Câu chuyện về những bài nhạc phổ thơ nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Duy

Nhạc sĩ Phạm Duy cũng là một trong những nhạc sĩ phổ thơ nhiều nhất, nổi tiếng nhất, điển hình là phổ thơ Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Thiên Thư, Minh Đức Hoài Trinh. Nhờ nhạc Phạm Duy mà công chúng yêu nhạc biết đến những nhà thơ Phạm Văn Bình, Vũ Hữu Định…

Trong số vài trăm nhạc sĩ nổi tiếng của miền Nam xưa, có không ít nhạc sĩ thành công với những bài nhạc phổ thơ, nổi tiếng nhất là Phạm Đình Chương, Anh Bằng, Ngô Thụy Miên… nhưng nếu xét về số lượng ca khúc được yêu thích, thì không ai có thể sánh bằng với nhạc sĩ Phạm Duy, vốn được công nhận là một “phù thủy” trong việc phổ nhạc cho thơ.

Với tài năng sáng tác đa dạng thể loại của mình, nhạc sĩ Phạm Duy không chỉ phổ nhạc thành công cho những thi phẩm đã rất nổi tiếng trước đó như Ngậm Ngùi (Huy Cận), Tiếng Sáo Thiên Thai (Thế Lữ), Hoa Rụng Ven Sông, Tiếng Thu (Lưu Trọng Lư), Màu Tím Hoa Sim – Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà (Hữu Loan)… mà ông còn là người chắp cánh cho tên tuổi của những nhà thơ bay cao, bay xa, dù trước đó không được công chúng biết đến rộng rãi, như Phạm Thiên Thư với Ngày Xưa Hoàng Thị, Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu, Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng, Em Lễ Chùa Này; Nguyễn Tất Nhiên với Em Hiền Như Maseor, Hai Năm Tình Lận Đận, Thà Như Giọt Mưa; Vũ Hữu Định với Còn Chút Gì Để Nhớ; Phạm Văn Bình với Chuyện Tình Buồn; Minh Đức Hoài Trinh với Kiếp Nào Có Yêu Nhau, Đừng Bỏ Em Một Mình; Huyền Chi với Thuyền Viễn Xứ; Linh Phương với Kỷ Vật Cho Em.

Thuyền Viễn Xứ (thơ Huyền Chi)

Tác giả bài thơ Thuyền Viễn Xứ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc này là thi sĩ Huyền Chi, tên thật là Ngọc Bút, quê quán ở Bắc Ninh. Vì hoàn cảnh đất nước, phải ly hương từ rất sớm, bà đã viết Thuyền Viễn Xứ từ năm 1952. Những năm tuổi nhỏ được theo cha mẹ về thăm quê mỗi năm và đi đây đi đó, nữ thi sĩ đã có nhiều cảm xúc về quê hương xứ Bắc. Hơn nữa, sự phân ly, chia cắt gia đình quá sớm khi còn bé đã để lại một ấn tượng sâu trong lòng Huyền Chi. Vì vậy bà đã tưởng tượng ra một cuộc chia ly trên quê hương (trước khi nó biến thành sự thật vào năm 1954). Đó là lý do ra đời của bài thơ Thuyền Viễn Xứ.


Click để nghe Thuyền Viễn Xứ

Năm 1952, Huyền Chi đến nhà in báo Sống Chung trên đường Trần Hưng Đạo quận Nhứt để xem tập thơ vừa in xong của mình. Tập thơ mang tên Cởi Mở, gom lại 22 bài thơ được viết từ khi tác giả mới 16 tuổi.

Lúc đó tuy mới 18, cô gái tên Ngọc Bút (Huyền Chi) đã tham gia biên tập thơ cho báo Phụ Nữ của bà Nguyễn Thị Lan Phương và gia nhập nhóm thơ – văn – nhạc lấy tên là Chim Việt. Những bài thơ trong tập đã được đăng rải rác trên một số báo, Ngọc Bút dùng bút danh Khánh Ngọc, rồi sau đó là Huyền Chi.

Cũng vào buổi đó, nhạc sĩ Phạm Duy vừa đến và được bà Đào, chủ nhà in, giới thiệu về nữ thi sĩ trẻ tuổi Huyền Chi. Vị nhạc sĩ khi ấy hãy còn trẻ, mới 32 tuổi nhưng đã là tên tuổi nổi tiếng nhất ở Sài Gòn. Được biết là Huyền Chi vừa in xong tập thơ, ông mượn xem và xin một tập để nếu có bài nào hay thì xin được phổ thành ca khúc.

Năm 1953, nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc cho bài thơ, với giai điệu buồn mênh mang như từng đợt sóng đưa con thuyền xa bến, với những lời hát chẳng những gửi gắm niềm nhớ nhung của một triệu người rời quê cha đất tổ vào 1 năm sau đó (1954), mà hơn hai thập niên sau đó sẽ lại một lần nữa gửi gắm nỗi lòng của hàng triệu người phải bỏ lại tất cả những gì yêu thương nhất trên mảnh đất quê hương để phiêu bạt nơi đất lạ quê người:

Chiều nay sương khói lên khơi
Thùy dương rũ bến tơi bời
Làn mây hồng pha ráng trời
Sóng Đà Giang thuyền qua xứ người

Bài hát này đặc biệt được yêu thích với giọng hát buồn mênh mang, thẳm sầu và ngấn lệ của danh ca Lệ Thu.

Mùa Thu Chết (thơ Apolinaire – Bùi Giáng)

Mùa Thu Chết là ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ thơ của thi sĩ Pháp Apolinaire theo bản dịch tiếng Việt của Bùi Giáng. Ca khúc này gắn liền với sự nghiệp của Julie, bởi vì đây là ca khúc mà cô thu dĩa đầu tiên, là ca khúc đánh dấu thời điểm Julie chuyển sang hát nhạc Việt sau một thời gian dài hát nhạc ngoại trong những năm đầu của sự nghiệp. Đặc biệt hơn, bài hát này được nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác riêng cho Julie, và cũng trong thời điểm đó, nghệ danh “Julie Quang” được nhạc sĩ Phạm Duy chọn để ra mắt công chúng.


Click để nghe Julie hát năm 1992

Julie nói về bài hát như sau: “Mùa Thu Chết là một kết hợp của Thi Ca – East meets West (Đông Tây gặp gỡ) – thai nghén và sinh ra bởi những cổ thụ như Apolinaire, Bùi Giáng và Phạm Duy thì làm sao không đáp ứng được nhu cầu thời thế. Duyên may cho tôi kết tụ tại đấy…”

Trong hồi ký của mình, Julie kể rằng vào năm 1970, thời điểm cô bắt đầu được nhạc sĩ Phạm Duy dẫn dắt để chuyển sang hát nhạc Việt, cô không biết Bùi Giáng là ai, dù lúc đó ông đã là một thi sĩ lừng lẫy.

Một hôm Bùi Giáng đến thăm Phạm Duy, nhạc sĩ khoe với thi sĩ: “Để Moi bảo bọn nhỏ đàn hát cho Toi nghe! Julie, con hát bài “Vòng Tay Nữ Sinh” và bài “Hai Khía Cạnh Cuộc Đời nhé!” (Đó là 2 ca khúc nhạc ngoại lời Việt của Phạm Duy, tên gốc là To Sir With Love và Both Sides Now).

Trong lúc Julie hát thì Bùi Giáng cầm cây bút chì hí hoáy vào một tờ giấy… Rồi ông khen Julie hát hay, và nói: “Ông và Bố sẽ có bài hát dính liền với tên con!”

Khi Julie đang hát thì thi sĩ dịch bài thơ L’autaumne est morte của thiên tài Guillaume Apolinaire ra tiếng Việt ngay tại chỗ, và cũng trong ngày hôm ấy nhạc sĩ Phạm Duy đã cho ra đời ca khúc Mùa Thu Chết để dành riêng cho giọng hát Julie:

“Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo,
Em nhớ cho mùa thu đã ᴄhết rồi”

Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà (thơ Hữu Loan)

Năm 1949, tại Thanh Hóa, từ nỗi đau đớn vô cùng vì mất đi người vợ yêu thương, nhà thơ Hữu Loan sáng tác một bài thơ mang tên Màu Tím Hoa Sim. Khi đó ông làm thơ là để cho riêng mình, cho nỗi đau không thể diễn tả bằng lời, và có lẽ là lúc đó ông cũng không thể ngờ được rằng tác phẩm của mình lại có sức sống bền bỉ đến như vậy. Đã hơn 70 năm qua, câu chuyện buồn về một đồi tím hoa sim vẫn được hàng triệu người nhớ đến qua những tác phẩm âm nhạc bất hủ.

Tại miền Nam từ thập niên 1960, đã có rất nhiều nhạc sĩ nổi tiếng phổ nhạc cho bài thơ này thành những ca khúc nổi tiếng, như Những Đồi Hoa Sim của Dzũng Chinh, sau đó là các nhạc sĩ Song Ngọc, Duy Khánh, Anh Bằng…

Tuy nhiên bài hát nổi tiếng nhất và bám sát theo lời gốc của bài thơ nhất có lẽ là ca khúc Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà.

Nhạc sĩ Phạm Duy, người từng gặp thi sĩ Hữu Loan trong chiến khu từ cuối thập niên 1940, đã bắt đầu phổ nhạc cho bài thơ Màu Tím Hoa Sim ngay từ khi nó vừa được sáng tác, nhưng phải đến năm 1971 thì bài hát Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà mới được hoàn thành, rồi được danh ca Thái Thanh hát lần đầu trong băng Shotguns số 25 của nhạc sĩ Ngọc Chánh, ngay sau đó lại được Elvis Phương hát lại trong băng Shotguns số 26.


Click để nghe Thái Thanh hát Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà trước 1975

Với Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà, nhạc sĩ Phạm Duy cũng đã giữ lại hầu hết câu chữ của bài thơ gốc, trở thành ca khúc bất tử qua thời gian tròn nửa thế kỷ.

Còn Chút Gì Để Nhớ (thơ Vũ Hữu Định)

Bài thơ “Còn Chút Gì Để Nhớ” của cố thi sĩ Vũ Hữu Định, vỏn vẹn chỉ có 4 khổ nhưng đã vẽ được bằng ngôn ngữ thơ một bức “chân dung” rất riêng của Pleiku, một thành phố cao nguyên miền Nam. Tác phẩm của Vũ Hữu Định, đặc biệt là sau khi được âm nhạc Phạm Duy chắp cánh, đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ, vô hình trung trở thành một trong những “lời giới thiệu” nhẹ nhàng mà sâu lắng về Pleiku. Nói cách khác, Vũ Hữu Định (và Phạm Duy) đã đội vương miện cho thành phố Pleiku.

Bài thơ được đăng trong báo Khởi Hành năm 1970, được lọt vào mắt của Phạm Duy, và nhạc sĩ đã tìm lên đến Pleiku để gặp Vũ Hữu Định. Trong một buổi chiều họp mặt nhiều văn nghệ sĩ của Pleiku, trong đó có tác giả của bài thơ “Còn Chút Gì Để Nhớ” – Vũ Hữu Định, nhạc sĩ Phạm Duy đã rút giấy bút ra từ túi áo và kẻ rất nhanh những dòng nhạc, rồi hát thử cho mọi người nghe bài Còn Chút Gì Để Nhớ và sau đó bài hát đã nổi tiếng ngay sau khi phát hành.

Toàn bộ bài hát 16 câu đều đắt giá, mô tả bức tranh của một vùng phố cao nguyên, dù không đẹp lộng lẫy, nhưng đủ để lại bao lưu luyến cho lòng người. Đặc biệt nhất là 2 câu hát thường được nhắc tới khi hát về Pleiku:

em Pleiku má đỏ môi hồng
ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông…


Click để nghe Thái Thanh hát Còn Chút Gì Để Nhớ trước 1975

Ngậm Ngùi (thơ Huy Cận)

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Phạm Duy có lần chia sẻ, ông rất mê thơ Huy Cận. Năm 1940, ông từng chọn 2 bài thơ của thi sĩ Huy Cận là bài Nhớ Hờ và bài Thu Rừng để tập tành phổ nhạc nhưng không thành công. Thế rồi một cơ duyên khác lại được mở ra, đó là năm 1960, người tình của ông khi đó là nữ thi sĩ Lệ Lan, người rất yêu thơ tiền chiến đã bày tỏ mong muốn ông phổ nhạc những bài thơ mà nàng thích trong đó có bài “Ngậm Ngùi” của Huy Cận. Chiều lòng người đẹp, nhạc sĩ đồng ý “hát lên những bài thơ mà nàng thích”, nhưng thực lòng ông không quá để tâm và kỳ vọng về tác phẩm này. Sau thất bại ở lần thử đầu tiên với thơ Huy Cận, nhạc sĩ có lẽ cũng mất đi ít nhiều cảm hứng dù lúc đó ông đã rất thành công trong nhiều bài nhạc phổ thơ khác

Tuy nhiên, điều bất ngờ ngoài sức tưởng tượng của nhạc sĩ là ca khúc “Ngậm Ngùi” từ khi ra đời được yêu thích và đón nhận nồng nhiệt cho đến tận ngày nay. Vô số ca sĩ đã chọn trình diễn ca khúc này, trong đó có những giọng ca đã trở thành huyền thoại trong nhiều thế hệ yêu nhạc như Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly, Anh Ngọc, Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Duy Quang, Thái Hiền, Ý Lan,…

Nắng chia nửa bãi, chiều rồi!
Vườn hoang trinh nữ khép đôi lá rầu
Sợi buồn con nhện giăng mau
Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây


Click để nghe Thái Thanh hát Ngậm Ngùi trước 1975


Click để nghe Lệ Thu hát Ngậm Ngùi trước 1975

Chuyện Tình Buồn (thơ Phạm Văn Bình)

Nhà thơ Phạm Văn Bình được nhiều người biết đến trong làng văn nghệ từ thập kỷ 1960 và 1970, đặc biệt là kể từ khi nhạc sĩ Phạm Duy phổ bài thơ Chuyện Tình Buồn của ông thành ca khúc nổi tiếng. Có thể nói chỉ cần duy nhất 1 bài này, tên tuổi của Phạm Văn Bình đã được lưu danh thiên cổ.

Nhà thơ Phạm Văn Bình sinh năm 1940 ở Đông Hà; nhưng quê gốc Bát Sơn, Lương Điền, Thừa Thiên (nay là xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế).

Sau khi hoàn tất bậc Trung Học và có bằng Tú Tài 2, ông về quê dạy Việt Văn tại trường Trung Học Bán Công Đông Hà từ 1963. Ông đứng trên bục giảng từ 1963 đến năm 1966 thì phải rời trường để thi hành lệnh động viên vào quân ngũ.

Sau khi được thụ huấn ở quân trường, nhà thơ Phạm Văn Bình được bổ nhiệm làm sĩ quan tâm lý ᴄhιến của sư đoàn TQLC, làm việc tại Sài Gòn. Từ đó, ông có cơ hội quen biết với giới văn nghệ sĩ, thơ được xuất hiện trên các tạp chí, trong đó có bài Chuyện Tình Buồn được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc cùng tên nổi tiếng qua các giọng hát danh ca Thái Thanh, Sĩ Phú, Tuấn Ngọc…


Thái Thanh hát Chuyện Tình Buồn trước năm 1975


Click để nghe bài hát Chuyện Tình Buồn qua tiếng hát Tuấn Ngọc


Click để nghe Sĩ Phú hát Chuyện Tình Buồn

Tình Cầm (thơ Hoàng Cầm)

Sinh thời, nhạc sĩ Phạm Duy từng nói rằng ông rất yêu mến các sáng tác của nhà thơ Hoàng Cầm, đã nhiều lần đưa thơ vào nhạc. Tình bạn thân thiết của Phạm Duy và Hoàng Cầm không chỉ đơn thuần là mối quan hệ giữa một nhạc sĩ phổ nhạc và một nhà thơ. Mà qua những bài thi nhạc hòa quyện đó, họ vỗ về nhau về tinh thần, nâng đỡ nhau cùng thăng hoa trong sự nghiệp.

Nhạc sĩ Phạm Duy, ngoài việc có tài năng thiên bẩm về nhạc, như thể muôn vàn nốt nhạc đã được soạn sẵn trong đầu, đọc thơ mà ra nhạc, thì ông còn có sự chăm chút chỉn chu, thấu đáo của người nhạc sĩ trong từng câu chữ và ngôn từ. Và ca khúc “Tình Cầm” mà ông phổ nhạc từ bài thơ “Nếu Anh Còn Trẻ” của thi sĩ Hoàng Cầm chính là minh chứng cho sự toàn tâm, thuỷ chung đó của nhạc sĩ Phạm Duy với âm nhạc.


Click để nghe Sĩ Phú hát Tình Cầm

Bài thơ được Hoàng Cầm viết năm 1941, nhưng đến tận năm 1985, Phạm Duy mới đem phổ nhạc. Có lẽ bởi đến tận khi đó, khi tuổi đã ngoài sáu mươi, mọi chuyện đã an bày, ông mới thấu cảm được nỗi đau của người bạn trong mối tình ẩn giấu sau bài thơ chất chứa nhiều dự cảm buồn.

Nếu anh còn trẻ như năm ấy
Quyết đón em về sống với anh
Những khoảng chiều buồn phơ phất lại
Anh đàn em hát níu xuân xanh…

Tiếng Sáo Thiên Thai (thơ Thế Lữ)

Trong quan hệ gia đình, nhạc sĩ Phạm Duy có chút dính líu với nhà thơ nổi tiếng thời tiền chiến Thế Lữ. Vợ của nhạc sĩ Phạm Duy là danh ca Thái Hằng gọi vợ của Thế Lữ (Phạm Thị Nghĩa) là cô ruột. Như vậy Phạm Duy – Thái Hằng sẽ gọi Thế Lữ là chú (theo cách gọi của người Bắc, tức là dượng theo cách gọi của miền Nam), và chính Thế Lữ là người đặc nghệ danh cho cô gái mang tên Phạm Thị Quang Thái là Thái Hằng.

Tiếng Sáo Thiên Thai vốn là một bài thơ rất nổi tiếng của Thế Lữ được xuất bản năm 1941. Hơn 10 năm sau đó (1952), nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ thành nhạc:


Click để nghe Thái Thanh hát Tiếng Sao Thiên Thai trước 1975


Click để nghe Khánh Ly – Lệ Thu song ca Tiếng Sáo Thiên Thai

Kỷ Vật Cho Em (thơ Linh Phương)

Kỷ Vật Cho Em là một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Duy viết về sự bi hùng của người lính trong thời binh lửa,

Nhạc sĩ Phạm Duy đã nói về bài hát này trong hồi ký:

“…Bài hát trở thành một hiện tượng thời đó. Ở phòng trà, khi ca sĩ hát bài đó lên bao giờ cũng có sự náo động nơi khán thính giả. nếu là thường dân thì phản ứng cũng vừa phải. Nhưng vì hồi đó dân nhà binh ở bốn vùng ᴄhιến thuật về Sài Gòn là đi phòng trà, và khi trong đám thính giả có một sĩ quan đi nghỉ phép hay một thương phế binh là có sự phản ứng ghê hồn nơi người nghe. Có thể nói bài này gây một không khí phản ᴄhιến, nhưng có một cái gì cao hơn chính trị. Nó nói đến định mạng của con người Việt Nam, nhất là cuộc hành quân Lam Sơn 719 qua bên kia Hạ Lào…”.


Click để nghe Thái Thanh hát Kỷ Vật Cho Em trước 1975

Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về.
Anh trở lại có thể bằng ᴄhιến thắng Pleime,
Hay Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giã,

Tưởng Như Còn Người Yêu (Thơ Lê Thị Ý)

Một bài thơ rất buồn của nhà thơ Lê Thị Ý được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Lê Thị Ý là em họ của nhạc sĩ Phạm Tuyên, bà gọi nhà văn hóa Phạm Quỳnh (cha của Phạm Tuyên) là bác ruột (anh của mẹ, người miền Nam gọi là cậu). Anh của Lê Thị Ý là nhà thơ Vương Đức Lê (tên thật là Lê Đức Vương). Khi nhà thơ Vương Đức Lê làm chủ bút tuần báo Gào Thét, ông đã đem bài Thương Ca 1 trích trong tập thơ Thương Ca gồm 10 bài của cô em gái Lê Thị Ý để đăng trên Gào Thét. Báo vừa phát hành, nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh đọc được liền điện thoại cho ban của mình là Phạm Duy để đề nghị phổ nhạc. Ngay sau đó, 1 ca khúc mang tên Tưởng Như Còn Người Yêu phổ từ Thương Ca 1 được ra đời:

Ngày mai đi nhận xáᴄ ᴄhồng
Say đi để thấy mình không là mình
Ngày mai đi nhận xác anh
Cuồng si thuở ấy, hiển linh bây giờ


Click để nghe Julie Quang hát Tưởng Như Còn Người Yêu trước 1975

Nhạc thơ Phạm Thiên Thư

Với thơ của Phạm Thiên Thư, nhạc sĩ Phạm Duy có 4 ca khúc nổi tiếng và được yêu thích Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng, Ngày Xưa Hoàng Thị, Em Lễ Chùa Này, Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu. Ngoài những bài hát này thì nhạc sĩ Phạm Duy cũng đã phổ những bài thơ mang tính “thiền vị” của Phạm Thiên Thư thành 10 bài Đạo Ca.

Trong hồi ký, nhạc sĩ Phạm Duy kể về duyên gặp gỡ với thi sĩ Phạm Thiên Thư (tức Tuệ Không tu sĩ) như sau:

“Sự gặp gỡ của tôi với Phạm Thiên Thư – mà thi sĩ gọi là của một ngọn núi và một đám mây – là nhờ ông Nguyễn Đức Quỳnh. Vào năm 1971, ông Quỳnh bị ung thư dạ dày và vào nằm trong bệnh viện cho hai bác sĩ Phạm Biểu Tâm và Trần Ngọc Ninh cứu chữa. Ngày tôi tới thăm ông tại bệnh viện thì gặp Phạm Thiên Thư ở đó. Và chúng tôi yêu mến nhau ngay.

Sau đó, chúng tôi gặp nhau gần như hằng ngày. Gặp tu sĩ Tuệ Không kiêm thi sĩ Phạm Thiên Thư là tôi như thoát xác, vượt ra khỏi những đắng cay, chán chường và bế tắc của tâm ca, tâm phẫn ca, vỉa hè ca. Phạm Thiên Thư đưa cho tôi tập thơ Ðưa Em Tìm Động Hoa Vàng hay bài thơ Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu… để tôi phổ thành những bài hát thanh cao nhất của thời đại.

Ðối với tôi lúc đó, hình ảnh thiền, chùa, động hoa vàng thật là mát mẻ và rất cần thiết. Bài Ðưa Em Tìm Động Hoa Vàng được rút ra từ mấy trăm câu thơ của thi sĩ, và ta chỉ cần có ba đoạn ca là nói lên hết được cái cảnh ngày xưa, có kẻ từ quan, lên non tìm động hoa vàng… Ðể làm gì? Không phải chỉ để nhớ nhau mà chính ra là để ẩn náu vậy”.

Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng

Bài hát được phổ từ bài thơ Động Hoa Vàng từng đoạt giải thưởng Văn học toàn quốc vào năm 1971. Có thể nói tài năng phổ nhạc của Phạm Duy và tiếng hát vượt thời gian của Thái Thanh chính là hai yếu tố quan trọng đưa những tứ thơ phiêu lãng của Phạm Thiên Thư đến với đông đảo công chúng yêu nghệ thuật.


Click để nghe Thái Thanh hát Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng thu âm trước 1975

Nguyên gốc bài thơ kể về câu chuyện tình đời của một chàng học trò ngày ngày đèn sách nhưng thi mãi không đậu. Chàng yêu và muốn cưới một cô gái trong làng làm vợ nhưng lực bất tòng tâm vì gia cảnh nghèo khó, công danh sự nghiệp lại không có gì. Chàng đành đau khổ, bất lực nhìn người yêu bị đem gả cho một công tử con nhà giàu. Sau vài năm quyết chí ngày đêm dùi mài kinh sử, cuối cùng chàng thi đậu trạng nguyên và được ra làm quan. Tuy nhiên, chốn quan trường danh lợi đua chen bạc bẽo khiến chàng chán nản, xin cáo quan về quê, chọn sống cuộc đời ẩn dật với hoa cỏ gió trăng.

Mối tình eo le với những ngã rẽ bất ngờ trong cuộc đời chàng trai được Phạm Thiên Thư thi hoá bằng những ca từ bay bổng, da diết, lồng ghép những ý tứ, mong ước về một cuộc sống bình an, phiêu bồng và thoát tục. Tuy nhiên, nếu Phạm Thiên Thư diễn giải câu chuyện khá dài bằng 400 câu thơ, chia thành 100 khổ thì nhạc sĩ Phạm Duy đã chắt lọc lại còn vài ba chục câu mà ông tâm đắc nhất để đưa vào âm nhạc.

Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng nhớ nhau…

Ngày Xưa Hoàng Thị

Đầu thập niên 1970, ca khúc Ngày Xưa Hoàng Thị của Phạm Duy phổ nhạc thơ Phạm Thiên Thư, với ca từ trong sáng và tinh khôi, đã được khán giả yêu nhạc đón nhận nồng nhiệt. Thời đó ai cũng yêu và thuộc lời bài hát này, đặc biệt là giới học sinh trung học, vì hình như là ai cũng có một nàng Hoàng Thị của riêng mình:

Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ
Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ
Ôm nghiêng tập vở, tóc dài tà áo vờn bay…

Khi bài hát trở nên nổi tiếng, nhiều người đã thắc mắc về nhân vật chính trong “Ngày xưa Hoàng Thị” là ai. Có một vài người tự nhận là mình, gây ra những cuộc bàn tán xôn xao, sau đó thi sĩ Phạm Thiên Thư chính thức lên tiếng về tung tích người đẹp trong ca khúc, đó là cô gái mang tên Hoàng Thị Ngọ.


Click để nghe Thái Thanh hát trước 1975

Theo ông, Hoàng Thị Ngọ trong bài thơ “Ngày Xưa Hoàng Thị” chỉ là kỷ niệm, một mối tình thoảng nhẹ vu vơ thời trai trẻ. Trong những năm Tú tài, ông đã để ý một cô bạn học cùng lớp tên là Hoàng Thị Ngọ, cô gái đó quê gốc Hải Dương và ở gần nhà ông. Sau này, Phạm Thiên Thư tìm lại cố nhân nhưng người hàng xóm cho biết, bà Ngọ đã bán nhà và dọn sang Hoa Kỳ từ lâu.

Ngày ấy, mỗi khi xếp hàng vào lớp, cô gái đứng ở đầu hàng bên nữ, nổi bật, mái tóc dài xoã trên bờ vai mảnh dẻ. Ông chỉ im lặng ngắm nhìn. Khi tan trường, cô gái một mình trên đường về nhà, ông lại là kẻ lẽo đẽo theo sau: “Cô ấy ôm cặp đi trước, tôi đi theo nhưng không dám lên tiếng. Trong bóng chiều tà, ánh nắng hắt qua hàng cây, cô ấy lặng lẽ bước, gây cho tôi những cảm xúc bâng khuâng khó tả. Cứ thế, tôi chỉ biết lặng lẽ đi theo sau cô ấy hàng ngày, giấu kín những cảm xúc của mình không cho bất cứ ai biết”. Và một lần đắm chìm trong cảm xúc ấy, ông đã cầm bút viết lên bài thơ “Ngày xưa Hoàng Thị”.

Em Lễ Chùa Này

Khi chọn phổ nhạc bài thơ Thoáng Hương Qua (có nơi ghi là Một Thoáng Hương Qua) của thi sĩ Phạm Thiên Thư thành ca khúc mang tên Em Lễ Chùa Này, nhạc sĩ Phạm Duy nói bài thơ này được chọn là vì “cả hai chúng tôi đều muốn quay về xưng tụng những gì thuộc về văn minh Việt Nam, như ngôi chùa cổ ở miền Bắc là nơi lúc còn nhỏ tôi thấy đôi kẻ tình nhân thường hẹn nhau tới dâng hương cầu nguyện…”

Theo lời kể của Phạm Thiên Thư, năm 1954, khi ông 14 tuổi, từ quê nhà Hải Phòng, ông cùng gia đình di cư vào Sài Gòn. Sau khi học xong Tú tài, Phạm Thiên Thư theo học tại trường Phật học Vạn Hạnh và xuống tóc đi tu vào năm 1964. Trong thời gian tu học tại chùa từ 1964 – 1973, ông vô tình chứng kiến mối “hương tình” của một chú tiểu trong chùa và một cô bé Phật tử. Nhưng tình yêu chưa kịp đơm bông, nở nhuỵ, thì cô bé qua đời, cảm xúc trước hoàn cảnh bi thiết đó, ông đã viết bài thơ Thoáng Hương Qua.

Cũng theo lời kể của nhà thơ thì cả chú tiểu và cô bé Phật tử khi đó mới chỉ chừng 15-16 tuổi. Cô thường xuyên lui tới chùa nghe chú tiểu tụng kinh, đánh chuông. Họ đứng gần nhau và cùng lặng im đọc kinh, cầu nguyện:

Ðầu xuân em lễ chùa này
Có búp lan vàng khép nép
Vườn trong thoáng làn hương bay
Bãi sông lạc con bướm đẹp

Vào hạ em lễ chùa này
Trên đồi trái mơ ửng chín
Lò hương có làn trầm bay
Vờn trên bờ tóc bịn rịn

Giữa thu em lễ chùa này
Lầu chuông có con chim hót
Tiếng ca theo làn gió may
Lá vàng sương gieo nhẹ hạt

Sang đông em lễ chùa này
Ngoài sân có mưa bụi bay
Hắt hiu trong cành gió bấc
Vườn chùa rụng cánh lan gầy

Đúng như tên gọi của bài thơ, trong bốn khổ thơ đầu tiên, tất cả chỉ là “thoáng hương qua”, thanh thanh, dịu dịu. Mối tình chỉ vỏn vẹn đổi trao ở những cái nhìn ngỡ như vô tình. Dường như chưa bao giờ họ nhìn vào mắt nhau, chưa bao giờ trò chuyện, chỉ là những khoảng khắc bất chợt thoáng qua nhau mỗi khi cô gái lên chùa lễ Phật nhưng đã ghi dấu sâu sắc trong lòng.

Nếu Phạm Thiên Thư chọn thơ 6 chữ khi viết Thoáng Hương Qua, thì khi chuyển thể qua âm nhạc, nhạc sĩ Phạm Duy lại viết lại thành câu 7 chữ. Có thể thấy toàn bộ phần bố cục nội dung, ý nghĩa, hình ảnh trong thơ Phạm Thiên Thư được Phạm Duy giữ lại hầu như nguyên vẹn, ông chỉ sắp đặt lại câu chữ và thay đổi chút ít hình ảnh cho phù hợp với tiết tấu âm nhạc.


Click để nghe Thái Thanh hát Em Lễ Chùa Này trước 1975

Cái khéo léo của vị nhạc sĩ tài năng kia là khi chuyển thơ thành nhạc là đã mang gần như trọn vẹn cái hồn cốt thanh thoát của bài thơ vào trong ca khúc. Nhưng cái tài hoa hơn cả của Phạm Duy là ông đã nâng bài thơ lên, bay bổng hơn và cũng trần thế hơn, đẩy ý thơ của Phạm Thiên Thư tới gần với mỹ cảm của người đời hơn.

Ðầu mùa Xuân cùng em đi lễ
Lễ chùa này vườn nắng tung bay
Và ngàn lau vàng mầu khép nép
Bãi sông bay một con bướm đẹp


Click để nghe Thái Thanh hát Em Lễ Chùa Này

Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu

Ca khúc Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu được nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ 1 phần rất nhỏ trong bài trường thiên lục bát dài đến 3290 câu mang tên Đoạn Trường Vô Thanh của thi sĩ Phạm Thiên Thư. Đây được xem là tác phẩm “Hậu Truyện Kiều” thành công nhất, viết tiếp theo nội dung Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Đoạn Trường Vô Thanh ra mắt lần đầu năm 1969 và được trao giải nhất văn chương VNCH năm 1973.


Click để nghe Vũ Khanh hát Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu

Trong 3290 câu thơ, nhạc sĩ Phạm Duy đã chọn đoạn từ câu 1717 đến 1750 để phổ thành nhạc, trong đó những câu đầu tiên là:

Ngày xưa áo nhuộm hoàng hôn,
Dáng ai cắp rổ lên cồn hái dâu.
Tiếng nàng hát vọng đôi câu,
Dừng tay viết mướn lòng sầu vẩn vơ.

Lều tranh còn ủ chăn mơ,
Mối tình là một bài thơ vô đề.
Ẩn Lan ơi, mái tóc thề,
Gió xuân nay có vỗ về suối hương.

(…)

Không gian bao phủ bài thơ (và cả bài hát) là một màu hư ảo phù vân, mang đậm phong cách thơ của Phạm Thiên Thư. Để diễn tả màu áo nâu sờn quê mùa của cô thôn nữ Ẩn Lan, thi sĩ gọi đó là “áo nhuộm hoàng hôn”. Để diễn tả nơi ở đơn sơ của cậu học trò nghèo, thi sĩ gọi bằng tên rất thơ mộng: “Lều tranh còn ủ chăn mơ”

Nghe lại bài hát Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu, chúng ta như là bị chìm vào trong một mê khúc miên man say đắm mà không cần thiết phải biết rõ cặn kẽ nội dung của từng lời hát.

Khi nhắc về tác phẩm Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu, nhạc sĩ Phạm Duy viết trong hồi ký:

“Sau khi đã theo Phạm Thiên Thư ‘đưa em tìm động hoa vàng’, tôi lại cùng anh ‘gọi em là đóa hoa sầu’… Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu là những câu thơ của thi sĩ Phạm Thiên Thư, cho rằng dù sao đi nữa thì cuộc đời này rất là đáng sống trong cái mênh mông bao la của phù vân hư ảo. Hành âm nghe rất âm yếm và nhẹ nhàng, hợp với không khí nồng nàn và an ủi của bài ca. Dù ta thấy được sự phù vân của cuộc đời nhưng ta vẫn thấy được cái nồng nàn của tình yêu.

Ẩn Lan ơi, cuộc đời thật là buồn nhưng đó là nỗi buồn thơm lâu… Vì thế mà anh họi em sầu là Đóa Hoa Sầu.”

Đạo Ca Giữa Thành Vách Sương Mù

Sau thành công với những ca khúc có thể xem là tình ca phổ từ thơ Phạm Thiên Thư, nhạc sĩ Phạm Duy đã tìm đến một thể loại đặc biệt, được ông gọi là “Đạo Ca giữa thành vách sương mù”, phổ từ thơ của Tuệ Không tu sĩ (tức thi sĩ Phạm Thiên Thư).

Vì sao gọi là “thành vách sương mù”? Đó là vì cả 2 ông đều nhìn thấy thực tại ê chề, với sự lừa lọc, dối trá, tạo thành một bức thành vách làm từ bức sương mù, hư hư ảo ảo giữa cõi nhân gian. Đạo Ca như là một người cầm đuốc đi giữa đám sương mù đó. Nhạc sĩ Phạm Duy đã nói về Đạo Ca như sau:

“Cái may mắn cho tôi là gặp được nhà thơ Phạm Thiên Thư. Sau khi có được vài bài thơ của anh để soạn thành vài bài tình ca rất trong sáng như Ngày Xưa Hoàng Thị, Em Lễ Chùa Này… tôi đả động tới chuyện cùng nhau soạn nhạc đạo, vì chúng ta đã đánh mất đạo giáo và đang tìm đường trở về Đạo Việt Nam.

Và Đạo Ca tuần tự ra đời… Quên chuyện thực tại rất ê chề đi, chúng tôi cùng nhau đi vào cõi siêu hình. Không còn là tả thực (realism) trong âm nhạc nữa, đạo ca dùng cốt truyện, âm điệu, nhất là hợp âm, để diễn tả những ý tưởng trừu tượng (abstract). Đạo ca đi ra ngoài hành trình âm nhạc đại chúng của tôi, không còn có những yếu tố cận nhân tình như quê hương, dân tộc, xã hội, chính trị…”

Mời các bạn nghe lại 10 Bài Đạo Qua qua giọng hát Thái Thanh:


Click để nghe Đạo Ca (Phạm Duy – Phạm Thiên Thư)

Kết thúc phần 2, mời các bạn theo dõi tiếp phần 3, câu chuyện về những ca khúc phổ thơ nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Duy.

Nhạc phổ thơ Lưu Trọng Lư

Nhạc sĩ Phạm Duy và thi sĩ Lưu Trọng Lư từng gặp nhau một thời gian khá lâu khi cả 2 cùng ở Huế vào thập niên 1940, và ngay từ năm 1945, nhạc sĩ đã phổ nhạc cho bài thơ bất hủ Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư. Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Phạm Duy cho biết:

“Tôi yêu thơ của thi sĩ Lưu Trọng Lư từ hồi nào không biết, nhưng tôi chọn một bài thơ tiêu biểu nhất của anh là Tiếng Thu để phổ thành ca khúc ngay từ năm 1945, bài này coi như là một bài hát đầu tay, vì nó mới chỉ là bài ca thứ 5 trong đời tôi”.

Thi sĩ Lưu Trọng Lư quê ở Quảng Bình, trải qua phần lớn thời gian tuổi trẻ ở Huế trước khi ra Hà Nội từ năm 1954. Ông được xem là một trong những người khởi xướng phong trào Thơ Mới. Thơ của ông không có sự chải chuốt hoa mỹ, nhưng có được sự chân thực trong cảm xúc trong những câu chữ có vẻ là không chọn lọc nhưng lại dễ dàng lay động người đọc.

Nhạc sĩ Phạm Duy và thi sĩ Lưu Trọng Lư ở Huế thập niên 1940

Tiếng Thu

Tiếng Thu là bài thơ ngắn chỉ 9 câu, nhưng là bài nổi tiếng nhất trong cuộc đời thơ Lưu Trọng Lư, được nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét rằng là bài thơ “thơ” nhất của Việt Nam, nghĩa là ngoài chất thơ ra thì nó không có gì bấu víu, không cõng thêm sứ mệnh nào khác, nó hoàn toàn trữ tình lãng mạn:

Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ


Click để nghe Thái Thanh hát Tiếng Thu trước 1975

Hoa Rụng Ven Sông

Năm 1958, khi bị cuốn vào cuộc tình với một thiếu nữ trẻ, cũng là một nhà thơ và rất yêu thơ Lưu Trọng Lư, cô gái này đã để nghị nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc Lưu Trọng Lư, và ông đã chọn bài thơ mang tên Còn Chi Nữa để phổ thành ca khúc Hoa Rụng Ven Sông.

Ca khúc này được nhạc sĩ vận dụng nhạc ngũ cung để viết về một bài man mác buồn và gợi niềm nuối tiếc, nhắc lại một chuyện tình đã lỡ:

Giờ đây trên sông hoa rụng tơi bời
Giờ đây em ơi cơn mộng tan rồi
Lòng anh tan hoang thôi vỗ tình ơi
Ngày như theo sông bóng xế tàn rơi…


Click để nghe Julie Quang hát Hoa Rụng Ven Sông trước 1975

Thú Đau Thương

Ngay sau Hoa Rụng Ven Sông, nhạc sĩ Phạm Duy phổ tiếp bài thơ nổi tiếng Một Mùa Đông, ghép với bài thơ mang tên Thú Đau Thương cũng của Lưu Trọng Lư để thành bài hát Thú Đau Thương, để ôm lấy một “thú đau thương” mà ông nói rằng cho đến lúc đó vẫn chưa biết đến:

Tình đã len trong mầu nắng mới
Lòng anh buồn vời vợi em ơi!
Niềm ái ân rung động trên môi
Tình đâu khôn lựa nên lời thắm tươi

Mời các bạn nghe ca khúc này qua 2 giọng hát đặc biệt, 1 người là vợ, 1 người là con gái của tác giả, cùng song ca:


Click để nghe Thái Hằng – Thái Hiền hát Thú Đau Thương trước 1975

Trong hồi ký, nhạc sĩ Phạm Duy đã nói về những ca khúc phổ thơ Lưu Trọng Lư của ông như sau:

“Những bài thơ Lưu Trọng Lư mà tôi phổ nhạc cho thấy nhạc của Phạm Duy vào lúc còn trẻ rất là hợp lý (logic), có câu cú đàng hoàng và nhất là dễ làm người nghe cảm động. Đó cũng nhờ ở lãng mạn tính tuyệt vời của lời thơ nơi thi sĩ. Tôi biết ơn anh Lưu Trọng Lư đã là người sớm cho tôi chất liệu để thành người nhạc sĩ của tình yêu lãng mạn”

Nhạc phổ thơ Cung Trầm Tưởng

Từ cuối thập niên 1950, thi đàn Sài Gòn xuất hiện một gương mặt mới trở về từ nước Pháp, với bút hiệu thật ấn tượng: Cung Trầm Tưởng. Ông tên thật là Cung Thức Cần, sinh quán ở Hà Nội và vào đến Sài Gòn năm 1949, rồi sang Pháp học trường Võ Bị Không Quân từ năm 1952. Tại đây, ông trải qua cuộc tình với một thiếu nữ Pháp, cho dù chỉ kéo dài được hơn 1 năm, nhưng những yêu thương quyến luyến đó đã trở thành cảm hứng cho nhà thơ sáng tác thành nhiều thi phẩm, trong số đó có những bài được công chúng biết đến sau khi được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành nhạc: Tiễn Em, Mùa Thu Paris, Chiều Đông, và Kiếp Sau. Ngoài ra có có một bài thơ khác rất đặc biệt mang tên Tương Phản được phổ thành ca khúc mang tên Bên Ni Bên Nớ.

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng chia sẻ kỷ niệm về những bài thơ này:

“Tôi làm những bài thơ về Paris đó là có thật. Lẽ dĩ nhiên khi làm thơ thì mình cũng lý tưởng hóa nó một chút, tất cả về tóc vàng mắt xanh là có thật. Thời đó tôi học ở trường Pháp cứ bị mang tiếng là Tây con, đã sẵn có ngôn ngữ Pháp và văn hóa Pháp thấm nhuần trong người thành ra sang bên đó mình không bị lạ lẫm. Tôi gặp một số mối tình dù rằng không vĩnh viễn nhưng nó là những kỷ niệm đầu đời của mình”.

Nhạc sĩ Phạm Duy và thi sĩ Cung Trầm Tưởng

Tiễn Em

Bài hát được phổ từ bài thơ mang tên Chưa Bao Giờ Buồn Thế, nổi tiếng qua giọng hát Lệ Thanh, Sĩ Phú, Anh Ngọc… trước 1975 và Tuấn Ngọc sau năm 1975:

Lên xe tiễn em đi
Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa Đông Paris
Suốt đời làm chia ly.

Tiễn em về xứ Mẹ
Anh nói bằng tiếng hôn
Không còn gì lâu hơn
Một trăm ngày xa cách


Click để nghe Sĩ Phú hát Tiễn Em trước 1975

Tám câu đầu tiên của bài hát Tiễn Em được nhạc sĩ Phạm Duy giữ nguyên câu chữ của bài thơ nguyên thủy, không sửa một chữ nào, mô tả cuộc chia ly giữa 2 người dị chủng: Một sinh viên ở miền viễn Đông và một cô gái tóc vàng bản xứ. Họ tiễn nhau trên một sân ga nhỏ nằm trơ trọi giữa mùa đông nước Pháp lạnh lẽo, đó là “ga Lyon đèn vàng” giữa “tuyết rơi buồn mênh mang”. Ga Lyon này không phải là ở thành phố Lyon như nhiều người tưởng, mà có tên chính thức là Paris-Gare-de-Lyon, là một trong sáu ga xe lửa tuyến chính lớn ở Paris – thủ đô nước Pháp.

Ga Lyon đèn vàng
Cầm tay em muốn khóc…

Vì sao ánh đèn sân ga lại màu vàng? Điều này cũng được Cung Trầm Tưởng giải thích, đó là vào một buổi chiều mùa đông Paris lạnh giá, qua làn sương mù lạnh lẽo thì ánh đèn sân ga đã trở thành vàng vọt, gợi hình tượng lãng mạn nhưng cũng thật buồn, buồn như là tâm trạng của đôi tình nhân đang quyến luyến nhau không rời trước giờ phút phân ly.

Vì sao họ phải xa nhau, và “tiễn em về xứ mẹ” là xứ nào? Nhà thơ kể lại:

“Mùa Ðông ở Paris thời hậu thế chiēn, không khí thường bị ô nhiễm; và phổi nàng không được mạnh, và nàng lại bị suyễn nữa, vì thế bác sĩ khuyên là trong ba tháng mùa Ðông, nàng nên đi về miền Địa Trung Hải để hưởng không khí trong sạch. Ba tháng xa cách, thế nhưng thời đó tuổi trẻ lắm lúc đam mê và cũng hơi cường điệu, tôi có cảm tưởng xa nhau biền biệt, nên mới trải tâm sự thành bài thơ”.

Nàng con gái tóc vàng rời Paris tròn 3 tháng để về Marseille, là thành phố miền Nam nhìn ra Địa Trung Hải có nắng ấm, có biển muối mặn, tốt hơn cho sức khỏe của nàng. 3 tháng được được nhà thơ làm tròn thành “100 ngày xa cách”.


Click để nghe Tuấn Ngọc hát Tiễn Em

Mùa Thu Paris

Thi sĩ Cung Trầm Tưởng đã nói về hoàn cảnh sáng tác bài thơ Mùa Thu Paris đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc cùng tên như sau:

“Lúc đó là năm 1954, tôi đi du học bên Pháp và ở vào tuổi vừa mới ngoài 20. Trước khi đặt chân đến Kinh Thành Ánh Sáng, tôi đã có một mối tình, và cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi những nhà thơ Pháp thời bấy giờ. Khi sang Paris, tiếng Pháp tôi cũng tương đối vì tôi đã chuẩn bị trước khi đi, cho nên, trong bối cảnh đó, tôi hội nhập ngay vào môi trường sống ở Paris, và trôi ngay vào không khí trữ tình của mùa Thu Paris. Bài thơ ra đời trong bối cảnh và tâm tình đó. Lẽ dĩ nhiên, phải có một cô tóc vàng sợi nhỏ nên dòng thơ mới bật lên”.


Thái Thanh hát Mùa Thu Paris

Mùa Thu Paris
Trời buốt ra đi
Hẹn em quán nhỏ
Hẹn em quán nhỏ
Rượu rưng rưng ly đỏ tràn trề…

Kiếp Sau

Bài thơ được Cung Trầm Tưởng sáng tác năm 1956 và nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc năm 1959, với giai điệu mang chút âm hưởng của quan họ.

“Bù em một thoáng trời gần,
đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi!
Bù em góp núi chung đồi
thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ”

Đó là nguyên tác 4 câu đầu tiên của bài thơ, nhạc sĩ Phạm Duy giữ gần như nguyên vẹn khi chuyển thành nhạc, nhưng đã đổi chữ “Bù” tuyệt hay thành chữ Đền. Tác giả Thụy Khê đã nhận xét rằng có lẽ nhạc sĩ Phạm Duy vì nhu cầu âm nhạc đã đổi ra đền. “Ðền em, nũng nịu, Tây hơn, hợp thời hơn, nhưng Bù em, mới hiếm, mới Việt. Chữ đền có nghĩa đổi trao, lấy đi rồi đền lại. Chữ bù chỉ thấy cho, chỉ “lấp đầy”. Nguyên lý lấp đầy lại rất phụ nữ, rất nhục cảm, rất Sartrien, rất Cung Trầm Tưởng. Bù lại gần với âm bu. Bu là gọi mẹ theo tiếng quê ta. Một người “Tây con” như Cung Trầm Tưởng thời ấy, làm thơ tặng những em “tóc vàng sợi nhỏ” mà lại viết Bù em thật tuyệt”.


Click để nghe Thái Thanh hát Kiếp Sau trước 1975

Chiều Đông

Bài hát được phổ từ bài thơ mang tên Khoác Kín. Theo nhận xét của tác giả Trung Huy thì đây là một bài thơ ngắn, nhưng mỗi câu, mỗi chữ đều là những giọt tuyết lệ của thời gian, nhỏ trong không gian tàn tạ:

“Chiều đông tuyết lũng âm u
bâng khuâng chiều tới tiếp thu trời buồn
Nhớ ngày tầu cũng đi luôn,
ga thôn trơ nỗi, băng nguồn héo hon.”


Click để nghe Thái Thanh hát Chiều Đông trước 1975

Bên Ni Bên Nớ

Ca khúc được phổ từ bài thơ mang tên Tương Phản, như là một bức tranh màu xám đầy tương phản của đô thành Sài Gòn trong những năm thập niên 1950.

Ca khúc này mang đầy chất liêu trai, lời nhạc mông lung, nhưng có thể làm ám ảnh người nghe, nội dung bài hát bày ra hai cảnh đời mâu thuẫn, nhưng cũng từ đó đã đề cao tình nhân ái, tinh thần tích cực và an vui hạnh phúc của con người dù có phải ở vào cảnh nghèo túng.


Click để nghe Khánh Ly hát Bên Ni Bên Nớ

Thi sĩ Cung Trầm Tưởng sáng tác thơ này khi ông mới 18 tuổi và đang sống ở vùng Dakao, khi ấy vẫn là một vùng ngoại thành tối tăm, hoang vắng và xơ xác. Dakao ngày ấy đã được nhạc sĩ Lam Phương mô tả là một xóm nghèo “lầy lội qua muôn lối quanh”“gập ghềnh đường đê tối tăm” như trong bài hát Kiếp Nghèo, hay là “vàng ánh điện câu” với hắt hiu mái lá vách phên như trong bài Xóm Đêm của nhạc sĩ Phạm Đình Chương.

Một đêm, từ vùng ngoại ô nhìn về phía đô thành với đèn hoa rực rỡ, thi sĩ Cung Trầm Tưởng nhìn thấy rõ một bức tranh tương phản, giữa một bên là đô thành tráng lệ, một bên là hoang liêu như một bãi tha ma.

Từ bài thơ Tương Phản, nhạc sĩ Phạm Duy viết thành ca khúc mang tên Bên Ni Bên Nớ với ca từ khá sát với lời thơ gốc.

Đêm chớm ngày tàn,
theo tiếng xe về,
lăn về viễn phố

Em hỡi sương rơi,
ngoài song đêm hạ,
ôi buồn phố xá

Hoang liêu về chết tha ma,
tiếng chân gõ guốc xa xa
Người xa vắng người,
người xa vắng người…

Đông Kha – chuyenxua.net

Viết một bình luận