Trong cuộc đời nghệ sĩ đa tình của mình, nhạc sĩ Phạm Duy có vô số những người tình; có những cuộc tình thẹn thùng không ngỏ, có những cuộc tình “xác thịt” chớp nhoáng, có những cuộc tình đưa đến duyên phận vợ chồng,.. nhưng cũng có những cuộc tình trong veo như thuỷ như ngọc. Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Phạm Duy chưa bao giờ phủ nhận ông là một người đào hoa, đã đi qua đời không biết bao nhiêu người đàn bà. Nhưng chuyện tình với người đẹp mang tên Lệ Lan thì nhạc sĩ lại luôn quả quyết đó chỉ là một mối tình thơ nhạc trong sáng và không có đụng chạm về thể xác. Mười năm bên nhau, họ đồng cảm, gắn bó và trao tặng nhau rất nhiều những vần thơ, khúc nhạc, trong đó những ca khúc nổi tiếng nhất được nhạc sĩ Phạm Duy viết cho mối tình này là Tìm Nhau, Cho Nhau, Đừng Xa Nhau, Kiếp Sau, Thương Tình Ca, Ngày Đó Chúng Mình, Chỉ Chừng Đó Thôi, Cỏ Hồng, Nghìn Trùng Xa Cách, Nha Trang Ngày Về…
Kể về chuyện tình với Lệ Lan, nhạc sĩ Phạm Duy chưa bao giờ thôi tâm đắc:
“Vì vấn đề chênh lệch tuổi tác cũng như vì tôi không muốn làm phiền những người chung quanh một lần nữa, tôi quyết định ngay từ lúc đầu rằng đây chỉ là một mối tình giữa hai tâm hồn mà thôi. Tôi cố gắng tránh mọi đụng chạm về xác thịt và tôi hãnh diện để nói rằng nàng vẫn là một trinh nữ khi rời xa tôi để bước chân lên xe hoa về nhà chồng. Là một nghệ sĩ, tôi cần tình yêu để sáng tác, giống như con người cần khí trời để thở. Tôi không cần phải chiếm đoạt ai cả, nhất là chiếm đoạt một người con gái còn ít tuổi. Giữa chúng tôi, không có ràng buộc, trói chặt nhau. Mỗi cuối tuần gặp nhau, thế là quá đủ”.
Về sự gặp gỡ nhau giữa Phạm Duy và Lệ Lan (còn được biết đến với tên Alice), nhạc sĩ kể khá chi tiết trong hồi ký của mình, ở bài viết này chỉ xin nhắc lại về những ca khúc nổi tiếng được bắt nguồn từ cuộc tình này.
THƯƠNG TÌNH CA
Đây là một trong những bản tình ca đôi lứa đầu tiên của nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác vào thập niên 1950, sau một thời gian dài ông chỉ sáng tác nhạc ca tụng quê hương và con người Việt Nam.
Click để nghe Lệ Thu hát Thương Tình Ca trước 1975
Thương Tình Ca được ra đời năm 1956, tức là một năm trước khi chuyện tình của nhạc sĩ Phạm Duy và Alice chính thức bắt đầu, như lời ông kể lại trong hồi ký:
“Một chiều mùa Thu 1957, tôi tỏ tình với Alice và được nàng ban cho một cái ừ lặng lẽ. Lúc đó, tôi có ngay quyết định là mối tình này cũng phải cao thượng như mối tình giữa tôi và Hélène. Tôi bỏ ra 10 năm để xây dựng một cuộc tình mà kết quả là một số bản tình ca soạn ra để riêng tặng nàng, từ Thương Tình Ca (1956) cho tới Chỉ Chừng Đó Thôi (1975). Nàng cũng viết ra khoảng 300 bài thơ để tặng tôi”.
Nhạc sĩ Phạm Duy nói ngắn gọn về ca khúc này như sau:
“…Tôi lại gặp được tình yêu. Tôi không lẩn tránh nó dù biết không giữ nó được suốt đời. Cuộc tình khởi sự bằng bài Thương Tình Ca :
Dìu nhau đi trên phố vắng
Dìu nhau đi trong ánh sáng
Dắt hồn về giấc mơ vàng, nhẹ nhàng
Dìu nhau đi chung một niềm thương…
Biết rằng có ngày phải chia xa nhau nhưng vẫn hứa :
Dìu nhau sang bên kia thế giới
Dìu nhau nương thân ven chín suối
Dắt dìu về tới xa vời, đời đời
Dìu nhau đưa nhau vào ngàn thu…”
NGÀY ĐÓ CHÚNG MÌNH
Nhạc sĩ Phạm Duy từng nói rằng Ngày Đó Chúng Mình là ca khúc đánh dấu sự khởi đầu của chuyện tình đáng nhớ này, một ca khúc dạt dào tình cảm dành cho tình nhân thời đắm đuối bên nhau:
Ngày đó có em đi nhẹ vào đời
Và đem theo trăng sao đến với lời thơ nuối
Ngày đó có anh mơ lại mộng ngời
Và se tơ kết tóc giam em vào lòng thôi…
Click để nghe Duy Trác hát Ngày Đó Chúng Mình trước 1975
NẾU MỘT MAI EM SẼ QUA ĐỜI
Ngay khi chuyện tình bắt đầu, nhạc sĩ đã thấy le lói những khổ đau chắc chắn sẽ đến, nhưng có lẽ chính ông cũng không nghĩ rằng chuyện tình với Alice kéo dài đến hơn 10 năm.
Bởi vì vậy, chỉ một năm sau khi bắt đầu chuyện tình đó, ông đã sáng tác một bài hát về dự cảm chuyện tình sẽ kết thúc, người yêu sẽ lên xe hoa:
Nếu một mai em sẽ quɑ đời
Hoa phủ đầy người
Xe nhịp đằm khơi xa xôi.
Nếu một mai em đốt pháo vui
Hát theo người
Hương cưới chia phôi, cười mặn tình đời.
Click để nghe Lệ Thu hát Nếu Một Mai Em Sẽ Quɑ Đời trước 1975
Nhạc sĩ Phạm Duy đã viết trong hồi ký như sau: “Với hoa phủ đầy người, em sẽ lên xe hoa! Xe hoa ở đây là xe tang hay là xe cưới? Chỉ biết rằng em sẽ qua cầu, em phải xa anh”.
TÌM NHAU – CHO NHAU
Đây là 2 tình khúc được nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác ngay khi bắt đầu chuyện tình năm 1957. Đó là thời gian ông được đắm chìm trong cuộc tình với người tình trẻ. Đầu tiên nhạc sĩ sáng tác Tìm Nhau:
Tìm nhau trong hoa nở
Tìm nhau trong cơn gió
Tìm nhau trong đêm khô hay mưa lũ
Tìm nhau khi nắng đổ
Tìm nhau khi trăng tỏ
Tìm nhau như chim mộng tìm người mơ
Click để nghe Thái Thanh hát Tìm Nhau trước 1975
Khi đã tìm được nhau rồi thì đến “Cho Nhau”, nhạc sĩ đã viết trong hồi ký:
Là một nghệ sĩ, tôi cần tình yêu để sáng tác, giống như con người cần khí trời để thở. Tôi không cần phải chiếm đoạt ai cả, nhất là chiếm đoạt một người con gái còn ít tuổi. Giữa chúng tôi, không có ràng buộc, trói chặt nhau. Mỗi cuối tuần gặp nhau, thế là quá đủ. Tôi nói lên điều này qua ca khúc Cho Nhau:
Cho nhau chẳng tiếc gì nhau.
Cho nhau gửi đã từ lâu
Cho nhau cho lúc sơ sinh ngày đầu
Cho những hoa niên nhịp cầu
Đưa tuổi thơ đến về đâu…
Vì yêu nhau nhưng không muốn chiếm đoạt nhau cho nên có thể cho nhau cả dãy Trường Sơn, cho nhau cả bốn trùng dương, quê hương xin vẫn cho nhau như thường… để rồi khi cần phải dứt tay chia đôi đường, đã giữ lại sự ”tự do cho nhau” rồi thì sẽ chẳng còn gì để đôi người tình phải vương vấn hay oán trách nhau.
…
Trong bài này tôi muốn được dâng cho người yêu tất cả, không thiếu một thứ gì, chỉ xin giữ lại một điều: đó là sự tự do cho nhau.
Cho nhau làn tóc làn tơ
Cho nhau cả mắt trời cho
Cho nhau tiếng khóc hay câu vui đùa
Cho chiếc nôi cho nấm mồ
Cho rồi xin lại tự do.”
CLick để nghe Thái Thanh hát Cho Nhau trước 1975
ĐỪNG XA NHAU
Sau khi đã tìm được nhau và cho nhau, nhạc sĩ bắt đầu van nài tình yêu xin hãy còn mãi mãi, đừng thoát giấc mộng đầu… trong một bài hát rất tình cảm mang tên Đừng Xa Nhau:
Đừng xa nhau!
Đừng quên nhau!
Đừng rẽ khúc tình nghèo
Đừng chia nhau nỗi vui niềm đau.
Đừng buông mau!
Đừng dứt áo!
Đừng thoát giấc mộng đầu,
Dù cho đêm có không bền lâu.
Click để nghe Sĩ Phú hát Đừng Xa Nhau trước 1975
CỎ HỒNG
Nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác Cỏ Hồng ra đời năm 1970, sau khi người tình trẻ đi lấy chồng, vì nhớ lại những tháng ngày êm đềm, rất đỗi dịu dàng, khi được nằm trọn trong vòng tay ái ân của người tình tại xứ sở sương mù Đà Lạt.
Đây cũng là thời điểm cặp du ca Lê Uyên – Phương đang làm mưa làm gió khắp các sân khấu âm nhạc từ quê nhà Đà Lạt tới Sài Gòn bằng thứ âm nhạc dục tính, đầy tự do và hoang dại đậm chất cao nguyên. Nhạc sĩ Phạm Duy thừa nhận ông đã bị ảnh hưởng bởi thứ âm nhạc đầy dục tính đó khi viết ca khúc Cỏ Hồng. Ông viết trong hồi ký của mình: “Vào năm 1970, sau khi tôi đã soạn xong những bài như Trả Lại Em Yêu, Con Đường Tình Ta Đi… vốn là những bài ca tình cảm mô tả cuộc tình của những lứa đôi đang sống một cuộc đời bấp bênh vì không tránh khỏi cảnh xa nhau bởi thời thế. Một nhạc sĩ khác, Lê Uyên-Phương, tung ra một loạt ca khúc mang chất dục tính, ví dụ như bài Vũng Lầy Của Chúng Ta. Tôi bắt chước anh, soạn một bài có tính chất xưng tụng nhục thể”.
“Bắt chước” có lẽ chỉ là cách nói “khiêm nhường” của người nhạc sĩ tài hoa ấy, bởi khác hoàn toàn với thể loại âm nhạc dục tình cuồng mê, vội vã, mạnh bạo, đầy hoang dại của Lê Uyên – Phương, thứ dục tính mà nhạc sĩ Phạm Duy đưa vào âm nhạc say mê nhưng không cuồng vội, vồ vập. Đôi tình nhân của Cỏ Hồng chầm chậm tận hưởng, chầm chậm quyện vào nhau trên những nốt nhạc ve vuốt, gợi cảm, tinh tế và diễm lệ.
Click để nghe Thái Thanh hát Cỏ Hồng trước 1975
Rước em lên đồi, cỏ hoang ngập lối
Rước em lên đồi, hẹn với bình minh
Đôi chân xinh xinh như tình thôi khép nép
Hãy vứt chiếc dép, bước đi ôm cỏ mềm…
Đồi êm êm, cỏ im im, ngủ yên yên, mộng rất hiền
Giọt sương đêm còn trinh nguyên
Nằm mê man chờ nắng sớm lên, rước em lên đồi tiên
Đồi nghiêng nghiêng, cỏ lóng lánh,
Rồi rung rinh, bừng thoát giấc lành
Trời mông mênh, đồi thênh thênh
Cỏ chênh vênh chờ đôi nhân tình…
NGHÌN TRÙNG XA CÁCH
Cuộc tình kéo dài hơn 10 năm rồi cũng đến ngày kết thúc, đó là năm 1968, Alice lên xe hoa theo chồng, nhạc sĩ tiễn nàng bằng ca khúc Nghìn Trùng Xa Cách. Ông viết trong hồi ký:
Trên con đường đời Việt Nam nói chung có biết bao nhiêu là khó khăn và trên con đường riêng của tôi có biết bao nhiêu là hệ lụy, sau mười năm gần gụi nhau, đã đến lúc mà tôi và Nàng Thơ của tôi phải chia tay nhau. Trước đây, nếu tôi soạn những tình khúc có thật, dành riêng cho một người tình, tạm gọi là những bài tình ca đôi lứa thì bây giờ, tôi soạn Tình Ca Một Mình. Bây giờ thì thực sự là chia phôi rồi! Có hứa hẹn đừng xa nhau thì cũng phải tới lúc có người qua cầu, và tôi nghĩ rằng cũng chẳng còn gì nữa đâu để mà gọi mãi nhau… Thế nhưng còn nhiều lắm, còn quá nhiều dư âm của cuộc tình, cho nên tôi sẽ khản tiếng kêu lên gọi hồn người bằng những tình khúc đầy ắp kỷ niệm xưa.
[…]
Tôi không còn bụng dạ nào để nghĩ tới chuyện tâm tình. Tôi không còn thảnh thơi để cuối tuần lái xe đi đón người tình rồi chúng tôi ngồi trong xe hơi hay trên một bãi cỏ hoang ở vùng ngoại ô, nói với nhau những chuyện cao xa, thơ mộng. Người bạn gái cũng cảm thấy phải xa tôi để bước lên xe hoa. Qua một lá thư viết bằng bút chì, nàng giã từ tôi, không buồn rầu nuối tiếc, không ân hận xót xa. Xong rồi, mối tình của tôi phải chấm dứt ở đây rồi. Tôi soạn bài Nghìn Trùng Xa Cách, coi như lời tiễn biệt người yêu…
Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi
Còn gì nữa đâu mà khóc với cười
Mời người lên xe về miền quá khứ
Mời người đem theo toàn vẹn thương yêu
CHỈ CHỪNG ĐÓ THÔI
Nhiều năm sau khi chia tay, nhạc sĩ Phạm Duy vẫn hồi tưởng lại chuyện tình năm cũ. Trong tâm trạng đó, ông sáng tác ca khúc Chỉ Chừng Đó Thôi năm 1975:
Chỉ chừng một năm trôi
Là quên lời trăn trối
Ai nuối thương tình đôi
Chỉ chừng một năm thôi…
Click để nghe Duy Quang hát Chỉ Chừng Đó Thôi trước 1975
Khi về già, nhạc sĩ từng tâm sự:
“Tôi yêu người phụ nữ ấy lắm. Trong gia tài các nhạc phẩm của tôi, tôi dành tặng bà ấy 40 bài hát là Phạm Duy lúc còn trẻ. Với tôi, có 3 bài hát đánh dấu thời điểm tôi yêu, tôi xa và tôi quên bà ấy là Ngày Đó Chúng Mình, Nghìn Trùng Xa Cách và Chỉ Chừng Đó Thôi”.
NHA TRANG NGÀY VỀ
Năm 1970, sau khi người tình đi lấy chồng, nhạc sĩ đã nhớ về những tháng ngày hò hẹn đón đưa vac viết chùm ca khúc “Tình ca một mình” với lời diễn giải: “Tình ca một mình là những bài hát của kỷ niệm. Kỷ niệm trên bãi cát bên bờ trùng dương như bài Nha Trang Ngày Về hay kỷ niệm trên đồi hồng Dalat trong bài Cỏ Hồng”.
Nếu Cỏ Hồng là một khúc ca để hồi tưởng, để dành tặng cho tuổi thanh xuân mê đắm. Một khúc ca mà từ đầu đến cuối toàn là những lời yêu thương, quyến luyến, những ca từ đắm đuối của tình nhân bên nhau, trên đồi cỏ hồng lúc bình minh. Thì trái lại, Nha Trang Ngày Về lại là khúc hát đầy những oán than, bi thương, tuyệt vọng giữa đêm khuya mịt mùng nơi biển vắng, khóc thương cho cuộc tình đã mất.
Cũng giống như Cỏ Hồng, ca khúc Nha Trang Ngày Về mang sắc màu của thứ âm nhạc dục tính mà theo nhạc sĩ Phạm Duy: “Đó là dấu vết của thời đại hơn là dấu vết cuộc tình”. Như ông có lần tâm sự rằng đó là thứ âm nhạc dục tính bị ảnh hưởng bởi âm nhạc Lê Uyên Phương vốn rất được yêu thích trong giai đoạn này. Trong khuôn khổ bài viết này, xin phép được chạm vào những “kỷ niệm trên bãi cát bên bờ trùng dương” nơi phố biển hơn 50 năm trước.
Nha Trang ngày về, mình tôi trên bãi khuya
Tôi đi vào thương nhớ,
Tôi đi tìm cơn gió
Tôi xây lại mộng mơ năm nào
Bờ biển sâu, hai đứa tôi gần nhau
Click để nghe Khánh Ly hát Nha Trang Ngày Về
Câu chuyện tình của Phạm Duy và Alice được ông kể lại trong hồi ký khá chi tiết. Mối duyên đó được khởi đầu từ tận năm 1944, khi nhạc sĩ vẫn còn là 1 chàng ca sĩ trẻ du ca hát rong khắp các miền, ông đã gặp một phụ nữ người Việt lai Anh tên Helene tại Phan Thiết. Lúc này Helene có 2 người con và đã ly dị chồng.
Giữa chàng ca sĩ và người cô phụ trẻ tuổi có một cuộc tình rất nhẹ nhàng, theo Phạm Duy thì đó là một mối tình trong sáng. Hai người đều biết có sự yêu mến lẫn nhau nhưng không ai dám lên tiếng yêu đương. Có thể vào lúc đó, Phạm Duy mang mặc cảm tự ti của anh hát rong trong gánh hát, và nàng chưa ra thoát lối sống goá phụ thầm lặng. Họ chỉ được coi là đang ở mấp mé một cuộc tình. Suốt một tháng trời, hai người dạo chơi trên phố xá đông đảo hay trên bãi cát vắng vẻ, nói với nhau những chuyện trên trời dưới bể, nhưng không bao giờ dám nắm tay nhau hay nói những lời ân ái.
Khi Phạm Duy rời Phan Thiết, giã từ Helene để theo gánh hát vào Nam, bà đã tiễn Phạm Duy trên sân ga xe lửa. Trên bước đường giang hồ, Phạm Duy trao đổi nhiều bức thư (và cả những bài thơ) với Helene. Chuyện tình của họ dừng lại ở những chuyện gặp gỡ, gần nhau, hát và đọc cho nhau nghe những lời ca, lời thơ rồi chia tay nhau, gửi cho nhau những lá thư màu xanh màu tím… Thời gian trôi qua, Phạm Duy sau đó gần như đã hoàn toàn quên lãng người góa bụa trẻ tuổi.
Đến năm 1956, Phạm Duy tình cờ gặp lại Helene khi đang lang thang trước chợ Bến Thành. Lúc này Helene đã có chồng mới và có thêm 3 đứa con nữa, 2 người con riêng đã lớn. Helene mở lời:
– Nếu “ông” rảnh rỗi, xin mời lại chơi. Nhà ở ngay đầu đường Trần Hưng Đạo kia kìa…
Phạm Duy theo Helene về nhà, hai người con riêng là Alice và Roger chạy ra nắm tay ông để chào. Phạm Duy ngỡ ngàng khi thấy Alice vì cô giống mẹ như đúc. Cũng như các nữ sinh khác, Lệ Lan (tên tiếng Việt của Alice) đã biết tới những bài hát của ông như Tình Kỹ Nữ, Bên Cầu Biên Giới, Tình Ca, Tình Hoài Hương… Có lẽ trong tiềm thức của cô thiếu nữ 16 tuổi này đã có dư hương vòng tay bế bồng của Phạm Duy lúc cô mới lên bốn, nên cô quấn quít người nhạc sĩ như người quen biết từ lâu.
Lúc này người nhạc sĩ tên tuổi – vừa bị vướng vào 1 scandal ái tình đáng xấu hổ với em dâu được cả nước biết tới – đã tìm sự an ủi bên mẹ con Helene. Trong lúc Phạm Duy đang có cảm giác bị cả xã hội khinh khi, ghét bỏ, thì hai mẹ Helene và Alice đều nói rằng ông không có lỗi trong cuộc tình ái tay ba đầy tai tiếng. Mặc dù Phạm Duy biết họ nói vậy chỉ là để an ủi và muốn kéo ông ra khỏi sự nhục nhằn, nhưng ông vẫn thấy nguôi ngoai trong lòng. Để ghi lại cuộc gặp gỡ này, Phạm Duy đã phổ nhạc một câu ca dao thành một tình khúc nhan đề Nụ Tầm Xuân, khi in ra có đề tặng Hệ Liên (tên tiếng Việt của Helene):
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em lấy chồng rồi anh tiếc lắm thay!
Một điều nói thêm là vào thời điểm đó, Phạm Duy đã có 4 người con cùng với ca sĩ Thái Hằng và có cuộc sống hạnh phúc. Thái Hằng là người vợ bao dung, và đặc biệt là rất quảng đại – theo chính lời Phạm Duy ca tụng – Thái Hằng luôn tha thứ cho những mối tình ngoài luồng của chồng mình.
Trong suốt một năm, hằng tuần, Phạm Duy lái xe hơi tới đón Alice đi chơi. Cô không thích người cha dượng, nên ít khi tâm sự với mẹ. Thay vào đó Phạm Duy là người được nghe Alice trút bầu tâm sự của một thiếu nữ vào tuổi dậy thì. Alice là người rất giống mẹ, cả về khuôn mặt, giọng nói lẫn suy nghĩ, nên Phạm Duy có cảm tưởng được quay ngược thời gian sau 12 năm. Khi hẹn hò với Alice, Phạm Duy bắt gặp lại cùng gương mặt, giọng nói, cùng câu chuyện mà Phạm Duy đã trò chuyện với Helene 12 năm trước đó.
Một chiều mùa Thu 1957, Phạm Duy tỏ tình với Alice và được nàng ban cho một cái ừ lặng lẽ.
chuyenxua.net