Chuyện tình đầu của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa…”

Cách đây hơn nửa thế kỷ, cuộc đời nghệ sĩ của Nguyễn Ánh 9 tưởng chừng như dừng lại ở vai trò là nhạc công cho các phòng trà khắp Sài Gòn để đệm đàn cho các ca sĩ hát, chứ không phải là một nhạc sĩ đã sáng tác ra nhiều ca khúc bất tử như chúng ta đã biết.

Nhưng điều đó đã thay đổi trong chuyến đi Nhật vào tháng 8 năm 1970, cùng với ca sĩ Khánh Ly biểu diễn tại hội chợ Osaka (Nhật). Năm đó ca sĩ Khánh Ly được phía Nhật mời sang biển diễn trong khuôn khổ hội chợ văn hóa tại Osaka, và Nguyễn Ánh 9 được mời đi cùng với vai trò là nghệ sĩ đệm guitar cho Khánh Ly hát.

Lúc còn sinh thời, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 kể lại rằng ngay sau buổi diễn này, trong lúc cùng với Khánh Ly đứng chờ thang máy lên phòng khách sạn, thấy người bạn mình mang vẻ mặt buồn buồn, Khánh Ly lên tiếng chọc ghẹo: “Còn thương nó không bạn?”

Vì mới đi diễn về nên sẵn cây đàn guitar đang cầm trên tay, Nguyễn Ánh 9 dạo lên vài nốt nhạc rồi ngẫu hứng cất tiếng hát: “Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa…”.

“Nó” mà Khánh Ly nhắc tới là mối tình đầu của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, vào năm ông mới 18 tuổi khi còn ở Đà Lạt. Đến năm 1970, khi sáng tác bài “Không”, nhạc sĩ đã 30 tuổi và lấy vợ được 5 năm, nhưng có lẽ còn day dứt nhớ về mối tình xưa, ông vẫn thường tâm sự với người bạn là ca sĩ Khánh Ly.

Xong đợt công tác ở Nhật lần đó, khi trở về Việt Nam, ca sĩ Khánh Ly đề nghị Nguyễn Ánh 9 viết tiếp để thành 1 ca khúc hoàn chỉnh. Trước lời khuyên đó, ông đã hoàn tất tác phẩm đầu tiên của mình trong một thời gian ngắn.

Lúc đầu ông lấy tựa đề bài hát là “Không, Không… Tôi Không Còn Yêu Em Nữa”, với cảm hứng là từ một ca khúc của Christopher mang tên “Non, Non, Je ne t’aime plus”. Về sau, Nguyễn Ánh 9 cắt gọn tất cả, tựa đề chỉ còn lại một chữ “KHÔNG” duy nhất.

Ca khúc “Không” được Khánh Ly thu lần đầu trong đĩa nhựa của dĩa nhạc Tình Ca Quê Hương. Bài hát này cũng đã trở thành một trong những nhạc phẩm gắn liền với sự nghiệp ca hát của Elvis Phương sau đó.

Dĩa nhựa có ca khúc “Không” lần đầu được thu âm qua tiếng hát Khánh Ly

Chuyện tình không thành với người con gái “không còn yêu em nữa” được nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nhạc sĩ giữ mãi trong lòng, ngay cả sau khi đã lấy vợ, ông không vẫn không nguôi nhớ về tình đầu.

Ông từng thổ lộ về cuộc tình này trên báo Người Lao Động vào năm 2010 như sau:

“18 tuổi, tôi gặp mối tình đầu. Hai người tình thơ trẻ bị cuốn vào niềm đam mê choáng váng và mãnh liệt. Nhưng dường như là số phận, những mối tình quá đẹp, thường khó vẹn toàn. Gia đình cô gái không đồng ý cho con mình yêu anh nhạc sĩ nghèo, sống lang bạt kỳ hồ. Ngăn không được lòng đôi trẻ, cha mẹ cô dùng kế ly gián, gây nghi ngờ hờn giận cho hai người. Để cách ly, cô ấy bị bố mẹ bắt sang Pháp sống, hòng ngăn cản mối tình “rồ dại” với chàng nhạc sĩ…

Năm 1965, tôi lập gia đình và tin tưởng những giông bão của mối tình đầu sẽ ngủ yên. Tôi chăm chút một cách đầy trách nhiệm và hết mực cho vợ con, nhưng tôi không giấu được lòng mình”

Cũng trên tờ báo này, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cho biết ông tình cờ gặp lại tình xưa vào năm 1974, khi cô về lại Sài Gòn thăm gia đình. Cô gái năm xưa không lấy chồng, vẫn một lòng yêu ông, dù 16 năm đã trôi qua:

Sau này, chúng tôi gặp lại nhau thì mới vỡ lẽ rằng, trước đây, cô ấy bị bố mẹ giấu hết thư và không cho liên lạc với tôi. Đến bây giờ cô ấy vẫn sống một mình với dư âm mối tình đầu.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 còn cho biết hầu hết những tình khúc buồn sau này của ông đều bắt nguồn từ dư âm của mối tình xót xa năm 18 tuổi. Dường như đó là định mệnh, vì nếu họ kết được thành đôi, thì có lẽ Nguyễn Ánh 9 đã không trở thành một nhạc sĩ, ông sẽ không thể sáng tác bài “Không” và nhiều ca khúc khác. Ngoài ra, nhạc sĩ cũng tiết lộ chính mối tình đầu này là người gợi ý cho ông đặt bút danh Nguyễn Ánh 9 – Trở thành cái tên gắn bó với suốt cuộc đời và sự nghiệp của vị nhạc sĩ có tên thật là Nguyễn Đình Ánh này. Nhạc sĩ từng kể trên báo chí như sau:

Đây là tên mà cô ấy đặt cho tôi. Khi tôi viết những bản nhạc đầu tiên, lấy tên thật là Nguyễn Đình Ánh thì dài quá, mà viết là Nguyễn Ánh thì lại trùng với tên của vua Gia Long. Bởi vậy, cô ấy bảo, chữ Nguyễn Ánh có 9 ký tự, mà số 9 theo quan niệm phương Đông là số may mắn, bởi vậy, nên lấy bút danh là Nguyễn Ánh 9.

Năm 1965, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cưới vợ, và người vợ cũng biết rõ chồng mình vẫn còn day dứt tình cũ, nhưng bà không trách hờn gì mà chọn cách nhẫn nại, bao dung cho tình cảm riêng tư của chồng trong quá khứ. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 kể lại:

“Gần 40 năm kết tóc xe tơ với tôi, bà chưa từng dằn vặt chồng, luôn câm lặng chịu đựng và chỉ nén khóc khi một mình ngồi nghe lại những bản tình ca tôi viết. Vợ tôi là một phụ nữ dịu hiền và nhân hậu, có thể nói chẳng phụ nữ nào đủ vị tha và hy sinh cho chồng mình như bà xã tôi. Tôi mắc nợ trọn kiếp với người bạn đời, bởi tình yêu đã vĩnh viễn câm lặng, trái tim tôi không còn cảm xúc với người con gái khác, sau mối tình đầu.”


Click để nghe Elvis Phương hát “Không” trước 1975

Không! Không!
Tôi không còn yêu em nữa
Không! Không!
Tôi không còn yêu em nữa

Không! Không!
Tôi không còn yêu em nữa
Em ơi…

Tình đời thay trắng đổi đen
Tình đời còn lắm bon chen
Tình đời còn lắm đam mê
Nên tình còn lắm ê chề

Tình mình có nghĩa gì đâu 
Tình mình đã lắm thương đau

Nhiều năm qua, bài hát “Không” không chỉ nổi tiếng ở trong nước mà đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam và được đón nhận nồng nhiệt tại thị trường nhạc Hoa và nhạc Nhật. Thập niên 1970, diva nổi tiếng người Đài Loan là Đặng Lệ Quân đã hát bài “Không” với cả lời Hoa và lời Nhật và chinh phục được khán giả. Mời các bạn nghe bên dưới:


Click để nghe Đặng Lệ Quân hát “Không”

Có một câu chuyện thú vị kể lại rằng vào lúc nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã ngoài 60 tuổi, hàng đêm ông vẫn thường xuyên đệm đàn dương cầm tại nhiều phòng trà trong thành phố. Có một lần trình diễn tại một khách sạn sang trọng ở Sài Gòn, nhạc sĩ gặp một vị khách người Nhật.

Vị khách này đã yêu cầu Nguyễn Ánh 9 chơi một bản nhạc ngoại quốc có tựa đề khá lạ tai. Vì lịch sự, ông đã đề nghị người khách này hát thử một đoạn dạo đầu để xem liệu ông có thể chơi được hay không. Nhưng ngay khi nghe những nốt đầu tiên của bài hát, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 quá bất ngờ khi nghe được giai điệu quen thuộc của: Không, không, tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa…

Bản nhạc “Không” được chính tác giả của nó chơi say sưa trên những phím dương cầm trước sự kinh ngạc của vị khách Nhật Bản. Tiếng đàn vừa dứt, vị khách Nhật không kìm chế được sự ngạc nhiên, tò mò hỏi ngay:

– “Tại sao ông có thể chơi trọn vẹn cả một bản nhạc mà chỉ cần nghe một vài câu đầu tiên?”

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 mỉm cười và lịch sự trả lời:

– “Thưa ông. Tôi xin trân trọng được giới thiệu, tôi chính là tác giả của ca khúc ấy!”

Ông khách đã gặp một ngạc nhiên thú vị. Nhưng bản thân nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 càng nhạc nhiên hơn, vì cho đếnlúc đó ông không hề biết rằng ca khúc “Không” của mình đã rất nổi tiếng trong giới khán giả yêu nhạc xưa ở Nhật, Đài, Hongkong… Nguyên do là vào thập niên 1970, nữ diva nổi tiếng người Đài Loan – Đặng Lệ Quân đã hát bài này bằng cả tiếng Nhật lẫn tiếng Hoa. Đặng Lệ Quân là một trong những danh ca nổi tiếng nhất Châu Á thập niên 1970-1980, nổi tiếng qua ca khúc Ánh Trăng Nói Hộ Lòng Tôi, Mùa Thu Lá Bay…

Đặng Lệ Quân

Vào năm 1971, nữ diva người Đài Loan là Đặng Lê Quân mới chỉ 18 tuổi nhưng đã nổi tiếng toàn Châu Á. Cũng năm đó cô đã sang Việt Nam trong một chuyến lưu diễn và hát ở rạp Lệ Thanh, tham gia hòa nhạc tại khách sạn Bạch Tuộc. Khi đó, các ca sĩ nước ngoài đến lưu diễn ở Việt Nam thường chọn 1 hoặc vài bài hát nổi tiếng của nước sở tại để hát, như là một cách giao lưu giữa 2 nền văn hóa với nhau, và ca khúc “Không” của Nguyễn Ánh 9 được Đặng Lệ Quân chọn.

Sau đó, trong suốt thập niên 1970, khi trình diễn tại các thị trường nhạc Đài Loan, Nhật Bản, ca sĩ Đặng Lệ Quân đã hát bài “Không” bằng các tiếng Nhật, tiếng Quảng Đông, tiếng Quan Thoại, và được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Hầu hết khán giả tại đây đều tưởng rằng đây là một ca khúc nhạc Hoa lời Nhật, chứ không hề biết là nhạc Việt Nam. Ngay cả tác giả Nguyễn Ánh 9 cũng không hề hay biết (hoặc có thể sau này ông đã quên mất theo dòng thời gian).

Tháng 7 năm 1973, khi tròn 20 tuổi, Đặng Lệ Quân một lần nữa quay lại Việt Nam trình diễn, và dĩ nhiên cô có hát bài “Không” của Nguyễn Ánh 9.

Đông Kha
chuyenxua.net

Viết một bình luận