Bắc qua kinh Tàu Hủ, từ quận 5 qua bên quận 8 ngày nay có cây cầu mà hầu như người Sài Gòn nào cũng nghe tên, đó là cầu Chà Và. Tên của cây cầu này có lịch sử hình thành đã tròn 100 năm. Còn trước đó từ thập niên 1920 trở về trước, có một cây cầu khác mang tên Malabars, vì xuống cấp nên bị phá bỏ và được thay thế bằng cầu Chà Và. Hai cây cầu này cách nhau chỉ vài chục mét, nằm ở vị trí có đông đúc người Ấn Độ định cư và buôn bán, vì vậy tên của 2 cây cầu đều có gốc gác liên quan đến người Ấn, đó là Malabars và Chà Và.
Theo nhà nghiên cứu – TS Nguyễn Đức Hiệp, người Ấn đã có mặt và sinh sống ở Sài Gòn sau khi Pháp đặt chân đến không lâu. Ban đầu là những người lính Ấn Độ gốc Tamil và nông dân mang theo các nông súc cung cấp thực phẩm cho quân viễn chinh Pháp đi tàu từ Ấn Độ đến Nam kỳ. Một số họ ở lại định cư làm ăn, sau đó là người Ấn từ Pondicherry – vùng thuộc địa của Pháp nằm ở Đông Nam của Ấn Độ. Họ làm nghề cảnh sát, thu thuế, buôn bán, đặc biệt là 2 nghề mà người Ấn chiếm đa số ở Sài Gòn là chăn gia súc cung cấp sữa và cho vay tiền.
Những người gốc Ấn được người Pháp gọi chung là Malabars, hoặc là Chettys, người Việt gọi thành người Xá Tri, hoặc là Chệt ti, Chệt. Tuy nhiên chữ Chệt cũng được người Việt dùng để chỉ người Hoa (Chệc hoặc Chệt), còn với người Ấn Độ thì người Việt thường gọi nhất là “Chà Và”.
Trong cuốn Sài Gòn Năm Xưa, cụ Vương Hồng Sển có giải thích ngắn gọn cho cái tên cầu Chà Và, nói là vì xưa nơi đây là “Phố Chà bán vải”.
Nguyên gốc của chữ Chà Và thực ra thì không liên quan gì đến người Ấn mà chỉ là một sự hiểu nhầm của người Việt. Có bài viết giải thích rằng ngày xưa ở bên kinh Tàu Hủ ngay gần trung tâm Chợ Lớn có một khu chợ đông đúc người gốc Ấn Độ chuyên buôn bán vải vóc lụa là. Người Việt nhầm họ là đến từ đảo Java của nước Nam Dương (Indonesia), nên gọi họ là người Chà Và (phiên âm từ chữ Java).
Về sau này, người Chà Và là tên dùng để gọi tất cả những người có màu da ngăm đến từ khu vực Nam Á, trong đó có Ấn Độ. Còn nhớ kem đánh răng Hynos quen thuộc của ngày xưa sử dụng hình tượng quảng cáo rất quen thuộc là một người da đen khoe hàm răng trắng tinh, xuất hiện trên các bảng quảng cáo ở khắp nơi trên đường phố Sài Gòn xưa, người Việt thường gọi đó là anh Bảy Chà.
Cũng vì khu vực có chợ vải đông người gốc Ấn nên vào gần cuối thế kỷ 19, khi người Pháp xây cây cầu ở đầu đường Marché (sau 1955 đến nay mang tên Mạc Cửu) bắc qua kinh Tàu Hủ đến đường quai des Jonques (từ 1955 đến nay mang tên Bến Bình Đông), chính quyền đã lấy tên Malabars để đặt cho cầu (như đã nói bên trên, người Pháp gọi người gốc Ấn là Malabars).
Cầu Malabars thời cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 nằm ở ngay bên cạnh con kinh Vạn Kiếp (là con kinh nhỏ nối vào rạch Chợ Lớn để dẫn vô trung tâm Chợ Lớn).
Vào khoảng giữa thập niên 1920, tức là cách đây 100 năm, kinh Vạn Kiếp được lấp để thành đường Vạn Kiếp, con đường này nối ra một cây cầu mới, chính là cầu Chà Và sẽ được nhắc ở đoạn sau, thay thế cho cầu Malabars có lẽ là đã bị xuống cấp. Nhiều người nhầm lẫn cầu Chà Và nằm ở vị trí cũ của cầu Malabars, nhưng thực ra là cách nhau khoảng 50m.
Cầu Malabars làm bằng sắt, khá giống với cầu Mống, nên có thể đoán rằng cầu này được xây dựng cùng lúc với cầu Mống (khoảng năm 1893). Không có tư liệu nào nói rõ cầu Malabars xây năm nào, bị phá năm nào, nhưng nhìn lại bản đồ Chợ Lớn năm 1895 và năm 1923 thì đều thấy sự hiện diện của cầu Malabars. Cùng với sự kiện rạch Chợ Lớn, kinh Vạn Kiếp bị lấp vào năm 1925 để làm thành đường và xây cầu Chà Và (thay cho cầu Malabars), có thể suy đoán rằng cầu Malabars đã tồn tại từ năm 1893 đến 1925.
Khi cầu Malabars được thay thế bằng một cây cầu mới ở khu vực có nhiều người Chà Và sinh sống, giao thương, người dân gọi là cầu Chà Và, và cái tên cầu này còn giữ nguyên đến tận ngày nay sau tròn 100 năm.
Cầu Chà Và được xây trên một vị trí mà trước đó là một con kinh nối kinh Tàu Hủ với rạch Chợ Lớn, là đường thủy huyết mạch để người dân chở hàng vào trung tâm Chợ Lớn. Ngay trong những tấm hình chụp đầu tiên của Sài Gòn – Chợ Lớn, chúng ta đã thấy cây cầu bắc qua kinh Vạn Kiếp ở dưới đây:
Sau đây là hình ảnh kinh Vạn Kiếp vào khoảng năm 1923, vài năm trước khi bị lấp:
Trước năm 1925, rạch Chợ Lớn, kinh Vạn Kiếp và những rạch nhỏ khác là đường thủy huyết mạch cho giao thương buôn bán ở vùng Chợ Lớn. Tuy nhiên đến thập niên 1920, hoạt động thương mại ở Chợ Lớn phát triển kéo theo nhu cầu mở rộng đô thị. Chính điều này dẫn đến việc lấp các kinh rạch để làm đường bộ. Kinh Vạn Kiếp trở thành đường Vạn Kiếp, cũng là con đường dẫn lên cầu Chà Và bắc qua kinh Tàu Hủ để qua bến Bình Đông ở Q8.
Sau đây là một số hình ảnh cầu Chà Và:
Cầu Chà Và có hình dáng đặc biệt và khác biệt với các cây cầu khác ở Sài Gòn. Cầu có độ tĩnh không rất thấp nên vào thời gian ban đầu, khi cần cho thuyền lớn qua lại thì nhịp giữa cầu sẽ được nâng lên nhờ hệ thống tời lắp đặt bên trong các trụ vòm cổng của cầu.
–
Thập niên 1990, cầu được sửa chữa và nâng cấp. Đến năm 2006, cầu Chà Và được tháo dỡ để làm đại lộ Đông Tây, sau đó được xây lại hoàn toàn mới và thông xe trở lại vào tháng 5 năm 2009.
Nói thêm riêng về cộng đồng người Ấn Độ hoặc gốc Ấn ở Sài Gòn – Chợ Lớn đã từng rất lớn mạnh không thua sút cộng đồng người Hoa là mấy. Từ cuối thế kỷ 19 thì số người Ấn làm ăn trở nên giàu có ở Sài Gòn đã tăng vọt, có đến 19 tiệm buôn bán đổi tiền ở các con đường sầm uất ở trung tâm Sài Gòn là Catinat và Vannier (sau 1955 mang tên Ngô Đức Kế) và Chợ Cũ (đường Charner – Somme, nay là Nguyễn Huệ – Hàm Nghi), và 29 cửa hàng làm dịch vụ nhà băng ở đường d’Adran ở Chợ Cũ (sau 1955 là đường Võ Di Nguy, nay là Hồ Tùng Mậu). Một nghề phổ biến khác của người Ấn là cung cấp sữa bò, sữa dê, họ đã áp đảo người bản địa trong nghề này và có đến 9 nhà cung cấp sữa ở Sài Gòn, Khánh Hội và 6 nhà ở vùng Chợ Rẫy, Chợ Lớn ở gần các chợ. Ngoài ra còn có rất nhiều người Ấn cho mướn xe ngựa và là tài xế nài đánh xe ngựa.
Đến đầu thế kỷ 20, người Ấn đã trở thành một cộng đồng có thế lực về kinh tế và chính trị không thua kém nhiều so với người Hoa ở Sài Gòn. Đa số họ có quốc tịch Pháp vì đến từ thuộc địa Pondicherry, một ngượng địa Pháp ở Ấn Độ, nên lá phiếu của họ trong bầu cử vào Hội đồng thành phố rất quan trọng.
Trên đại lộ Charner ở số 58-60-62-64 (địa điểm ngày nay là khách sạn Palace Hotel) là cửa hàng bán lụa, vải của công ty Ấn Độ nổi tiếng có chi nhánh tại nhiều nước từ Bắc Phi, Địa Trung Hải cho đến vùng Viễn Đông như Sài Gòn, Hongkong, Singapore, Manila, Kuala Lumpur, Quảng Châu, Kobe, Yokohama…
Các thương gia người Ấn cũng chiếm lĩnh thị trường cho vay mượn, rất nhiều nông dân người Việt vào đầu vụ lúa thường phải đi vay họ với lãi suất rất cao. Thậm chí cả những người Pháp, khi lâm vào tình trạng túng quẫn cũng phải đi vay ở các tiệm người Ấn và bị cuốn vào vòng xoáy của nợ nần. Cũng vì vậy, dưới mắt của người dân các tầng lớp thì người Xá tri (Chettys) cho vay không mấy tốt đẹp, vô hình trung gây ảnh hưởng đến danh tiếng của cả cộng đồng người gốc Ấn.
Khi nghe tin đại thi hào Tagore (giải Nobel văn học năm 1913) sẽ đến thăm Sài Gòn năm 1924, cộng đồng người Ấn tại đây gồm nhiều thành phần đã đóng góp vào quỹ tiếp đón, không phân biệt giai cấp hay là giáo phái (Ấn giáo, hồi giáo, Sikhs, Ki-tô…), điều này cho thấy họ khá đoàn kết.
Về hoạt động văn hóa, các ngày lễ hội của người Ấn theo Ấn giáo hàng năm được tổ chức rất đình đám ở ngay trung tâm Sài Gòn trên đường Ohier (nay là Tôn Thất Thiệp). Trên đường này ngày nay vẫn còn ngôi chùa Ấn Độ với kiến trúc rất độc đáo đã tồn tại hơn 100 năm qua.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp thì sau năm 1975, cộng đồng người Ấn ở Sài Gòn gần như biến mất, đa số đã trở lại Ấn Độ hoặc sang các nước khác, các đền thờ hầu hết bỏ không. Gần đây một số đền thờ đã hoạt động trở lại nhưng không đông đúc như thời 100 năm trước.
Đông Kha – chuyenxua.net