Để nói về Đà Lạt với vai trò là một trung tâm văn hóa – giáo dục thời trước 1975, trước hết mời bạn đọc qua bài ký sự du lịch Đà Lạt của Việt Tấn Xã cuối năm 1972 như sau:
“Ở Việt Nam, chưa có thành phố nào lại có lắm trường học và học sinh như ở Đà Lạt. So với 83.000 sĩ số hiện hữu, trên một phần tư là học sinh, sinh viên thuộc gần 20 trường trung tiểu và Đại học, Đà Lạt quả chiếm giải nhất về số người đi học đông”.
Còn trong Tập san Sử Địa năm 1971, một Đà Lạt là trung tâm văn hóa của miền Nam được mô tả như sau:
Dưới bầu trời xanh biếc và an lành, Đà Lạt ẩn mình trong những rừng thông xinh đẹp và đầy thơ mộng, giữa không khí im vắng mang chở đầy hương thơm của hoa cỏ núi rừng cùng với khí hậu ấm áp và trong lành; thành phố này đã trở thành miền đất màu mỡ để cho các sinh hoạt và cơ sở văn hóa đua nhau phát triển.
Thật vậy, ngày nay Đà Lạt trở thành một trung tâm văn hóa quan trọng vào bậc nhất tại miền Nam Việt Nam. Sự hiện diện của những trường đại học phong phú về phân khoa và mới mẻ trong đối tượng nghiên cứu như đại học Chiến tranh chính trị. Trường Chính trị Kinh doanh thuộc viện đại học Đà Lạt, đại học Quân sự, trường Võ Bị Quốc gia, Giáo hoàng chủng viện… đã thể hiện rõ rệt đóng góp sâu rộng của thành phố này vào công cuộc phát triển và xây dựng nền văn hóa nước nhà…
Điều gì đã biến một trạm nghỉ dưỡng của người Pháp trở thành một trung tâm của văn hóa – giáo dục thời VNCH?
Sau năm 1954, khi người Pháp rời khỏi Việt Nam, Đà Lạt không còn thuần túy là một thành phố nghỉ mát nữa, mà chức năng của nó được mở rộng. Khi đó, giới trí thức Công giáo miền Nam là những người đầu tiên nhận ra Đà Lạt là một môi trường lý tưởng để phát triển đô thị văn hóa, giáo dục, nên đã có những cuộc tập họp để bàn thảo và vận động ráo riết để hiện thực hóa điều này. Có hai chủ điểm mà nhóm trí thức này xác lập từ đầu là một trung tâm nghiên cứu Thần học và một trường Đại học Công giáo.
Viện Đại học Đà Lạt và Giáo hoàng học viện Thánh Pio X, cùng được khánh thành vào năm 1958 chính là những ngôi trường được lập nên ở Đà Lạt từ những cuộc vận động đó, tức là chỉ 2 năm sau sau khi có những ý tưởng đầu tiên.
Viện Đại học Đà Lạt ban đầu theo dự tính mang tên là Viện Đại học Công giáo, là viện đại học tư thục dưới sự điều hành của Giáo hội Công giáo Việt Nam, viện trưởng là một linh mục công giáo. Còn Giáo hoàng học viện Thánh Pio X là cơ sở đào tạo cử nhân thần học, ban đầu cơ sở đặt tạm ở khu cư xá Decoux, đến năm 1961 mới xây dựng cơ sở mới rất tráng lệ nằm bên cạnh Đồi Cù.
Ngoài ra cơ sở giáo dục nổi tiếng này, Đà Lạt còn những cơ sở nào khác để thành phố này được mệnh danh là một trung tâm văn hoa – giáo dục mới của miền Nam? Mời bạn đọc bài tổng hợp sau đây về các trường đại học, học viện quân sự, các thư viện, trung tâm nghiên cứu ở Đà Lạt (tính tới năm 1971):
Viện Đại học Đà Lạt
Được thiết lập do nghị định số 67/BNV/NA/P5 ngày 8-8-1957, là một tổ chức tư nhân, thuộc quyền sở hữu của Hội đồng giám mục Việt Nam.
Niên học 1957-1958, Viện có thu nhận một số thanh niên chưa có tú tài với mục đích chuẩn bị cho họ có thể học một trường kỹ thuật. Nhưng đến niên học 1958-1959, Viện chỉ thu nhận những thanh niên có tú tài 2 vào các phân khoa đại học. Trong niên khóa đó, Viện chỉ có trường Đại học Văn khoa và trường Đại học Sư phạm ban Pháp văn và Triết học do viện Đại học Sài Gòn gởi theo học.
Năm sau đó, viện có thêm trường Đại học Khoa học.
Đến niên học 1964-1965, trường Chính trị kinh doanh được thiết lập.
Niên học 1965-1966, trường đại học Sư phạm bị bãi bỏ.
Niên học 1966-1967, trung tâm Sư phạm lại được thiết lập với một quy chế và chương trình học riêng biệt khác với đại học Sư phạm tại Việt Nam.
Trong niên khóa 1970, số sinh viên đã theo học tại Viện đã lên tới 2.453, gồm 1.881 nam sinh viên và 572 nữ sinh viên. Ngoài công tác giảng huấn này, Đại học Đà Lạt còn là một Trung tâm sinh hoạt văn hóa phồn thịnh với nhiều trại hè, những khóa tu nghiệp, hội thảo của những hiệp hội, đoàn thể thanh niên, sinh viên, giáo sư, công chức… trong cũng như ngoài nước. Đặc biệt, hội Đại học Đông Nam Á (ASAIHL) đã tổ chức hai khóa hội thảo quốc tế tại Viện. Ngoài ra, một khóa hội thảo về “mục tiêu quốc gia” đã được tổ chức với sự bảo trợ của Viện trưởng các viện Đại học Việt Nam vào năm 1967.
Giáo Hoàng Học viện Pio X
Được thiết lập vào tháng 9-1958. Lúc đầu Học viện tạm thời đặt ở những dinh thự thuộc cư xá Decoux.
Học viện gồm những dãy nhà tráng lệ và tối tân đã được xây dựng trên ngọn đồi phía nam Viện Đại học Đà Lạt, làm cơ sở cho Học Viện Cha dòng Tên đảm trách, nhằm mục đích đào tạo các linh mục Việt Nam có một căn bản về Triết học và Thần học.
Sau khi đỗ Tú tài II, các tu sĩ được nhận vào học viện, phải theo một học trình là 8 năm: 3 năm triết học, 3 năm thần học và 2 năm đi giảng. Đặc biệt, cử nhân thần học do Học Viện cấp phát được chính phủ công nhận có giá trị tương đương như những văn bằng của các viện Đại học quốc gia.
Tính tới năm 1971, học viện có 162 chủng sinh nội trú, và 28 chủng sinh ngoại trú do các Dòng khác gởi theo học. Điều đáng ghi nhận, học viện có một thư viện qui tụ trên 55.000 cuốn sách, phần lớn chuyên về Triết học và Thần học được viết bằng Anh, Đức, Pháp văn…
Trường đại học Chiến tranh chính trị
Được hình thành do sắc lệnh 48/SL/QG ngày 18-3-1966, trường trực thuộc Tổng Cục chiến tranh chính trị và Tổng cục Quân huấn, bộ Quốc phòng. Đây là một trường đại học chuyên về một ngành học rất mới mẻ không những đối với Việt Nam, mà ngay cả những quốc gia tiên tiến Tây phương thời điểm đó.
Trường nhằm mục đích đào tạo các sĩ quan hiện dịch cho ngành chiến tranh chính trị với một kiến thức quân sự căn bản và một trình độ văn hóa đại học. Chương trình học trong thời chiến là 2 năm và thời bình sẽ là 4 năm.
Năm 1969, có khoảng 400 SVSQ đang theo học khóa II. Ngoài ra, trường này cũng thường xuyên tổ chức những khóa huấn luyện căn bản, trung cấp và cao cấp dành cho các sĩ quan thuộc mọi cấp bậc trong ngành chiến tranh chính trị.
Trường có địa chỉ số 78, đường Võ Tánh (nay là Bùi Thị Xuân).
Trường Võ bị Quốc gia Việt Nam
Ban đầu, trường được thiết lập 1948 tại Huế, mệnh danh là trường Sĩ quan Việt Nam. Năm 1950, trường chuyển lên Đà Lạt dưới danh hiệu mới: trường Võ bị Liên quân Đà Lạt.
Năm 1959, được đổi thành trường Võ Bị Quốc gia Việt Nam với quy chế một trường Đại học bậc cao đẳng chuyên nghiệp. Thời gian thụ huấn là 4 năm, nhưng sau đó, chương trình rút xuống 2 năm. Năm 1965, trở lại chương trình 4 năm.
Trường được xây dựng trên một ngọn đồi phía Đông Bắc của thành phố với những dãy nhà đồ sộ, tối tân và được trang bị khá đây đủ về mọi phương diện.
Trường Chỉ huy và Tham mưu
Ban đầu, trường được thiết lập vào năm 1953 tại Hà Nội dưới danh hiệu là trung tâm Huấn luyện Chiến thuật. Ngay sau đó, trường lại được đổi thành trung tâm Nghiên cứu quân sự.
Sau hiệp định Genève, được dời vào Sài Gòn với danh hiệu mới là trường đại học Quân sự. Sau đó, trường được di chuyển lên Đà Lạt và đến 1967 lại đổi thành trường Chỉ huy và Tham mưu.
Mục đích của trường nhằm kiện toàn khả năng của các sĩ quan Lục quân trên lãnh vực chỉ huy và tham mưu.
Ngoài ra, còn sưu tầm và nghiên cứu về các trận đánh lớn, cũng như binh thư và binh thuyết liên quan đến Lục quân.
Hàng năm, nhà trường tổ chức những khóa chỉ huy và tham mưu cao cấp, trung cấp dành cho các sĩ quan Lục quân từ Đại úy đến Đại tá. Cơ sở chính của trường thiết lập ở cuối đường Lữ Gia. Ngoài ra, trường còn sử dụng cả “Hôtel du Parc” cũ trên đường Yersin làm trại trú ngụ (được gọi là trại Nguyễn Công Trứ).
Trung tâm nghiên cứu nguyên tử
Được thiết lập do sắc lệnh 507-TTP ngày 11-10-1958 trung tâm trực thuộc Tổng thống phủ, được xây cất trên một ngọn đồi nằm giữa viện đại học Đà Lạt và trường Võ bị Quốc gia, theo thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Mục đích là khảo sát về phương diện khoa học và kỹ thuật để áp dụng nguyên tử năng vào các ngành y học, công chánh, kỹ nghệ, canh nông và chăn nuôi cũng như nghiên cứu và thực hiện các chương trình áp dụng nguyên tử để sản xuất điện lực và nguyên động lực…
Đây là một nỗ lực của chính phủ để cung cấp cho giới khoa học phương tiện và dịp tốt để học hỏi những kỹ thuật mới, sử dụng những dụng cụ mới, áp dụng những phương pháp mới, hầu đạt đến những kết quả có ảnh hưởng lớn trên nhiều lãnh vực, góp phần cải thiện và quân bình hóa nền kinh tế quốc gia.
Nha Địa dư Quốc gia
Là hậu thân của Sở Địa Dư Đông Dương trước đây, do người Pháp thiết lập vào ngày 7-1899 tại Hà Nội.
– Năm 1940, Sở được dời vào Gia Định.
– Năm 1944, cơ quan này lại phải di chuyển đến cơ sở chính thức vừa được xây cất tại Đà Lạt. Sau Hiệp định Genève, Sở Địa dư Đông Dương giải tán, Nha Địa dư Quốc gia Việt Nam được thành lập do sắc lệnh 118-QP ngày 20-4-1955.
Mục đích của Nha địa dư là nhằm thực hiện các công tác có tính cách ích lợi chung về trắc địa học, địa hình thái học và các phương pháp đồ bản…
Cho tới năm 1971, ngoài những công tác trắc địa, bình chuẩn đạo, trắc lượng ảnh, nha Địa dư đã sản xuất 17.570.998 tờ bản đổ đủ các loại.
Viện Pasteur
Viện Pasteur Đà Lạt được thiết lập 1936, trực thuộc viện Pasteur Việt Nam tại Sài Gòn, viện Pasteur Việt Nam được công nhận là cơ quan công lập, có tư cách pháp nhân và quyền tự trị về hành chánh và tài chánh.
Ngoài công việc thường lệ của các viện Pasteur như trị bệnh dại miễn phí, khảo nghiệm và phân tích vi trùng, kiểm nghiệm nước uống cho thành phố. Viện Pasteur Đà Lạt, nhờ khí hậu thích hợp, đã trở thành một cơ sở sản xuất thuốc chủng ngừa và trị bệnh cho đồng bào.
Trong trường hợp khẩn cấp, viện có thể sản xuất tới 300 đến 350 lít thuốc mỗi ngày và được coi là cơ sở chế thuốc chủng lớn nhất tại vùng Đông Nam Á châu này.
Chi nhánh nha Văn khố và thư viện Quốc gia Đà Lạt
Được thiết lập năm 1960, trực thuộc nha Văn khố và thư viện Quốc gia tại Sài Gòn. Chi nhánh này được đặt tại số 24 đường Yersin. Tài liệu lưu trữ gồm có 5.000 cuốn sách chữ Hán trong số này có những “ngự thư” (sách vua xem). Nhưng có lẽ đáng kể nhất là 600 cuốn châu bản và mộc bản của các vua triều Nguyễn (từ Gia Long đến Bảo Đại). Ngoài ra, còn một số tài liệu của tòa Khâm sứ ở Huế và tất cả giấy tờ, văn thư và hồ sơ của Văn Võ Phòng Đức quốc trưởng Bảo Đại.
Phòng Thống kê địa phương Đà Lạt
Được thiết lập 1958, trực thuộc viện Quốc gia Thống kê Việt Nam tại Sài Gòn. Nhiệm vụ của phòng thống kê này là thu thập tài liệu và tổ chức điều tra về hầu hết các vấn đề như tiêu thụ gạo, dân số, công kỹ nghệ, khí hậu, y tế, giáo dục, giao thông trong 12 tỉnh thuộc Vùng II Chiến Thuật. Ngoài ra, hàng tháng Phòng còn xuất bản một tập san thống kê. Đây là cơ quan tương đối có khá nhiều tài liệu. Với lối làm việc có phương pháp cùng thái độ hiểu biết và thiện chí của người điều khiển; có thể nói là nơi rất thích hợp cho những người muốn nghiên cứu và tìm hiểu về cao nguyên Nam Trung phần.
Thư viện Quốc gia
Được thiết lập vào tháng 8-1958 quyền sở hữu của Tòa thị chính Đà Lạt. Năm 1971, sau hơn 10 năm thành lập, thư viện cũng đã thực hiện được những tiến bộ đáng kể: từ 6.000 cuốn sách lúc đầu, đến 30.000 cuốn sách trong hiện tại, từ bậc tiểu học đến đại học. Nhưng đặc điểm chính của thư viện này phần lớn những sách có tính cách phổ thông ở bậc trung học và được chia ra làm 4 phần: Việt, Anh, Pháp và Hoa ngữ với số lượng gần tương đương nhau.
Thư viện có 5 phòng: phòng đọc sách tại chỗ, phòng báo chí và tạp chí, phòng đọc sách nhi đồng, phòng tham khảo dành cho du khách, sinh viên và các nhà nghiên cứu.
Trung tâm Văn hóa Mỹ
Được thiết lập năm 1963, nhằm mục đích phổ biến và trao đổi văn hóa Hoa Kỳ Việt Nam. Để thực hiện mục đích đó, trung tâm đã tổ chức những buổi thuyết trình phong tục tập quán, trình tấu âm nhạc, triển lãm hội họa… của hai quốc gia để người Việt và Mỹ có thể hiểu biết nhau hơn.
Ngoài ra, trung tâm còn có thư viện gồm khoảng trên 7.000 cuốn sách về triết học, tôn giáo, kinh tế học, chính trị học, xã hội học, sử học và tiểu thuyết… vì với một số lượng sách không được nhiều lắm, nhưng lại mở rộng trên quá nhiều lãnh vực, nên đây chỉ là một thư viện phổ thông, không giúp ích nhiều cho những người cần nghiên cứu chuyên biệt về một ngành nào đó.
Trung tâm Văn hóa Pháp
Được thành lập tại Đà Lạt năm 1967, địa chỉ số 1 đường Yersin, trực thuộc Tổng lãnh sự Pháp tại Sài Gòn, có mục đích phổ biến văn hóa và ngôn ngữ Pháp tại thành phố này.
Để theo đuổi mục đích đó, trung tâm đã mở những khóa học Pháp văn theo sách của Manger và những khóa học theo phương pháp thính thị… Ngoài ra, còn thường xuyên tổ chức những buổi chiếu bóng hàng tuần dành cho trẻ em và người lớn nhằm trình bày đời sống văn minh cùng những tiến bộ khoa học của nước Pháp.
Thêm vào đó, thỉnh thoảng Trung tâm còn đứng ra bảo trợ hoặc tổ chức những buổi diễn thuyết cùng triển lăm về văn hóa, khoa học, hội họa… những buổi hòa tấu âm nhạc.
Các trường trung học:
Ngoài những cơ sở văn hóa trên, Đà Lạt còn có rất nhiều các trường trung học, và trong số này có những trường tạo được những tiếng tăm lớn trên toàn quốc. Như: Lycée Yersin, Couvent des Oiseaux, Adran…
a) Các trường công lập:
– Trường Trung học Trần Hưng Đạo, đường Nguyễn Hoàng.
– Trường Nữ trung học Bùi Thị Xuân, đường Bùi Thị Xuân.
b) Trường bán công:
– Trường trung học Quang Trung, đường Cộng Hòa.
c) Các trường tư thục:
* Chương trình Việt:
– Trung học Minh Đức.
– Trung học Trí Đức, đường Nhà Chung.
– Trung học Văn Học, đường Hoàng Diệu.
– Trung học Việt-Anh, đường Hải Thượng.
– Trung học Đức Bà Lâm Viên (Couvent des Oiseaux cũ) dành riêng cho nữ sinh, đường Huyền Trân Công Chúa.
– Trung học Adran – trước kia chỉ thâu nhận nam sinh, nhưng bắt đầu từ niên học 1968-1969 trường đã thâu nhận cả nữ sinh.
* Chương trình Pháp:
– Trường Lycée Yersin (năm 1971 được gọi là Trung tâm Giáo dục Hùng Vương).
d) Trường chuyên nghiệp:
* Dạy bằng tiếng Việt
– Trường trung học Thương mại, 2 Gia Long.
– Trường trung học Kỹ thuật La San, đường Yersin
* Dạy bằng tiếng Pháp
– Trường Sư phạm tiểu học, 1 đường Yersin (cạnh trung tâm Văn hóa Pháp).
chuyenxua.net biên soạn