Một chiều, chạy xe vòng quanh phố bắt gặp gánh hàng rong chất đầy ứ những trái ổi còn nguyên cành lá, quả xanh bóng nhìn qua đã biết giòn ngọt trông bắt mắt nên ai cũng muốn mua. Dân đô thị muốn ăn ổi cứ đến siêu thị hoặc ra chợ hay gặp người bán rong là có giá cả tùy theo thời vụ. Cây trái ngày nay trồng theo kiểu công nghiệp, giống tốt đa dạng, nhà vườn bao trái rất bắt mắt nên tất thảy đều có chung một màu vỏ sáng tươi căng mọng và đều tăm tắp. Đương nhiên ở phố không thể tìm đâu ra những trái ổi có vết hằn bị “tra tấn” như ngày xưa.
Mảnh vườn nhà tôi ở quê ngày xưa khá rộng trồng nhiều cây trái, mùa nào thức nấy quanh năm, vui nhất là những ngày hè lũ trẻ con nghỉ học theo bố mẹ về quê tha hồ ra vườn nghịch ngượm ríu ra ríu rít. Tôi nhớ cây ổi đứng cạnh góc nhà bếp thường cho trái quanh năm cả nhà gọi là cây ổi tứ quí, quả sai lủng lẳng nấp sâu trong những lớp áo xanh màu lá.
Trong tâm thế háo hức bọn trẻ chúng tôi luôn đợi chờ, mong ngóng tìm được trái ổi chín. Việc thử xem quả ổi ăn được hay chưa; đơn giản nhất là lấy móng tay cái bấm vào thân ổi. Nếu móng tay bấm vào dễ dàng, cảm giác lún sâu vào thịt ổi thì nghĩa là trái ổi đã già, đến độ chín, nếu vết bấm móng tay chưa lún sâu vẫn còn chắc, cứng thì ổi vẫn còn xanh. Các nhà có ổi, cả người lớn lẫn trẻ con hay ra vườn ngóng ổi chín, tiện thể bấm ngón tay vào thân để kiểm tra xem ổi đã ăn được chưa.
Chính sự sốt ruột của chúng tôi ngày nào cũng thăm chừng bấm thử, trái ổi lại mang đầy vết sẹo chi chít móng tay thâm đen tự dưng thấy mình có lỗi với trái ổi bị “tra tấn” những vết hằn chi chit đến thế. Nhớ lắm hương ổi chín mùa thu nơi quê nhà.
Ngày nghỉ học bạn bè ở xóm hay tụ tập ở vườn nhà tôi để được thưởng thức những trái ổi vào mùa, chúng thích nhất cây ổi sẻ ở cuối vườn trái nhỏ ruột đỏ trái chín rất thơm, mỗi đứa chia nhau túm muối ớt giã sẵn chuẩn bị từ trước. Ở góc vườn này khuất tầm nhìn người lớn chúng tôi tha hồ tinh nghịch.
Theo kinh nghiệm người lớn những người sành ăn ổi, khi hái ổi không được trèo lên cây hái, phải hái bằng lèo (cây cù nèo), hay níu cành ổi có như vậy ổi mới không bị chua. Khi ăn thường ăn cả vỏ và cắn cả quả chứ không dùng dao cắt. Vì kim loại, nhất là rỉ sắt sẽ làm cho vị ổi chát hơn. Đặc biệt khi mới cắn quả ổi ban đầu thấy có vị hơi chát và chua dịu sau đó vị ngọt thấm sâu dần ở trong khoang miệng lan dần cuống họng cảm nhận thú vị đó còn nhớ mãi.
Hôm nay thằng bạn ở xa về thăm về thăm nó bảo mấy năm nay bị bịnh đau yếu liên miên. Nó luôn nhắc đến vị thuốc hay từ là ổi bây giờ vườn nhà nó đang trồng thêm ổi để tự chữa bệnh. Nó vui vẻ bảo không chỉ trồng một cây, mà có đến mấy chục cây, nào ổi mỡ, ổi đào, rồi cả giống ổi xá lỵ trái to… hằng ngày chỉ hái lá ổi quanh vườn sắc nước uống thay chè ban đầu chưa quen nhưng uống mãi thành ghiền. Thế là bài thuốc dân gian lá ổi phơi khô hay nấu tươi công dụng trong hổ trợ điều trị tiểu đường, căn bệnh nhà giàu đến nay vẫn còn hiệu nghiệm.
Ngày xưa chúng tôi mỗi khi đứa nào bị bệnh cảm sốt, thì nồi nước xông có lá ổi, lá sả sẽ giúp con mau khỏe lại, lũ trẻ chúng tôi cũng từ ấy mà quen mùi lá ổi. Cây ổi vẫn bao năm hiện diện gắn bó bền chặt với mảnh đất nghèo của quê hương cứ thế lớn dần đơm hoa kết trái, rồi có những lúc khát lòng chỉ thèm qua quít trái ổi chát, ổi chua…
Bà, mẹ tôi thuộc những lớp người phụ nữ thôn quê một đời nghèo khó, bầu sữa quê hương đã nuôi lớn những đứa trẻ quê ngày ấy chúng đã làm nên cơ nghiệp thành những đứa con khôn lớn.
Ông bà đã đi xa cả mấy chục năm, cũng chừng ấy năm mùa ổi chín tỏa hương quanh mái nhà xưa cũ. Mùi ổi chín thơm nồng ấm áp, hương ổi nhẹ nhàng dịu nhẹ cứ độ thu sang thì bắt đầu chín rộ. Mẹ tội dành lại những trái ổi chín ngon quả tốt “cây nhà lá vườn” đơm ngay ngắn lên ban thờ thắp nén hương thơm gửi những lời ước nguyện chân thành tới tiền nhân, tiên tổ.
Riêng cây ổi xá lỵ được bà chăm sóc cẩn thận, bà để dành không cho đứa trẻ nào dám bén mảng lại gần ngắm nghía bà hái những chùm trái đầu mùa ngon nhất gửi cho lũ cháu xa quê, rồi cuối cùng bà cũng chia hết chẳng tính đếm hơn thua dành lại một ít ra chợ vừa bán vừa là chia lộc.
Bà ơi… Thêm mùa ổi nữa lại về, lòng tôi lại nao nao nhớ thương về những mùa ổi chín chút gợi nhớ đến bà ngày ấy. Nay cây trái trong vườn cũng già cỗi cùng với thời gian và những trái ổi giòn ngọt dâng cúng không còn in những vết hằn ngày xưa.
Tác giả: Trần Việt
Đăng lại với sự đồng ý của tác giả