Từ “Ao dai”, (phiên âm quốc tế là /aʊˌ dʌɪ/), được đưa nguyên bản vào từ điển Oxford và được giải thích là loại trang phục của phụ nữ Việt Nam với thiết kế hai tà áo trước và sau dài chấm mắt cá chân che bên ngoài chiếc quần dài.
Chiếc áo dài mà hàng triệu phụ nữ Việt Nam đã và đang sử dụng trong gần 1 thế kỷ qua, được các nhà nghiên cứu về y phục xác nhận là tác phẩm của một nhà thiết kế Việt Nam sống cách nay khoảng 100 năm tên là Lemur Nguyễn Cát Tường, người gốc ở Hà Nội.
Khi đó, chiếc áo dài lối mới này (sau gọi là áo dài cách tân) của Lemur Cát Tường được báo Phong Hóa và báo Ngày Nay tích cực quảng bá, phổ biến và kêu gọi sử dụng trên nhiều số báo trong những năm đầu thập niên 1930. Hai tờ báo này đều là ấn phẩm của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, với chủ bút là Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam.
Vậy nhà thiết kế Nguyễn Cát Tường cùng với nhà văn Nhất Linh đã có công lao như thế nào đối với sự ra đời và phổ biến của áo dài Việt Nam?
Trước tên xin nói qua về tiền thân của áo dài lối mới này, vốn có nguồn gốc từ chiếc áo dài ngũ thân, ra đời trong cuộc cải cách trang phục của chúa Nguyễn Phúc Khoát ở Đàng Trong thời thế kỷ 18.
Sở dĩ có tên gọi áo dài ngũ thân là bởi loại trang phục này được ghép từ 5 thân (5 vạt) với 2 thân trước, 2 thân sau được đối nhau ở trước ngực và sau lưng, thân thứ 5 ở phía trước nằm bên phải, ở trong thân thứ nhất.
Lưu ý là áo dài ngũ thân khác với áo tứ thân, vốn có nguồn gốc từ áo “đối khâm” ở Đàng Ngoài (vùng Bắc Bộ ngày nay).
Qua các triều đại chúa Nguyễn, sau đó là vua Nguyễn, loại áo ngũ thân trở thành trang phục phổ biến của phụ nữ (và cả nam giới) người Việt trong suốt mấy thế kỷ. Tới thập niên 1930, sự phát triển lấn át của Tây học thúc đẩy phụ nữ tân thời tìm đến những mẫu trang phục mới mẻ, hiện đại, tôn dáng và nữ tính hơn. Từ áo dài ngũ thân, nhà thiết kế Cát Tường đã cách tân, sửa đổi để tạo ra một dáng áo dài mới, rồi được quảng bá tích cực trên báo Phong Hóa và báo Ngày Nay. Hà Nội lúc này là thủ đô của liên bang Đông Dương, nơi tập trung nhiều người thuộc tầng lớp tinh hoa, nên dễ hiểu đây cũng chính là nơi khởi nguồn của kiểu áo dài mới này.
Vượt lên ý nghĩa thuần túy là bộ trang phục dành cho phụ nữ, áo dài Lemur của nhà thiết kế Lemur Cát Tường còn được xem là một cuộc cách mạng về thẩm mỹ, một nỗ lực tìm kiếm và định hình giá trị thuần Việt. Thiết kế này đồng thời đã tạo ra một cơ hội lý tưởng để nữ giới Việt Nam thời 90 năm trước khẳng định được vị thế, tiếng nói của riêng mình trong bối cảnh xã hội đang trở nên Âu hóa về mọi mặt, thoát xa dần nền cựu học.
Sinh năm 1912 tại Sơn Tây nhưng gốc gác của nhà thiết kế Nguyễn Cát Tường ở Hàng Bông, Hà Nội. Khi mới 16 tuổi, ông thi đậu vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 4 (1928-1933). Lúc này, bạn bè gọi ông với cái tên Pháp là Lemur, với ý nghĩa trong tiếng Pháp nghĩa là “bức tường”. Đó là lý do mà sau này khi thiết Nguyễn Cát Tường đặt tên cho kiểu áo dài lối mới của ông mang tên áo dài Lemur, và hiệu may của ông mở năm 1937 cũng đặt tên là Lemur, địa chỉ số 16 Lê Lợi (dốc cây thị Hàng Kèn, nay là gần chỗ ngã tư Bà Triệu – Nguyễn Du), sau đó chuyển vào phố cổ ở số 14 Hàng Da (rue des Cuirs – Hà Nội).
Năm 1934, khi mới 22 tuổi, cái tên Nguyễn Cát Tường chính thức xuất hiện trên tờ Phong Hóa số Xuân (số 85, ra ngày 11 tháng 2) trong chuyên mục “Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô”. Trên báo Phong Hóa, ông phụ trách chuyên mục này với tên thật là Nguyễn Cát Tường, ngoài ra cũng dùng bút danh Lemur khi phụ trách các mục khác.
Chuyên mục này, trước tiên, hướng đến việc cải cách y phục phụ nữ, sáng tạo mẫu trang phục mới, tân thời để “các bà, các cô” thay đổi lối ăn mặc truyền thống trước đó. Lời tòa soạn mở chuyên mục hy vọng là “có mục này rồi, người, quần áo và đồ đạc dần sẽ được tăng thêm vẻ đẹp”. Còn chàng họa sĩ trẻ Cát Tường thì đã lập luận lúc đó như sau: “Trang điểm để mình đẹp thêm, cho đẹp lòng trời, lòng người, là biết tự quí mình, trọng người. Giá trị và hạnh phúc của phụ nữ là ở sự trang điểm và làm đẹp”.
Như vậy có thể nói, nhận thức về quyền được làm đẹp, trang điểm của phụ nữ là nguyên cớ sâu xa thúc đẩy Nguyễn Cát Tường tiến hành cải cách y phục, trước tiên là thông qua trang báo bằng các bài viết định hướng thẩm mỹ. Việc làm đó cũng đồng thời thúc đẩy sự thay đổi cả thói quen ăn mặc của phụ nữ, thói quen đó vốn đã được hình thành qua vài thế kỷ và đã thành nếp, đó là lề thói ăn mặc đơn giản, thậm chí là qua quít.
Trong sự thay đổi này, hàm nghĩa trung tâm nằm ở thân thể phụ nữ.
Ở xã hội cũ, phụ nữ Việt thường phải giấu thân dưới những bộ trang phục tối màu, phủ kín, rộng thùng thình nhằm đảm bảo một sự “an toàn” về mặt đạo đức hơn là thể hiện sự thẩm mỹ của y phục. Với Nguyễn Cát Tường, trong chuyên mục “Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô” ông đã thể hiện quan điểm như sau:
“Quần áo tuy dùng để che thân thể, nhưng nó có thể như tấm gương phản chiếu trình độ trí thức của một nước. Trước hết nó phải hợp với khí hậu nước ta, với thời tiết các mùa, với công việc, với khuôn khổ, với mực thước của thân hình mỗi bạn; sau nữa, nó phải gọn gàng, giản dị, mạnh mẽ và có vẻ mỹ thuật lịch sự.
Nhưng dù thế nào, nó cũng phải có tính cách riêng của nước nhà mới được. Các bạn là phụ nữ Việt Nam, vậy áo của các bạn phải có một vẻ riêng để người khác khỏi nhầm các bạn với phụ nữ nước ngoài, như nước Tàu, nước Pháp, nước Nhật Bản chẳng hạn”.
Quan điểm về trang phục của Cát Tường, nói theo ngôn từ hiện đại, thì nó mang được “vẻ đẹp thuần Việt”. Nghĩa là trước hết nó phải đẹp, phù hợp với người Việt, sau nữa là trang phục phải phân định được vẻ đẹp riêng của người phụ nữ Việt Nam, nhìn vô là biết đó không phải là Tây, là Tàu.
Áo ngũ thân đã có trước đó, có thể là đã mang tính định danh cho người Việt, nhưng nó quá khuôn mẫu và không thể hiện được nét đẹp hình thể của phụ nữ Việt. Vì vậy Nguyễn Cát Tường quyết định thiết kế lại một mẫu áo tân thời dựa trên áo dài lối cũ.
Quan điểm về y phục đó dẫn tới yêu cầu về kỹ thuật may đo và tạo mẫu để có thể phô diễn được vẻ đẹp hình thể của người nữ. Dịch chuyển từ “giấu” sang “khoe” thân, làm đẹp thân, đặt trong bối cảnh văn hóa những năm 1930, chính là kết quả của tư duy thẩm mỹ hiện đại mà người nữ muốn theo đuổi, vượt thoát dần khuôn khổ cái nhìn cổ hủ của truyền thống. (Tuy nhiên cũng cần phải có thời gian để sự thay đổi đó được xã hội chấp nhận rộng rãi).
Vậy nhà thiết kế Nguyễn Cát Tường đã “cách tân” chiếc áo dài truyền thống đó như thế nào để người phụ nữ chuyển từ trạng thái “giấu” sang “khoe” hình thể?
Với tiêu chí gọn gàng, giản dị, mạnh mẽ nhưng phải có “vẻ mỹ thuật lịch sự”, ông lần lượt thay đổi từng bộ phận của quần áo. Đầu tiên là sửa lại tay áo phải rộng rãi phía trên và gọn gàng phía dưới, rồi bỏ cổ áo kiểu Tàu để thay bằng kiểu cổ bẻ, cổ viền, cổ đính đăng-ten, cổ trái tim,… Tiếp đó, táo bạo hơn nữa là họa sĩ cải tiến tới cái quần, với quan điểm được ông thể hiện trên báo Phong Hóa số 89: “Nói ra sợ không ai tin, điều quan trọng nhất của y phục phụ nữ là chiếc quần”.
Từ đó, Lemur Cát Tường đã cải biến làm cho cái quần trở nên thon gọn và khoe được phần bụng phụ nữ hấp dẫn hơn, gợi mở hơn so với loại quần ngày trước. Ông cũng tạo ra mẫu quần ống loa (vì nó xòe ra như cái loa, sau gọi là ống loe) để mặc với áo dài.
Nhưng đặc sắc nhất vẫn là mẫu áo dài mà ông đặt tên là Lemur, xuất hiện lần đầu tiên trên báo Phong Hóa số 90 (ra ngày 23/3/1934). Ở mẫu đầu tiên này, áo dài có tà trước và tà sau, eo được thu nhỏ để sát vào bụng nên người mặc nổi rõ phần ngực, dáng điệu kín đáo mà mềm mại, nữ tính. Đáng nói hơn, các mẫu áo dài Lemur còn được sáng tạo để dùng cho từng mùa trong năm và thời điểm trong ngày hoặc theo từng dáng người “béo và lùn”, “cao và gầy”,…
Các “phụ kiện” đi kèm áo dài như khăn quàng, yếm, bao tay, giày, dép, guốc, mũ,… cũng được Nguyễn Cát Tường chăm chút thiết kế, cải cách. Có thể nói, cùng với chiếc áo dài Lemur, thế giới thời trang dành cho phái nữ nhờ Nguyễn Cát Tường đã trở nên phong phú, mới lạ và hấp dẫn hơn rất nhiều. Tất cả tạo nên một phong trào may mặc trang phục mới, chủ yếu đánh vào nhu cầu của tầng lớp phụ nữ tân thời, thị dân. Cùng với sự bài bỏ dần các tập tục như ăn trầu, nhuộm răng đen, “gái tân thời” bấy giờ tự xây dựng hình ảnh trẻ trung của mình với răng trắng, tóc để ngôi lệch và áo dài Lemur.
Ngay sau khi Cát Tường công bố ý tưởng của mình trên báo Phong Hóa, nhiều quý cô, quý bà ở Hà Nội đã rất thích thú với kiểu dáng hiện đại của mẫu áo nên đã mang hình trên báo đó ra nhờ các hiệu may để may áo lối mới đó, nhưng ngặt nổi là kiểu áo này quá mới nên ngay cả các thợ may lành nghề nhất cũng bối rối, may không vừa ý khách hàng.
Lúc đó ông Cát Tường vẫn chưa có hiệu may riêng, nên ông tới làm việc ở hiệu may Phạm Tá ở Bờ Hồ Hà Nội – một trong những nơi đầu tiên biến các ý tưởng về áo dài tân thời của Lemur trở thành thực tế. Cát Tường đã trực tiếp trông coi và hướng dẫn các thợ trong hiệu may.
Năm 1935, sau khi “hiện tượng áo dài Lemur” đã lan rộng ra nhiều tỉnh thành, Nguyễn Cát Tường thực hiện chuyến đi xuyên Việt để cổ vũ cho phong trào mặc áo tân thời. Tại Huế, ông có cơ hội thiết kế nhiều bộ áo dài Lemur cho hoàng hậu Nam Phương. Tháng 7/1937, ông khai trương hiệu may áo dài Lemur của riêng mình, được quảng cáo là “hiệu may y phục phụ nữ tân thời to nhất Bắc Kỳ”. Đây cũng là thời điểm các sản phẩm liên quan của thương hiệu Lemur như áo len, áo tắm, áo lót, mũ,… được bán rộng rãi và rất đắt hàng.
Nhiều giai nhân Hà thành nổi tiếng nhan sắc và học thức cũng ăn vận thời trang Lemur, càng khiến chị em háo hức, tích cực hưởng ứng. Nữ kí giả Phan Thị Nga đã thành thực thổ lộ trên tờ Ngày Nay (số 6, ra ngày 20/3/1935) rằng “kiểu quần áo Cát Tường đã làm cho chị em thêm vẻ diễm lệ ở nét mặt, thêm phần thướt tha, đầy đặn ở hình thức, thêm bề yểu điệu và uyển chuyển cho dáng đi […] Cát Tường biết gây ra phong trào hợp với sở vọng ngầm của chị em, những sở vọng chị em vẫn có mà không dám thực hành”.
Dĩ nhiên, mọi cái mới, nhất là cái mới dành cho phụ nữ, sẽ gây nhiều phản ứng gay gắt và kéo theo xung đột giữa luồng tư tưởng cũ và mới, bảo thủ và cởi mở. Cuộc cải cách y phục của Lemur làm cho những người còn quẩn quanh luân lý hủ Nho cảm thấy gai mắt, và đã trở thành đối tượng công kích của những người ác cảm với cái mới. Trong đó, có thể kế tới việc nhà văn Vũ Trọng Phụng châm biếm, giễu nhại cuộc cách mạng y phục này trong tác phẩm Số Đỏ, thể hiện cái nhìn của thời đại đó, chưa thấu đáo về tầm quan trọng của thời trang. Nhà văn đã đồng nhất quần áo tân thời với cái lố lăng, kệch cỡm và tha hóa.
Tuy nhiên qua thời gian một thế kỷ đã chứng minh được giá trị xã hội của y phục Lemur vượt xa tầm với của ngòi bút hoạt kê, của một thái độ ngáng trở và xem thường những thay đổi vật chất, sinh hoạt và thẩm mỹ. Chính quần áo, hay đúng hơn là thời trang Lemur, đã cho thấy thị dân Việt Nam bắt kịp quỹ đạo thị trường hóa các sản phẩm may mặc, điều giờ đây đã là “ngành công nghiệp”, trước khi nó bị tản mác bởi các khúc ngoặt lịch sử. Thời trang của Lemur xứng đáng địa vị tiên phong mở mang hiểu biết của chúng ta về văn hóa ăn mặc thời Hà Nội thuộc Pháp.
Tháng 12 năm 1946, Pháp trở lại đánh chiếm Hà Nội, gia đình Nguyễn Cát Tường tản cư về làng Tràng Cát, Hà Đông. Ngày 17/12/1946, ông cùng hai người bạn đạp xe vào thành, khi vừa đến cửa ô thì bị một trạm canh của bộ đội bảo vệ thủ đô giữ lại. “Từ đó, không có một tin tức nào nữa về ba ông mất tích”. Ngày 17/12 đó về sau trở thành ngày giỗ của Lemur Cát Tường, người thiết kế ra kiểu áo dài hiện đại.
chuyenxua.net biên soạn