Còn chút gì để nhớ… nhà thơ Vũ Hữu Định

Có lẽ đa số người yêu nhạc đều chỉ biết đến thi sĩ Vũ Hữu Định với duy nhất một bài thơ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc mang tên Còn Chút Gì Để Nhớ. Thi phẩm này của Vũ Hữu Định, đặc biệt là sau khi được âm nhạc Phạm Duy chắp cánh, nó đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ, trở thành một trong những tác phẩm thi ca nổi tiếng nhất về phố núi Pleiku. Có người nói rằng Vũ Hữu Định (và Phạm Duy) đã đội vương miện cho Pleiku với Còn Chút Gì Để Nhớ.


Click để nghe Thái Thanh hát Còn Chút Gì Để Nhớ trước 1975

Tuy nhiên, cũng vì Còn Chút Gì Để Nhớ quá nổi tiếng nên đã lấn át đi mọi tác phẩm khác của Vũ Hữu Định, và ông xứng đáng được nhắc đến nhiều hơn là chỉ với 1 tác phẩm duy nhất.

phố núi cao phố núi đầy sương
phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
anh khách lạ đi lên đi xuống
may mà có em đời còn dễ thương

phố núi cao phố núi trời gần
phố xá không xa nên phố tình thân
đi dăm phút đã về chốn cũ
một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng

em Pleiku má đỏ môi hồng
ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
nên mắt em ướt và tóc em ướt
da em mềm như mây chiều trong

xin cảm ơn thành phố có em
xin cảm ơn một mái tóc mềm
mai xa lắc bên đồn biên giới
còn một chút gì để nhớ để quên.

Vũ Hữu Định tên thật là Lê Quang Trung, sinh năm 1942 tại Thừa Thiên Huế trong một gia đình nghèo nên ông phải bươn chải kiếm sống từ nhỏ. Trong một trong những bài thơ cuối cùng của cuộc đời là Bài Thơ Năm 40, Vũ Hữu Định kể ngắn gọn như sau:

thân tự lập thân từ năm bảy tuổi
không nhớ hết nghề đã trải
bán báo, đánh giày, ở đợ
đánh trống phòng trà, dạy học, làm thơ…

Vũ Hữu Định có cuộc đời lang bạt nên giao du nhiều và quen biết với rất nhiều người, vì vậy sau khi ông qua đời năm 1981, đã có rất nhiều người bạn nhắc nhiều về ông qua các bài viết, nhưng ít người biết rõ về ông thuở niên thiếu. Những thông tin đời tư của ông được công chúng biết đến chỉ là việc ông lập gia đình từ sớm rồi sống nghèo nàn đơn sơ trong suốt quãng đời ngắn ngủi của mình.

Ban đầu, ông lấy bút danh là Hàn Phong Lệ, sau đó là Hàn Giang Tử, làm thơ từ thập niên 1960, đăng báo rải rác, nhưng ít được chú ý đến. Chỉ đến khi đổi sang bút danh Vũ Hữu Định và có thơ đăng trên báo Khởi Hành của Viên Linh, trong đó Còn Chút Gì Để Nhớ chính là một trong những bài thơ đầu tiên của bút danh này, thì Vũ Hữu Định mới bắt đầu được chú ý trên thi đàn, đó là vào thời gian đầu thập niên 1970.

Thời gian trước đó, vì trốn lính nên Vũ Hữu Định có thời gian dài phải lang bạt kỳ hồ ở khắp các tỉnh ở Tây Nguyên. Trong một lần ghé thăm một người bạn gái ở Pleiku, ông đã sáng tác thi phẩm nổi tiếng nhất của mình là Còn Chút Gì Để Nhớ. Nhạc sĩ Phạm Duy đọc được bài thơ trên báo, và tới con mắt tinh tường của một nhạc sĩ tài ba bậc nhất, ông quyết định phổ nhạc cho bài thơ mà không sửa bất cứ một chữ nào.

Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Phạm Duy viết:

Năm 1972, tôi đi Pleiku để nghiên cứu nhạc Tây Nguyên. Trong một tuần lễ ở đó, tôi được gặp vài nhà thơ trẻ bị động viên đang đóng quân tại miền biên giới này. Lúc đó tỉnh lỵ Pleiku còn nhỏ hẹp lắm. Một nhà thơ trẻ, Vũ Hữu Định, đã mô tả cái thành phố “đi dăm phút đã về chốn cũ” trong một bài thơ rất dễ thương. Tôi phổ nhạc ngay lập tức, không thêm thắt hay sửa đổi một chữ nào trong bài thơ. Cũng vì tôi đang nghiên cứu nhạc Thượng nên dùng ngay ngũ cung có bán cung (do mi fa sol si do) trong phần giai điệu.

Thời gian sau này, một người bạn của Vũ Hữu Định, sau này trở thành nhà văn nổi tiếng viết truyện cho thiếu nhi, là Nguyễn Nhật Ánh, cũng đã có một cuốn tiểu thuyết mang tên Còn Chút Gì Để Nhớ và có nhắc đôi chút về bài thơ năm cũ.

Còn Chút Gì Để Nhớ là một bài thơ nhẹ nhàng, lãng đãng như là phố núi mơ màng trong một buổi chiều tràn sương phủ. Thơ của Vũ Hữu Định cũng tự nhiên, nhẹ nhàng và thong dong, không màu mè, không lên gân, như chính bản tính thích tự do tự tại của ông:

con gái ngày xuân như mới tắm
buổi mai sương ướt cỏ hoa ngời
lòng đá chợt mềm chao rất nhẹ
nhớ mình vừa vượt tuổi ba mươi

Một người bạn thơ của Vũ Hữu Định là Thanh Thảo (quê Quảng Ngãi) đã nhận xét về thơ Vũ Hữu Định như sau:

“Thơ với Vũ Hữu Định như chuyện đói ăn khát uống, ngứa chân thì đi, mỏi cẳng thì… ngồi. Nói vu vơ nói lơ mơ nhìn những cái không ra gì cũng ra thơ… Những câu thơ như được nói ra, chứ không nghĩ ra, cái cảm giác của Định thường bất chợt: “Giữa đêm vắng chợt thấy lòng xa lạ”, cái cảm giác ấy buột ra từ đâu đó. Không hề cố ý… Những người làm thơ được như Vũ Hữu Định không nhiều, bởi ai đã được là được, còn không được là không được: đó là nhà thơ của sự chọn lọc tự nhiên, của sự nghêu ngao không có thước đo, của những gì không định trước. Có thể gọi đó là bản năng, nhưng gọi thế cũng chưa nói được gì. Thơ cao hơn bản năng. Đó là tiếng gọi từ một thiên năng. Tiếng gọi ấy, người làm thơ có thể nghe được từ rất sớm, hoặc rất muộn, cái sớm hay muộn ấy không có ý nghĩa gì cả, miễn là nghe được, thế thôi”

Là một kẻ có phần ngang tàng, thích lang bạt, tự nhận mình là một kẻ giang hồ, hiểu theo nghĩa rằng lối sống rong ruổi phong lưu:

giang hồ đâu có ai phong ấn
mà nghĩ từ quan trở lại quê

Và trong những cuộc gặp gỡ giao du với bè bạn khắp nơi trong thời kỳ lang bạt của mình, Vũ Hữu Định không bao giờ thiếu được những tiệc rượu, và đó cũng là chủ đề quen thuộc trong thơ của ông:

Sướng quá, nâng ly, khà một tiếng
mừng rằng sắc núi vẫn màu xanh
đám mây bay thấp ngang nhà cỏ
hương rượu nồng hơn mọi thứ tình

Chiều khó thở ngồi bên quán xép
một miếng khô, một xị rượu nồng
nhai là nói với đời lận đận
uống là nghe sầu chảy long đong

Tuy nhiên, cũng cần xác nhận lại rằng rượu xuất hiện quá nhiều lần trong thơ Vũ Hữu Định cũng là một hình thức thể hiện cho hoàn cảnh “bất đắc chí” của ông trong một thời cuộc đặc biệt. Vì nhà nghèo, từ nhỏ việc học của ông bị lỡ dở và phải sớm bước chân vào đời. Sau đó, do duyên nghiệp, Vũ Hữu Định đã lập gia đình khá sớm, nhưng lại không chu toàn được cho gia đình nhỏ của mình được kinh tế vững vàng.

Sau này, khi từ Đà Nẵng bỏ vào Sài Gòn, Vũ Hữu Định đã tâm sự với một số bằng hữu rằng mơ ước lớn nhất của ông là một ngày nào có nhiều tiền, ông sẽ đền đáp công ơn người vợ tình nghĩa tào khang của mình.

“Chính vì không kiếm ra tiền nuôi vợ con cho nên tôi mới bỏ vào Saigon, để khỏi thấy cảnh gia đình nheo nhóc. Vào đây, tưởng kiếm được việc, ai ngờ việc đã không có mà lại còn là gánh nặng cho bạn bè vì hoàn cảnh trốn lính của tôi nữa!” (Vũ Hữu Định)

Tuy nhiên, có lẽ số mệnh đã sắp đặt cho Vũ Hữu Định thành một nhà thơ tài hoa cả đời nghèo xác xơ, nên cho đến khi qua đời năm 39 tuổi, ông chưa sống được một ngày nào giàu sang về tiền bạc, nhưng lúc nào cũng có nhiều tình nghĩa bạn bè, và một bầu thơ dồi dào để lại cho đời.

Tác giả Đoàn Tuấn đã viết về Vũ Hữu Định như sau:

“Thơ Vũ Hữu Định, cũng tương tự như nhiều tài năng khác thường đứng riêng một cõi. Rất khó lẫn với thơ người khác. Con đường sáng tạo của họ là vẻ đẹp bí ẩn của sự diệu kỳ. Nó làm nên đời sống của văn chương nghệ thuật mãi là những câu đố, không ai trả lời chính xác.

Ông sống đời sống hồn nhiên như nhiên, nên nhiều bạn quý. Sinh thời, Vũ Hữu Định không in tập thơ nào. Mười lăm năm sau khi ông mất, những người bạn chí thiết, những người yêu thơ ông, gom góp kinh phí, in một tuyển tập gồm 45 bài thơ của ông, lấy tên là “Còn một chút gì để nhớ”… Trong danh sách này, có những người luôn nhớ đến ông như Đoàn Thạch Biền, Võ Chân Cửu, Ý Nhi, Nguyễn Nhật Ánh, Lê Minh Quốc, Hàn Tấn Quang… Tập thơ được NXB Trẻ in rất trang nhã với những phụ bản minh họa của Nguyễn Trung, Đỗ Hoàng Tường, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Việt Hải. Đó là kỷ vật của kỷ niệm thơ một thời khó khăn nhưng cao đẹp.

Bây giờ, ông dừng chân bên Đà Nẵng. Phần mộ của ông được họa sỹ Đỗ Toàn thiết kế.

Bên mộ dựng tấm bia đá màu hồng. Trên đó khắc bài thơ “Còn chút gì để nhớ”của ông. Ông cho đời rất nhiều, nhưng chỉ cần đời nhớ chút gì đó về ông. Chỉ cần một chút gì thôi nhưng cũng đủ làm những người mẫn cảm xao động tâm can”.

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận