Thời Pháp thuộc, tên chính thức của Vũng Tàu là Cap Saint Jacques, người Việt thường nói gọn thành Cấp, đi Vũng Tàu thì nói thành Ô Cấp (allez au Cap). Tuy nhiên bên cạnh đó, đa số người Việt vẫn gọi nơi này bằng cái tên thuần Việt là Vũng Tàu. Trong tất cả các truyện/tiểu thuyết xưa, đặc biệt là truyện Hồ Biểu Chánh, địa danh này luôn được nhắc tới với cái tên Vũng Tàu. Ngoài ra, trên báo chí quốc ngữ thời 100 năm trước cũng có lúc ghi là Vũng Tàu, như trong tờ Công Luận năm 1927 sau đây:
Hoặc trên tờ nhật báo Phóng Sự năm 1942:
Mời các bạn đọc lại một đoạn mô tả cảnh biển Vũng Tàu năm 1930 trong truyện Hồ Biểu Chánh, để thấy rằng từ hàng trăm năm trước, nơi này đã là một địa điểm nghỉ mát nổi tiếng khắp Nam kỳ.
Do chữ nghĩa đã có biến đổi theo thời gian, nên xin mở ngoặc […] để giải thích những chữ ngày nay đã ít được sử dụng.
[…]
Về chiều, ở Vũng Tàu, phía Bãi Sau, nước đương lớn, gió đương thổi hiu hiu, hơi nước nơi gió hiệp nhau làm cho bầu không khí rất mát mẻ.
Xa xa ngoài khơi, mặt biển linh láng [lênh láng] nổi lên cao, bị ánh mặt trời chiều giọi [dọi] nên nhuộm màu vàng vàng. Mấy chiếc thuyền đánh lưới đều trương buồm nhắm bến mà về, thuyền chạy rề rề, cánh buồm trắng trắng.
Bên phía tay trái, núi miệt Long Hải, Long Phú nằm giăng ngang một dãy, uốn éo chỗ thấp chỗ cao, như ai phết một vết xanh lè nơi góc trời xám xám.
Gần trong bờ, bị gió đùa nên mặt nước guộn [cuộn] có vồng thành sóng, rồi lượn sau tiếp lượn trước mà tràn lên bãi, đập vô gành dội tiếng ồn ào, phun bọt trắng xóa.
Chưn [chân] trời xa mù, mặt biển mênh mông, sóng bủa lào xào, gió chiều hây hẩy. Người giàu tình cảm hoặc có viễn chí, ai ngồi ngắm cái cảnh nầy một hồi, cũng phải rồi hồi khoan khoái, rồi chẳng khỏi sanh tình lai láng như biển rộng, hoặc sanh chí cao xa như chơn [chân] trời, hoặc xét thân người như thuyền con lửng đửng [lững thững] ngoài khơi, hoặc nghĩ công danh như bọt nước rã rời trên bãi.
Quan Phủ Bình ngồi trên một cỗ xe ngựa mà ra Bãi Sau, thấy khách hứng gió đông đảo, kẻ chòm nhom ngồi trên bãi mà chơi, người lăng xăng lội đùa nhau dưới biển. Ngài muốn tìm nơi thanh tịnh nên xuống xe rồi đi bộ lên đường vòng chưn núi. Ngài thủng thẳng đi một hồi, đã xa Bãi Sau, tới một chỗ cao, thấy trong núi lồi ra một miếng đá lớn mặt bằng phẳng nằm tròi trọi dựa đường, ngài bèn ngồi trên đó đặng ngó mông ra biển.
[…]
Một số hình ảnh Vũng Tàu 90 năm trước:
Về xuất xứ tên gọi Vũng Tàu, tác giả Huỳnh Minh trong cuốn Vũng Tàu Xưa và Nay năm 1969 cho rằng tên gọi này có từ khi Pháp bắt đầu chiếm Nam kỳ làm thuộc địa:
Chiếm dễ dàng bãi biển và các đồi núi, Pháp quân bắt đầu giăng giây thép họa địa đồ núi, lập nền tảng đầu tiên của đô hộ. Danh hiệu Vũng Tàu được đặt từ khoảng này. Vì người Việt thấy ở Vũng thường xuyên đậu 3 chiếc tàu lo việc đặt dây cáp dưới biển, chuyên trách về điện tín.
chuyenxua.net biên soạn