Năm 1930, vua nước Xiêm (Thái Lan) Paramindr Maha Prajadhipok đã có chuyến công du sang Việt Nam, được Toàn quyền Đông Dương đón tiếp ở phủ Toàn Quyền (Dinh Norodom), sau đó ra Huế để hội kiến với các quan chức triều đình tại điện Cần Chánh – Hoàng thành Huế. Lúc này vua Khải Định đã qua đời, người nối ngôi là vua Bảo Đại vẫn còn du học ở Pháp, chưa về chấp chính, nên người thay mặt vua tiếp đón vua Xiêm là phụ chính đại thần Tôn Thất Hân. Nhân chuyến công du này, vua Xiêm đã tặng cho thành phố Sài Gòn tượng một con voi bằng đồng, được đặt bên trong vườn bách thú (Thảo Cầm Viên) và vẫn còn cho tới nay, rất quen thuộc với những ai từng đặt chân vào trong sở thú Sài Gòn.
Mời các bạn xem lại những hình ảnh xưa của con voi bằng đồng đặt trong Thảo Cầm Viên này:
Mặc dù vua Xiêm tới Sài Gòn từ tháng 4 năm 1930, nhưng phải tới 1934 thì bên triều đình Xiêm mới thông báo cho Toàn quyền Đông Dương về việc nhà vua Xiêm sẽ tặng cho thành phố Sài Gòn một con voi bằng đồng để đánh dấu mối quan hệ hữu hảo của Xiêm – Pháp – Việt, và nhân chuyến công du của vua Xiêm 4 năm trước đó. Sau đây là bản tin nhắc tới việc này đăng trên báo vào tháng 5 năm 1934:
“Vừa rồi vua Xiêm là Prajadhipok có tin cho sứ thần Pháp ở Xiêm biết rằng ngài sẽ tặng cho Chánh phủ Nam kỳ một vật bằng đồng để kỷ niệm việc ngài sang chơi Saigon trước đây. Có tin rằng vật ấy là một con voi bằng đồng do các xưởng mỹ nghệ của vua Xiêm chế tạo ra. Nghe nói Hội đồng thành phố Saigon đã họp để bàn tính nên để con voi ấy tại chỗ nào, và đã nhất định để tại Boulevard Norodom, trước lối vào sở thú”
Thời điểm này (năm 1934), Bộ Ngoại giao Thái Lan đã gửi bản thiết kế, dự toán sơ bộ và ảnh minh họa tượng voi đồng sẽ tặng cho Việt Nam. Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ đã yêu cầu thống đốc Nam Kỳ lựa chọn một địa điểm rộng rãi để đặt tượng.
Sau các cuộc thảo luận, hội đồng thành phố đã quyết định dựng tượng ở phía trước đền Kỷ Niệm (nay là đền Vua Hùng) bên trong Thảo Cầm Viên. Vào ngày 30/10/1935, tượng voi Hoàng gia được gửi từ Bangkok đã cập bến Sài Gòn, đặt ngay bên trái của Đền Kỷ Niệm trong Sở Thú, như trong hình dưới đây:
Sau 1975, tượng voi được dời sang bên phải của Đền Kỷ Niệm, chỗ tượng cũ ngày nay là bãi giữ xe của Thảo Cầm Viên. Một số hình ảnh tượng voi hiện tại:
Trước khi vua Xiêm chính thức sang Đông Dương, nhà vua đã cử 2 viên chức sang trước để sắp xếp công việc ngoại giao, hai ông này đã tới Huế để làm việc với các quan chức triều đình Huế, trú tại phủ quan khâm sứ Pháp tại Trung Kỳ Jabouille.
Ngày 14/4/1930, tàu chở phái đoàn Xiêm quốc cập bến ở bờ sông Sài Gòn, ngay cầu tàu nằm đối diện Majestic. Sau đây là loạt ảnh đón tiếp vua Xiêm ở bờ sông Sài Gòn (nay là Bến Bạch Đằng):
Vua và hoàng hậu Xiêm chọn qua đêm ở Majestic Hotel, một khách sạn tráng lệ bậc nhất Đông Dương vừa khánh thành được 5 năm (1925).
Sau khi phái đoàn vua Xiêm xuống tàu và lên bờ, đoàn tiếp rước bên phía chính quyền thuộc địa có những quan chức cấp cao nhất là Toàn quyền Đông Dương, Thống đốc Nam Kỳ, Thị trưởng Saigon. Lễ đón tiếp diễn ra rất long trọng, đưa phái đoàn vua Xiêm đi từ Place Rigault de Genouilly [nay là công trường Mê Linh] qua Myre de Vilers [nay là Bến Bạch Đằng] tới Nhà thờ rồi quẹo trái chỗ đại lộ Norodom [nay là Lê Duẩn] để tới dinh Norodom dự cuộc họp thượng đỉnh với Toàn quyền Đông Dương. Chi tiết buổi hôm đó được báo chí đưa tin như sau:
Cái quang cảnh Saigon bữa hôm 14/4 náo nhiệt lạ thường. Từ mé sống Saigon, nơi cầu tầu trước tượng đồng Rigault de Genoilly [nay là công trường Mê Linh], con đường Catinat [nay là Đồng Khởi] và đại lộ Norodom [nay là Lê Duẩn] thiên hạ đứng dài hai bên lề đen nghịt, quân lính bồng súng nghiêm trang, thiên hạ lao nhao rộn rực tiếp rước vua và Hoàng hậu nước Xiêm, đi xem cuộc tiếp rước mà ra cái vẻ náo nhiệt lắm.
Các quan chức tề tựu tại cầu tầu từ 9 giờ mà đến 10 giờ tầu mới đến cập cầu. Tiếng súng trên chiếc chiến hạm Waldeck Rousscau bắn vang trời 21 tiếng. Tiếng nhạc đánh bản quốc thiều Xiêm chào mừng vương khách vũng Saigon.
Quan Toàn quyền Pasquier, quan Thống đốc Nam kỳ Krautheimer chào mừng rồi ông Béziat Đốc lý Saigon đọc một bài mừng. Vua Xiêm trả lời vắn tắt bằng tiếng Pháp rằng: “Tôi lấy làm hạnh phúc tôi cám ơn ông đốc lý”.
Xong, Quan Toàn quyền Pasquier mời vua Xiêm bước lên một cái xe hơi ngồi với ngài. Cái xe thứ nhì thì bà Hoàng hậu với một bà hầu và ông quan năm Viviant. Rồi đến một dọc xe khác.
Lính bồng súng chào rất nhiêm mà đưa mấy cái xe hơi này chạy lên đàng Catinat rồi đổ qua đại lộ Norodom mà lên dinh quan Toàn quyền.
Sau cuộc hội kiến, phái đoàn Xiêm trở về khách sạn Majestic nghỉ ngơi, rồi qua ngày hôm sau (15/4/1930), vua Xiêm và Hoàng hậu trở lại dinh Norodom để tham dự một dự buổi thết đãi yến tiệc.
Sau bữa tiệc, tất cả các quan khách có mặt đã ra thăm vườn hoa phủ Toàn quyền và thưởng thức ca nhạc ngoài trời do đội nhạc binh và đội âm nhạc của khách sạn Continental. Ngay phía mặt sau của Dinh Norodom được dựng sân khấu để biểu diễn ca kịch, nội dung các vở diễn có bối cảnh thời trung cổ.
Có tổng cộng tới 9 vở diễn đã tóm lược được cả chiều dài lịch sử của nước Pháp. Sau buổi diễn kịch còn có cuộc khiêu vũ của người Xiêm, người Pháp và người Việt, mặc trang phục truyền thống của mỗi dẫn tộc.
Sau đây là 1 số hình ảnh được chụp trong buổi diễn tập (hoặc tổng duyệt?) của các nghệ sĩ tham gia diễn kịch trong lễ tiếp đón vua Xiêm.
Phái đoàn Xiêm còn ở lại Sài Gòn vài hôm rồi đi tàu ra Cap Saint Jacques (Vũng Tàu). Từ Vũng Tàu, một phái đoàn của hoàng gia Xiêm ra Tourane (Đà Nẵng) bằng 14 chiếc xe hơi đi đường bộ (đường thuộc địa 1, nay là QL1A), và đã có xảy ra tai nạn làm một ông hoàng thân suýt nữa thì tử nạn. Riêng vua và Hoàng hậu Xiêm thì dự định đi từ Cap Saint Jacques ra Tourane bằng tàu (đường thủy), nhưng gặp mùa bão to nên tàu lại quay ngược lại Sài Gòn để Nhà vua đi chuyến xe lửa riêng tới Nha Trang, rồi từ Nha Trang đi xe hơi tới Tourane rồi ra Huế (thời điểm này tuyến đường sắt xuyên Đông Dương chưa hoàn thiện, phải tới năm 1935 thì mới nối liền Bắc Nam). Chuyến đi này có Toàn quyền Đông Dương đi cùng, lịch trình được nhắc tới trong bài báo bên dưới:
Tại Kinh thành Huế, người tiếp đón phái đoàn vua Xiêm là Phụ chính đại thần Tôn Thất Hân, do lúc đó vua Bảo Đại còn du học bên Pháp, chưa về chấp chính:
Đông Kha – chuyenxua.net biên soạn
Người xưa xử sự với nhau bằng lễ giáo (có chức có quyền) và văn hóa của địa phương họ. Ngày nay bằng thù địch (tổng thống Mỹ được đón tiếp của tập cận Bình cm cái hay của người có học)