Xin mời quý độc giả chiêm ngưỡng bộ sưu tập gồm 60 bức ảnh chụp những biệt thự và dinh thự tại Đà Lạt, được một nhà sưu tầm ở Đà Lạt là Nguyễn Thi lưu giữ từ nhiều năm nay. Cũng theo nhà sưu tầm, bộ ảnh được chụp vào năm 1959 bởi một tác giả có tên là Phùng Văn Trực:
Tất cả những căn biệt thự và dinh thự này được người Pháp xây dựng trong 2 thập niên 1930-1940, thuộc sở hữu của cả tư nhân lẫn của chính quyền. Năm 1945, Pháp thất thủ ở Đông Dương, những biệt thự, dinh thự này bỏ không, rồi sau đó trở thành tài sản của cựu hoàng Bảo Đại, lúc này ngoài danh nghĩa Quốc trưởng của Quốc Gia Việt Nam (thành lập năm 1949) thì còn giữ vai trò Hoàng đế của Hoàng triều Cương thổ – vùng lãnh thổ ngày nay là khu vực Tây nguyên và Lâm Đồng. Ngoài việc thừa hưởng lại những tài sản công, thuộc về chính quyền Liên bang Đông Dương trước đó, Quốc trưởng Bảo Đại còn xuất tiền mua lại các dinh thự vốn thuộc sở hữu tư nhân.
Sau năm 1955, khi Bảo Đại bị truất phế thì những dinh thự, biệt thự này trở thành tài sản của chính quyền VNCH, do phủ Tổng thống quản lý. Tới năm 1959, bộ ảnh này được chụp với mục đích thống kê những bất động sản biệt thự/dinh thự ở Đà Lạt, theo lệnh của tổng thống.
Trên tờ Xây dựng mới (số 3, tháng 6/1958, 1 năm trước khi bộ ảnh này được chụp) có giới thiệu một chuyên đề về biệt thự những biệt thự này như sau:
“Dưới một nền trời trong sáng, và giữa khung cảnh hoa lá xanh tươi, những biệt thự hiện ra với những cửa kính bóng loáng mà bên trong là những rèm lụa, với đăng ten đủ mầu, ta cảm thấy sự sạch sẽ ấm cúng và sang trọng sau những khuôn cửa ấy.
Rất ít nhà làm cân đối, vừa bởi sự cân đối khiến nhàm mắt người ta, vừa bởi các kiến trúc sư đã phải theo địa hình mà nghiên cứu về những kiểu nhà riêng cho từng chỗ một.
Đây là chỗ phải chịu đựng ánh nắng, thì mái lệch đi cho ống khói lò sưởi nhô lên, với vài viên đá đặt hờ hững vào giữa mảng tường vôi.
Kia là những dây leo từ dưới mái bám vào tường, lửng lơ như tà áo của người thiếu nữ buông lơi, để lộ cái bao lơn màu đỏ chói, với những cửa kính sáng choang bên những màu tường đá nhàn nhạt xanh.
Kia là những cửa vòng cánh cung với giàn hoa tươi tốt trên một hành lang, để kín hở năm ba cánh cửa, như người nấp trong hoa lá chờ đón ý trung nhân.
…
Mỗi nhà đã được làm theo một vẻ đẹp khác nhau. Dù là một từng, hai từng hay ba từng, dù là ngay diện đường hay còn lùi vào sau một hàng rào, hay ở trên lưng chừng núi… nhà nào cũng có một duyên dáng của nó.
Cái thì lộng lẫy. Cái thì đơn sơ. Cái thì nhũn nhặn. Nhưng cái nào cũng trang nhã dường như không thể thiếu được những bóng kiều thấp thoáng bên trong. Điểm lạ nhất, mà cũng là điểm đặc sắc nhất của nhà Đà Lạt, là đó. Những nhà này là của các cơ quan công quyền. Có khi là nhà của các tư nhân làm ăn ở Sài Gòn thỉnh thoảng lên chơi ít ngày. Có khi là để cho du khách thuê ở trong nhà một tháng khi không muốn vào khách sạn”. (tư liệu của nhà báo Nguyễn Vĩnh Nguyên, báo Người Đô Thị)
Đặc biệt, bộ sưu tập ảnh này cón có những hình rất vô cùng hiếm, chụp đủ cách góc của 3 dinh thự mà ngày nay thường được gọi là Dinh Bảo Đại, được đánh số là Dinh I, Dinh II, và Dinh III.
Hình ảnh Dinh I:
Dinh I được gọi là Biệt điện Quốc trưởng, từng là một dinh thự tư nhân mang tên Domain Bourgerie, do triệu phú người Pháp là Robert Clément Bourgery xây dựng, sau 1975 được gọi là Dinh I. Nếu như Dinh Quốc Trưởng của Bảo Đại đặt tại Palais Impérial (còn được gọi là Hoàng Cung, nay là Dinh III), thì Dinh thự này (Biệt điện Quốc trưởng) là nơi phục vụ cho Phủ Quốc trưởng.
Khoảng cuối năm 1951, Chính phủ Quốc gia Việt Nam của Quốc trưởng Bảo Đại đã mua lại dinh thự Domain Bourgerie này để làm nơi làm việc của các cơ quan phục vụ Quốc trưởng, mà trước đây phải đặt rải rác ở nhiều nơi trên đại lộ Yersin (nay là đường Trần Phú). Từ đó Domain Bourgerie đổi tên thành Văn Võ phòng Quốc trưởng. Lúc đó, ông Nguyễn Đệ là Đổng lý Văn phòng, thiếu tá Nguyễn Tuyên làm Chánh Vô phòng. Ở gần Văn Võ phòng có biệt thự dành cho cận vệ, cho nhân viên Văn Võ phòng túc trực làm nhiệm vụ…
Dinh được thiết kế theo lối kiến trúc vùng Savoie của nước Pháp, mang dáng dấp sang trọng như một lâu đài. Toàn bộ tòa nhà được xây dựng trên một đỉnh đồi khá bằng phẳng trong một khuôn viên cây xanh đẹp hài hòa với các công trình phụ khác như: nhà bồi, hầm rượu và hồ nước,… để tổ chức tiệc tùng, vui chơi.
Dưới đây là hình ảnh những biệt thự khác trực thuộc Biệt điện Quốc trưởng (Văn võ phòng Quốc trưởng), bao gồm Võ phòng và nơi ở của cận vệ Quốc trưởng.
Dưới đây là villa Võ phòng, có kiến trúc tương đồng với Biệt điện Quốc trưởng (Dinh I):
Bên dưới là villa dành cho Cận vệ Quốc trưởng:
Cũng xin nói thêm, sau khi những dinh thự, biệt thự này thuộc về Phủ tổng thống Ngô Đình Diệm, thì villa này là nơi ở của Lữ đoàn phòng vệ Tổng thống, có nhiệm vụ bảo vệ Dinh I – nơi tổng thống ở mỗi khi lên Đà Lạt.
Những hình ảnh Dinh II:
Dinh II vốn là nơi nghỉ mát của Toàn quyền Đông Dương trước năm 1945. Ngày nay, Dinh thự này được gọi là Dinh II, cũng được gọi là Dinh Bảo Đại, trên danh nghĩa nó thuộc sở hữu của quốc trưởng Bảo Đại thời kỳ 1949-1954, tuy nhiên thực tế ông rất ít khi lưu trú tại đây.
Ban đầu Dinh II là vốn là Dinh Toàn Quyền, biệt thự nghỉ mát của Toàn quyền Đông Dương Jean Decoux. Dinh thự này là nơi ở và làm việc của Jean Decoux vào mùa hè hàng năm, từ tháng 5 đến tháng 10, nên cũng được gọi là Dinh thự mùa hè. Toàn quyền Jean Decoux nhiệm kỳ 1940-1945, thời gian Pháp đã suy yếu và bị mất quyền cai trị Đông Dương vào tay Nhật, nên Jean Decoux cũng là ông Toàn quyền cuối cùng của Đông Dương. Sau năm 1946, khi Pháp quay lại Đông Dương thì không còn chức vụ quan Toàn quyền, mà thay vào đó là Cao ủy Pháp – chức vụ có quyền lực tương đương với Toàn quyền Đông Dương trước 1945.
Dinh Toàn quyền Decoux được các kiến trúc sư người Pháp là A.Léonard, P.Veyssere và A.T.Kruze thiết kế, do nhà thầu Sa Đéc xây dựng và hoàn tất năm 1937. Dinh có dáng dấp của một kiến trúc được kết hợp hài hòa giữa các yếu tố cổ điển và hiện đại. Với mục đích vừa là nơi ở, làm việc vừa là nơi tiếp khách, do đó các phòng lớn ở tầng trệt được bố trí quanh một đại sảnh và tạo thành tổng thể rộng với không gian thoáng đãng sang trọng nhưng không phá đi bầu không khí ấm cúng bên trong của tòa nhà. Dinh vừa có cửa ra vào ở tầng dưới lại có cửa thoát ra ngoài riêng biệt ở tầng trên.
Thời gian 1949-1954, Dinh thự này bỏ trống, tới năm 1955 đã trở thành nơi nghỉ mát của gia đình ông Ngô Đình Nhu. Sau đảo chánh, tướng Nguyễn Khánh lên nắm quyền và dùng Dinh này àm tổng hành dinh.
Hình ảnh Dinh III:
Dinh III là Dinh quan trọng nhất của Quốc trưởng Bảo Đại, vì đây chính là nơi ở, làm việc của Quốc trưởng vào thời Quốc Gia Việt Nam và Hoàng triều Cương thổ. Đây vốn là tài sản của Triều đình Huế từ trước năm 1945.
Thời điểm này, Dinh III được gọi là Palais Impérial (dịch là Hoàng Cung), nằm trên đường Darles (nay là đường Triệu Việt Vương). Xung quanh căn biệt thự lớn này là quần thể rừng thông mang tên Bois d’amour (Rừng Ái Ân).
Trước năm 1945, đây là nơi sinh hoạt của gia đình vị vua cuối cùng của vương triều Nguyễn.
Năm 1945, hoàng đế Bảo Đại thoái vị và trải qua nhiều cương vị khác nhau trước khi thành Quốc trưởng của chính thể Quốc Gia Việt Nam sau Hiệp định Élysée năm 1949. Cùng lúc đó, người Pháp trao quyền quản lý vùng Cao nguyên Trung phần với Xứ Thượng Nam Đông Dương cho Chính phủ Quốc gia Việt Nam. Quốc trưởng Bảo Đại đã tách riêng phần Cao nguyên Trung bộ ra và lập quy chế hành chính đặc biệt có tên là Hoàng triều Cương thổ qua Dụ số 6 ngày 15 tháng 4 năm 1950. Thủ phủ của Hoàng triều Cương thổ đặt ở Đà Lạt.
Đó cũng là lúc Quốc trưởng Bảo Đại đã sử dụng Palais Impérial để ở và tiếp khách, sau hơn 4 năm để trống (1945-1949).
Khu biệt điện được khởi công xây dựng vào năm 1939 và hoàn tất vào năm 1943, theo đồ án thiết kế của Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh, người đã từng tốt nghiệp thủ khoa Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và là một kiến trúc sư cung đình làm việc ở bộ Công của triều đình Huế. (Có tài liệu ghi là KTS Huỳnh Tấn Phát thiết kế).
Khu dinh thự được xây dựng có vị trí đặc biệt, vừa có ưu thế về chính trị, lại dễ dàng về mặt hành chính và an ninh quốc phòng. Theo ý tưởng của Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh lúc bây giờ thì đây phải là “một công trình kiến trúc bề thế, hiện đại, độc đáo (không giống với bất kỳ biệt thự nào trước đó), hài hòa với không gian kiến trúc, tương xứng với vị thế của chủ nhân, kết hợp thật nhuần nhuyễn giữa kiến trúc Á – Âu, Việt – Pháp, phù hợp với khí hậu nơi đây, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, hòa đồng với cảnh sắc thiên nhiên hoa lá, chim muông và không khí ngát hương của mùa xuân và mùa thu; nội thất tiện nghi, lộng lẫy, sang trọng mà không cầu kỳ, nghiêm cẩn mà ấm cúng.
Tòa nhà gồm có hai tầng mang dáng dấp kiến trúc dinh thự kiểu châu Âu được bố trí trong một khuôn viên thoáng đẹp với sự sắp đặt hài hòa, khéo léo cũng như tạo dáng cho các bồn hoa trong không gian phía trước tiền sảnh và sân dạo phía sau đã làm toát lên vẻ sang trọng uy nghi của một biệt điện – nơi ở của bậc vương giả. Toàn bộ tòa nhà từ ngoài vào trong đều được quét ve màu vàng trang nhã tượng trưng cho quyền lực hoàng gia. Khi bước vào bên trong thì người ta thật sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng trước sự sắp xếp bài trí hài hòa của các phòng ốc, tuy có sự hiện đại, thông thoáng của phương Tây nhưng vẫn giữ được nét không gian thuần Việt. Trang trí trong các phòng cũng khá đơn giản và thoáng đạt nhưng vẫn toát lên sự thanh lịch quyền quý.
Ngoài các phòng của chủ nhân còn có phòng của bảo mẫu và cận vệ của vua, phòng đọc sách, giải trí, nguyệt vọng lầu.
Sau 1955, tổng thống Ngô Đình Diệm lấy nơi này làm nơi nghỉ mát, đặt tên là “Nghinh Phong lâu”, sau đó tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tiếp quản và đặt tên là “Thanh Sơn”. Sau năm 1975, dinh thuộc sự quản lý của Ban Tài chính quản trị Tỉnh ủy Lâm Đồng; sau đó được giao cho Công ty Du lịch dịch vụ Xuân Hương quản lý từ giữa năm 2000, tên chính thức là Dinh III. Hiện nay, dinh thuộc cơ quan Nhà khách Tỉnh ủy Lâm Đồng, đồng thời có mở cửa cho du khách tham quan.
Dinh III hiện nay vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật, tài liệu quý giá về Vua Bảo Đại và gia đình. Đặc biệt đây cũng là một dinh thự con giữ được không gian bài trí nội thất bên trong của một biệt thụ cô ở Đà Lạt. Đồng thời cũng là nơi ở cuối cùng của Bảo Đại – vị vua cuối cùng của triều Nguyễn trước khi rời khỏi Việt Nam ra sống lưu vong ở nước ngoài.
Đằng sau Dinh III còn có sân tennis:
Quốc trưởng Bảo Đại rất mê môn thể thao này, nên ngay ở kinh thành Huế ông cũng cho xây sân tennis bên trong Đại Nội, lúc vẫn còn là vua triều đình nhà Nguyễn.
Sau đây hình ảnh các Biệt thự trong bộ sưu tập này:
Biệt thự số 38 đường Lê Thái Tổ:
Hình ảnh biệt thự Mirba, cũng nằm trên đường Lê Thái Tổ:
Biệt thự Donnai (Đồng Nai):
Biệt thự Etcheda:
Biệt thự Lâm Giang:
Biệt thự M’ Chih Siu, từng thuộc về 1 đại phú người Hoa:
Ngày nay, biệt thự này nằm trên đường Trần Hưng Đạo, thuộc khu biệt thự Cadasa resort Trần Hưng Đạo, cho thuê nghỉ dưỡng.
Biệt thự có kiến trúc Art Nouveau.
Biệt thự Mona, chủ nhân ban đầu là một người Pháp, dạy violin ở Đà Lạt:
Biệt thự Nhị Hà, có kiến trúc kiểu Nhật:
Biệt thự Rauzy:
Biệt thự Sauouva:
Biệt thự số 5 Nguyễn Tri Phương:
Biệt thự Valaisance:
Sau đây là 1 số hình ảnh trong bộ sưu tập, được ghi chú là thuộc Nha công tác xã hội.
Cho tới ngày nay, những dinh thự và biệt thự này chính là di sản vô cùng giá trị mà Đà Lạt được thừa hưởng từ quá khứ. Nhắc tới Đà Lạt, ngoài việc nhớ tới rừng thông, không khí lạnh và muôn loài hoa, người ta còn nhớ tới những công trình kiến trúc vừa đồ sộ, uy nghiêm nhưng cũng vừa tinh tế, tỉ mỉ, cầu kỳ, mang giá trị thẩm mỹ cao, được xây dựng từ thời Pháp thuộc.
Người Pháp không chỉ nổi tiếng với những công trình kiến trúc đậm chất Pháp nằm rải rác khắp nơi trên thế giới theo hành trình xâm chiếm thuộc địa của thực dân Pháp mà họ còn thực sự là những bậc thầy về quy hoạch đô thị. Ngày nay, dù kiến trúc Pháp hiện đại xuất hiện và thay đổi khá nhiều để thích nghi với thị hiếu mới nhưng song hành với nó, kiến trúc Pháp cổ vẫn luôn giữ được vị trí độc tôn riêng và được giới thượng lưu đặc biệt ưa thích.
Tại Việt Nam, những công trình mang phong cách kiến trúc Pháp cổ có mặt ở hầu khắp các thành phố lớn từ Hà Nội đến Sài Gòn, nhưng đặc biệt nhất phải kể đến Đà Lạt, trung tâm nghỉ dưỡng và là nơi người Pháp tái tạo lại hình ảnh quê hương của họ. Những nhà quy hoạch đô thị đầu tiên của Đà Lạt, những KTS như Hébrard, Pineau, Mondet, Lagisquet dường như đã luôn nỗ lực biến Đà Lạt thành một “nước Pháp thu nhỏ”, khi họ tỏ ra khá tâm đắc với câu nói: “Ai đi xa cũng muốn mang màu sắc quê hương, nhất là kiến trúc đến chỗ mình mới đến ở”.
Đà Lạt ngày nay dù không còn hình hài của một vùng quê nước Pháp yên bình và lãng mạn như thơ, như tranh của 100 năm trước nhưng với di sản là hàng ngàn những ngôi biệt thự và dinh thự cổ rải rác khắp nơi, người ta vẫn có thể tìm thấy phảng phất đâu đó cái phong vị cổ điển rất lãng mạn, rất “Pháp” ở thành phố này.
Đông Kha – chuyenxua.net biên soạn
Một phần biệt thự này giờ bị chìm khuất trong rừng bê tông mới xây trong thời gian gần đây. Đ Lạt giờ đã thành tp bê tông, thời thơ mộng nay còn đâu.