Với người Sài Gòn-Gia Định ở lớp tuổi U70-U80 trở lên, hình ảnh chiếc xe thổ mộ là kỷ niệm không bao giờ phôi pha trong tâm trí họ.
Ở cái miền đất thân yêu đó, vào những thập niên 1940-1950, cứ khoảng 3 – 4 giờ sáng là thành phố đã rộn rả tiếng người. Dưới ánh đèn vàng vọt và bầu trời đầy sao, bạn hàng chở hàng hóa ra chợ trên những chuyến xe cá, xe thổ mộ… tiếng nhạc ngựa âm vang như một điệp khúc không bao giờ dứt. Đó là một trong những kỷ niệm tuổi thơ sâu sắc nhất của người Sài Gòn.
Khi trời tưng bửng sáng, chợ búa đã buôn bán rộn rịp, xe thổ mộ trở thành phương tiện phổ biến nhất của các bà nội trợ đi đến các chợ quen thuộc: Chợ Phú Nhuận, chợ Bà Chiểu, chợ Đất Hộ (Đakao), chợ Sài Gòn, chợ Thái Bình, chợ Cầu Ông Lãnh…
Cho đến nay, hầu hết người Sài Gòn vẫn còn hình dung rõ chiếc xe thổ mộ của ngày nào. Xe một ngựa kéo, có thùng xe làm bằng gỗ, chở được 6 -8 người mỗi chuyến, vai con ngựa được buộc vào hai càng (gọng) xe, cổ ngựa treo một vòng lục lạc, tiếng nhạc ngựa vang vang theo nhịp bước của con vật đáng yêu này. Mui xe ngựa hình mô đất được lợp bằng lá buông hoặc tole uốn cong, phía trước nhô ra như vành của chiếc mũ lưỡi trai.
Lúc lên xe, khách ngồi chật như nêm, thoải mái nhất là hai người ngồi ở cuối xe, một tay vịn vào thanh gỗ thùng xe, hai chân buông thõng xuống dưới, lắc lư một cách nhịp nhàng. Khi số khách đã lên đến mức tối đa, bác phu xe ngồi hẳn lên một càng xe, nhường trọn chiếc chiếu hoa đã sờn cho khách. Thế ngồi của bác lúc ấy trông cũng… lãng mạn lắm! Bác gác đùi lên càng xe, hai chân bỏ ra ngoài, người hơi nghiêng về phía sau, một tay cầm dây cương, tay kia cầm roi, thỉnh thoảng đét vào mông chú ngựa để thúc nó chạy nhanh hơn.
Cuối xe, ở hai bên, người ta gắn hai cọc sắt nhọn dài chừng 30cm, chĩa lên trên, một bên dành cho khách móc quai guốc, dép, một bên để máng những cặp gióng gánh bỏ không. Hai bên thùng xe gắn hai miếng gỗ uốn cong, rộng chừng một gang tay, để bạn hàng đặt lên những giỏ “hàng bông”. Đáy chiếc giỏ rộng gấp 2-3 lần miếng gỗ, chỉ gác hờ, bác phu xe phải lấy dây buộc vòng qua giỏ, ghị chặt vào thùng xe.
Hai bên phía trước thùng xe lắp hai chân đèn bằng đồng có hình bàn tay nắm, để gắn đèn hay đuốc chạy vào ban đêm. Phía ngoài và bên trên hai thùng xe thường có gắn tấm biển cao chừng một tấc, quảng cáo “thuốc dưỡng thai Nhành Mai” do nhà thuốc Nhành Mai nằm trên đường Võ Di Nguy – Phú Nhuận (nay là Phan Đình Phùng) sản xuất. Thập niên 1950, nhà thuốc này đóng cửa, nhường vị trí gần khu Chợ Nhỏ ngày nay cho hội Thông Thiên học.
Những năm cuối thập niên 1940, đầu thập niên 1950, vùng Phú Nhuận có một cậu bé thỉnh thoảng vẫn theo mẹ đi chợ Phú Nhuận, ngồi chen chúc với các bà nội trợ vẫn quen mặt nhau hàng bữa. Họ chia nhau tấm chiếu hoa đã lên nước bóng loáng. Hai cặp từ quen thuộc mà cậu bé vẫn thường nghe là “nặng cỗ và “dõng cỗ”. Khi số người ngồi tập trung về phía trước nhiều, sức nặng đè về phía con ngựa, sẽ khiến cho nó chạy chậm và mau mệt, người phu xe hô lên hai tiếng “nặng cỗ”, thế là các bà khách lui dần về phía sau cho có sự cân bằng trên cỗ xe; còn “dõng cỗ” là khi số người ngồi phía trước ít hơn khiến đầu thùng xe cất lên cao, con ngựa cũng khó kéo, lại phải ngồi nhích về phía trước.
Ở Sài Gòn xưa, đóng móng ngựa là một nghể hẳn hoi. Cuối thập niên 1940, tại ngả tư Phú Nhuận, nơi về sau mọc lên bệnh viện Cơ Đốc Phục Lâm bề thế, có ngôi nhà nhỏ của bác đóng móng ngựa nằm sau một khoảng sân rộng. Ngựa chạy lâu ngày, chiếc móng sắt bị mòn vẹt một bên hoặc đôi khi móng sút nửa chừng, chúng được đưa đến bác. Khi tới địa điểm quen thuộc, như một tập quán cố hữu, chú ngựa ngoan ngoãn giơ một chân lên cho bác thợ đóng cái móng sắt mới vào.
Trong kho ngôn ngữ Việt từ một thế kỷ qua, biết bao nhiêu ngôn từ miền Nam đã tuyệt chủng, trong đó có động từ “bắt kế”. Thời ấy, mỗi khi người chủ xe dẫn ngựa ra mắc vào hai càng xe để chuẩn bị chạy, người ta gọi việc làm đó là “bắt kế ngựa”. Hơn nửa thế kỷ rồi, không rõ trí nhớ có còn trung thành với tôi không?
Trong hồi ức của tôi, cái hình ảnh nhắc nhở nhiều về kỷ niệm của tuổi thơ thường dừng lại ở cặp mắt của các chú ngựa kéo xe. Chúng được bịt bằng hai miếng cao su, chỉ chừa một kẽ hở thật nhỏ, đủ để thấy con đường đi phía trước. Chắc đó cũng là một kinh nghiệm được đúc kết từ rất lâu đời. Ai cũng biết ngựa là giống rất “nhạy cảm” về mặt tính dục. Khi đi chợ cùng mẹ, tôi từng chứng kiến cảnh chú ngựa tuy hai mắt đã bị che chắn gần hết, vậy mà chỉ cần nhác thấy bóng một cô ngựa cái chạy ngược chiều, chú ta đã nhảy lồng lên, hí vang và bươn qua bên trái, khiến người phu xe phải vận dụng hết sức mạnh, nắm dây cương kéo hẳn về bên phải để chặn đà hưng phấn của con vật.
Chính hiện thực của cuộc sống hôm nay đôi lúc khiến chúng ta nhớ đến những chuyến xe thổ mộ ngày nào, nhớ những con ngựa bị bịt gần kín đôi mắt, chỉ còn một khe hẹp để chỉ nhìn thấy được những gì người phu xe muốn cho chúng nhìn thấy. Ngày nay, có những con người tự nguyện bịt chặt đôi mắt mình như thế, trên con đường nhỏ hẹp trước mắt họ, chỉ có kỳ thị, thiên kiến và hận thù. Những chú ngựa ngày xưa là nô lệ của con người, những con ngựa – người ngày nay là nô lệ của tham vọng, sự bất nhân và sự ngu xuẩn của chính mình.
Tác giả: Lê Nguyễn