Mộc Lan là một trong những nữ danh ca nổi tiếng nhất Sài Gòn từ cuối thập niên 1940, được nhiều người nhận xét là có tài sắc vẹn toàn. Bà không chỉ sở hữu giọng hát đẹp và chuẩn mực, mà còn là người có sắc nước hương trời từng một thời được những tao nhân mặc khách cùng những nhạc sĩ nổi tiếng theo đuổi. Mộc Lan là người vợ đầu tiên của nhạc sĩ Châu Kỳ, đồng thời cũng có những giai thoại ly kỳ về tình cảm mà các nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và Hoàng Trọng đã dành cho bà vào thập niên 1950.
Sắc đẹp lộng lẫy thời thiếu nữ của Mộc Lan được mô tả là “đẹp như tranh vẽ, da trắng như trứng gà bóc, răng đều như hạt cườm, tay như là tay tiên”, vì vậy nên dễ hiểu rằng bất kỳ người đàn ông nào cũng có thể bị hút hồn bởi vẻ đẹp của Mộc Lan.
Danh ca Mộc Lan tên thật là Phạm Thị Ngà, sinh năm 1931 tại Hải Phòng trong gia đình có 8 anh chị em (3 trai 5 gái).
Khi Mộc Lan được 7 tuổi thì mồ côi cha, thời gian sau đó gia đình rơi vào thảm cảnh bi đát, tan đàn xẻ nghé. Đầu thập niên 1940, vì muốn thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn, người anh cả trong nhà tên là Long đã dẫn 2 người em gái là Ngọc và Ngà (Mộc Lan) vào Sài Gòn tha phương cầu thực.
Dù hoàn cảnh khó khăn, không được học hành đến nơi đến chốn, nhưng Mộc Lan đã sớm bộc lộ được khả năng thiên phú về âm nhạc. Lớn lên, cô được nhạc sĩ Lê Thương phát hiện và dẫn dắt bước vào con được ca hát, và chính nhạc sĩ này cũng là người đặt cho bà nghệ danh là Mộc Lan. Lúc đó bà mới 16 tuổi, được đứng trên sân khấu lần đầu trong nhạc cảnh Trên Sông Dương Tử của Lê Thương năm 1947. Bên cạnh đó Mộc Lan còn được nhạc sĩ Long Tuyền hướng dẫn về nhạc lý.
Click để nghe Mộc Lan hát Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa thập niên 1960
Ca khúc nổi tiếng nhất thời kỳ này của Mộc Lan là Em Đi Chùa Hương của nhạc sĩ Trần Văn Khê, trên hầu hết các khấu từ Bắc chí Nam, khán giả đều yêu cầu bà hát bài này.
Tại Sài Gòn, Mộc Lan gặp nhạc sĩ Châu Kỳ, lúc đó là một ca sĩ nổi tiếng từ Huế mới vào Sài Gòn ca hát từ năm 1947. Hai người trở thành đôi trai tài gái sắc rất hợp ý nhau cả trên sân khấu lẫn ngoài đời, cùng nhau xuất hiện trên khắp các sân khấu, phòng trà, phụ diễn tân nhạc tại các rạp Văn Cầm, Aristo, Thanh Bình, Quốc Thanh, Khải Hoàn…
Click để nghe Châu Kỳ – Mộc Lan song ca 2 bài Chiều (Dương Thiệu Tước) và Sơn Nữ Ca (Trần Hoàn)
Gặp nhau chưa đầy nửa năm, họ chính thức trở thành vợ chồng, Châu Kỳ đưa Mộc Lan về Huế ra mắt gia đình. Hai vợ chồng được ông Thái Văn Kiểm – Giám đốc Nha Thông tin và Đài Phát thanh Huế tạo điều kiện cho được hát thường xuyên trên đài với mức lương 3.800 đồng/tháng – một mức lương khá hậu hĩnh vào thời điểm bấy giờ.
Tuy nhiên cuộc hôn nhân này không được dài lâu, họ chia tay năm 1954 vì không thể hòa hợp được.
Sau khi tay với nhạc sĩ Châu Kỳ, danh ca Mộc Lan đi bước nữa với một người vốn là bạn thuở thiếu thời, nhưng theo một bài báo năm 1957 thì cuộc hôn nhân đó cũng kết thúc chóng vánh vì đó là một người chồng bất tài chỉ muốn “đào mỏ” từ danh tiếng của vợ.
Sau mối tình đầu đau đớn năm 17 tuổi, rồi trải qua 2 cuộc hôn nhân buồn, đến cuộc hôn nhân thứ 3 thì Mộc Lan mới tìm được một bến đỗ thực sự, đó là trung tá Trương Minh Đẩu, từng là chánh văn phòng của tướng Dương Văn Minh thời điểm năm 1975.
Hồng nhan bạc phận, danh ca Mộc Lan đã trải qua liên tiếp những chuyện buồn, những vấp váp khi bước chân vào đời như bất kỳ cô gái trẻ nào khác, nhưng riêng trong lĩnh vực nghệ thuật thì bà đã tiến được những bước thật dài. Không chỉ được các nhạc sĩ đánh giá cao về giọng hát khi hát trên đài phát thanh trong các ban nhạc Tiếng Tơ Đồng, Vũ Thành, Văn Phụng…, bà còn được công chúng đặc biệt yêu mến, thường xuyên xuất hiện ở các sân khấu đại nhạc hội và phòng trà khắp Sài Gòn, nơi nào cũng muốn có giọng hát và nhan sắc của Mộc Lan hiện diện.
Mộc Lan cũng cùng với 2 danh ca nổi tiếng khác Châu Hà, Kim Tước hợp thành ban tam ca Mộc Kim Châu, là 3 người có lối hát giống nhau, có sự thẩm âm và xướng âm gần tương tự nhau, cùng nhau góp giọng thường xuyên trên các đài phát thanh ở Sài Gòn cho tới năm 1975, tuy nhiên lại ít có dịp cùng trình diễn trên sân khấu.
Click để nghe giọng hát của Mộc – Kim – Châu
Với rêng Mộc Lan, bà được đánh giá là bên cạnh kỹ thuật thanh nhạc tốt thì giọng hát vẫn có sự mềm mại và uyển chuyển, khi lên nốt cao vẫn chuẩn mực, không bị mỏng, và hát những nốt thấp vẫn rất rõ chữ.
Click để nghe Mộc Lan hát Biệt Ly thập niên 1950
Sau năm 1975, cũng như hầu hết những nghệ sĩ miền Nam khác ở lại trong nước, Mộc Lan lâm vào tình cảnh rất khó khăn. Chồng là sĩ quan bị đi tù, bà phải một mình nuôi dưỡng những người con, trong đó có người con gái (với chồng thứ 2) bị bệnh tâm thần nhiều năm. Bản thân bà cũng bị bệnh phổi nặng phải đi bác sĩ hàng ngày để theo dõi, nên phải giã từ sân khấu và nghiệp ca hát từ sớm.
Những năm cuối đời, danh ca Mộc Lan sống trong một căn nhà cấp 4 tồi tàn trong một hèm rất nhỏ và sâu trên đường Lê Văn Sĩ Q3, sống cùng với người con gái bị tâm thần ngoài 50 tuổi. Bà qua đời ngày 11/5 năm 2015, hưởng thọ 84 tuổi.
Là một ca sĩ tài sắc vẹn toàn, Mộc Lan không thể tránh khỏi hồng nhan bạc phận, những lận đận truân duyên trong đường tình duyên.
Nhắc đến danh ca Mộc Lan, người ta nhớ đến đôi song ca Châu Kỳ – Mộc Lan từ thập niên 1940, là 1 trong 3 đôi song ca nổi tiếng thời đó, cùng với Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết và Mạnh Phát – Minh Diệu. Có những điểm chung rất đặc biệt của 3 đôi song ca này: đều là những cặp vợ chồng, rất ăn ý với nhau cả trên sân khấu lẫn ngoài đời, và người chồng sau đó trở thành những nhạc sĩ lừng danh của tân nhạc.
Trước khi lập gia đình với nhạc sĩ Châu Kỳ, ít người biết rằng Mộc Lan đã trải qua một mối tình đầu từ khi mới 16-17 tuổi và có kết thúc rất đau buồn.
Trong lần trả lời phỏng vấn báo Kịch Ảnh năm 1957, bà tâm sự:
“Đời tôi kể như đã mất từ năm 1947. Mối tình đầu tan vỡ, người yêu vắn số, ôi bao nhiêu điều đau khổ!”
…
“Châu Kỳ chỉ là người chồng đầu tiên của tôi, còn người mà tôi trao gửi mối tình đầu tiên là một sinh viên, một chàng trai đã dạy tôi biết sống ở đời, giúp tôi thành người, trước khi chàng xa lánh cõi thế gian này”.
Theo bài báo này, Mộc Lan còn chia sẻ rằng vì cứu bà mà người yêu bị người ta ám hại. Đầu năm 1947, Mộc Lan bị Tây bắt (bà không nói rõ lý do vì sao bị bắt), người yêu từ chiến khu trở về thành để vận động cho bà được tự do, rồi khi quay trở lại, ông bị chính đơn vị của mình nghi ngờ và thủ tiêu ở một miền rừng núi xa xôi.
Vài năm sau đó, danh ca Mộc Lan gặp nhạc sĩ Châu Kỳ tại nhà của Mạnh Phát – Minh Diệu. Lúc đó Châu Kỳ từ Huế vào Sài Gòn và đang bắt đầu bước chân vào làng nhạc.
Đôi trai tài gái sắc Châu Kỳ – Mộc Lan nhanh chóng kết thành một đôi, kết hợp ăn ý cả trên sân khấu lẫn ngoài đời, cùng nhau xuất hiện trên khắp các sân khấu, phòng trà, phụ diễn tân nhạc tại các rạp Văn Cầm, Aristo, Thanh Bình, Quốc Thanh, Khải Hoàn…
Click để nghe Châu Kỳ – Mộc Lan song ca 2 bài Chiều (Dương Thiệu Tước) và Sơn Nữ Ca (Trần Hoàn)
Gặp nhau chưa đầy nửa năm, họ chính thức trở thành vợ chồng, nhạc sĩ Châu Kỳ đưa Mộc Lan về Huế ra mắt gia đình. Hai vợ chồng họ được ông Thái Văn Kiểm – Giám đốc Nha Thông tin và Đài Phát thanh Huế tạo điều kiện cho được hát thường xuyên trên đài với mức lương 3.800 đồng/tháng – một mức lương khá hậu hĩnh vào thời điểm bấy giờ. Tuy nhiên tại Huế, tổ ấm của đôi song ca tài danh và nổi tiếng nhất đương thời lại chỉ là một căn phòng nhỏ phía sau Ty Thông tin Huế dưới chân cầu Trường Tiền, khác xa với hình ảnh rực rỡ của họ khi đứng trên sân khấu.
Nhà văn Trần Áng Sơn, em ruột của ca sĩ Mộc Lan, kể lại trong hồi ký:
“Anh rể tôi – nhạc sĩ Châu Kỳ khá đẹp trai, giỏi nhạc hát hay, không cao lớn nhưng đứng trên sân khấu không đến nỗi bị khuất lấp bởi sự rực rỡ của chị tôi. Giọng hát của anh chị tôi là một sự tô điểm cho nhau, khi họ song ca, cảnh vật trở nên tưng bừng, lòng người rộn rã. Mặc dù lúc đó ở Huế có cặp song ca nổi tiếng Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết nhưng họ thuộc về một lớp khán giả riêng biệt, khác hẳn với đôi uyên ương Mộc Lan – Châu Kỳ, họ thuộc về mọi lứa tuổi, mọi thành phần nhưng trước hết là giới trẻ bởi sự trẻ trung của mình và cũng vì nghệ thuật ca hát mới mẻ mà họ cống hiến mỗi khi xuất hiện…”
Đó có thể xem là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của Châu Kỳ – Mộc Lan, dù chỉ được trong thời gian ngắn ngủi. Ở Huế được một thời gian, xuất hiện tin đồn về mối quan hệ thân thiết giữa Mộc Lan cùng một người đàn ông khác làm cho nhạc sĩ Châu Kỳ có những phản ứng dữ dội, ông đưa vợ vào lại Sài Gòn sinh sống để tránh xa thị phi. Tuy nhiên điều đó vẫn không thể níu kéo được cuộc hôn nhân ngắn ngủi. Năm 1954, đôi trai tài gái sắc chính thức đường ai nấy đi.
Đây là giai đoạn đầy những đau thương, u uất chất chứa trong nhiều ca khúc của nhạc sĩ Châu Kỳ, đó là Khúc Ly Ca, Đàn Không Tiếng Hát, Từ Giã Kinh Thành…
Sau này nhạc sĩ Châu Kỳ tiết lộ lý do tan vỡ là vì Mộc Lan đã ngoại tình. Còn phía Mộc Lan, trong một lần trở lời phỏng vấn báo Kịch Ảnh năm 1957, bà nói rằng mình đã bị người khác nói xấu và xuyên tạc nên chồng đã hiểu nhầm, và khi vợ chồng đã không tin tưởng nhau thì đành xa nhau.
Vào những năm cuối đời, trả lời nhà báo Hà Đình Nguyên trên báo Thanh Niên năm 2010, danh ca Mộc Lan thổ lộ thêm về chồng cũ, và nguyên nhân 2 người chia tay: “Ông ấy rất hiền lành, đã hứa làm cái gì thì làm tới nơi. Riêng với phong trào âm nhạc thì ông ấy rất nhiệt tình. Sống có tình cảm nên bạn bè rất quý. Có điều nhậu vô là nói lèm bèm. Tính tôi nghe nhiều không chịu được, bực lắm! Mình đi hát thì phải tiếp xúc với nhiều người mà ông ấy lại quá ghen…”
Sau khi tan vỡ hôn nhân với nhạc sĩ Châu Kỳ, danh ca Mộc Lan đi bước nữa với một người đàn ông khác, nhưng cũng theo bài báo Kịch Ảnh năm 1957 thì cuộc hôn nhân đó cũng kết thúc chóng vánh vì đó là một người chồng bất tài chỉ muốn “đào mỏ” từ danh tiếng của vợ.
Trong bài báo đó, phóng viên đặt câu hỏi:
Cuộc lập gia đình lần thứ hai hình như cũng chẳng đem lại hạnh phúc cho cô, phải không?
Mộc Lan tâm sự:
“Vâng đúng thế. Tôi gặp anh ấy – một người bạn thuở thiếu thời, anh ngỏ ý muốn cùng tôi chung sống giữa lúc tôi vừa ly dị Châu Kỳ xong. Chán cuộc đời ca hát, nên tôi nhận lời. Ai ngờ, phải có ai ngờ, mục đích của anh là lấy tôi để có một người vợ đi hát kiếm tiền, trong lúc đó, tôi lại lầm tưởng là lấy chồng để có thể lánh xa cuộc đời nghệ sĩ…”
Sau mối tình đầu đau đớn năm 17 tuổi, rồi trải qua 2 cuộc hôn nhân buồn, đến cuộc hôn nhân thứ 3 thì Mộc Lan mới tìm được một bến đỗ thực sự, đó là trung tá Trương Minh Đẩu, từng là chánh văn phòng của tướng Dương Văn Minh thời điểm năm 1975.
Giai thoại về những cuộc tình
Giai thoại nổi tiếng nhất, ly kỳ nhất liên quan đến những người đã theo đuổi giai nhân Mộc Lan, đó là câu chuyện về nhạc sĩ tài hoa Đoàn Chuẩn – một công tử giàu có và phong lưu bậc nhất thời đó. Nhiều người cùng thời đã xác nhận rằng nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã sáng tác 2 ca khúc Gởi Người Em Gái Miền Nam và Gởi Gió Cho Mây Ngàn Bay để tặng cho Mộc Lan, nhưng câu chuyện đằng sau đó thật ly kỳ và cũng không kém phần hoang đường, thường được các báo lá cải trích dẫn lại.
Xuất phát của câu chuyện sau đây là từ cuốn sách Chuyện Tình Nghệ Sĩ do nhạc sĩ Lê Hoàng Long soạn và xuất bản khoảng thập niên 1990, từ câu chuyện này, sau đó có nhiều dị bản khác nhau.
Theo Lê Hoàng Long kể lại, vào khoảng năm 1953, danh ca Mộc Lan có ra Hà Nội lưu diễn tại nhà Hát Lớn Hà Nội, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đi nghe hát, rồi say mê trước nhan sắc lộng lẫy của nàng ca sĩ, nên đem lòng thầm yêu trộm nhớ.
Sau khi Mộc Lan kết thúc 10 ngày Bắc du và trở lại Sài Gòn, Đoàn Chuẩn đáp máy bay vào theo, dò hỏi được địa chỉ nhà người đẹp ở đường Champagne (nay là đường Lý Chính Thắng). Biết được rằng lúc này Mộc Lan đã thôi chồng và ở một mình, nhưng nhạc sĩ Đoàn Chuẩn không tới nhà mà muốn gây ấn tượng với người đẹp một cách không giống ai, và cũng không ai cũng làm được vì rất tốn kém. Ông ra một cửa hàng bán hoa tươi, ngỏ ý muốn đặt tiền trước cả tháng để mỗi sáng tiệm cho người mang đến địa chỉ cô Mộc Lan một bó hồng tươi đỏ thắm, khi đưa hoa không được nói tên ai gửi tặng.
Sau khi nhận hoa 3 tuần liên tục như vậy, cô ca sĩ xinh đẹp rất tò mò muốn biết người tặng là ai, nhưng người đưa hoa nói là không biết, Mộc Lan trả lời là nếu không biết thì xin từ chối không nhận hoa nữa.
Ông chủ tiệm hoa nghe vậy liền đánh điện tín ra Bắc để hỏi nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, và vị nhạc sĩ này bằng lòng tiết lộ danh tính và đưa địa chỉ, đồng thời gửi chi phí để cửa tiệm tiếp tục giao hoa tặng thêm 2 tháng nữa.
Nhận được thông tin, Mộc Lan liền biên thư cảm ơn công tử – nhạc sĩ họ Đoàn, ngỏ ý sẽ có ngày được hội ngộ. Họ gửi cho nhau hàng chục bức thư nữa trước khi Mộc Lan lên đường ra Bắc. Đích thân “Đoàn công tử” đón nàng ở phi trường Gia Lâm và đưa về khách sạn sang trọng Hôtel Métropole ở giữa đại lộ Tràng Tiền, gần nhà hát lớn thành phố.
Tuy nhiên mối tình đó có thể chỉ là tình nghệ sĩ thoáng qua, có thể chỉ là sự say nắng của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn trước nhan sắc rực rỡ của người đẹp, vì thời điểm đó ông đã có gia đình. Câu chuyện này được nhạc sĩ Lê Hoàng Long chép lại, chứa đựng những sự vô lý hoang đường như một tiểu thuyết ngôn tình và cũng chưa bao giờ được người trong cuộc xác nhận.
Ngoài ra, theo nhà văn Trần Áng Sơn, một nhạc sĩ nổi tiếng cũng có thời gian theo đuổi Mộc Lan vào cuối những năm 1950, đó là “ông hoàng tango” Hoàng Trọng.
Thập niên 1950-1960, ban nhạc Tiếng Tơ Đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng rất nổi tiếng trên đài phát thanh, và Mộc Lan chính là một trong những ca sĩ thường xuyên của ban Tiếng Tơ Đồng, nên họ thường xuyên có dịp gặp gỡ nhau.
Lúc đó nhạc sĩ Hoàng Trọng đã chia tay vợ, gà trống nuôi con, còn Mộc Lan cũng đã qua 2 đời chồng, sống cùng em trai là Trần Áng Sơn. Ông Sơn đã viết trong hồi ký như sau:
“Trong con mắt tôi, anh Hoàng Trọng không phải là mẫu người phụ nữ thích. Người tầm thước nhưng hơi nặng nề, nước da ngăm bì bì, gương mặt không có cá tính. Tuy nhiên, tính anh lại rất hiền, củ mỉ cù mì, ít nói, thuộc loại tán gái bằng cách ngồi lì, chẳng nói và có lẽ cũng chẳng liếc mắt đưa tình. Anh rất thường đến thăm chị tôi, mỗi lần anh đến, anh ngồi một đống. Đến âm thầm khi về cũng lặng lẽ. Lối tán này hình như làm chị tôi… hết chịu nổi! Có vẻ như anh không phải là kẻ đi chinh phục, lại không biết gì về tâm lý phụ nữ và thế là anh bị “nốc ao” ngay ngưỡng cửa nhà tôi”.
Sau đây là bài viết của nhà văn Thanh Tâm Tuyền về danh ca Mộc Lan đăng báo Kịch Ảnh vào năm 1957, khi Mộc Lan đã 26 tuổi, qua 2 đời chồng với những cuộc tình lận đận như người ta vẫn thường nói về hồng nhan bạc phận. Khi đó tên tuổi của Mộc Lan không còn ở thời đỉnh cao rực rỡ nữa, nhưng giọng hát quyến rũ của bà vẫn thường xuất hiện trên đài phát thanh và thỉnh thoảng góp mặt ở phòng trà.
Qua bài viết này của Thanh Tâm Tuyền, chúng ta có thể có cái nhìn khái quát về phong thái trên sân khấu của một danh ca nổi tiếng bậc nhất của Sài Gòn thập niên 1950.
[…]
Khi Mộc Lan xuất hiện, nàng thường mỉm cười, nụ cười vu vơ ngạo mạn. Nàng hát, cái môi dưới hay trễ xuống, đầu thỉnh thoảng gục gặc như muốn gây gổ, nửa như làm nũng. Và giọng hát của nàng?
Tôi đang phải tưởng tượng để nhớ. Đã lâu lắm tôi không còn được nghe Mộc Lan hát nữa, nàng vắng tiếng trên làn sóng điện, vắng bóng ở các phòng trà ngày nay, tất cả, không thể tìm được một giọng quý như giọng Mộc Lan. Tôi được nghe Mộc Lan hát lần đầu tiên ở Croix du Sud, lúc ấy mọc Lan không còn ở trong thời kỳ huy hoàng của nàng nữa, ngôi sao của nàng đang mờ. Đối với thính giả ở xứ này, tên tuổi của một ca sĩ lên xuống theo với ánh rực rỡ của nhan sắc và tuổi tác. Hình như Mộc Lan cũng biết vậy, nàng biết rằng nàng đã là một người đàn bà, một người đàn bà thường như mọi người khác và nàng sắp sửa phải nhường chỗ cho những thiếu nữ còn thừa tuổi trẻ và dung nhan để ném xuống đám đông những mộng tưởng viển vông, nên nụ cười vu vơ ngạo mạn của nàng như một hàng rào che chở cho nàng chống với sự đón tiếp dửng dưng của thính giả.
Cái tội cho người theo đuổi nghề hát là chỉ có một tấm thân một khuôn mặt không thể lẩn trốn được (người diễn viên trên sân khấu còn khó cả một thế giới ảo tưởng của tấn tuồng che đậy cho, những vai trò để trú ẩn), nên khi đám đông nhìn lên thấy nàng đang khác không còn là ảo ảnh, nghĩa là cách xa chập chờn trước mặt nó, thì nó sẽ vội ngoảnh mặt ngay, đám đông vốn là cái đám đông đến nghe Mộc Lan thời bấy giờ, chỉ mới chừng sáu năm thôi, thời chỉ có một phòng trà duy nhất mở vào chiều thứ 7 và Chủ nhật, là cái đám đông ưa ngọ nguậy của đường Catinat gồm phần lớn những kẻ vừa chạy thoát một cơn khiếp hãi đến không phải để nghe hát, mà để mua một chút ảo tưởng lười biếng với gia đình với bè bạn trong những buổi cuối tuần tẻ nhạt. Tôi cũng ở giữa đám ấy, thường với Duy Thanh, tôi nghe ở ngoài tai như những tiếng động nhộn nhạo cho đỡ trống trải, còn Duy Thanh thì ghi cái quang cảnh, và hình ảnh Ánh Tuyết trên mặt bàn kính hoặc trên tờ giấy tính tiền để cười đùa với nhau.
Và giọng hát của nàng? Tôi phải kể một kỷ niệm mới tả được. Tôi thật sự nghe Mộc Lan hát ở một nơi khác. Đó là ở tiệm khiêu vuc Au Châlet. Lúc đó đã quá nửa đêm, khách rất vắng, trước đó Khánh Ngọc hát có những câu như: “Ta cười cho vỡ trái tim này, cho người vũ nữ nhíu đôi chân mày, ta cười trên mái tóc đêm dày”. Hồi ấy Khánh Ngọc đang gặp chuyện buồn, đến lượt Mộc Lan hát bài cuối cùng, bài Trở Về Dĩ Vãng. Giọng của nàng rồi trong gian nhà làm toàn bằng cây mờ tối, khi lên cao tối và lạnh, khi xuống thấp ấm và sáng, tiếng ngân kín đáo khép nép vừa đủ, đầu nàng, mái tóc ngắn, nghểnh lên và cúi xuống như kể lể với chính mình. Giọng hát của nàng có một chức cám dỗ của sự lạnh nhạt (tôi không nói giọng của nàng lạnh nhạt) bởi nó cuốn lấy nàng trong một sự tiêu hủy ngấm ngầm hoang mang như những đợt sóng xô trùm lên mỏm đá. Bài hát có những câu: “Em thường khóc khi chiều xuống, lòng nhớ nhung triền miên…”
Quả thật Mộc Lan là một ca sĩ.
Nàng có một đời sống của riêng nàng, một đời sống theo nhiều người nói lại lắm nông nổi đoạn trường, riêng tôi được biết một lần nàng đã tự ý tới mất mát cái ᴄҺết và được cứu sống. Nhưng thiết tưởng đời sống ấy cũng giống như trăm nghìn đời sống khác, trong một thời đại nhiều cay đắng hờn tuổi hơn hân hoan hạnh phúc, nó thuộc của nàng, nàng phải sống, nàng không đóng trò nên người khác cũng chẳng nên tò mò.
Hãy nghe giọng hát của nàng để thấy một thứ mầu nhiệm trong tầm thường.
Tôi rất sợ phải nghe những người hát mà trong tiếng vẩn đục những tâm sự thống thiết bi ai. Làm thế nào mà mang được cuộc đời vào trong tiếng hát? Giả thử được chăng nữa thì người hát đang đóng trò hơn đang hát, người ấy đang muốn nặn mình làm một huyễn tượng cho đám đông, đang ở trong cơn mê sảng bệnh hoạn của sự phô trương giả dối. Âm nhạc là một nghệ thuật không ăn nhập gì với căn bệnh ấy.
Click để nghe Mộc Lan hát Biệt Ly thập niên 1950
Mộc Lan hát những bài buồn thật hay, giọng của nàng khi sáng khi tối vừa nhẹ nhàng vừa đầy sâu, sự chuyển động không uốn éo hời hợt ở ngoài, nhiều lúc người nghe có cảm tưởng nó vạch những con đường thẳng kia có dấu những giao động chụp trời rất tinh. Mộc Lan làm chủ được giọng hát của nàng, nàng không làm nặng nhọc nó bằng những xúc động vụn vặt của đời mình, nhờ đó vô tình nàng đã được nó hóa thân cho nàng. Mộc Lan hát thoát ra, phút chốc quá khứ mờ tan, nàng hiển hiện với giọng của nàng ở ngoài cái đời sống lắm đau thương mà nàng phải chịu. Cũng với tiếng hát nàng tách rời ra khỏi tấm thân trơ trọi, cái khuôn mặt ngơ ngác ở nơi đó in rõ vết tích của một đời phải sống, nàng và tiếng hát ở trong một thế giới thật trong sạch mà thời gian bàng hoàng thấy mình đang bị gói tròn vào vĩnh viễn, ở một cường độ cao hơn, giọng hát có thể làm cho con người đổi khác, đó là sự mầu nhiệm rất tầm thường.
Click để nghe Mộc Lan hát Suối Tóc cùng ban Tiếng Tơ Đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng
Tôi nhớ đến thần thoại Trương Chi: “người thì thật xấu hát thì thật hay” đã làm cô MỵNương thất vọng. Để tạ lỗi cùng giai nhân, Trương Chi đã ᴄҺết, gởi lại trái tim là một khối ngọc sáng ngời nơi chứa tiếng hát của chàng. Tôi nghĩ rằng Trương Chi chưa khám phá được năng lực mầu nhiệm của tiếng hát nơi chàng. Thật vậy, Mỵ Nương yêu chàng qua một khoảng xa cách, chàng ở dưới sông nàng, ngồi trên lầu, có một thứ ánh sáng lung linh mờ tịt che phủ cho chàng. Khi gặp nàng, Trương Chi đã tiến sát gần quá, ánh sáng kia tan mất, chàng hiện nguyên hình là một gã thuyền chài. Nếu bấy giờ Trương Chi lên tiếng hát, tiếng hát sẽ đưa chàng cách xa che chở cho chàng. Mỵ Nương lại thấy mình vời vợi đối với chàng đứng chứng kiến Trương Chi hóa thân một cách huyễn hoặc, chàng là một người khác. Nhưng khốn nổi cái cặp mắt soi bói tàn ác của Mỵ Nương dập tắt tiếng hát của Trương Chi, và giả thử chàng còn đủ can đảm trỗi giọng thì tiếng hát sẽ đưa chàng vào thế giới của riêng chàng, chàng không thể yêu Mỵ Nương được nữa. Bởi chàng yêu Mỵ Nương, chàng ngậm miệng mà ᴄҺết.
Một người bạn của tôi đã già và từng trải, một hôm tìm gặp tôi đặng nói với tôi một điều: Tình cờ anh được nghe tiếng nói của một người bạn gái của tôi, anh đã sửng sốt, đó là thứ âm thanh hiếm có mà từ trước anh vẫn ao ước được gặp (anh là một nhạc sĩ đã đập đàn nhường lại tên tuổi cho người em). Tôi hiểu anh vì tôi hiểu được cái ý nghĩa linh diệu của một giọng người. Với tiếng nói loài người trồi dần ra khỏi cái bóng tối của rừng rú hang hốc, của cô đơn lạnh lẽo, của ý thức mùng. Nhưng tiếng nói thường ngày nếu có mang tới cho người ta sự đầm ấm vuốt ve của đồng đội thì cũng vẫn còn lẫn những xô chạm hắt hủi. Khi con người biết cất tiếng hát, nó mới hiểu cái quý giá của giọng người, đó là thứ tiếng nói ở trên cao rất trong sạch vì được âm nhạc gội rửa hết trần tục. Hiểu như thế người ta sẽ bực mình khi nghe thấy tiếng hát bị thô tục hóa vì những phiền nhiễu của tâm tình vụn vặt.
Nghe Mộc Lan hát tôi vẫn ao ước có những bài hát được viết riêng cho xứng với giọng nàng, muốn thấy cái giá trị của một giọng, người ta phải nghe những bài hát riêng của giọng ấy. Ở xứ này các ca sĩ tranh nhau giành giựt những bài hát, thường lại là những bài hát không tạo nỗi cá tính cho tác giả, chứ chưa nói đến việc làm vinh dự kẻ khác. Tôi lại ao ước được nghe Mộc Lan trình diễn những buổi riêng của mình nàng để tôi có dịp kiểm chứng lòng ngưỡng mộ của mình…
chuyenxua.net biên soạn