Nhớ về ban AVT và ca khúc xuân trào phúng 60 năm trước: “Tết nhất làm chi, Ai bày Tết nhất làm chi?”

“Tết nhất làm chi, Ai bày Tết nhất làm chi? Lo quần lo áo, lo đi chạy tiền”… 

Đó là những câu hát quen thuộc trong bài nhạc trào phúng mang tên Du Xuân của ban nhạc trào phúng nổi tiếng nhất Việt Nam là AVT. Với nhiều người, khi nghe lại câu hát này thì bao nhiêu kỷ niệm lại ùa về.

Cho dù đây là 1 bài nhạc trào phúng để chọc cười thiên hạ, nhưng bây giờ nghe lại thì thấy khóe mắt cay cay vì những ký ức không thể nào quên về những cái Tết của ngày xưa. Vả lại, dù 50-60 năm đã trôi qua, nhưng những nỗi lo toan về ngày Tết cận kề lúc nào cũng giống nhau, người xưa cũng không khác ngày nay là mấy.

Ngày Tết đến với niềm hân hoan đón chào năm mới và niềm hy vọng mới, thì bên cạnh đó, nhiều người không tránh khỏi cảm giác bộn bề lo lắng, phải cố hết sức làm sao để gia đình được đón một cái Tết được tươm tất, đầm ấm, no đủ nhất, để cả năm luôn được đón về nhiều niềm may mắn.

Ca khúc Du Xuân gắn liền với Ban AVT, là ban tam ca trào phúng đã đi vào lịch sử âm nhạc Việt Nam với tính chất châm biếm và hài hước, nhiều khi xen lẫn với một sự mỉa mai của nó. Người sáng tác bài nhạc hài hước này cũng là trụ cột của ban AVT: Cố nghệ sĩ Lữ Liên, cũng là thân sinh của thế hệ ca sĩ tài năng của nhạc Việt: Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Anh Tú, Lưu Bích…

Mời các bạn nghe lại 2 phiên bản: Du Xuân thu âm trước 1975 của hãng Sóng Nhạc và Chúc Xuân thu âm sau năm 1975 của trung tâm Asia:

Trước 75:


Click để nghe

Phần trình diễn sau 1975 trên Asia:


Click để nghe

Xuân khứ xuân lai xuân bất tận
Xuân đi xuân lại mãi còn xuân
Tết nhất ai ơi cứ lại hoài
Không tiền tiêu tết (ứ ư) vậy thời… vậy thời tính sao?
Tính… sao?

Tết nhất làm chi?
Ai bày tết nhất làm chi?
Lo quần lo áo lo đi chạy tiền
Người người vui tết (chứ) liên miên
Riêng tôi nghĩ tết mà điên cái đầu

Lo nhiều (mà) đến nỗi mọc râu
Năm cùng tháng tận qua cầu xổ xui
Cũng liều (mà) xanh-xít (chứ) đít-đui
Để ba ngày tết vui cười no say
Sang năm (mà) ta lại kéo cày

Nhưng mà biết cậy nhờ ai?
Bây giờ tôi biết cậy nhờ ai?
Chỉ còn cách đợi thần tài tới thăm

Nghỉ quẩn (chứ) làm chi,
Thôi đừng (mà) nghĩ quẩn (chứ) làm chi
Xuống thăm (mà) chợ Tết (mấy) ta đi bên một vòng
Mua sắm mất công, chẳng cần mua sắm mất công

Xem cho khoái mắt, cho lòng dịu êm
Thoạt vào hàng vải (chứ) tây đen, hàng vải tây đen
Cô nàng ngồi két cười duyên liếc thầm
Anh bảy mời khách (mấy) vào thăm
Ba mươi lăm một thuớc, ba mươi lăm rẻ rồi

(ba mươi lăm một thước, ba mươi lăm ga bin soa, pô-pơ-lin soa, ba mươi lăm một thước,
rẻ rồi, ba mươi lăm một thước, vào đây, vào đây…)

Qua hàng (mà) giò chả (mấy) coi chơi
Mấy cô gói bánh trông người cũng hay
Cô ơi, sao Tết (chứ) năm nay
Bánh chưng thời có, bánh dầy cô để đâu?

Ông ơi, bán hết (mấy) từ lâu
Hỏi chi vớ vẩn, biết đâu em trả lời!
Len trong đám chợ (chứ) đông người
Hàng cam, hàng táo, ngồi ngoài hàng dưa

Cô hàng (mà) vú sữa mới dễ ưa
“Bán tha hồ lựa, ai mua thì vào”
Gớm sao (mà) lời nói (mới) ngọt ngào.

Nhưng mà anh Cả anh Hai đó ơi ời
Ơi…
Đi xem thời đi mau mau
Giao thừa thời nhớ rủ nhau về nhà

Năm mới đừng để vợ la
Đừng chơi cờ bạc mà ra bót nằm
Chi bằng đi lễ Lăng Ông
Đầu xuân năm mới xin xâm cầu tài
Anh Cả, anh Hai đó ơi…ời

Bằng trăm ngày thường,
Mùng Một (mà) hành lễ Lăng Ông,
Cầu thanh đắc lộc, bằng trăm ngày thường
Bằng trăm ngày thường
Bằng trăm ngày thường

Năm nay tiền vô (mà) ai ơi đừng lo (mà) áp phe thì nhiều (mà) áp phe thì nhiều
Cầu trời (mà) mình trúng áp phe (mà) sắm máy lạnh,
Tậu xe Huê Kỳ, tậu xe Huê Kỳ, tậu xe Huê Kỳ

Năm mới cuộc đời lên hương
Năm mới tràn đầy yêu thương
Năm mới thần tài giúp ta
Năm mới năm đẹp Thái Hoà…

Đôi nét về ban nhạc hài hước AVT:

Những người yêu nhạc ở Sài Gòn trước năm 1975 vẫn luôn nhớ về Ban kích động nhạc AVT (sau đó thành Ban tam ca trào phúng AVT) có lối trình diễn độc đáo và gần như là duy nhất ở Miền Nam xưa, với những bản nhạc có lời ca dí dỏm, châm biếm tại Sài Gòn trước năm 1975.

Ban nhạc AVT xuất hiện lần đầu vào năm 1958, gồm ba nghệ sĩ còn rất trẻ đều là tân binh của Tiểu đoàn 1 CTCT, tên là Anh Linh, Vân Sơn và Tuấn Đăng, chuyên trình bày những bản nhạc vui tươi, lối trình diễn rộn ràng và khuấy động sân khấu. Họ lấy 3 chữ đầu của tên 3 thành viên trong ban nhạc để ghép lại thành tên ban nhạc AVT.

Người đứng ra thành lập ban AVT là nhạc sĩ Anh Linh (Chứ không phải là nhạc sĩ Lữ Liên như không ít người lầm tưởng, vì mãi sau này thì Lữ Liên mới chính thức gia nhập AVT). Nhạc sĩ Anh Linh có căn bản về nhạc lý vững vàng nên từng có thời gian được cử thay thế giáo sư âm nhạc Phạm Nghệ làm trưởng ban của Đại Đội Văn Nghệ Trung Ương (sau đó là Biệt Đòan Văn Nghệ Trung Ương). Ông đã sáng tác được khoảng 20 bài, trong đó có một số bài phổ từ thơ của thi sĩ Hà Thượng Nhân và Nhất Tuấn.

Việc đặt tên ban nhạc là AVT cũng là một chi tiết thú vị sau này được nhạc sĩ Anh Linh kể lại. Ban đầu ban nhạc trình diễn ở phòng trà, thường được giới thiệu là ban tam ca Anh Linh – Vân Sơn – Tuấn Đăng, là tên của 3 thành viên thuở đầu tiên. Họ biểu diễn thường trực ở phòng trà nổi tiếng nhất Sài Gòn hồi thập niên 1950 là Anh Vũ.

Một hôm, chủ của phòng trà Anh Vũ đã thuê người vẽ một tấm biểu ngữ rất lớn để giăng ngang đường Trần Hưng Đạo (Gần phòng trà Anh Vũ trên đường Bùi Viện) nhằm quảng cáo cho phòng trà nhạc, cũng như giới thiệu là có sự tham gia của Ban tam ca. Tuy nhiên ban tam ca lúc này vẫn chưa có tên chính thức, nếu ghi rõ 3 tên thành viên thì dài dòng, nên họ quyết định gọi họ là ban Kích Động Nhạc ANH VŨ.

Trong chữ ANH VŨ thì chữ A và V được viết hoa màu đỏ, những chữ còn lại màu xanh. Khi những người vẽ chữ mới làm xong hai chữ A và V màu đỏ và chữ NH màu xanh thì tình cờ nhạc sĩ Anh Linh đi tới. Sau khi hỏi ra và biết được họ định viết chữ ban Kích Động Nhạc Anh Vũ, nhạc sĩ Anh Linh liền nói là đó không phải tên của ban nhạc. Tuy nhiên vì nhóm thợ đã lỡ viết gần xong rồi, nên nhạc sĩ Anh Linh ngẫm nghĩ một lúc rồi nói họ bỏ đi chữ NH, viết thêm chữ T màu đỏ để trở thành ban Kích Động Nhạc A-V-T, cũng là chữ đầu của tên 3 thành viên Anh Linh, Vân Sơn, Tuấn Đăng.

Thời gian hát ở Anh Vũ, ban AVT cũng thường hát nhạc ngoại quốc và thường được MC giới thiệu là tên là AVT Darlingson để cho người ngoại quốc dễ hiểu. Darlingson là chữ đọc trại đi của Đăng Linh Sơn – là tên của 3 thành viên AVT.

Thời gian đó, ban AVT rất được yêu thích và thường được khán giả phòng trà yêu cầu hát thêm nhiều nhất, nên thù lao được trả cho họ cũng rất cao, mỗi người nhận được 1000 đồng cho 1 đêm diễn. Để so sánh thì được biết thời điểm đó tiền trả cho “quái kiệt” Trần Văn Trạch là 700 đồng.

Hình ảnh quen thuộc của AVT thường thấy trên sân khấu là họ đều mặc quốc phục với khăn đóng, áo dài, tự đàn các loại nhạc khí dân tộc. Tuy nhiên trước khi sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống đó thì họ dùng nhạc khí Tây phương: Anh Linh chơi guitar, Vân Sơn chơi trống và Tuấn Đăng sử dụng contre-bass.

Ban AVT đã giới thiệu đến làng nhạc Sài Gòn thời kỳ sôi động một lối trình diễn khác biệt, rất tươi vui và sống động bằng những tiết mục sáng tạo ở trên sân khấu nhạc hội và phòng trà ca nhạc.

Sang thập niên 1960, Ban AVT cần thêm những ca khúc mới phù hợp với mình để trình diễn. Nhạc sĩ Lữ Liên có ý định thử nghiệm một loại nhạc mới, kế thừa từ những bài nhạc châm biếm mà các nhạc sĩ Lê Thương, Trần Văn Trạch đã sáng tác từ đầu thập niên 1950, Lữ Liên phát triển cao hơn để viết ra nhiều ca khúc thuộc thể loại nhạc mới lạ, gọi là nhạc trào phúng, được viết trên giai điệu nhạc cổ truyền. Từ những bài hát này, ban AVT đã tạo dựng được một trường phái âm nhạc riêng biệt.

Ca khúc đầu tiên của thể loại đó là bài Tam Nghiệp, nội dung mô tả 3 chàng Thợ Nhuộm, Thợ Sửa Khóa và Thầy Bói. Khi AVT mang lên trình diễn ở rạp Thống Nhứt, lần đầu tiên khán giả đã được thưởng thức một nhạc phẩm trào phúng với những âm điệu cổ truyền quen thuộc, cùng những lời ca dí dỏm và nghệ thuật trình diễn sống động, mang lại nhiều tiếng cười.

Kể từ đó Ban AVT bước vào một khúc quanh quan trọng, chuyên trình diễn những nhạc phẩm trào phúng, nội dung bài hát gần gũi với đời sống thường ngày, đa phần là những sáng tác của Lữ Liên. Vào lúc này nhạc sĩ Lữ Liên (cha của Tuấn Ngọc, Khánh Hà…) vẫn chưa gia nhập AVT, mà chỉ là người chuyên sáng tác nhạc để ban tam ca hát.

Năm 1962, trưởng nhóm là nhạc sĩ Anh Linh rời nhóm để vào học khóa sĩ quan, nghệ sĩ Hoàng Hải vào thay thế vị trí. Hoàng Hải tên thật là Lưu Duyên, là anh ruột của cố chuẩn tướng Lưu Kim Cương (nhân vật trong ca khúc Cho Một Người Nằm Xuống – Trịnh Công Sơn).

Thời gian này, ngoài hát nhạc của Lữ Liên, nhạc sĩ Anh Bằng cũng sáng tác nhạc cho AVT với nhạc phẩm nổi tiếng là Huynh Đệ Chi Binh. 2 anh em nhạc sĩ Phạm Duy Nhượng và Phạm Duy cũng tham gia vào loại nhạc này với Ai Lên Xe Bus, Du Xuân Qua Đèo Ba Dội, Lơ Thơ Tơ Liễu, Trấn Thủ Lưu Đồn, 3 Bà Mẹ Chồng…

Từ đầu thập niên 1960, AVT trở thành ban Tam ca ăn khách nhất trên khắp mọi phương tiện và địa điểm biểu diễn, từ đài phát thanh, các phòng trà ca nhạc, vũ trường cũng như các Đại Nhạc Hội. Có thể nói AVT đã trở thành một hiện tượng trong làng nhạc Miền Nam với một trường phái biểu diễn chưa từng có trước đó: hình thức âm nhạc trào phúng mang lại nhiều tiếng cười cho khán giả.

Ngoài những bài hát mang tính châm biếm các lề thói xấu, người nghe nhạc còn cảm thấy thích thú với những bài có hình thức lời thanh ý tục của nhạc sĩ Lữ Liên, tương tự với những thi phẩm xưa của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, tiêu biểu của thể loại này là bài Cờ Người.

Thời gian sau đó cũng có một vài ban trào phúng ra đời nhưng không thể thu hút được khán giả như AVT, nên đã không tồn tại được bao lâu và tự biến mất không còn được ai nhớ đến.

Trong khoảng thời gian từ 1960 đến 1964, Ban AVT đã được 2 hãng đĩa Sóng Nhạc và Hãng Dĩa Việt Nam mời thu đến 20 đĩa nhạc, trình diễn ở nhiều phòng trà ca nhạc và vũ trường lớn ở Sài Gòn như Queen Bee, Quốc Tế, Bồng Lai,…


Click để nghe những bản thu âm của ban AVT trước 1975

Đến năm 1965, nghệ sĩ Hoàng Hải giải ngũ (lúc đó các thành viên AVT vẫn thuộc quân đội), vào thay thế là nhạc sĩ Lữ Liên. Từ lúc đó Lữ Liên là trưởng ban AVT cho đến tận về sau này. Ông cũng đồng thời là trưởng ban kịch của Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương.

Sau khi nhận lời gia nhập ban AVT, lúc đó mặc dù trong ban không còn ai tên chữ có A nữa, nhưng Lữ Liên vẫn quyết định giữ tên ban nhạc như cũ, vì cái tên AVT đã đi sâu vào trí nhớ của công chúng. Ngoài ra ông cũng thay đổi 2 điều quan trọng cho AVT, đó là không dùng nhạc khí Tây Phương nữa mà đổi sang dùng nhạc khí cổ truyền Việt Nam: Vân Sơn chơi Tỳ Bà, Tuấn Đăng chơi đàn đoản và Lữ Liên sử dụng đàn nhị (đàn cò). Thời gian sau đó, ông cũng quyết định đổi danh xưng cho AVT, không còn được gọi là “Ban Kích Động Nhạc AVT” nữa, mà trở thành “Ban Tam Ca Trào Phúng AVT”. Tuy nhiên sau này, người ta vẫn quen gọi Ban AVT là Kích Động Nhạc.

Từ năm 1966-1967, Ban AVT đã theo Đoàn Văn Nghệ Việt Nam của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ làm trường đoàn đã đi trình diễn tại rất nhiều quốc gia như Lào, Campuchea, Philippines, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Nhật Bản,… Sang đến năm 1968 thì đoan đi lưu diễn tận các nước Châu Âu như Pháp, Thụy Sĩ, Anh, rồi đến các nước Bắc Phi là Marrocco, Algérie, Tunisie… Nơi nào AVT cũng gặt hái được những thành công rực rỡ, đó là thời gian cực thịnh của ban nhạc.

Tháng 4 năm 1975, ban AVT tan rã, nhạc sĩ Lữ Liên sang Mỹ, 2 thành viên khác thì ở lại và chịu số phận bi thảm. Vân Sơn đã nhảy cầu Thị Nghè và ra đi trong tức tưởi, còn Tuấn Đăng qua đời năm 2016 trong nghèo khó.

Một thời gian sau khi sang Mỹ, nhạc sĩ Lữ Liên quyết định tái lập ban AVT tại hải ngoại, gồm Lữ Liên, Vũ Huyến và Ngọc Bích. Năm 1977, nghệ sĩ Trường Duy thay thế Ngọc Bích, với bộ 3 này, họ đi lưu diễn Châu Âu trong 19 ngày.

Năm 1987, nhạc sĩ Anh Bằng đã thực hiện 1 cuốn băng AVT Hải Ngoại đầu tiên do trung tâm Asia phát hành.

Năm 1992, nghệ sĩ kịch Hoàng Long thay thế Vũ Huyến.

Như vậy 3 nghệ sĩ cuối cùng của ban AVT là Lữ Liên, Trường Duy và Hoàng Long.

Ngày 8 tháng 7 năm 2012, nhạc sĩ Lữ Liên qua đời ở tuổi 92.
Ngày 10 tháng 9 năm 2019, nghệ sĩ Trường Duy qua đời ở tuổi 71.
Và gần nhất là ngày 11 tháng 11 năm 2020, nghệ sĩ Hoàng Long đã qua đời ở tuổi 84.

Bài: Đông Kha
chuyenxua.net

1 bình luận về “Nhớ về ban AVT và ca khúc xuân trào phúng 60 năm trước: “Tết nhất làm chi, Ai bày Tết nhất làm chi?””

  1. Một Ban Nhạc Tuyệt Vời Tôi nghe đầu tiên là năm 1986 bầy giờ nhớ không nhầm là phát hàng ở băng cỏ may xuân 72 và mê bài hát Chúc Xuân đến tận bây giờ ..

    Trả lời

Viết một bình luận