Giải oan cho “Ông Hội Đồng”

Vài chục năm qua, đặc biệt là từ sau năm 1945, trong văn học cách mạng ngày xưa và điện ảnh thời gian sau này, những phim có bối cảnh thời Pháp thuộc đều mô tả những ông bà Hội đồng đều là những nhân vật phản diện hội tụ đủ sự ác, tham, ức hiếp tá điền, ỷ quyền cậy thế…

Sở dĩ như vậy có lẽ là vì người ta muốn tạo sự chính danh cho tầng lớp nông dân, là những người đã nổi dậy chống Pháp giành độc lập, nên đã biến tất cả những người giàu có thời Pháp thuộc thành những cường hào ác bá. Đó là thời người ta đánh đồng người giàu đều là người ác, và ước mơ giàu sang là một ước mơ không chính đáng, là tư tưởng tiểu tư sản cần phải thủ tiêu.

Vậy thực chất ông hội đồng là ai?

Ông Hội đồng là những người làm việc trong các hội đồng liên quan tới chính quyền thời thuộc địa Pháp, Hội đồng được nhắc tới nhiều nhất là Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ (tiếng Pháp: Conseil colonial), hay Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ, là một nghị viện tư vấn của chính quyền thuộc địa của Pháp ở Nam Kỳ.

Thành lập ngày 8 tháng 2 năm 1880 theo sắc lệnh của Tổng thống Pháp, Hội đồng này có 18 thành viên: 6 người Việt và 12 người Pháp. Năm 1920, Toàn quyền Đông Dương Maurice Long cho tăng con số này lên thành 10 người Việt và 14 người Pháp vì yêu sách vận động của Đảng Lập hiến Đông Dương. Sắc lệnh ngày 6 tháng 1 năm 1922 quy định rõ thành phần của Hội đồng:

10 người Pháp, do đầu phiếu trực tiếp,10 người bản xứ, do đầu phiếu hạn chế, 2 đại diện của Phòng Thương mại Sài Gòn và 2 đại diện của Phòng Canh nông, số người Pháp và bản xứ chia đồng đều. Ngoài ra trong số 7 thành viên trong Ủy hội thường trực của Hội đồng Quản hạt thì số người bản xứ hạn chế chỉ được 2 người. Dân gian bấy giờ thường gọi những ủy viên hội đồng này là ông Hội đồng.

Tuy nhiên nếu là ông Hội đồng trong Hội đồng quản hạt thì người Việt chỉ có 10 người bản xứ. Thực tế, số lượng ông hội đồng ngày xưa nhiều hơn như vậy rất nhiều, bởi vì còn có rất nhiều Hội đồng các cấp khác nhau.

Ông Hội đồng thường được nhắc tới nhiều nhất trong giai thoại là Trần Trinh Trạch – một trong “Tứ đại Phú hộ” và là cha của Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy. Trần Trinh Trạch thường được gọi là Hội đồng Trạch, nguyên là thành viên của Hội đồng Tư mật Nam kỳ (Conseil Privé), được thành lập 1869 theo sắc lệnh của Hoàng đế Pháp.

Ngoài Hội đồng Tư mật (Conseil Privé), Hội đồng thuộc địa (Conseil colonial de la Cochinchine), còn có nhiều Hội đồng khác, như Hội đồng tiểu khu (Conseil d’arrondissement) thành lập 1882 theo nghị định của Thống đốc Nam kỳ, và Hội đồng tỉnh (Conseil provincial). Mỗi tiểu khu hành hính được chia thành các tổng gồm nhiều xã.

Đó là chưa kể các thành phố như Sài Gòn (là thành phố cấp 1 được thành lập theo sắc lệnh ngày 8/1/1877) và Chợ Lớn (thành phố cấp 2 được thành lập theo nghị định ngày 20/10/1879) của Thống đốc Nam kỳ, đứng đầu thành phố là quan Đốc Lý, phụ tá cho Đốc Lý là một Hội đồng thành phố (Conseil municipal).

Ngoài ra, thành phần ông Hội đồng đông đảo nhất thuộc về Hội đồng Đại kỳ mục (Conseil de Grands Notables), thuộc cấp xã.

Nghị định ngày 27/8/1904 quy định việc quản trị mỗi xã ở Nam kỳ nằm dưới một tổ chức mang tên Hội đồng Đại kỳ mục. Tiêu chuẩn để được đứng trong hàng ngũ kỳ mục phải là những điền chủ hoặc những người giàu có nhất trong xã. Tất cả các kỳ mục trong xã sẽ nhóm họp và lựa chọn tối thiểu 11 người để lập thành Hội đồng Đại kỳ mục.

Như vậy ngay cả cấp xã, mỗi xã đã có 11 ông Hội đồng, và đó đều là những người giàu, hoặc ít nhất cũng khá giả, chính là những “ông Hội đồng” bị bôi bác nhiều nhất trong phim ảnh Việt Nam.

Thành phần Hội đồng Đại kỳ mục được sắp xếp theo thứ tự như sau:

Chủ tịch: Hương cả; Phó chủ tịch: Hương chủ; Các Uỷ viên: Hương sư, Hương trưởng, Hương chánh, Hương giáo, Hương quản, Hương bộ (hay Thủ bộ), Hương thân, Xã trưởng hoặc Thôn trưởng, Hương hào.

Trong truyện Hồ Biểu Chánh, chúng ta thấy tác giả nhắc tới rất nhiều ông Hội đồng khác nhau với các chức danh Hương cả, Hương sư… Và hầu hết họ, dù có là ông Hội đồng hiền lành hay là độc ác tham lam thì đều sống trong gia đình một vợ một chồng, chứ không phải là 5 thê 7 thiếp như trong phim Việt Nam thường mô tả. Vấn đề này sẽ được nhắc tới ở phần sau.

Như vậy, khi nói tới ông Hội đồng vào thời Pháp thuộc, thì có nhiều phân cấp khác nhau, có ông Hội đồng cấp thành phố hoặc cấp cao hơn nữa là Hội đồng quản hạt, hoặc ông hội đồng ở cấp địa phương. Nhìn chung, các ông Hội đồng này tương tự như các Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp hiện nay, đại diện cho các cấp khác nhau, từ cấp xã cho tới cấp tỉnh, và cao nhất là Đại biểu Quốc hội.

Các ông Hội đồng ngày xưa, dù là cấp nào, thì đều được bầu cử khắt khe, thường là những người có uy tín trong xã hội. Các ông Hội đồng thường là địa chủ, và dù thực ra không hiếm những ông Hội đồng cậy thế chiếm đất của dân nghèo bằng những thủ thuật hợp thức hóa giấy tờ đất đai, tuy nhiên không phải ông Hội đồng nào cũng như vậy, và nếu làm trái luật thì dễ bị thưa ra tòa. Hơn nữa, nếu đánh mất uy tín, không được người ta kính nể thì cũng sẽ bị mất ghế hội đồng.

Thời nào thì hạng người nào cũng có người này người kia, nhưng lẽ thường ở đời, nếu ai ăn ở nhơn đức thì mới dễ khá giả, được người đời thương thì mới có thể làm ăn hanh thông thuận lợi và giàu có. Còn một người giàu có mà ăn ở ác nhơn, giàu nhờ sự ức hiếp dân nghèo thì cái giàu đó cũng không được bền lâu. Những người giàu có thường là người có học thức, có trí khôn để mà tính toán làm ăn, và những người hiểu biết chút đỉnh thì đều biết tới cái lẽ nhân quả ở đời đó.

Bởi vậy ngày xưa cũng có nhiều ông Hội đồng đối đãi tử tế với kẻ ăn người ở, với tá điền, những người như vậy đã nói nhắc tới rất nhiều trong truyện của Hồ Biểu Chánh.

Tuy nhiên, tiếng xấu về những ông Hội đồng thời Pháp đã có từ lâu nay, chủ yếu vì tuyên truyền qua truyện, phim ảnh. Báo Thanh Niên ngày 11/9/2018 có đăng bài báo tiêu đề “Sao ông hội đồng trên phim lại… lắm vợ?”, xin trích lại:

Xem những phim truyền hình lấy bối cảnh Nam bộ xưa, thời Pháp thuộc, hễ có nhân vật ông hội đồng thì đa phần đều nhiều vợ, ức hiếp gái nhà lành. Trong khi theo một số nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử Nam bộ, thực tế không như vậy!

Trong phim Nhà ông Hoàng có ma, ông hội đồng Hoàng có 3 vợ.

Những phim truyền hình phát trước đó như Ải trần gian thì ông hội đồng Bùi có 4 vợ; ông hội đồng Thanh trong Ải mỹ nhân cũng có 4 vợ; ông hội đồng Vĩnh trong Lời sám hối có đến 5 vợ… Và tất cả các bà vợ đều ở chung một nhà!

Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường, đã là phim ảnh thì chuyện hư cấu là lẽ bình thường. Tuy nhiên, nó phải được xây dựng dựa trên cơ sở thực tế chứ không thể… thiếu nghiên cứu, tìm hiểu và muốn làm sao thì làm.

“Các tư liệu cổ hay cả trong tập quán đều không thấy nói đến chuyện nhiều vợ của các ông hội đồng. Hơn nữa, các ông hội đồng Nam kỳ, chính xác là thời Pháp thuộc, không thể nhiều vợ được. Vì thời đó chức hội đồng được bầu cử khắt khe, tổ chức bộ máy của Pháp cũng nghiêm ngặt, mà luật của người Pháp lúc bấy giờ cũng không có chuyện một chồng nhiều vợ”, ông Tường nói. Ông cho rằng: “Ông hội đồng có thể léng phéng trăng hoa ở ngoài nhưng kín kẽ, giấu không để vợ biết, bởi vợ của các ông cũng đều môn đăng hộ đối, quyền lực không kém”.

Theo Các giai thoại Nam kỳ lục tỉnh của Hứa Hoành, “Những ông hội đồng nổi tiếng hồi mấy thập niên đầu thế kỷ 20 là các ông Bùi Quang Chiêu, Lê Quang Liêm (Phủ Bảy), Trương Văn Bền, Huỳnh Ngọc Bình, Trần Như Lân (bác sĩ)…”; và “dù các ông hội đồng chỉ có quyền tư vấn nhưng đối với dân chúng, họ được trọng vọng lắm vì giàu có, có nhiều đặc quyền do Pháp ban cho”. Chính vì vậy, nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường cho rằng, khi đã ở chức này, các ông hội đồng đều bảo vệ uy thế của mình, nên “chuyện nhiều vợ là điều khó xảy ra, chứ đừng nói đến chuyện các bà lại cùng ở chung một nhà như phim dàn dựng”.

Khán giả bây giờ muốn tìm kiếm thông tin không khó, khi họ vừa được học, được truyền miệng và được đọc. Do đó, việc đưa vào phim các nhân vật có hình ảnh trái ngược hay quá khác biệt với những gì được biết đến, như chuyện đa thê của ông hội đồng, sẽ dễ bị người xem cho là… làm ẩu, thiếu tìm hiểu, nghiên cứu. Một nhà nghiên cứu văn hóa khác còn nói thêm rằng: “Người viết kịch bản hay làm phim nói chung đừng nên bị ảnh hưởng bởi định kiến: cứ ông hội đồng hay ai đó làm việc cho Pháp thời bấy giờ là làm việc cho địch, và cứ phe địch thì ta có quyền cường điệu để làm xấu đi hình ảnh của họ”.

[hết trích]

Để biết thêm về vấn đề ông Hội đồng ngày xưa có thực sự là ai cũng ức hiếp dân lành hay không, xin kể lại chuyện một số ông Hội đồng được nhà văn Hồ Biểu Chánh viết hồi 100 năm trước. Dù đây cũng chỉ là những câu chuyện trong tiểu thuyết, nhưng các tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh đã được công nhận rộng rãi là phản ánh được thực tế cuộc sống người Việt thời đầu thế kỷ 20.

Ngoại trừ một số ít truyện của Hồ Biểu Chánh lấy bối cảnh đầu triều Nguyễn (vua Gia Long, Minh Mạng) như Ngọn Cỏ Gió Đùa, Chúa Tàu Kim Qui, đa số các tiểu thuyết khác đều có bối cảnh thời mà sống và làm việc, tức là thập niên 1920, tròn 100 năm trước.

Trong truyện của Hồ Biểu Chánh, cũng có nhiều ông Hội đồng, ông Cai Tổng, ông Huyện… được mô tả là người tham tàn, nhưng đó cũng chỉ là số ít. Nếu xét ra thì ở thời nào cũng vậy, hạng người nào cũng có người này người kia, và không phải là người giàu này cũng là người ác như người ta từng quan niệm như vậy.

Trong truyện Một Đời Tài Sắc có nhắc tới ông Hội đồng Võ Kế Nghiệp, là người đạo đức, biết giữ chữ tín, gặp thời khủng hoảng dẫn tới tán gia bại sản nhưng vẫn nghĩ tới quyền lợi của tá điền, trước khi bán gạo trả nợ đều giữ lại thóc gạo đủ để nuôi tá điền. Cũng trong truyện này có nhân vật Cai Tổng Hà Thiện Bình lại là người tham lợi danh cho bản thân mà thành người bội ước, còn một nhân vật khác là ông Huyện hàm Trương Hà – người giàu số một trong vùng, lúc nào cũng nghĩ cách ép lấy hết đất đai của con nợ. Nhưng ngược lại ông Trương Hà là người phân minh, rành mạch, thương yêu con dâu còn hơn con ruột và sẵn sàng từ mặt đứa con trai độc nhất là Trương Hoàng Kiết vì thói ăn chơi. Như vậy có thể thấy truyện của Hồ Biểu Chánh phản ánh được tất cả tính nết đặc trưng trong xã hội đương thời.

Trong truyện Cay Đắng Mùi Đời, có nhân vật ông Hội đồng Phan Thanh Nhàn lấy vợ từ thuở hàn vi, đồng vợ đồng chồng mà làm nên sự nghiệp. Dù giàu có nhưng họ không quên nghĩa vợ chồng, dù cho người vợ không thể sinh con nhưng chồng vẫn thương yêu nhất mực. Sau đó dù chịu nghe lời vợ, chấp nhận lấy vợ 2 để sinh được mụn con trai nhằm thừa hưởng sản nghiệp, nhưng ông Hội đồng Phan Thanh Nhàn vẫn lạnh nhạt với vợ 2 và chung thủy với vợ đầu.

Hai ông bà Hội đồng Phan Thanh Nhàn ăn ở đạo đức, biết thương người gian khó, luôn đối đãi tốt với tá điền nên được mọi người yêu mến, khác với cái oan “bà hội đồng” mà sau này người ta gán ghép.

Nhân vật ông Hội đồng khác trong truyện Khóc Thầm là tiêu biểu nhất cho tính cách của một “ông hội đồng tốt”. Ông Hội đồng giàu có tên Đoàn Công Chánh không chỉ thương người mà còn có tinh thần dân tộc, luôn tìm cách khai thông dân trí cho dân mình. Dù nhà giàu nhưng ông không kén chọn rể theo kiểu môn đăng hội đối, mà tìm chàng rể có học và có khí phách giúp ích được cho đời. Biết được chàng Tây học tên Vĩnh Thái, dù nhà nghèo nhưng có chí khí, ông liền gả con gái cưng cho mà không thèm tìm hiểu cặn kẽ về gia cảnh.

Sau đây là trích đoạn một phần của truyện này để nói về cách đối nhân xử thế của ông Hội đồng thời đó trong truyện Khóc Thầm:

Vì thầy đọc tân thơ và nhựt báo nhiều, nên tuy thầy không học chữ Tây, song kiến thức của thầy cũng rộng rãi như người có học. Thiệt thầy không chịu can dự đến quốc sự, nhưng mà thầy tôn trọng quê hương, thầy yêu mến đồng chủng, lại thầy hay chăm nom những vấn đề thuộc về khai thông dân trí, hoặc bảo thủ lợi quyền cho người Việt Nam. Hội nào lập ra cũng có thầy hùn hết thảy. Có hội bị lỗ, nên tan rã, thầy mất hết vốn hùn mà thầy không giận, lại nói rằng: “Vạn sự khởi đầu nan; mới tập đi thì phải vấp té nhiều lần, rồi mới đi vững được chớ.”

Thầy đã biết lo giúp đỡ, mà may lại được gặp một người vợ hiền. Mấy năm sau đây, thị Cơ mang lấy bịnh ho, thầy thuốc cấm lo đến việc nhà, chẳng làm chi; hồi trước cô còn mạnh mẽ, cô thế cho chồng mà xem xét trong nhà ra đến ngoài ruộng đi nữa, mà chồng làm việc chi, dầu tổn hao bao nhiêu cô cũng chẳng có một lời phiền trách. Cô Hội đồng thuộc về hạng đàn bà biết kính trọng chồng, biết trưởng chí cho chồng, nên chẳng hề khi nào có ngăn trở việc của chồng làm. Mà thầy Hội đồng thuộc về hạng đàn ông thương yêu vợ, biết lo việc nhà, nên chẳng hề bao giờ thầy làm cho vợ buồn, mà cũng chẳng hề khi nào thầy để phạm danh giá.

Tính cách đó ảnh hưởng tới người con gái đầu là Thu Hà. Cô Hai luôn giúp giúp đỡ những người kém may mắn, trong truyện có nói về chuyện cô đi dụ lịch sang Cao Miên, đi Đế Thiên Đế Thích, lúc nào cũng cho tiền hào phóng những người lái xe, người phu đẩy thuyền, bà ăn mày… Chứ tuyệt nhiên không có chuyện ức hiếp dân lành.

chuyenxua.net biên soạn

2 bình luận về “Giải oan cho “Ông Hội Đồng””

  1. Cám ơn tác giả đã nêu và phân tích rõ ràng cho mọi người (chân chính) được hiểu rõ những mặt trái của xã hội xưa và nay,chứ nếu không,theo theo như sách báo,kịch tuồng (thời nay)đều viết không sự thật(để vừa ý 1 số băng nhóm,không ngay thẳng,tham lam(Tâm không tốt) nhằm củng cố quyền lực và trục lợi cá nhân….
    Hy vọng tác giả sẻ có thêm những bài phân tích (sự thật hữu ích) để ít nhiều nhân dân Việt Nam (nhất là lớp trẻ) nhận thức rõ ràng những đúng sai,thiện ác mà cố cố rèn luyện tâm tính công minh hơn,có đạo nghĩa hơn,gánh vác và cứu Tổ Quốc Việt Nam và nhân dân Việt Nam phát triển phồn vinh và trong sạch hơn…để không phụ lòng Cha Ông chúng ta bao ngàn năm trước đã đổ xương máu nhằm bảo vệ Tổ Quốc và dân tộc Việt Nam này…!!!!
    Trân trọng cảm ơn tác giả thật nhiều.
    Xin chúc tác giả cùng gia quyến luôn khỏe mạnh, bình an và thành công mỗi ngày……

    Trả lời
  2. Một giai đoạn người ta tôn vinh giai cấp công – nông…đả kích bọn tư sản thường gọi là giới địa chủ, cường hào ác bá… (Hiện nay đời sống của giới công – nông rất chật vật) Tuy nhiên hiện nay một số người lại giàu có phất lên nhanh chóng…Bài viết này thể hiện quan điểm chúng ta không nên bài xích người giàu vì thật ra họ không ác !

    Trả lời

Viết một bình luận