Nhắc đến Ngọc Chánh, người ta biết nhiều về ông với tư cách là trưởng ban nhạc Shotguns lừng lẫy một thời; là ông chủ của trung tâm băng nhạc Shotguns đã lăng xê thành công nhiều bài hát và ca sĩ nổi tiếng của làng nhạc Sài Gòn trước năm 1975. Sau này, khi ở hải ngoại, Ngọc Chánh còn được biết đến như một ông chủ của những vũ trường, phòng trà âm nhạc.
Sự nghiệp sáng tác âm nhạc của Ngọc Chánh được công chúng biết đến rộng rãi là chỉ với 3 nhạc phẩm viết chung với nhạc sĩ Phạm Duy, đó là Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang, Bao Giờ Biết Tương Tư và Tuổi Biết Buồn. Cả 3 nhạc phẩm này đều là nhạc sĩ Ngọc Chánh soạn nhạc và nhạc sĩ Phạm Duy viết lời.
Bài hát đầu tiên được 2 nhạc sĩ hợp soạn là Bao Giờ Biết Tương Tư, ban đầu là bản nhạc nền của Ngọc Chánh viết cho phim Điệu Ru Nước Mắt của đạo diễn Lê Hoàng Hoa thực hiện năm 1970, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Duyên Anh, nói về chuyện tình thơ mộng của trùm du đãng nổi tiếng là Đại Cathay. Sau khi cuốn phim trình chiếu thành công, nhạc sĩ Ngọc Chánh đã nhờ nhạc sĩ Phạm Duy soạn lời ca cho đoạn nhạc phim ông đã viết, và ca khúc Bao Giờ Biết Tương Tư từ đó ra đời, rất được công chúng yêu thích qua tiếng hát Anh Khoa.
Ca khúc là những lời thổ lộ chân phương của một chàng trai khi bước vào tình yêu và sự biến chuyển của dòng tâm trạng khi trải qua những cung bậc khác nhau của cuộc tình.
Click để nghe Tuấn Ngọc hát Bao Giờ Biết Tương Tư
Ngay từ đoạn hát đầu tiên, chàng trai thổ lộ những cảm xúc lạ lùng, tươi mới khi chạm ngõ tình yêu:
Ngày nào cho tôi biết,
Biết yêu em rồi tôi biết tương tư
Ngày nào biết mong chờ
Biết rộn rã buồn vui đợi em dưới mưa
Những cảm xúc tinh khôi, nguyên vẹn của tình yêu đầu đời được gom vén vào lời hát thật tinh tế. Quả thật, chỉ có tình yêu, chỉ có khi biết yêu rồi người ta mới có thể “biết”, có thể thấm đẫm cảm xúc tương tư, mong chờ, chộn rộn cả khi buồn cả khi vui là như thế nào. Những cảm xúc chẳng thể tìm được đâu khác ngoài địa hạt của tình yêu.
Ôi biết đem tim này
Vắng như lòng giấy, tình yêu lấp đầy
Rồi biết quên câu cười
Biết cho đôi dòng lệ rơi
Tình yêu mang đến bao nhiêu cảm xúc rạo rực, xôn xao, ngọt lịm, thì cũng mang đến bấy nhiêu cảm xúc sầu muộn, ê chề, tối tăm lạc lõng. Cái cảm giác tê dại, trống trải, mỏng mảnh khi thất tình hay thăng hoa, vỡ oà lên tận đỉnh của tình yêu được nhạc sĩ Phạm Duy ví von bằng những chữ nghĩa thật đắt: “Ôi biết đem tim nầy vắng như lòng giấy, tình yêu lấp đầy”. Bởi khi đã sa vào tình yêu, thì dù hạnh phúc hay khổ đau, tình yêu cũng sẽ chiếm hữu cả trái tim, lấp đầy lên nó những sắc màu mộng mị.
Tình yêu đã trở lại
Đôi mắt đêm ngày vơi hết đọa đày
Tà áo em phơi bày, ngón tay em dài
Tiếng yêu không lời
Khi tình yêu ra đi, kẻ si tình như bị đẩy xuống hố sâu tuyệt vọng, quên cả câu cười, chỉ còn đẫm đôi dòng lệ rơi. Nhưng khi tình yêu trở lại thì “đôi mắt đêm ngày vơi hết đoạ đày”, mọi đau khổ, dằn vặt đều tan biến như chưa từng xuất hiện. Và chỉ cần nhìn thấy “Tà áo em phơi bày, ngón tay em dài” thôi là cõi lòng anh đã thổn thức khôn nguôi những “tiếng yêu không lời”.
Ngày nào lòng tôi đã
Biết vui biết buồn ôm mối tương tư
Ngày nào cánh thiên đường
Đã mở hé tình yêu là trái táo thơm
Tôi ghé răng cắn vào
Miệng môi ngọt đắng
Tình yêu cuối đường
Là trối trăng cuối cùng
Giấc mơ não nùng vợi tan
Tình yêu bao đời nay vẫn luôn là thứ “không hẹn mà đến, không chờ mà đi”. Chẳng ai đoán biết được khi nào tình yêu ập đến, khi nào tình yêu rũ cánh ra đi. Người ta chỉ biết tình yêu hiện diện khi đã “ôm mối tương tư”, khi cánh thiên đường hé mở “tình yêu là trái táo thơm”. Thứ trái thơm ngọt, ngon lành, quyến rũ mà loài người không bao giờ có thể cưỡng lại được ngay từ thuở sơ khai.
Tình yêu nào cũng có vui và buồn, là tâm trạng của những người mang “bệnh tương tư” như thi sĩ Nguyễn Bính hóm hỉnh cho “tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”. Tâm trạng ôm mối tương tư sẽ buồn ít hơn vui khi “Ngày nào cánh thiên đường đã mở hé tình yêu là trái táo thơm”. Khi tình yêu đã chắp cánh cho đôi lứa đến một nơi thần tiên hạnh phúc, để có thêm một định nghĩa cho tình yêu là trái táo thơm!
Một lần ghé răng căn vào trái táo thơm tình yêu nhiều mê hoặc, để biết rằng tình yêu không chỉ là ngọt ngào mà còn pha lẫn vị đắng cay, có phải chàng trai đã dự cảm được tình yêu của mình sau này không được tròn đầy mong ước…
“Là trối trăng cuối cùng. Giấc mơ não nùng vợi tan…” – Những câu ẩn ý đượm buồn, đem đến cho người thưởng thức man mác ý nghĩa tương tự như câu “Đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn” của nhạc sĩ Trúc Phương.
Khác với cách giải bày kể chuyện tình lê thê của nhiều nhạc phẩm đương thời, ca khúc Bao Giờ Biết Tương Tư có nhiều ca từ cô đọng ý nghĩa, đã được nhiều người yêu thích vì tựa đề cũng như những lời hát đẹp như lời thơ, ẩn chứa nhiều chân tình của chàng trai “rộn rã đợi em dưới mưa”. Những hình ảnh lãng mạn và ý tình ngợi ca tình yêu trong ca khúc, đã đem lại ý niệm về “Tình yêu là trái táo thơm” cho phần nhiều giới yêu nhạc thời bấy giờ.
Nhạc sĩ Ngọc Chánh cho biết ngay khi hoàn thành ca khúc này, ông nghĩ ngay đến Anh Khoa và đưa cho ca sĩ này hát trong băng Shotguns. Cho đến nay, khi nhắc đến Bao Giờ Biết Tương Tư, công chúng vẫn luôn nhớ đến giọng ca ngọt ngào và nhẹ nhàng của Anh Khoa, mời các bạn nghe lại bản thu âm trước 1975 sau đây:
Click để nghe Anh Khoa hát
Ca khúc thứ 2 của sự kết hợp giữa nhạc sĩ Ngọc Chánh và nhạc sĩ Phạm Duy cũng là một bài nhạc phim, bài hát và phim cùng mang tên là Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang. Phim do đạo diễn Lê Hoàng Hoa thực hiện năm 1971, chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Duyên Anh có tên là Vết Thù Hằn Trên Lưng Con Ngựa Hoang.
Nội dung bài hát này cũng dựa theo tiểu thuyết và truyện phim, là lời tâm sự của một đàn anh trong giới du đãng đã từng “dẫm nát tơi bời” trên chốn giɑng hồ, đến một ngày muốn quay đầu hoàn lương: “từ nơi tối tăm về miền tươi sáng”.
Click để nghe Elvis Phương hát Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang
Nhân vật chính trong tiểu thuyết (và cũng là trong phim) tên Hoàng Guitar. Nhân vật này được xây dựng dựa trên nguyên mẫu ngoài đời thật là Hoàng Sayonara, tay du đãng khét tiếng, đồng thời cũng là quân sư của Đại Cathay.
Hoàng Sayonara là mẫu “du đãng có học”, trầm tĩnh, làm gì cũng suy trước nghĩ sau. Hoàng thi đậu tú tài II (tú tài toàn phần), dư sức ra Đà Lạt gia nhập trường võ bị nhưng thích ở lại Sài Gòn làm giɑng hồ dưới trướng anh Đại. Sở dĩ Hoàng có tên Hoàng Sayonara là do anh đàn guitar rất hay bản nhạc Nhựt Bổn “Sayonara” rất thịnh hành lúc đó. Một chàng du đãng có học và mang tâm hồn nghệ sĩ như vậy là rất hiếm từ trước đến nay.
Do có học thức, bề ngoài nhìn khá hào hoa mã thượng nên Hoàng Sayonara mau chóng trở thành quân sư cho Đại Cathay. Tiền kiếm được như nước nhưng Hoàng không dồn tiền mua địa ốc như các tay giɑng hồ khác mà chỉ sống rày đây mai đó khắp hang cùng ngõ hẻm Sài Gòn nên được đàn em gọi lén là Ngựa hoang.
Sau này khi băng giɑng hồ Đại Cathay lần lượt bị hình cảnh bắt vào trại Cửu Sừng (Phú Quốc) thì Hoàng Sayonara tỉnh ngộ, hoàn lương và quyết định quay về sống cùng bạn gái năm xưa tên Ngọc. Tình tiết đó được nhắc tới trong bài hát như sau:
Một hôm, ngựa bỗng thấy thanh bình
Thảm cỏ tình yêu dưới chân mình
Ân tình mở cửa ra với mình
Ngựa hoang bỗng thấy mơ
Để quên những vết thù…
Nhưng đến khi vợ mɑng thɑi con đầu lòng, sinh kế thiếu thốn nên Hoàng Sayonara quay lại giɑng hồ làm phi vụ cuối, cùng một băng giɑng hồ khác chôm chỉa đồ PX của lính Mỹ tại một kho hàng ở Tân Thuận:
Ngựa hoang về tới bến sông rồi
Mở cửa lòng ra với cõi đời
Nhưng đời làm ngựa hoang chết gục
Và trên lưng nó ôi
Còn nguyên những vết thù
Oan nghiệt thay, phi vụ cuối cùng thất bại, Hoàng Sayonara lãnh trọn một băng M-16 của quân cảnh Mỹ vào lưng (“và trên lưng nó ôi còn nguyên những vết thù”). Ngựa Hoang đã lìa đời khi chưa kịp nhìn mặt đứa con đầu lòng. Vậy mới thấy rằng bước chân vào giɑng hồ đã khó, mà bước ra lại càng khó hơn.
Khi ca sĩ Elvis Phương hát bằng này trong băng nhạc Shotguns lần đầu, đoạn gian tấu ông có trình diễn phàn huýt sáo đã làm nên thương hiệu của ông làm cho khán giả rất thích thú. Từ đó về sau, khi thu lại Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang (và một số bài hát khác), Elvis Phương đề thể hiện thêm phần huýt sáo rất độc đáo và thú vị.
Click để nghe Elvis Phương hát Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang trước 1975
Bài hát thứ 3 của hai nhạc sĩ Ngọc Chánh – Phạm Duy là Tuổi Biết Buồn. Đó là vào năm 1973, khi nhạc sĩ Phạm Duy được ban tổ chức đại hội âm nhạc quốc tế Yamaha mời tham dự, ông đã tìm gặp Ngọc Chánh, ngỏ ý muốn viết chung một ca khúc để gửi dự thi. Trước đó, hai ông đã hợp tác thành công với 2 ca khúc Bao Giờ Biết Tương Tư (1970) và Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang (1971).
Ca khúc mang tên Tuổi Biết Buồn ra đời với phần nhạc do Ngọc Chánh viết và phần lời do nhạc sĩ Phạm Duy đặt. Sau khi hoàn thành ca khúc, nhạc sĩ Ngọc Chánh chọn ca sĩ Thanh Lan để trình diễn vì “cô có dáng dấp của một sinh viên, lại đang là một sinh viên Văn Khoa của ban sinh ngữ”, rất phù hợp với nội dung bài hát.
Tháng 10 năm 1978, ca sĩ Thanh Lan có chuyến lưu diễn đáng nhớ đến Nhật Bản cùng với 2 nhạc sĩ Phạm Duy và Ngọc Chánh. Trong khán phòng rộng lớn của Budokan Hall tại thủ đô Tokyu, một sân khấu tròn rất lớn của Đại hội âm nhạc quốc tế Yamaha được đặt ở chính giữa với khoảng 100 nhạc công liên tục trình diễn. Ca sĩ Thanh Lan đứng chính giữa sân khấu thể hiện ca khúc “Tuổi Biết Buồn” của hai vị nhạc sĩ, giữa vòng vây của khoảng 10 ngàn khán giả Nhật Bản và quốc tế để theo dõi buổi trình diễn của các nghệ sĩ đến từ nhiều nước Âu, Á khác nhau. Tiếng hát Thanh Lan cùng với ca khúc này đã vào đến vòng chung kết của đại hội.
Đối với cả hai nhạc sĩ gạo cội Phạm Duy và Ngọc Chánh, “Tuổi Biết Buồn” không phải là nhạc phẩm đỉnh cao, quan trọng nhất trong sự nghiệp của cả hai ông. Nhưng đối với ca sĩ Thanh Lan, việc thể hiện thành công ca khúc lại là một dấu mốc quan trọng, mở ra những mối cơ duyên với nước Nhật và cho sự nghiệp của cô sau này. Sau đêm diễn, Thanh Lan được hãng đĩa Victor mời ở lại Tokyu thêm 1 tuần để hợp tác thâu âm hai ca khúc tiếng Nhật là Aino hino Kesanaide và Yume Miru (lời Nhật ca khúc Tuổi Mộng Mơ của nhạc sĩ Phạm Duy).
Hơn một năm sau, Thanh Lan lại tiếp tục được mời tham gia bộ phim điện ảnh Number Ten Blues (sau đổi tên thành Goodbye Saigon) do hãng phim Amino và đạo diễn người Nhật thực hiện. Trong đó, Thanh Lan đảm nhiệm vai nữ chính đóng chung với hai diễn viên người Nhật.
Gần 50 năm đã trôi qua, kể từ khi ra đời, nhắc đến “Tuổi Biết Buồn”, người ta vẫn luôn nhớ tới giọng hát trong trẻo và cũng chan chứa nỗi niềm của Thanh Lan…
Click để nghe Thanh Lan hát Tuổi Biết Buồn trước 1975
Cùng trong năm 1973, khi đạo diễn Lê Dân làm cuốn phim Trường Tôi (nhạc sĩ Quốc Dũng đóng vai nam chính), ông có mời Thanh Lan tham gia diễn xuất trong một phân đoạn, đóng vai chính mình là ca sĩ Thanh Lan và hát ca khúc Tuổi Biết Buồn cho học sinh toàn trường nghe, mời các bạn xem lại phân cảnh đó sau đây:
Click để xem
Bài hát nói về nỗi nhớ tiếc một thuở ấu thơ nhiều kỷ niệm, đầy màu sắc của một cô gái đến “tuổi biết buồn”:
Buồn đã tới rồi, một buổi sáng mưa rơi
Mưa đã cuốn mây về dĩ vãng xa vời
Ôi những bước chân chim có nhớ vườn hồng,
Nhớ khung cửa song, và còn nhớ tới em không?
Cô gái vừa bước qua tuổi biết buồn, cái tuổi bắt đầu có những bâng khuâng mơ mộng, và một buổi sáng mưa rơi cũng trở thành cái cớ cho những nỗi buồn vu vơ tìm đến, đưa nàng về lại dĩ vãng, lần theo những bước chân chim thăm lại “vườn hồng”. Cũng như bao nhiêu người đã từng đi qua tuổi thần tiên, nàng cũng có những ngày tháng êm đềm yêu dấu, ở cái tuổi mà mọi thứ xung quanh dường như đều là màu hồng, tuổi của những đùa vui và vô lo, vô nghĩ.
Buồn đã tới rồi, một chiều tím trên sông
Làm cho úa vàng từng mộng ước tươi hồng
Ôi những chú nai tơ, công chúa rừng già,
Nơi hoang đường xa, cửa đã khép ngăn em về…
Nhớ bé xưa cùng chơi, đuổi nhau dưới bóng hàng cây
Nấu nướng hay nhảy dây, vòng chơi cuốn theo tuổi say
Nụ hoa dắt trên đầu, tặng nhau đứng bên cầu,
Đâu ngờ dòng đời đang cuốn mau…
Buồn đã biết rồi thì chờ đến cơn vui
Bàn chân ấu thời dần mạnh bước chân đời
Mang dĩ vãng trong tay trên quãng đường dài
Lưu vật còn đây, rồi còn tiếc thơ ngây hoài…
Nhớ bé xưa cùng chơi, đuổi nhau dưới bóng hàng cây
Nấu nướng hay nhảy dây, vòng chơi cuốn theo tuổi say
Nụ hôn lúc ban đầu, hẹn nhau lúc đứng bên cầu,
Đâu ngờ dòng đời đang cuốn mau
Khi mộng ước đang tươi hồng thì một ngày kia nàng nhận ra rằng mình vừa bước qua đến cái tuổi biết buồn, nên sẽ không bao giờ có thể quay ngược gót chân để về lại dĩ vãng êm đềm đó được một lần nào nữa. Bởi vì “cửa đã khép ngăn em về”, và tuổi thần tiên đẹp như cổ tích có những chú nai tơ, công chúa rừng già đó đã vĩnh viễn đứng ở bên kia ranh giới, vào lúc nàng bước chân qua cánh cửa một chiều để đến vùng trời khác, nơi có những cuộc tình len lén vào cửa mở lớn tim nàng, nơi có bao nhiêu nỗi băn khoăn vì đến tuổi phải yêu người:
Buồn đã tới rồi, một buổi tối không trăng
Tình len lén vào cửa mở lớn tim nàng
Ôi những phút say sưa, những phút dịu dàng,
Yêu người mà sao lòng còn mãi mãi băn khoăn…
Buồn đã tới rồi, cả một trắng đêm khơi
Tình đã hoen màu vàng cả tóc mây ngời
Ôi những mối dây tơ đã rối mù rồi
Oan tình đầy vơi mở rộng lưới giam bao người…
Nhớ lúc vai kề vai, dìu nhau đi giữa hàng dương
Thấy bóng soi hồ trong, ngừng chân dưới gốc đồi thông
Nụ hôn lúc ban đầu thần tiên dẫn ta vào,
Ai ngờ cuộc tình tan vỡ mau…
Ở tuổi biết yêu người, cô gái bắt đầu thấy được sự phức tạp của cuộc đời, những rối mù của mối dây tơ và vòng lưới tình ái đã giam bao người…
Click để nghe video Tuổi Biết Buồn
Buồn đã biết rồi từ thuở biết thương yêu
Tình sẽ lớn dần và buồn sẽ thêm nhiều
Mang những vết thương đi trong cõi đời dài
Ôi tuổi buồn ơi! Tuổi còn mãi theo ta hoài…
Tuổi biết buồn là tuổi bắt đầu biết yêu thương, và nỗi buồn sẽ càng nhiều thêm cũng như tình kia dần được nuôi lớn. Càng yêu thương thì càng phải mang thêm nhiều âu lo, mang thêm nhiều vết thương lòng. Tuổi thần tiên thì chỉ hữu hạn, còn tuổi biết buồn và tuổi buồn sẽ đi theo nàng hoài trong một cõi đời dài…
Bài: Niệm Quân
chuyenxua.net