Nghe lại giọng hát của nhạc sĩ Phạm Duy trong những bản thu âm hiếm ngày xưa

Nhạc sĩ Phạm Duy sở hữu một sự nghiệp sáng tác đồ sộ khó ai có thể sánh bằng, cả về chất lượng lẫn số lượng. Bên cạnh vai trò là nhạc sĩ thành công bậc nhất trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, Phạm Duy còn là một nhạc công, nhà nghiên cứu âm nhạc, biên kịch và đạo diễn điện ảnh, và đặc biệt, hoạt động đầu tiên trong ngành nghệ thuật chính là ca hát.

Trong bài phỏng vấn năm 1967, nhạc sĩ Phạm Duy cho biết ông nghiện hát, và thường đi hát không thù lao

Năm 1967, trong một bài phỏng vấn rất dài đăng trên tạp chí Bách Khoa, nhạc sĩ Phạm Duy có dành một đoạn nói về giai đoạn ông là ca sĩ vào đầu thập niên 1940. Thời điểm đó đã có rất nhiều ca sĩ, tài tử hát tân nhạc, nhưng họ chủ yếu sinh hoạt văn nghệ ở các đô thị lớn, đặc biệt là ở ngoài Bắc như Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, và có lẽ chỉ có duy nhất nam ca sĩ Phạm Duy là người đi hát tân nhạc ở khắp các nẻo đường Việt Nam, từ Bắc xuống Nam khi theo gánh hát cải lương Đức Huy.

Hãy nghe chính nhạc sĩ Phạm Duy tâm sự vào năm 1967 như sau:

Trong lòng tôi thì: lúc nhỏ tôi mê cải lương, bỏ nhà trốn theo hát; vừa lứa tuổi 20 gặp Cách mạng toàn dân vùng dậy – xin đừng nghĩ đi kháng chiến lúc 1945 là CS – sự kiện ấy ảnh hưởng mạnh đến tâm hồn nghệ sĩ chứ! Thì tôi đi hát, tôi tỏ nỗi hân hoan của lòng tôi cho mọi người nghe… […]

Khi ký giả hỏi là ông biết hát lúc mấy tuổi, học hát từ ai, thì nhạc sĩ trả lời:

Chẳng ai dạy tôi cả. Tôi biết hát từ năm lên mười. Tôi thi hát ở trường tôi đã chiếm giải nhất rồi…

Ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất trong lúc tuổi thơ về hát xướng, là một anh hát chèo cổ, anh có biết chèo cổ ở Bắc không? Anh ta vô danh tiểu tốt, dù tôi có nói tên cũng vô ích. Thuở tôi còn bé, mẹ tôi nuôi anh ta. Mẹ tôi là một Mạnh Thường Quân ở trong vùng trong tôi ở lúc bấy giờ. Nói nuôi luôn trong nhà thì không đúng hẳn, thỉnh thoảng anh ta đến chơi năm, ba hôm. Anh ta hát cho tôi nghe, và tập cho tôi hát những bài hát Quan Họ Bắc-Ninh, những bài Trống Quân, các điệu hát Ả-đào, hát chèo… Chính những cái đó đã ảnh hưởng mạnh nhất trong tâm hồn ấu thơ của tôi về âm nhạc.

Còn nhạc lý thì tôi tự học lấy, và sau đó tôi sang Pháp hai lần, tôi theo học nhạc – chương trình tám năm, tối học rút trong hai năm – với giáo sư Robert Lopez, Học xong, tôi tự quyết định lấy đường hướng sáng tác của tôi.

Thời điểm đầu thập niên 1940, giọng hát Phạm Duy rất được công chúng tân nhạc yêu mến với ca khúc Buồn Tàn Thu. Vì vậy trong lời đề tựa ca khúc này, nhạc sĩ Văn Cao đã ghi:

Tương tiến Phạm Duy, kẻ du ca đã gieo nhạc buồn của tôi đi khắp chốn.

Trong một bài báo giới thiệu ca sĩ Phạm Duy năm 1944, nhà thơ Nguyễn Văn Cổn ca tụng giọng hát của nam ca sĩ Phạm Duy như sau:

Bài Buồn Tàn Thu mà Phạm Duy hát lên có lẽ ai cũng nhận thấy sự cảm động của một tâm hồn mong mỏi người xa xôi (…) đưa cái bài Buồn tàn thu tới những tâm hồn mong mỏi (…)

Sau đây, mời các bạn nghe lại bản thu âm Buồn Tàn Thu được ca sĩ Phạm Duy thu âm vào đĩa đá vào thập niên 1950:


Click để nghe Phạm Duy hát Buồn Tàn Thu

Phạm Duy bắt đầu sự nghiệp âm nhạc với vai trò ca sĩ hát Tân nhạc trong gánh hát Cải lương Đức Huy – Charlot Miều vừa mới thành lập từ khoảng năm 1943.

Gánh hát này biểu diễn ra mắt ở Hải Phòng, sau đó thực hiện một hành trình nam tiến rất dài để đi học miền đất nước, giúp ca sĩ Phạm Duy lần đầu tiên được mở mang tầm mắt, đưa ông trở thành một nhân tố quan trọng trong việc phổ biến tân nhạc đến các vùng. Đó cũng là dịp để ông có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, nhiều lối sống văn hóa khác nhau, để được học hỏi và thu thập được rất nhiều chất liệu âm nhạc làm giàu tri thức và làm vốn liếng để sau này ông có thể trở thành nhạc sĩ thành công nhất của Việt Nam.

Với giọng hát điêu luyện, đậm chất Việt của mình, ca sĩ Phạm Duy thuở đó đã đưa tên tuổi các nhạc sĩ như Đặng Thế Phong, Văn Cao đi khắp đất nước Việt Nam. Nguyễn Văn Cổn đã khắc họa Phạm Duy năm 1944 như sau:

“… Người thiếu niên này với gương mặt gầy ốm, một cặp mắt hiền từ và mơ màng sau cặp kính trắng, với cách cử chỉ khoan thai và nhã nhặn, đó là Phạm Duy (…)

Có lẽ trong tiếng hát của Phạm Duy, chúng ta thấy một cái gì hơi xa xăm, buồn tủi, phải chăng đời của nghệ sĩ như đầy những sự nhớ nhung, thương tiếc, đợi chờ, mà tiếng hát Phạm Duy là tiếng lòng thổn thức (…)

Mỗi lần Phạm Duy lên ca hát tại Đài Vô Tuyến là mỗi lần các thính giả xa gần đều lặng yên để thụ hưởng những sự dịu dàng trong trẻo, như thanh điệu êm ái (…)

… Nhưng nói về nghệ thuật, thì có lẽ Phạm Duy là một tài tử thứ nhất hát những bài âm nhạc cải cách với một giọng hoàn toàn Việt Nam, có nhiều tài tử cứ tưởng lầm rằng họ ca hát những âm nhạc mới, tức là phải có một giọng Âu Mỹ, thật là sai lầm (…)

Phạm Duy lại còn là một nghệ sĩ rất có lương tâm nhà nghề trước khi hát, trước khi biểu diễn, Phạm Duy rất chăm chú tập dượt những bài hát (…)

Một vinh dự đặc biệt với Phạm Duy thời kỳ thập niên 1940 là ông từng được hát riêng cho vua Bảo Đại nghe trong một chuyến theo gánh hát Đức Huy đi lưu diễn ở Phan Rang. Bảo Đại nổi tiếng là một ông vua rất tân thời, được Tây học từ nhỏ nên yêu mến loại nhạc cải cách.

Sang thập niên 1950, khi đã chuyên tâm vào sáng tác, Phạm Duy cũng vẫn duy trì công việc ca hát của mình nhưng không nhiều. Tiếng hát của ông từng được phát trên các đài truyền thanh, truyền hình lớn tại Sài Gòn cũng như thế giới.

Sau đây mời các bạn nghe 2 ca khúc Phạm Duy thu trong dĩa nhựa thập niên 1950:


Click để nghe Phạm Duy hát cùng Thái Thanh ca khúc Tình Ca


Click để nghe Phạm Duy hát cùng ban Thăng Long ca khúc Về Miền Quê

Mời các bạn nghe lại 1 số ca khúc được nhạc sĩ Phạm Duy hát live tại phòng trà của Jo Marcel thập niên 1970:


Click để nghe Phạm Duy hát Kỷ Vật Cho Em (trước 1975)


Click để nghe Phạm Duy hát Một Ngày Một Đời (trước 1975)


Click để nghe Phạm Duy hát Dạ Hành (trước 1975)

Năm 1966, nhạc sĩ Phạm Duy được sang Mỹ để giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa hai nước, nhân dịp này, ông đã giới thiệu âm nhạc Việt Nam, từ nhạc dân gian đến nhạc cải cách đến công chúng nước Mỹ.

Sau đây, mời các bạn xem lại màn xuất hiện của Phạm Duy với vai trò là khách mời trong show Rainbow West trên truyền hình Mỹ năm 1966:


Click để xem phần trình diễn Giọt Mưa Trên Lá


Click để xem phần trình diễn Nhớ Người Thương Binh


Click để xem phần trình diễn Đi Đâu Cho Thiếp Theo Cùng


Click để xem phần trình diễn Qua Cầu Gió Bay


Click để xem phần trình diễn Lý Cây Đa (Trèo Lên Quán Dốc)

Cũng trong cùng chuyến đi này, Phạm Duy đã tham dự lễ hội dân ca Florida và cũng trình diễn những bài hát như trên. Các bạn cũng có thể nghe lại phần trình diễn này với âm thanh chất lượng hơn ở bên dưới:


Click để nghe Phạm Duy trình diễn tại lễ hội dân ca Florida 1966

Trong bài phỏng vấn 1 năm sau đó, Phạm Duy nói chi tiết về chuyến lưu diễn này như sau:

…Bộ ngoại giao Hoa-kỳ có một tổ chức gọi là Chương trình Trao Đổi Văn Hóa (International Exchauge Program) mời tôi đi viếng nước Mỹ, đến thăm các trường âm nhạc, đến dự các đại nhạc hội Dân ca do họ tổ chức. Tôi có hát ở các đại-nhạc-hội ấy và hát cho các hãng télevison…

[…]

Tổ chức mời mình đi không có thù lao, nhưng trả cho mỗi ngày 20 dollars, họ gọi là Grant, như bourse của Pháp vậy, không biết dịch tạm là tiền trợ cấp có đúng không? Đó là tiền ăn, và ở khách sạn. Còn tiền xê dịch thì họ đài thọ chu tất.

[…] ăn ba bữa cơm sáng, trưa, chiều hết 10 đôn [dollar], còn 10 đôn kia trả tiền khách sạn là vừa đúng!

[…]

…Mục đích chính của họ là để chúng ta hiểu biết thêm về đất nước họ, về nền văn minh, về nếp sinh hoạt của dân tộc họ, với tư cách một khách du lịch…

[…]

Sự trình diễn của tôi không hề bị bó buộc. Do quyền riêng của cá nhân tôi nhận hay không mà thôi! Họ biết tôi là một nhạc sĩ, một ca sĩ về Dân ca và Tâm ca, đang có mặt ở vùng họ tổ chức đại nhạc hội, thế là họ mời; tôi thì nghiện hát lẽ tất nhiên là tôi nhận lời…

[…]

…Tôi đã tới thăm Hoa-Thịnh-Đốn… Quốc hội Hoa-Kỳ, các bảo tàng viện, đài kỷ niệm Abraham Lincoln, đài kỷ niệm Iwo Jima, mộ Kennedy, tòa Bạch Cung, dự buổi tuyên đương công trạng một chiến sĩ đa đen hy sinh tại VN. Miền Đông Hoa-Kỳ thì tôi thăm các tiểu bang: New York, Pennsy Ivabia, Connecticut, và thác Niagara.. Miền Nam thì tôi đến Florida, Louisana, North Carolina. Miền Trung tôi thăm Grand Canyon ở tiểu bang Arizona… Miền Tây tôi qua Hollywood, tôi vào thế giới Disneyland ở Los Angeles. Và tôi có đến San Francisco chơi vài hôm trước khi về VN.

[…]

…tôi trình diễn nhiều lần ở các đài phát thanh và truyền hình ở nhiều địa phương (Channel 13, Peter Seeger Show, WABC Radio, ABC Scope G. Citron Show, CBS, ABC-TV, NBC Monitor…). Tại Hoa-Thịnh-Đốn, hội Dân ca địa phương (Folklore Society of the Great Washington) đã tổ chức một đêm giới thiệu Dân-ca và Tâm ca VN…

Tại Nữu-Ước tôi hát cho học sinh, sinh viên các trường Grace Church, Sarah Lawrence, City College nghe. Tại Connecticut tôi hát chung với hai nhạc sĩ Dân-ca Steve Addiss và Bill Crofu. Tôi thăm trường High School ở Wilton hát Dân ca và Tâm ca cho học sinh 7 lớp khác nhau nghe. Tôi dự hai Đại hội Dân ca ở Florida và Pittsburgh, được gặp gỡ khoảng 400 nghệ sĩ Dân ca Hoa-Kỳ. Và tôi được về sống chung máy ngày với gia đình chuyên nghiệp Dân ca là ông bà Robert, Eveyne Beers và cô gái Martha.

[…]

…việc thu dĩa ở Mỹ, nó như thế này này: Ví dụ, anh có một bản nhạc hay, mà một hãng sản xuất dĩa hát vừa ý, họ chưa thèm ký giao kèo với anh đâu nhé. Họ thương lượng với anh, họ bỏ tiền ra in một số dĩa, để họ phát cho các đài phát thanh, các hộp chơi dĩa (music boxes). Lần in dĩa này họ gọi là promotion. Khi nào những đĩa ấy mà ăn khách qua sự tổng kết của hãng dĩa, bấy giờ hãng đĩa mới nói đến chuyện giao kèo để in hàng triệu dĩa. Bài Giọt Mưa Trên Lá của tôi đang ở trường hợp promotion. Tuy nhiên những dĩa hát được in ở trường hợp này, nhà sản xuất đĩa hát cũng trả cho tác giả bài nhạc mỗi đĩa vào khoảng 5 cents gì đó.

[…]

…Hãng sản xuất dĩa chọn bài Giọt Mưa Trên Lá! Họ thích bài đó, vì một lẽ rất giản dị là người Âu, Mỹ không thể nào ngồi nhìn những giọt mưa rơi trên lá mà tưởng tượng được như chúng ta. Chỉ có người Á-châu mới có thể ngồi nhìn những giọt mưa mà cảm thông vạn vật, hòa minh với cuộc đời, với thiên nhiên.

Có điều buồn cười là bài Giọt Mưa Trên Lá ở nước nhà lại bị hiểu nhầm một cách tai hại. Chẳng hạn trường hợp có người chỉ dựa vào mấy câu “giọt mưa trên lá nước mắt mẹ già, lã chã đầm đĩa trên xác con lạnh giá… giọt mưa trên lá nước mắt mặn mà thiếu nữ mừng vì tan chiến tranh chồng về…” mà gắn cho nó là phản chiến. Thực ra, thực chất của toàn bài không phải như vậy. Bởi vì còn có những câu “giọt mưa trên lá tiếng khóc oa oa đứa bé chào đời cho chúng ta nụ cười, giọt mưa trên lá tiếng nói bao la tóc trắng đậm đà êm ái ru tình già…” Thì gồm đủ sự sống sự chết, sự sinh nở, tình yêu vĩnh viễn. Và… “giọt mưa trên lá tiếng nói thầm thì, bóng dáng Phật về xoa vết thương trần thế, giọt mưa trên lá tiếng nói tinh khôi lúc Chúa vào đời xin đóng đanh vì người, giọt mưa trên lá nói với loài người xin cứ nuôi mộng dài…” 

Đông Kha – chuyenxua.net

Viết một bình luận