai “đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư” ngày xưa. Bờ vai nhỏ dịu dàng, gót giày lặng lẽ của người em học trò trong từng buổi chiều tan trường làm ngơ ngẩn kẻ si tình trên bước đường đi theo.


Click để nghe Thái Thanh hát trước 1975

Có thể nói rằng, vào những năm của thập kỷ 1970, bài thơ “Ngày Xưa Hoàng Thị” là một tuyệt tác. Sau khi Phạm Duy phổ nhạc, tác phẩm đã trở thành một hiện tượng tại miền Nam:

Em tan trường về, anh theo Ngọ về
Chân anh nặng nề, lòng anh nức nở
Mai vào lớp học, anh còn ngẩn ngơ, ngẩn ngơ…

Em tan trường về, mưa bay mờ mờ
Anh trao vội vàng, chùm hoa mới nở
Ép vào cuối vở muôn thuở còn thương, còn thương

Bài thơ của Phạm Thiên Thư đã được nét nhạc Phạm Duy cùng giọng hát Thái Thanh chắp cánh bay cao trên bầu trời nghệ thuật miền Nam, sau đó được giới học sinh rất yêu thích và thường chép tặng nhau trong những cuốn sổ học trò. Khi đó trên báo chí Sài Gòn, người ta thường nghi vấn và đặt dấu hỏi nhân vật chính trong “Ngày xưa Hoàng Thị” là ai. Có một vài người tự nhận là mình, gây ra những cuộc bàn tán xôn xao, sau đó thi sĩ Phạm Thiên Thư chính thức lên tiếng về tung tích người đẹp trong ca khúc, đó là cô gái mang tên Hoàng Thị Ngọ.

Theo nhà thơ, cô gái Hoàng Thị Ngọ trong bài thơ “Ngày Xưa Hoàng Thị” chỉ là kỷ niệm, một mối tình thoảng nhẹ vu vơ thời trai trẻ. Trong những năm Tú tài, ông đã để ý một cô bạn học cùng lớp tên là Hoàng Thị Ngọ, cô gái đó quê gốc Hải Dương và ở gần nhà ông. Sau này, Phạm Thiên Thư tìm lại cố nhân nhưng người hàng xóm cho biết, bà Ngọ đã bán nhà và dọn sang Hoa Kỳ từ lâu.

Ngày ấy, mỗi khi xếp hàng vào lớp, cô gái đứng ở đầu hàng bên nữ, nổi bật, mái tóc dài xoã trên bờ vai mảnh dẻ. Ông chỉ im lặng ngắm nhìn. Khi tan trường, cô gái một mình trên đường về nhà, ông lại là kẻ lẽo đẽo theo sau: “Cô ấy ôm cặp đi trước, tôi đi theo nhưng không dám lên tiếng. Trong bóng chiều tà, ánh nắng hắt qua hàng cây, cô ấy lặng lẽ bước, gây cho tôi những cảm xúc bâng khuâng khó tả. Cứ thế, tôi chỉ biết lặng lẽ đi theo sau cô ấy hàng ngày, giấu kín những cảm xúc của mình không cho bất cứ ai biết”. Và một lần đắm chìm trong cảm xúc ấy, ông đã cầm bút viết lên bài thơ “Ngày xưa Hoàng Thị”.

8. Em Lễ Chùa Này

Một ca khúc nổi tiếng khác được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ Phạm Thiên Thư, và cũng không giọng hát nào có thể thay thế được Thái Thanh, đó là Em Lễ Chùa Này.

Việc gặp gỡ Phạm Thiên Thư trên con đường âm nhạc của mình, đối với Phạm Duy, như một mối duyên định mệnh, ảnh hưởng sâu sắc đến tâm thức âm nhạc của ông.

Nhạc sĩ từng chia sẻ: “Khi tôi gặp thi sĩ Phạm Thiên Thư (cựu tu sĩ, pháp danh Tuệ Không) vào năm 1971 là tôi như thoát xác, vượt ra khỏi những đắng cay, chán chường và bế tắc của Tâm ca, Tâm phẫn ca, Vỉa hè ca… Tôi muốn tạm bỏ việc xưng tụng cái nhất thời để tìm về cái muôn đời, nghĩa là tạm bỏ việc soạn nhạc nhân hòa để soạn nhạc nhiên hoà, tạm bỏ soạn nhạc tình cảm, xã hội để soạn nhạc tâm linh…”.

Nhà thơ Phạm Thiên Thư thì bộc bạch: “Tôi gặp nhạc sĩ Phạm Duy như một ngọn núi gặp một đám mây”, và cũng không ít lần, Phạm Thiên Thư thừa nhận, ông vô cùng bất ngờ khi nghe những ca khúc Phạm Duy phổ nhạc từ thơ ông. Âm nhạc phiêu lãng, bay bổng của Phạm Duy đã nâng thơ Phạm Thiên Thư lên một tầm vóc cao hơn và cũng đời hơn.

Khi chọn phổ nhạc bài thơ Thoáng Hương Qua (có nơi ghi là Một Thoáng Hương Qua) của thi sĩ Phạm Thiên Thư thành ca khúc mang tên Em Lễ Chùa Này, nhạc sĩ Phạm Duy nói bài thơ này được chọn là vì “cả hai chúng tôi đều muốn quay về xưng tụng những gì thuộc về văn minh Việt Nam, như ngôi chùa cổ ở miền Bắc là nơi lúc còn nhỏ tôi thấy đôi kẻ tình nhân thường hẹn nhau tới dâng hương cầu nguyện…”

Bởi lẽ cả hai ông đều có chung những ký ức tuổi thơ êm đềm ở những vùng quê Bắc Bộ trước khi Nam tiến.

Theo lời kể của Phạm Thiên Thư, năm 1954, khi ông 14 tuổi, từ quê nhà Hải Phòng, ông cùng gia đình di cư vào Sài Gòn. Sau khi học xong Tú tài, Phạm Thiên Thư theo học tại trường Phật học Vạn Hạnh và xuống tóc đi tu vào năm 1964. Trong thời gian tu học tại chùa từ 1964 – 1973, ông vô tình chứng kiến mối “hương tình” của một chú tiểu trong chùa và một cô bé Phật tử. Nhưng tình yêu chưa kịp đơm bông, nở nhuỵ, thì cô bé qua đời, cảm xúc trước hoàn cảnh bi thiết đó, ông đã viết bài thơ Thoáng Hương Qua.

Cũng theo lời kể của nhà thơ thì cả chú tiểu và cô bé Phật tử khi đó mới chỉ chừng 15-16 tuổi. Cô thường xuyên lui tới chùa nghe chú tiểu tụng kinh, đánh chuông. Họ đứng gần nhau và cùng lặng im đọc kinh, cầu nguyện:

Ðầu xuân em lễ chùa này
Có búp lan vàng khép nép
Vườn trong thoáng làn hương bay
Bãi sông lạc con bướm đẹp

Vào hạ em lễ chùa này
Trên đồi trái mơ ửng chín
Lò hương có làn trầm bay
Vờn trên bờ tóc bịn rịn

Giữa thu em lễ chùa này
Lầu chuông có con chim hót
Tiếng ca theo làn gió may
Lá vàng sương gieo nhẹ hạt

Sang đông em lễ chùa này
Ngoài sân có mưa bụi bay
Hắt hiu trong cành gió bấc
Vườn chùa rụng cánh lan gầy

Đúng như tên gọi của bài thơ, trong bốn khổ thơ đầu tiên, tất cả chỉ là “thoáng hương qua”, thanh thanh, dịu dịu. Mối tình chỉ vỏn vẹn đổi trao ở những cái nhìn ngỡ như vô tình. Dường như chưa bao giờ họ nhìn vào mắt nhau, chưa bao giờ trò chuyện, chỉ là những khoảng khắc bất chợt thoáng qua nhau mỗi khi cô gái lên chùa lễ Phật nhưng đã ghi dấu sâu sắc trong lòng.

Có lẽ do ảnh hưởng của tính cách Phật giáo, tình yêu trong thơ Phạm Thiên Thư bao giờ cũng vậy, thanh thoát, kín đáo và thánh thiện vô ngần. Suốt bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, ngày qua tháng lại, cô bé vẫn lên chùa lễ Phật, chú tiểu vẫn làm các công việc thường lệ của người tu, tình cảm của họ vẫn chỉ dừng lại ở những cảm xúc đầu tiên từ mùa xuân, không thay đổi, không nhạt đi, cũng không nồng đậm thêm.

Cảnh sắc bốn mùa được miêu tả rõ ràng, sắc nét, như không hề vướng bận hay bị chi phối bởi bất kỳ cảm xúc, tình cảm nào.

Những cô cậu thiếu niên mới ở độ tuổi 15-16 này xưa thường vô cùng nhạy cảm, nhưng cũng rất nhút nhát, nên những mối tình học trò ở độ tuổi này bao giờ cũng ngây thơ, trong sáng, bẽn lẽn, rụt rè vô cùng. Hoàn cảnh của đôi nam nữ trong bài thơ còn ngặt nghèo hơn, vì nơi họ gặp gỡ là chốn thiền môn, chàng trai còn là một chú tiểu đang tu học tại chùa. Dù giữa họ có xao động thì việc thể hiện tình cảm hay gần gũi là không thể

Tuy nhiên, cảm xúc của bài thơ đã được đẩy lên một nhịp khi cô bé qua đời và được đưa tới an táng tại chùa:

Cuối đông đưa em tới đây
Trong lòng áo quan gỗ trắng
Tóc em tơ óng làn mây
Cội hoa tưởng ai trầm lặng…

Đến tận lúc này, chàng trai mới dám nhìn kỹ cô gái, và nhận ra: “tóc em tơ óng làn mây”. Cô gái đã rời xa cõi thế, nhưng chàng trai cứ ngỡ cô đang say ngủ, đang chỉ nằm im đó “trầm lặng” mà thôi.

Em vừa nằm xuống đất này
Vườn trong có bông đào nở
Con bướm chập chờn hương bay
Quơ sợi râu vàng bỡ ngỡ

Hoa vẫn nở trong vườn chùa, bướm vẫn rập rình bay lượn, chàng trai vẫn mơ hồ, không tin điều vừa xảy ra.

Nắm đất nào vừa lấp mộ
Có con chim hót đầu cành
Tiếng tan trên giòng suối xanh
Nước ơi sao buồn nức nở

Khi mộ vừa mới lấp, tiếng chim hót não lòng đưa tiễn cô như vỡ tan ra hoà cùng tiếng suối chảy. Chàng trai lúc này mới bàng hoàng nhận ra cô gái thực sự đã đi rồi. Cảm xúc vỡ oà, chàng trai thốt lên: “Nước ơi sao buồn nức nở”. Chìm đắm trong dòng cảm xúc sầu muộn, chàng trai thì thầm bên mộ cô gái:
Bây giờ tôi biết em đâu.

Nhưng là người từng được học giáo lý của nhà Phật, hiểu được lẽ thường tình của tạo hoá, chàng trai sực tỉnh:

Cuối vườn nụ mai nhiệm mầu
Vừa thoát làn hương trinh bạch
Em ơi! Mây đã qua cầu…

Chàng biết rằng, duyên phận kiếp này của cô gái có chừng đó thôi, cô đã chuyển kiếp rồi, và “mây đã qua cầu rồi”, hương xuân đã bay đi. Hiểu được điều đó, tâm trạng của chàng trai cũng nhẹ nhàng hơn, mọi u sầu cũng theo đó mà tan đi. Vậy nên dễ hiểu được tại sao, dù viết cho một mối tình tan vỡ, nhà thơ Phạm Thiên Thư lại đặt tựa bài là Thoáng Hương Qua thật nhẹ nhàng, thanh thoát mà không phải là cái tên nào khác. Cái buồn trong bài thơ là cái buồn man mác, buồn mà không bi luỵ, cái vui trong bài thơ ở đoạn đầu cũng là cái vui nhẹ nhàng, vui mà không ồn ã, náo động.

Nếu Phạm Thiên Thư chọn thơ 6 chữ khi viết Thoáng Hương Qua, thì khi chuyển thể qua âm nhạc, nhạc sĩ Phạm Duy lại viết lại thành câu 7 chữ. Có thể thấy toàn bộ phần bố cục nội dung, ý nghĩa, hình ảnh trong thơ Phạm Thiên Thư được Phạm Duy giữ lại hầu như nguyên vẹn, ông chỉ sắp đặt lại câu chữ và thay đổi chút ít hình ảnh cho phù hợp với tiết tấu âm nhạc.


Click để nghe Thái Thanh hát Em Lễ Chùa Này trước 1975

Cái khéo léo của vị nhạc sĩ tài năng kia là khi chuyển thơ thành nhạc là đã mang gần như trọn vẹn cái hồn cốt thanh thoát của bài thơ vào trong ca khúc. Nhưng cái tài hoa hơn cả của Phạm Duy là ông đã nâng bài thơ lên, bay bổng hơn và cũng trần thế hơn, đẩy ý thơ của Phạm Thiên Thư tới gần với mỹ cảm của người đời hơn. Có lẽ vì vậy mà không ít người nghe ca khúc Em Lễ Chùa Này  dễ bị “hẫng” khi đọc lại bài thơ gốc, bởi sự nhẹ nhàng, “ảo diệu” của bài thơ.

Cái nhịp vui trầm vừa, dịu dàng ở nửa đầu bài thơ Thoáng Hương Qua của Phạm Thiên Thư đã được Phạm Duy nâng lên một nhịp khi chuyển thành âm nhạc:

Ðầu mùa Xuân cùng em đi lễ
Lễ chùa này vườn nắng tung bay
Và ngàn lau vàng mầu khép nép
Bãi sông bay một con bướm đẹp

Mùa Hạ qua cùng em đi lễ
Trái mơ ngon đồi gió mơn man
Từ lò hương làn trầm nghi ngút
Khói hương thơm bờ tóc em vờn

Rồi mùa Thu cùng em đi lễ
Có con chim đậu dưới gác chuông
Hoà lời ca vào làn sương sớm
Gió heo may rụng hết lá vàng

Vào mùa Ðông cùng em đi lễ
Lễ chùa này một thoáng mưa bay
Và ngoài sân vài cành khô gẫy
Gió lung lay một cánh lan gầy

Với ca khúc, Phạm Duy đã mạnh dạn thay đổi, đã lồng ghép thêm một số ngôn từ náo động hơn, gợi tình hơn như: “tung bay”, “mơn man”, “nghi ngút”, “hoà lời ca”,”lung lay”,…

Trong thơ, Phạm Thiên Thư dùng hình ảnh khói trầm bay “vờn trên bờ tóc”, thì trong nhạc trở thành “bờ tóc em vờn”, chuyển trạng thái của cô gái từ thế bị động sang chủ động.

Tàn mùa Ðông vào chùa bỡ ngỡ
Tiễn đưa em trong áo quan này
Từng cội hoa trầm lặng thương nhớ
Tóc em xưa tơ óng như mây

Vườn chùa đây vào nằm trong đất
Nép bên hoa đây những hoa vàng
Vườn đào thơm chập chờn cánh bướm
Bướm quơ râu ngơ ngác bay ngang

Mộ của em mộ vừa mới lấp
Có con chim nào hót trên cây
Lời của chim chìm vào tiếng suối
Suối xanh lơ buồn khóc ai hoài

Rồi từ đây vườn chùa thanh vắng
Ðến thăm em ngày tháng qua mau
Một nụ mai vừa nở trong nắng
Hỡi em ơi! Mây đã qua cầu
Hỡi em ơi! Mây đã qua cầu…

Ở nửa sau của ca khúc, nỗi u sầu của chàng trai khi cô gái qua đời cũng được đẩy lên cao hơn, dai dẳng hơn. Trong thơ, chàng trai chỉ lấp ló đâu đó, thẫn thờ buồn bã. Còn trong nhạc, hình ảnh chàng trai kề cận tiễn đưa, lộ rõ niềm thương nhớ, buồn khóc bi luỵ xuất hiện với tần xuất dày đặc hơn. Cô gái mất đi rồi thì “vườn chùa thanh vắng” hơn, hay cõi lòng chàng trai hoang lạnh hơn. Và nỗi đau tình đó cũng dằng dai hơn, chàng vẫn thường “đến thăm” cô gái dù “ngày tháng qua mau”.

Ở câu hát cuối cùng: “Hỡi em ơi! mây đã qua cầu” – không phải là lời thì thầm của chú tiểu rằng “Em ơi, mây đã qua cầu”, em ra đi thanh thản nhé… Mà là tiếng gọi lớn của chàng trai si tình: “Hỡi em ơi!”. Tiếng gọi bật thoát ra, không thể kìm giữ được, ủ trong đó là sự luyến tiếc, nhớ thương khôn nguôi của chàng trai dành cho cô gái.

Có thể thấy, cả bài thơ của Phạm Thiên Thư và ca khúc phổ nhạc của Phạm Duy đều hay xuất sắc. Nếu Phạm Thiên Thư đứng ở góc độ của một người từng là tu sĩ suốt gần 10 năm viết thơ tình, thì Phạm Duy đời hơn rất nhiều vì đã trải qua vô số cuộc tình. Nhưng cái hay của Em Lễ Chùa Này cũng là ở đó, Phạm Duy đã khéo léo kết hợp chất men huyền bí của Phạm Thiên Thư, thứ mà ông thiếu vào trong những ca từ bay bổng, lãng mạn của ông.

Ca khúc Em Lễ Chùa Này từ khi ra mắt được rất nhiều nghệ sĩ chọn để thể hiện, nhưng chỉ khi giọng hát mê hồn, thoát tục của Thái Thanh cất lên những lời ca tuyệt đẹp ấy, thì ta mới biết chắc chắn rằng, đây chính xác là một bộ ba hoàn hảo, khó có thể thay thế dành cho ca khúc này: Phạm Thiên Thư – Phạm Duy – Thái Thanh.

Mời các bạn nghe ca khúc Em Lễ Chùa Này qua giọng ca Thái Thanh:


Click để nghe Thái Thanh hát Em Lễ Chùa Này (sau 1975)

Bài: Đông Kha – Niệm Quân (chuyenxua.net)

Viết một bình luận