Phần thứ 2 của loạt bài về quá trình xây dựng thành phố Sài Gòn của thực dân Pháp kể từ khi chiếm được nơi này vào năm 1861. Kỳ 2 là quá trình xây dựng những công trình kiến trúc đầu tiên, sau khi đã quy hoạch đường phố, và tác giả bài viết này (Đặng Văn Nhâm) gọi đây là thời kỳ “tô điểm”.
Bài viết này được viết năm 1958, kể về giai đoạn cuối thế kỷ 19.
—
Trước đây trăm năm, Sài Gòn chẳng khác nào một thiếu nữ nhan sắc mặn mà, nhưng quê mùa mộc mạc.
Rồi thì, như cô Kiều:
Có người khách ở viễn phương,
Xa nghe cũng nức tiếng nàng tìm chơi.
Khách viễn phương là chàng mặt trắng, mắt xanh, tóc quăn, mũi lõ, đã vượt trùng dương đến chiếm lấy nàng trong một đêm tối trời đầy sấm sét…
Chiếm lấy được nàng bằng vũ lực xong rồi, khách liền tô điểm cho nàng, để lấy công chuộc tội!
Thời kỳ sửa sang, tô điểm cho Sài Gòn thêm mỹ lệ bắt đầu từ ngày 28 tháng 11 năm 1863. Thời kỳ này, người ta còn gọi là thời kỳ “Đô đốc cai trị” (gouverment des Amiraux). Đến 11 năm sau, ngày 7 tháng 7 năm 1874, thời kỳ “đô đốc cai trị” mới chấm dứt, nhường chỗ cho các văn quan Hành chánh (Administrateur des Services Civils) do Trường Thuộc địa ở Parí đào tạo.
Đô đốc đầu tiên làm Thống đốc Nam kỳ là Đô đốc De la Grandière. Ông này đã góp nhiều công trong việc xây dựng thành phố Sài Gòn thuở ấy.
Một số công tác tu bổ quan trọng đã được thực hiện trong 2 năm, từ 1863 đến 1865. Báo “Courrier de Saigon” xuất bản ngày 5 tháng 6 năm 1865 đã viết đại khái: “…khắp nơi những hào hố, cống rãnh nước dơ không còn nữa. Thay vào đó, những con đường rộng rãi, vững chãi bằng đá và cát nện đã được đắp lên. Những bến sông đã biến thành những nơi du ngoạn đẹp đẽ…”
Công xưởng thủy quân Arsenal (tục gọi Ba Son) cũng đã được bắt đầu xây cất trong thời gian ấy.
“Courrier de Saigon” là tờ báo xuất bản đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1864 và do Đô Đốc De la Grandière làm “bà mụ” khai sinh.
Cũng trong năm 1864, người Pháp ở Sài Gòn đã có ý kiến tổ chức thành lập một Sở Nội Vụ. Sở này đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của viên Cai trị (Administrateur) Paulin Vial.
Đồng thời, nhưng địa đồ thủy đạo miền Nam Việt cũng đã được xuất bản do một số chuyên viên Pháp nghiên cứu.
Theo E. du Hally, người đã theo dõi nhiều công việc cải cách thành phố Sài Gòn từ ngày sơ khai, đã viết năm 1865:
“…chiều, khi mặt trời sắp lặn, vùng cánh đồng xung quanh Sài Gòn nhộn nhịp kgacsh thừa lương hóng mát. Người cỡi ngựa, người dùng xa, cũng có người tản bộ…” (Tổng số người Pháp cư ngụ tại Sài Gòn lúc này đã lên đến 577 người. Trong đó có 80 “bà đầm”).
Ngày 23 tháng 3 năm 1864, một nghị định ủy thác cho ông Germain – thú y sĩ của đội quân viễn chinh Pháp, được toàn quyền điều khiển mọi công tác thực hiện một khu vườn Bách Thảo ở Sài Gòn. Tuy nhiên, lúc đầu vườn này chỉ có tính cách tạm thời, rất còn sơ khai, bẩn thỉu.
Không khí của Sài Gòn từ đây đã bắt đầu có ít nhiều thay đổi. Nhóm người Pháp ở Sài Gòn thường tổ chức các cuộc vui giải trí, triển lãm, diễn kịch .v.v… Song những cuộc giải trí này thường chỉ tổ chức trong dinh Thống Đốc thôi.
Đến năm 1874, thời kỳ “Đô đốc cai trị” chấm dứt. Vị văn quan đầu tiên lãnh trách nhiệm cai trị Nam Việt tên là Le Myre de Vilers. Ông này đã tiếp tục thực hiện chương trình của các quan cai trị cũ cách hoàn bị.
Sài Gòn vẫn cải cách không ngừng. Viết về sự tiến bộ nhanh chóng của Sài Gòn trong thời kỳ này, ông Jules Boissère đã tả rất tỉ mỉ. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ xin lược trích những đoạn tài liệu quan trọng sau đây:
“Chu vi Sài Gòn là 410 mẫu, gồm 6 đại lộ, bốn mươi con đường và 3 khu dân trú ngụ… Đường sá đều có trồng cây đẹp đẽ…
Bóng mát, cây cối tàn lá xum xê, là một trong những đặc điểm đáng chú ý của Sài Gòn…”
Rồi từ đó, người Pháp đến Việt Nam càng nhiều. Nền nóng cai trị của người Pháp cũng vững vàng hơn. Do đó, công cuộc cải cách thành phố Sài Gòn càng xúc tiến mạnh mẽ. Những kiến trúc lớn lao lần lượt mọc lên như nấm làm thay đổi hẳn bộ mặt của Sài thành.
Đến nay, những kiến trúc ấy vẫn còn sừng sững “trơ gan cùng tuế nguyệt” và đã chứng kiến biết bao cảnh vật đổi sao dời, đau thương tang tóc trên mặt đất Đồng Nai thuở trước.
Những di tích lịch sử trong đô thành
Một dinh thự đầu tiên: Dinh Thống Soái
Trong số những di tích lịch sử quan trọng của Sài Gòn, dinh Độc Lập hiện thời là một kiến trúc vĩ đại và lâu đời nhất.
Trước khi dinh này về tay người Việt Nam, nó là trụ sở của các vị thủ hiến Pháp, được gọi là Dinh Toàn Quyền, ở Nam gọi là Dinh Thống Soái, và người Pháp gọi là Palais Norodom lấy tên một vị vua Cao Miên. Vào năm 1865, tờ báo “Courrier de Saigon” đã có lần loan tin như sau:
“…Những nghiên cứu đầu tiên liên quan đến vậy xây cất một dinh thự dành làm trụ sở vĩnh viễn cho quan thống đốc bắt đầu thực hiện để thay thế cho những ngôi nhà tạm thời bằng gỗ mà hiện các vị ấy đang trú ngụ…” (Dinh thống đốc tạm thời ngày trước là một ngôi nhà lớn bằng gỗ mà sườn nhà thì mua ở Singapour, chiếm cứ trên vị trí Trường Taberd hiện giờ).
Sau bài báo ấy, người ta thấy chương-trình kiến-trúc một dinh-thự đồ sộ được thực hiện, theo bản đồ của kiến trúc sư Hermite.
Theo sử-liệu, viên đá đầu tiên của Dinh Độc Lập ngày nay đã do Đô-Đốc De la Grandiere tự tay đạt vào ngày 23 tháng hai, năm 1863, trước một số đông quan-khách.
Đến sáu năm sau, tức năm 1869 dinh ấy mới hoàn-thành. Lúc bấy giờ Đại lộ Thống Nhất hồi thời Pháp gọi là Đại lộ Norodom, hãy còn là một nơi đường sá bùn lầy, ẩm-thấp.
Theo Jules Boissière, thì công trình kiến trúc dinh này phải mất đến 12 năm mới hoàn tất và trang trí xong, tức là mãi đến năm 1875.
Dinh này được coi như là mội công-thự đẹp nhất ở Á-đông thời bấy giờ. Chung quanh có một khu vườn rộng lớn cây, cỏ xanh-tươi, rất là ngoạn-mục.
Ngay mặt trước dinh, dưới chân cột cờ hùng-vĩ có đặt một khẩu thần-công kiểu cổ, càng làm tăng thêm vẻ đẹp oai-nghiêm cho một công thự lớn bậc nhất ở đô-thành.
Xã Tây hay Tòa Đô Sảnh
Xã Tây tức dinh Đốc-Lý bay là Tòa Đô sảnh hiện thời, là một trong số những kiến-trúc cổ và to-lớn nhất của Đô-thành. Ngày nay, Tòa Đô sảnh là nơi làm việc của Đô trưởng và cũng là nơi hội họp của hội đồng Đô thành.
Trước đây non một thế kỷ, khi người Pháp đã đặt ách thống trị ở miền Nam, họ cũng có tổ chức một hội đồng thị xã (Conseil municipal) cho thành phố Sài Gòn. Nhưng hồi đó, hội đồng thị xã đầu tiên của thành phố Sài Gòn chưa có trụ sở chính thức. Hội đồng phải thuê một ngôi nhà của một tên khách trú tên Đoàn Tài để làm trụ sở tạm thời (1868) ở tại đường Rue aux fleurs mà vị trí hiện thời là ở đằng sau Sở Thương Chánh (Direction des Douanes) nằm giữa hai Đại lộ Nguyễn Huệ (Charner) và Hàm Nghi (de la Somme). Ngôi nhà này, đồng thời còn dùng làm phòng Thương Mãi và Chứng khoán nữa. Mãi đến năm 1871, chính quyền Pháp mới bắt đầu nghĩ đến việc kiến trúc một tòa Thị sảnh. Khu “Kinh Lấp” (tức Đại lộ Charner) đã được nhà chức trách lưu ý đến, song vẫn còn e ngại về vấn đề đổ móng xây nền, vì nơi đây là vùng đất bùn.
Nhưng theo bản báo cáo của một số chuyên viên, thì khu đất này có thể kiến trúc được rất dễ dàng, mà không phải tốn kém bao nhiêu về vấn đề đổ móng xây nền.
Dự án cất tòa thị sảnh được đặt thành một cuộc thi vẽ họa đồ mà người trúng giải là một kiến trúc sư tên là Codry. Nhưng đến năm sau không hiểu vì một lý do gì, người ta đem sửa đổi bản đồ của kiến trúc sư Codry, rồi lại mời một kiến trúc sư khác cộng tác tên là Métayer.
Đến năm 1874, ý định xây cất công thự này bị “bỏ rơi” hoàn toàn.
Năm năm sau, vấn đề xây dựng tòa thị sảnh lại được nhắc nhở đến. Song chỉ nhắc suôn thôi!
Đến năm 1880 viên thị trưởng Blancsubé đã cố gắng thử làm phục hồi lại dự án cũ, nhưng bất thành.
Năm 1888, người ta nhận thấy những đồ án kiến trúc đã bị sai lạc hết cả.
Đến năm 1893, vấn đề xây cất tòa thị sảnh lại được nêu ra, và hội đồng thị xã Sài Gòn lại bắt đầu họp bàn về địa điểm.
Cuối cùng vào năm 1896, người ta lại đem việc địa điểm ra “mổ xẻ” nữa, đồng thời tổ chức một cuộc thi vẽ họa đồ khác.
Như vậy, chúng ta thấy vấn đề xây cất tòa thị sảnh ngày xưa đã gặp nhiều trở ngại vô cùng. Đến nỗi phải dời đổi, họp bàn, thảo luận năm lần, bảy lượt mà vẫn không xong.
Nguyên nhân lớn trong sự rắc rối này có lẽ do vẫn đề địa điểm. Vì người ta không hoàn toàn tín nhiệm nơi bản báo cáo, cho rằng trên khu Kinh lấp có thể kiến trúc tòa thị sảnh được mà không phải tốn kém bao nhiêu về vấn đề đổ móng xây nền. Người ta e rằng ít lâu sau khu đất bùn ấy sẽ bị lún, làm hỏng công trình vĩ đại chăng?
Chươn trình xây cất đang rối rắm như tơ vò, không ai giải quyết hay tìm ra được một lối thoát nào cả. Bỗng nhiên, hai năm sau, tất cả mọi trở ngại khó khăn đều bị san bằng hết.
Trong khoảng năm 1898 và 1899, người ta thấy, tòa thị sảnh đã được khởi công xây cất thực sự trên khu đất đã chọn cũ vào năm 1871, tức khu kinh lấp.
Lần này do kiến trúc sư Gardès sáng tạo đồ án xây cất, và toàn thể vấn đề trang trí được giao cho họa sĩ Ruffier.
Bắt đầu từ lúc đó, hội đồng thị xã phải làm việc không ngừng, mãi cho đến năm 1914, vì một cuộc bất đồng ý kiến giữa họa sĩ Ruffier với những nghị viên Việt Nam của hội đồng thành phố Sài Gòn, tấn hài kịch này gây nên nhiều rắc rối phức tạp nữa.
Theo nguyên tắc, những dự án của Ruffier thì hoàn toàn. Bản hợp đồng đã làm hài lòng mọi người, và làm cho ta có thể hình tượng được một tòa dinh thự rất nguy nga, đồ sộ trong tương lai.
Nhưng vì nhiều lý do trở ngại khách quan nên chương trình vẫn chưa thực hiện được phần nào cả. Rồi thì một hợp đồng mới nữa lại được ra đời. Vị trí cầu thang bị thay đổi.
Đến năm 1903, họa sĩ Ruffier đã nhận được 2 phần 3 tổng số công việc mà ông phải thực hiện, và dinh đốc lý đã được phác họa thành hình.
Ông Thị trưởng lúc này có vẻ áy náy, lo ngại, và thường bảo: “Nếu ông Ruffier chẳng may qua đời – tôi mong rằng thời gian này hãy còn xa lắm – chúng ta sẽ có những đồ án, những kiểu mẫu mà chỉ có mình ông ta mới theo đuổi thực hiện được!” (theo bà Hilda Arnold).
Trong khi đó, mặt khác họa sĩ Ruffier đòi hỏi một số tiền trả trước, dùng làm lộ phí về Pháp để nghiên cứu thêm.
Công việc vẽ trang trí tòa đô sảnh đã khởi sự từ ngày 21 tháng 3 năm 1898 mãi đến 1906 vẫn chưa xong. Đã quá 7 năm rồi. Viên thị trưởng Cuniac cho rằng thời gian này quá lâu, nên yêu cầu họa sĩ Ruffier hãy hoàn tất công việc cho rồi.
Lúc này, người ta mới nhận ra rằng kiểu cách đã thay đổi mà mặt trung đoạn của tòa nhà có vẻ kỳ dị quá chừng. Mọi người đều có ý định phải sửa đổi lại cái tiền diện kỳ dị của dinh thự ấy.
Một trong số nghị viên đề nghị ít ra cũng phải phá bỏ cái lầu cao chênh vênh đằng trước đi (lầu đồng hồ hay lầu chuông). Viên thị trưởng liền có ý hòa giải, bằng cách gửi một tấm ảnh chụp kiến trúc ấy về Pháp cho họa sĩ Ruffier, yêu cầu ông ta nếu có thể tìm một đề tài kiến trúc khác thay cho cái lầu đồng hồ ấy.
Nhưng công việc đòi hỏi nhiều tốn kém, nên viên Thống Đốc Rodier từ chối không chịu xác nhận những chi phí mới.
Sự giằng có bàn cãi nàu kéo dài mãi đến năm 1907, sau đó hợp đồng của họa sĩ Ruffier bị bãi bỏ và nhà Bonnet nhận lãnh hoàn tất mọi công tác trang trí.
Đến năm 1908, tòa Đô sảnh đã hoàn thành và vụ Ruffier được đem ra trước tham chính viện. Vụ này lôi thôi mãi đến năm 1914 khi hành chính pháp viện (conseil du contentieux) có thái độ quyết định về sự Hội đồng thị xã xuất tố họa sĩ Ruffier, thì nội vụ mới chấm dứt.
Tòa đã bác đơn của Ruffier và xử họa sĩ phải trả 2 phần 3 án phí, cộng với khoản bồi thường tổn hại (dommages Intérêts) của hội đồng thành phố đòi. Vì họa sĩ đã không chịu hoàn tất công việc đã giao kết trong bản hợp đồng.
Nhưng, như ai nấy đều biết trước là họa sĩ làm gì ra có tiền để trả nợ. Vả lại, mọi người cũng chẳng biết Ruffier lúc bấy giờ ở đâu cả! Làm sao mà đòi. Vì thế theo lời yêu cầu của viên thị trưởng, nội vụ đã được thông qua, và tòa thị sảnh đã hoàn thành tất cả.
Từ đó về sau, mỗi lần có dịp đến viếng tòa đô sảnh Sài Gòn, khách dừng chân đứng ngắm hai tấm thạch bia: một tấm khắc tên các vị thị trưởng (khởi đầu từ Turc – y sĩ thủy quân (1867) và một tấm khắc danh sách những viên chức Thành phố đã qua đời thời kỳ 1914-1918… mà lòng nổi lên cái ý nghĩ tò mò lần về dĩ vãng mong được hưởng phút giây gần gũi với người xưa trong quá khứ.
Một trăm năm!
Một thế kỷ dài dằng dặc đã qua với bao nhiêu nước chảy dưới gầm cầu Ông Lãnh với bao biến thiên tang tóc; tuy nhiên, tòa nhà thị chính vẫn sừng sững “trơ gan cùng tuế nguyệt” đánh một dấu chấm lịch sử cho những kẻ hậu sinh.
Kỳ sau: Viếng những di tích lịch sử trong đô thành