Cách đặt tên đường ở Sài Gòn giai đoạn 1955-1975

Từ khi Pháp chiếm được toàn cõi Nam kỳ từ năm 1863 cho đến năm 1954, hầu hết các tên đường ở Sài Gòn và các đô thị khác đều mang tên Tây, là tên của những sĩ quan người Pháp. Tuy nhiên, trước năm 1954 cũng đã có nhiều tên đường ở Sài Gòn mang tên người Việt, đa số là được chính quyền của Cộng hòa tự trị Nam Kỳ, sau đó là Quốc gia Việt Nam (quốc trưởng Bảo Đại) đặt trong thời kỳ từ 1946 đến 1954. Đó có thể là tên của những vị anh hùng dân tộc được thừa nhận rộng rãi như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, hay là những vua triều Nguyễn như Gia Long, Duy Tân.

Đường mang tên người Việt ở Sài Gòn xuất hiện càng nhiều hơn từ sau năm 1952 dưới chính phủ của thủ tướng Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm, hàng loạt tên đường mang tên người Việt là Bùi Quang Chiêu, Hai Bà Trưng, Nguyễn Đình Chiểu, Đỗ Thanh Nhân…. Tuy nhiên con số đó là không nhiều so với tên đường tiếng Pháp còn tồn tại đến năm 1955.

Ngoài ra, ngay từ trước năm 1945, chính quyền thuộc địa đã đặt tên cho một số con đường ở Sài Gòn là tên người Việt, là tên những người Việt cộng tác với Pháp, có công với nước Pháp, như là cha con ông Tổng Đốc Phương – Đỗ Hữu Vị, Petrus Trương Vĩnh Ký…

Sau hiệp định Geneve năm 1954, Pháp rút khỏi Đông Dương, chính quyền của quốc trưởng Bảo Đại với thủ tướng Ngô Đình Diệm quản lý phía nam vĩ tuyến 17. Để đánh dấu sự kiện này, Toà Đô Chánh Sài Gòn được lệnh gấp rút thay thế toàn bộ đường mang tên Pháp sang tên Việt, chỉ để lại một số con đường mang tên các vĩ nhân người Pháp đã có công lớn đối với người Việt, như tên các bác sĩ Pasteur, Yersin, Calmette, tên giáo sĩ Alexandre de Rhodes. Người phụ trách đặt tên đường là nhà văn Ngô Văn Phát, trưởng phòng hoạ đồ, và chỉ 1 mình ông phải làm việc miệt mài suốt 3 tháng để đổi toàn bộ tên đường ở Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn với một khối lượng công việc đồ sộ.

Việc đặt tên đường thời 1954 hết sức khoa học, được quy hoạch tên theo cụm, theo khu vực mà nếu như ai không để ý sẽ không hiểu được hết ý nghĩa và tâm huyết mà người đặt tên đường đặt vào.

Trong bài này, xin nêu lại một số ý nghĩa của tên đường ở Sài Gòn trước năm 1975.

Đi từ cửa ngõ vào tới trung tâm Sài Gòn sẽ thấy cả một chiều dài lịch sử với các vua, chúa của Việt Nam qua từng con đường. Cửa ngõ Bến xe Miền Tây có các đường Hồng Bàng, Hùng Vương, An Dương Vương, Bà Triệu… rồi đến Lý Nam Đế, Lý Thường Kiệt, Triệu Quang Phục, Mai Hắc Đế, Phùng Hưng, Ngô Quyền…

Những con đường đi dọc sông Sài Gòn được đặt tên của địa danh gắn liền với những bến sông, chiến dịch chống ngoại xâm bên sông Bạch Đằng là Bến Hàm Tử, Vân Đồn, Chương Dương, Vạn Kiếp, Bạch Đằng.

Đường Hai Bà Trưng song song với phu quân là Thi Sách, và cùng gặp nhau ở công trường Mê Linh.

Ở Chợ Lớn với đa số là người Hoa có đường Lão Tử, Trang Tử, Mạnh Tử và Khổng Tử.

Bên cạnh những tên đường là các danh nhân, anh hùng dân tộc, nhà văn Ngô Văn Phát chọn những cái tên ý nghĩa, mang những lý tưởng cao đẹp mà ai cũng mong ước: Tự Do, Công Lý, Cộng Hòa, Thống Nhất. Trong đó Tự Do rất có ý nghĩa đối với người dân Việt đã sống qua hàng trăm năm Pháp thuộc, được đặt cho con đường xuyên trung tâm thành đô, thay thế cho tên đường Catinat trước đó.

Đường Thống Nhất được đặt cho con đường quan trọng nối thẳng vào Dinh Độc Lập, là cơ quan đầu não của chính quyền. Song song ở 2 bên đường Thống Nhất là 2 con đường mang tên của 2 người có công phát triển chữ viết, đó là Alexandre de Rhodes – người có công chính sáng tạo chữ quốc ngữ, và Hàn Thuyên là người sáng tạo ra chữ Nôm.

Đường Công Lý đi ngang qua Toà Pháp Đình, là nơi thực thi công lý, còn đường Hồng Thập Tự đi ngang qua Bộ Y Tế cũng rất thích hợp.

Sau năm 1975, những tên đường này đều bị đổi: Đường Tự Do thành Đồng Khởi, đường Công Lý thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đường Cộng Hòa thành Nguyễn Văn Cừ, đường Thống Nhất thành Lê Duẩn.

Hai đại lộ lớn và lâu đời bậc nhất Sài Gòn là Charner và Bonard được đổi thành tên của 2 vị quân vương nổi tiếng là Lê Lợi và Nguyễn Huệ. Cùng với đại lộ Hàm Nghi, 3 đại lộ này tạo thành tam giác vòng quanh trung tâm sầm uất nhất Sài Gòn.

Điều đặc biệt là công tội đều được xét rõ ràng. Dù Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh đối đầu với nhau không đội trời chung, nhưng cùng là những người có công mở mang bờ cõi, chống ngoại xâm nên đều được tôn vinh và đặt tên đường. Những vị thuộc tướng nổi tiếng của 2 triều Tây Sơn và triều Nguyễn cũng được đặt tên đường.

Khu vực quận 1 có một cụm đặt tên những chí sĩ chống Pháp của Quốc Dân Đảng, đó là Nguyễn Thái Học cùng Cô Giang (vợ Nguyễn Thái Học) và Cô Bắc (em của cô Giang), Nguyễn Khắc Nhu, Ký Con (tức Đoàn Trần Nghiệp), Phó Đức Chính, Phạm Hồng Thái…

Khu vực quận 3 có 1 cụm đặt tên những nhà văn hoá và thi sĩ nổi tiếng: Lê Quý Đôn, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quang, Lê Ngô Cát, Tú Xương, Ngô Thì Nhậm, Đặng Trần Côn, Nguyễn Gia Thiều, Trương Minh Giảng, Nguyễn Đình Chiểu, Huỳnh Tịnh Của, Yên Đỗ (tức Nguyễn Khuyến). Tiếc là sau 1975, đường Yên Đỗ bị đổi thành cái tên lạc loài là Lý Chính Thắng. Ngoài ra đường Nguyễn Đình Chiểu (cắt ngang Hai Bà Trưng) cũng bị đổi tên thành Trần Quốc Toản, bù lại, đường Phan Đình Phùng lại được đổi tên thành Nguyễn Đình Chiểu.

Khu Bà Chiểu ở Gia Định là tên những người có công với triều Nguyễn, trong đó quan trọng nhất là đường mang tên tả quân Lê Văn Duyệt đi qua lăng của ông. Ngoài ra còn có Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Học, Bùi Hữu Nghĩa, Lê Quang Định, Châu Văn Tiếp, Đỗ Thanh Nhơn…

Ở khu Phú Nhuận cũng là tên của những danh tướng triều Nguyễn là Nguyễn Huỳnh Đức, Võ Tánh, Trương Tấn Bửu, Võ Di Nguy, Ngô Tùng Châu, Thoại Ngọc Hầu… Điều đáng nói là khu vực này có các đường mang tên của các vị đã từng đối đầu trực tiếp với nhau trên chiến trường giữa 2 phe Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Xen kẽ giữa tên các danh tướng triều Nguyễn là đường mang tên của tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân.

Sau 1975, chính quyền mới đổi tên hầu hết tên đường mang tên các võ tướng triều Nguyễn, chỉ để lại tên của Tây Sơn.

Ở Phú Nhuận, đường Trương Tấn Bửu (đoạn đi qua lăng của tướng Trương Tấn Bửu) bị đổi thành Trần Huy Liệu, đường Võ Tánh đổi thành Hoàng Văn Thụ, Võ Di Nguy thành Nguyễn Kiệm và Phan Đình Phùng, Nguyễn Huỳnh Đức đổi thành Huỳnh Văn Bánh…

Thời nhà Nguyễn có 4 nhân vật được vua Tự Đức nhắc trong 2 câu thơ:

Văn như Siêu Quát vô tiền Hán
Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường

Nghĩa là lúc đương thời, văn của Nguyễn Siêu, Cao Bá Quát khiến thời Hán cũng phải chịu, và thơ của 2 ông Hoàng là Tuy Lý Vương và Tùng Thiện Vương khiến cho thời thịnh Đường cũng phải nhường. Tên của 4 vị văn nhân này cũng được đặt cho đường ở Sài Gòn. Đường Nguyễn Siêu và đường Cao Bá Quát song song với nhau ở ngay sau lưng Nhà Hát (toà Quốc Hội), và đường Tuy Lý Vương, Tùng Thiện Vương nối với nhau ở quận 8. Ngày nay, cả 4 tên đường này vẫn còn giữ nguyên.

Khu Tân Định là cụm tên đường liên quan tới danh tướng thời Trần mà ngày nay vẫn giữ nguyên như: Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Khắc Chân, Trần Quý Khoách… và 2 cha con Đặng Tất, Đặng Dung.

Ở kế bên đó, rìa quận 1 là những con đường song song mang tên các vị Trạng và nhà trí thức nổi tiếng trong lịch sử Việt là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, trạng nguyên Mạc Đỉnh Chi, nhà sử học Phan Kế Bính.

Có những trường hợp đặc biệt là 1 số danh nhân được đặt tên 2 lần với 2 tên khác nhau. Đó là đường Thoại Ngọc Hầu và đường Nguyễn Văn Thoại (nay là đường Lý Thường Kiệt). Đường Quang Trung và đường Nguyễn Huệ. Đường Trần Hưng Đạo và Trần Quốc Tuấn. Đường Yên Đỗ và đường Nguyễn Khuyến. Đường Đề Thám và Hoàng Hoa Thám…

Ngày xưa, Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định là những khu vực hành chính riêng biệt, nên đường Võ Tánh, Bùi Hữu Nghĩa, Võ Di Nguy… vừa có ở Sài Gòn, vừa có ở tỉnh Gia Định. Tương tự là các đường khác là Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Mạc Đỉnh Chi… cũng được đặt ở cả 2 nơi.

Sau 1975, sáp nhập Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định thành 1 và mang tên TpHCM, đã xảy ra tình trạng cùng ở 1 thành phố nhưng có 2 đường mang cùng tên. Khi nói đến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm thì phải nói thêm là ở Quận 1 hay là quận Bình Thạnh thì mới xác định được vị trí, rất bất tiện. Hoặc là Lê Lợi là tên đường lớn ở quận 1, nhưng ở quận Gò Vấp cũng có 1 con đường Lê Lợi khác nữa.

Đông Kha
chuyenxua.net

1 bình luận về “Cách đặt tên đường ở Sài Gòn giai đoạn 1955-1975”

Viết một bình luận