Trước khi trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng ở miền Nam, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ từng trải qua một thời tuổi trẻ nhiều biến động. Ông tham gia trong đội tuyên truyền của Việt Minh từ khi còn rất trẻ và trải qua một mối tình sâu sắc nhưng cũng không kém phần bi thương với cô gái 16 tuổi tên là Trương Tân Nhân – người sau này trở thành ca sĩ huyền thoại của dòng nhạc đỏ ở miền Bắc.
Năm 1945, khi đang theo học ở trường Khải Định (nay là trường Quốc Học Huế), nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ bỏ học để tham gia đoàn văn nghệ Quảng Trị do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba làm trưởng đoàn. Năm 1946, ông tham gia Việt Minh, công tác ở đoàn tuyên truyền, sau đó làm phóng viên và biên tập viên báo Cứu Quốc ở liên khu 4. Đến năm 1948 ông quay lại nhà trường để hoàn tất chương trình học phổ thông tại trường Huỳnh Thúc Kháng ở Hà Tĩnh. Tại đây ông gặp và yêu một nữ sinh tên là Tân Nhân – cũng là một ca sĩ đang tham gia đoàn văn công mặt trận Bình Trị Thiên.
Tân Nhân cùng được sinh ra ở Quảng Trị và cùng đến Huế học trung học giống Hoàng Thi Thơ, sau đó cùng bỏ học để ra vùng kháng chiến, và lại cùng học trường Huỳnh Thúc Kháng ở Khu 4 giống như Hoàng Thi Thơ. Có thể thấy hành trình những năm đầu đời của 2 người khá giống nhau. Lúc còn ở Huế, nếu như Hoàng Thi Thơ học trường Khải Định nổi tiếng dành cho nam sinh thì Tân Nhân học trường nữ sinh Đồng Khánh.
Năm 1949, trận càn Phong Lai của Pháp vào liên khu đã làm dấy lên tin đồn rằng tất cả thành viên đoàn văn công đều đã thành tử sĩ, dấy lên lòng thương tiếc về những con người trẻ tuổi đã dấn thân nơi rừng sâu và hy sinh anh dũng.
Tin đồn nhanh chóng được cải chính nhưng vẫn lan truyền về đất Thanh Nghệ Tĩnh. Trường Huỳnh Thúc Kháng đã làm lễ tưởng niệm cô học trò Tân Nhân. Hoàng Thi Thơ – lúc đó đang công tác ở Nghệ An – nghe được tin như tan nát cả cõi lòng. Ông đã thể hiện nỗi nhớ thương Tân Nhân bằng bài hát Xuân Chết Trong Lòng Tôi:
Xuân ơi Xuân
Chim xa đàn
Xuân ơi Xuân
Ngờ đâu Xuân chết trong lòng tôi
Trong tiếng đàn…
Ôi chim xa cành
Bướm lìa hoa
Trùng phùng xa lắm…
Rồi một ngày, Tân Nhân trở về lại và nghe được bài hát này, bà đã rất xúc động.
Bài hát thể hiện lòng thương nhớ dành cho người (ngỡ) đã ra đi làm động lòng cô nữ sinh. Tân Nhân lại lên đường ra Nghệ An và gặp lại Hoàng Thi Thơ lúc đó cũng đang tìm bà, khởi đầu một mối tình lãng mạn và trắc trở.
Năm 1951, Hoàng Thi Thơ về Huế thăm gia đình người anh ruột, với mục đích là muốn xin gia đình người anh một số tiền để trở lại Khu 4 để sau đó đưa người yêu ra Hà Nội để theo học trường Văn Khoa ở đây.
Nhưng khi trở về thì cả gia đình giữ Hoàng Thi Thơ lại và khuyên là không nên trở ra Liên Khu 4, mặc dù ông rất nôn nóng muốn trở ra với người yêu. Cuối cùng ông cũng xiêu lòng trước những lời khuyên nhủ của những người thân nên quyết định vào Sài Gòn để được an toàn, còn người yêu của ông vẫn ở lại Khu 4. Dứt áo ra đi dù lòng vẫn còn vương vấn, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ không hề biết rằng lúc đó người yêu đã mang trong bụng giọt máu của mình…
Tại Sài Gòn, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ trở thành một trong những nhạc sĩ nổi tiếng, còn Tân Nhân thì ở bên kia vĩ tuyến sau khi đất nước chia đôi năm 1954, rồi trở thành một ca sĩ huyền thoại của dòng nhạc đỏ, nối tiếng với bài hát Xa Khơi (Nguyễn Tài Tuệ), viết về chuyện tình của kẻ Nam người Bắc.
Click để nghe Tân Nhân hát Xa Khơi
Năm 1955, khi soạn cuốn hướng dẫn sáng tác tân nhạc đầu tiên của Việt Nam mang tên Để Sáng Tác Một Bài Nhạc Phổ Thông, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ thể hiện niềm thương nhớ đến người xưa bằng việc ghi lời đề tặng ở cuốn sách nổi tiếng này như sau: “Thân yêu gửi Tân Nhân”. Dòng chữ được đặt ngay bên dưới lời kính dâng đến Phụ – Mẫu – Anh, đã thể hiện tấm lòng của người nhạc sĩ.
Rồi ai cũng phải có cuộc sống gia đình riêng, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ cưới vợ là nữ ca sĩ Thúy Nga năm 1957, nhưng không vì vậy mà ông thôi day dứt về mối tình đã bỏ lại bên kia vĩ tuyến. Một trong những ca khúc đầu tiên trong sự nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là Ai Nhớ Chăng Ai – sáng tác vào khoảng giữa thập niên 1950, để nhắc về những kỷ niệm mà ông đã có cùng mối tình đầu trong ᴄhιến khu, nơi hai người đã từng một thời gian dài bên nhau:
Ai nhớ chăng ai
Ai nhớ chăng những chiều có người em gái qua bên thềm
Tiếng hò xao xuyến trăng đầu ghềnh
Nhạc rừng nghe buồn mông mênh
Và ngàn tia lửa ấm chơi vơi dưới trăng êm đềm
Ai nhớ chăng ai
Ai nhớ chăng những ngày, những ngày rau cháo với dưa cà
Quê nghèo vui sống trong mặn mà
Đời vàng lên ngàn câu ca, mà tình thấy càng bao la
Ngàn lòng như chan hòa…
Ai nhớ chăng ai
Ai nhớ chăng những chiều, những chiều gặp gỡ nhau trên cầu
Nước trời xanh ngắt in một màu
Lặng nhìn nhau hồi lâu lâu, rồi tình ta càng ăn sâu
Sâu mối duyên ban đầu…
Click để nghe Duy Khánh hát Ai Nhớ Chăng Ai trước 1975
Trong bài hát này có những hình ảnh gợi nhớ lại những tháng năm nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ từng theo kháng ᴄhιến, đó là “trăng đầu ghềnh” và “nhạc rừng nghe buồn mông mênh”, nhắc về một thời khó khăn nhưng êm đềm hạnh phúc, nơi quê nghèo vẫn vang lên ngàn câu ca yêu đời và tràn đầy niềm hy vọng, đặc biệt là nhắc về “mối duyên ban đầu” cùng người con gái vừa là bạn học, vừa là đồng đội:
Ai nhớ chăng những chiều, những chiều gặp gỡ nhau trên cầu
Nước trời xanh ngắt in một màu
Lặng nhìn nhau hồi lâu lâu, rồi tình ta càng ăn sâu
Sâu mối duyên ban đầu…
Bài hát cũng nhắc lại buổi chia tay định mệnh, khi nàng tiễn chàng trở về đô thị, không ai biết rằng đó cũng là lần cuối:
Ai nhớ chăng ai
Ai nhớ chăng hôm nào, hôm nào mưa rớt trên sông dài
Trên dòng em tiễn anh một chiều
Chiều chia ly còn chưa phai, trời buồn khóc giùm duyên ai
Giọt lệ tuôn ngắn dài…
Trong khi đó, ở miền Bắc, Tân Nhân quyết định giữ lại đứa con trong bụng, mặc cho bạn bè giễu cợt khinh khi. Một người bạn học thương cảm đã đưa bà về nhà mình ở Hà Tĩnh cưu mang, nhưng vì tập tục vùng làng quê nên gia đình này dù có thương bạn của con thì cũng chỉ dám cho phép Tân Nhân dựng một cái lều ngoài vườn để sinh nở.
Người con này đặt đặt tên theo họ của mẹ là Trương Khánh Hoài, ông kể lại trong hồi ký:
“Từ lúc tôi sinh ra, nhiều đêm cạn sữa nằm nghe con khóc đòi bú ngặt nghẽo, bụng thì đói cồn cào, lại nghe gió rừng âm u bốn bề thổi quanh, cùng cực quá mẹ tôi đã định bế con ra dòng sông La để trầm mình. Và đã có một đêm khi tôi đã ngủ, mẹ tôi đã quyết bế con đi. Nhưng không hiểu sao, ra đến bờ sông, có lẽ gió thổi lạnh quá hay có một tiếng gọi định mệnh nào đó làm tôi tỉnh thức, khóc ré lên thảm thiết, như nức nở, như ai oán, khiến mẹ tôi sững lại. Thế là mẹ tôi đứng bên bờ sông cũng khóc. Như nổi giông nổi bão trong lòng. Và thế là mẹ lại quay mặt bế con về mái lều, cho con nhằn da ngực đã khô kiệt mà cắn…
Giữa lúc ấy, may thay, cố tôi và bà tôi xuất hiện, đúng như một bà Tiên, như một ông Bụt: “Con ơi, răng mà con khổ như ri”.
Cố tôi đã thốt lên khi nhìn thấy tình cảnh mẹ con tôi trong túp lều hoang dại, còn bà tôi thì hối hả đổ gạo ra từ cái đẫy xách bên mình, rồi lại hối hả chạy ra giếng múc nước về nhen lửa nấu cơm nấu cháo cho mẹ con tôi ăn. Có lẽ đó là bữa đầu tiên mẹ tôi được no bụng sau khi sinh nở…”
Vượt qua thời kỳ gian khó, sau khi con đã chập chững, Tân Nhân trở lại công tác và hoạt động ca hát. Năm 1954, bà là diễn viên đơn ca tại Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương. Năm 1963, bà theo học khoa Thanh nhạc Trường Âm nhạc Việt Nam và tốt nghiệp năm 1968. Từ năm 1969 đến năm 1972, bà tu nghiệp tại Nhạc viện Sofia, Bulgaria. Về nước năm 1973, bà làm việc tại Đài Phát thanh Giải phóng, rồi Đài Tiếng nói Việt Nam.
Tại đất Bắc, bà được gặp lại một người bạn học cũ từ thuở ấu thơ là Lê Khánh Căn, họ nên vợ chồng và sống với nhau hạnh phúc đến cuối đời. Người con được lấy theo họ cha dượng là Lê Khánh Hoài.
Năm 1963, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ có cơ hội gặp lại được Tân Nhân, khi ông dẫn một đoàn văn nghệ của miền Nam sang trình diễn tại hội chợ quốc tế That Luang, cùng lúc đó cũng có một phái đoàn văn nghệ của miền Bắc (VNDCCH) tham gia, trong đó có Tân Nhân. Tuy nhiên, trong khi Hoàng Thi Thơ tìm mọi cách để gặp thì Tân Nhân lại lánh mặt.
Lần thứ 2 họ ở rất gần nhau, đó là năm 1968, hai đoàn văn nghệ của 2 miền lại có mặt cùng lúc tại Paris. Lần này nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ quyết tâm muốn gặp lại, hoặc ít nhất là muốn được thấy mặt cho thỏa lòng, nên đã mua vé hàng ghế đầu trong tất cả các buổi diễn của đoàn miền Bắc, nhưng có lẽ là Tân Nhân đã biết điều đó nên không xuất hiện để trình diễn.
Tuy không gặp mặt, nhưng thời gian sau này, ca sĩ Tân Nhân có nhiều dịp được nghe nhạc của Hoàng Thi Thơ, và đâu đó trong những bài ca của ông, bà thấy lại được chính mình, thấy những kỷ niệm mà cả 2 đã từng có, đặc biệt là qua bài Ai Nhớ Chăng Ai, với những lời nhớ thương muôn đời được tỏ bày:
Nhớ vô vàn, nhớ muôn ngàn
Ngàn đời tôi còn nhớ
Ngàn đời tôi nào quên
Quên quên sao bao nhiêu phút xa xưa êm đềm
Nhớ vô vàn, nhớ muôn ngàn
Ngàn đời tôi còn nhớ
Ngàn đời tôi nào quên
Bao nhiêu con người dừng chân trên bến tâm hồn
Ai nhớ chăng ai
Ai nhớ chăng khói chiều, khói chiều vương vấn mái tranh nghèo
Có bầy em bé reo ngoài vườn
Mẹ già tóc bạc như sương,
nợ đời uốn còng đôi vai xương đớn đau trăm đường
Ai nhớ chăng ai
Ai nhớ chăng những gì, những gì tha thiết nhất trong đời
Những gì không nói nên bằng lời
Mà tim ta thì chơi vơi, mà hồn ta tìm nơi nơi
Mà lòng ta nhớ đời…
Click để nghe Thanh Tuyền hát Ai Nhớ Chăng Ai trước 1975
Rất có thể bà Tân Nhân rất xúc động khi được nghe những lời hát này, nên đã viết 4 câu thơ họa lại, như là lời hồi đáp muộn màng:
Ai có buồn chăng, có nhớ chăng
Những bản tình ca quyện gió ngàn
Khu rừng mặt trận ngày xuân ấy
Ngân mãi theo ta dòng thời gian…
Người con chung của họ – Lê Khánh Hoài (lấy theo họ cha kế) sau này trở thành nhà báo và dùng nhiều bút danh khác nhau: Châu La Việt, Trương Nguyên Việt, với Trương là họ của mẹ, Việt là thị trấn Cửa Việt thuộc huyện Gio Linh, quê của mẹ. Ông cũng lấy bút danh là Triệu Phong, là quê của cha. Năm 1994, khi lần đầu được gặp cha ruột, ông được đặt tên theo họ cha là Hoàng Hữu Hoài.
Ông Hoài nói về mẹ mình như sau: “Cũng có thể có lúc mẹ trách móc cha, nhưng suốt cuộc đời này, với cha tôi, không bao giờ mẹ căm giận như thường tình, mà chỉ nhớ thương trông đợi, để rồi gửi vào câu hát và tạo nên một tiếng hát Xa Khơi bất hủ: ”Nhớ thương cách vời ơi biển chiều nay, nhớ thương cách vời ơi biển chiều nay…”.
Năm 1976, Lê Khánh Hoài lần đầu vào được Sài Gòn, nhưng lúc đó Hoàng Thi Thơ đã trôi dạt ly hương nơi đất khách. Mãi đến năm 1987 cha con mới liên lạc được với nhau qua những lá thư đầy xúc động, rồi đến năm 1994 thì mới lần đầu được gặp nhau. Cũng trong dịp đó nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ được hội ngộ với Tân Nhân trong một buổi gặp gỡ đầy ân tình và tự trọng của những nghệ sĩ nổi tiếng. Họ chỉ gặp nhau 1 lần nữa thì nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ qua đời năm 2001.
Sau đây là lá thư năm 1987, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ từ Mỹ gửi về cho Lê Khánh Hoài:
“Năm 1956, Ba đã từ Sài gòn ra Đà Nẵng thăm ngoại con khi ba nghe tin mẹ con “đi thêm bước nữa” .Thăm ngoại thì ít, nhưng cốt để hỏi thăm con thì nhiều.
Năm 1958, ba đẻ em Thi Thi. Chính lúc đó, Ba nghĩ tới con nhiều nhất. Ba đã dùng cái tên “Thi” để đặt tên cho em con, cái tên đầy kỷ niệm mà ngày xưa ba và mẹ con đã rất yêu và đã hứa với nhau sẽ dùng để đặt cho đứa con đầu lòng của ba và mẹ con, là con. Và từ ngày đó, mỗi lần gọi tên em Thi của con là riêng ba, ba nhớ tới con. Nhớ cho tới khi nào ba không còn trên trần gian này nữa để gọi tên Thi.
Năm 1964, trong một hoàn cảnh vô cùng éo le, ba đã bỏ nước trốn sang Nam Vang. Những ngày lén lút đó, biết rằng mẹ con đến đó trình diễn, ba đã bất chấp hiểm nguy để liên lạc với mục đích duy nhất là là biết được chút tin tức về con và mẹ con. Và ba còn nhớ rõ, nếu lúc ấy mẹ con không quá dè dặt và không quá cứng rắn, ba đã trở lại nơi ba phải giã từ mẹ con… Và có cơ hội sống bên con từ 1964!
Năm 1970, khi ba soạn phim “Người cô đơn”, ba đã hoàn toàn nghĩ tới con, dựng lên một nhân vật bé bỏng , nhân vật mang tên bé Tâm, một nhân vật suốt đời cô đơn rất tội nghiệp, một nhân vật mà vào đó, ba đã gửi hết nỗi niềm tâm sự của ba. Nhân vật đó, người cô đơn đó, đứa bé cô đơn đó, chính là con, chính là Hoài, chính là cái kỷ niệm quý đẹp nhất của một người nghệ sỹ họ Hoàng và một người nghệ sỹ họ Trương… Con chớ giật mình, con nhé, con chớ ngạc nhiên, con nhé! Ba xác nhận một lần nữa, “người cô đơn” chính là con, chính là Hoài, chính là người con đã tưởng rằng cha mình đã chối bỏ mình.
“Suốt 35 năm trời, ba hằng tự hào về một điểm: Đời ba, trong đó có con và mẹ con, sao giống như một pho tiểu thuyết. Mà tiểu thuyết nào mà lại không có nhiều tình tiết éo le, phải không con? Thôi chúng ta, ba +mẹ+ con, dù gặp những éo le, gập ghềnh, buồn sầu thì cũng cho đó là số phận của những người có cuộc đời giống như tiểu thuyết…
Hoài con, nếu theo con, “con đã mất ba nửa cuộc đời rồi” thì chắc chắn nửa cuộc đời còn lại, con sẽ có ba hàng ngày, hàng tháng, hàng năm… Còn đối với ba đã 35 năm nay, dù chưa một lần được gặp, ba chưa bao giờ mất con và mẹ con một ngày một tháng một năm nào. Vì không một ngày một tháng một năm nào, ba không có con và mẹ con trong lòng ba, trong tâm hồn ba…
Nhắc đến mối tình đầu của Mẹ con mà con viết: “Tưởng hết sức đẹp đẽ” ba hãnh diện xác nhận với con một lần là, cho đến bây giờ mối tình đó, đối với ba cũng như một số người đã biết mối tình đó, là mối tình đẹp nhất trần gian. Ba không đại ngôn, không phóng đại khi ba nói như vậy. Ba và mẹ con sẽ tìm thấy dần để hiểu thấu dần. Đối với ba, suốt đời, mẹ con là tuyệt vời, Tân Nhân là tuyệt vời. Lại một dẫn chứng nữa, một chứng dẫn nữa. Năm 1956, thời gian ba soạn sách, ba soạn cuốn “Để sáng tác một bài nhạc phổ thông”, trang đầu của cuốn sách, ba in dòng chữ: “Thân yêu gửi Tân Nhân”. Mặc dù ba biết mẹ con “đã đi thêm bước nữa”. Ba yêu mẹ con là thế, từ những năm 49-50-51 đến 56, đến cả bây giờ 87, thì không có lý nào ba lại không yêu con và yêu ít hơn? Điều này chắc con không biết, nhưng điều này ba tin mẹ con biết. Có lẽ vì một hoàn cảnh bắt buộc nào đó, mẹ con biết nhưng chẳng hề nói ra cho con hay…
Thôi, dù biết hay chưa biết, với thời gian, với những tác phẩm của ba mà rồi đây con và mẹ con sẽ dần dà tìm thấy, mẹ con và con có ngày sẽ hiểu được lòng ba và tình ba. Sự muộn màng nào, hiểu nhau muộn cũng đau thương, nhưng sự muộn mằn nào cũng đẹp. Đó là sự muộn màng trong tiểu thuyết, sự muộn màng trong cuộc đời tiểu thuyết của chúng ta…
Năm 1994, lần đầu tiên Hoàng Thi Thơ được trở về quê hương sau gần tròn 20 năm xa cách, đó cũng là lần đầu tiên nhạc sĩ có cơ hội được gặp người con trưởng của ông. Buổi đoàn tụ đầy cảm xúc đó được Lê Khánh Hoài kể lại:
[…]
Khi người xướng ngôn viên trên sân bay Tân Sơn Nhất thông báo máy bay đã hạ cánh, trái tim tôi như sững lại. Một tay tôi phải vịn vào lan can để có thể đứng vững…
40 năm chờ đợi. Từ cái thuở tôi còn là một bào thai nằm trong bụng mẹ nơi cánh rừng kháng ᴄhιến, mà lúc ấy cả mẹ và ba tôi đều là những nghệ sĩ kháng ᴄhιến. Rồi ba tôi bỗng nhiên đột ngột ra đi, bỏ lại sau lưng tất cả. Từ cái thuở dòng sông Hiền Lương cắt chia đôi miền, ngay giữa quê ba và mẹ tôi Quảng Trị, và bàn chân mồ côi của tôi chập chững những bước đi đầu tiên ngay nơi vết thương chia cắt. Cũng đôi chân ấy một ngày băng trên những triền núi Trường Sơn khi tôi là một ᴄhιến sỹ, và ba tôi lại thuộc về ᴄhιến tuyến bên kia.
40 năm, bao “can qua gió thổi”, nhưng rồi cũng có lúc này đây hệt như lời bài hát ru con mẹ tôi thường hát:
“Đến mùa xuân, trong cơn nắng ấm
Cha con về, cha con về…
Con nắm tay cha
Hỡi chàng là chàng ơi, hỡi người là người ơi…”
Dòng hành khách đã bắt đầu bước ra. Mắt tôi dán vào cửa ra vào. Rồi ba tôi xuất hiện. Chưa một lần gặp ông nhưng tôi biết ngay đấy chính là ba tôi, cái người đàn ông đang sững sờ nhìn bốn phía chung quanh, và lao đến bên tôi, ôm choàng lấy tôi. Tôi cũng ôm choàng lấy ba, nghe trên tóc mình, vai mình những dòng nươc mắt nóng bỏng. Nước mắt của ba hay của tôi thế nhỉ? Hay nước mắt của bà con họ Hoàng đang bao kín xung quanh và ai cũng khóc khi chứng kiến cuộc gặp gỡ cha con này.
Không một lời nói. Không một âm thanh, kể cả nhịp tim đập. Chỉ nóng hổi những dòng nước mắt…
“40 năm, ba ơi, đây là lần đầu tiên trong đời con có một người đàn ông để con gục đầu vào ngực. Đây là lúc dòng sông Hiền Lương không còn chảy qua giấc ngủ mồ côi của con nữa. Đây cũng là lúc không còn ᴄhιến tuyến bên này hay ᴄhιến tuyến bên kia của một thời dĩ vãng. Chỉ còn là cha con mình, cha con mình. Ba nhỉ..”
Và đêm ấy, lần đầu tiên trong đời, hai cha con tôi được ở bên nhau.
[…]
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ qua đời năm 2001 ở Hoa Kỳ, khi nghe tin, ca sĩ Tân Nhân viết những dòng thơ tưởng nhớ, bài thơ mang tên “Vĩnh biệt nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ”:
Ơi Thạch Hãn, ơi Bích Khê
Thôi từ nay không còn đợi ông về
Người nhạc sĩ với cây đàn ấy
Hồn tươi vui thắm đượm tình quê…
Từ xứ nghèo Quảng Trị ra đi
Đôi bờ vĩ tuyến buồn vui gì
Trải bao trăn trở tìm lẽ sống
Vì đâu đau khổ và chia ly…
Một tấm gương kiên trì lao động
Những thăng hoa bước tiến tài năng
Mỗi cung đàn dựng bằng tâm huyết
Tác phẩm còn đọng lại với thời gian.
Ông – người yêu nồng nàn cuộc sống
Từ con người hoa lá chim muông
Yêu sông núi xóm làng thơ mộng
Và dệt nên những bản nhạc quê hương
(Nghệ sĩ Tân Nhân)
Lê Khánh Hoài kể rằng năm 2007, khi ông vào Sài Gòn thăm mẹ đang sống ở đây, bà nói: “Con gắng đi Mỹ, sang đó tìm nơi ba Thơ yên nghỉ, thắp cho mẹ một nén nhang”.
Chỉ ít ngày sau thì Lê Khánh Hoài sang Mỹ, tìm đến công viên vĩnh hằng để thăm cha. Khi về lại và cho mẹ xem hình chụp lúc dâng hương, bà xem rất chăm chú từng hình một. Chỉ 4 ngày sau đó, Tân Nhân bất ngờ ngã xuống sau một cơn đột quỵ khi quét sân và ra đi sau đó ít lâu.
Thời gian sau đó, Lê Khánh Hoài lục tìm những kỷ vật của mẹ thì bất ngờ tìm thấy dưới gối của bà một lá thư đề nghị, với bản chính đã được gửi bưu điện đến nơi cần nhận, trước khi bà bị đột quỵ chỉ mấy ngày. Nguyên văn lá thư đó được Lê Khánh Hoài đăng như sau:
“Kính gửi Bộ Văn hóa!
Tên tôi là: Trương Thị Tân Nhân – Nghệ sĩ ưu tú, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tôi làm đơn này xin đề đạt một nguyện vọng như sau, kính mong các đồng chí xem xét.
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ từng là một đồng chí, đồng đội của tôi trong kháng chiến chống Pháp. Sau đó, vì hoàn cảnh riêng, nhạc sĩ về quê hương, sau đó vào Sài Gòn làm một nhạc sĩ tự do (như trường hợp của nhạc sĩ Phạm Duy). Mặc dù không cùng trong hàng ngũ của chúng ta, nhưng nhạc sĩ không có bất cứ một hành động nào chống phá (…) Kể cả sau năm 1975, nhạc sĩ có trở về thăm đất nước, gặp lại nhiều bạn bè cũ như nhạc sĩ Trần Hoàn, nhạc sĩ Trọng Bằng… rất thân thiết. Trong sáng tác âm nhạc của mình, dù trong bất cứ môi trường nào, những tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ cũng đều mang âm hưởng dân ca, đậm đà màu sắc dân gian dân tộc, nội dung ngợi ca tình yêu đất nước quê hương. Chính vì những điều này, nhiều bài hát của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ được đông đảo công chúng yêu mến, truyền tụng.
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã mất tại Hoa Kỳ. Điều mong ước lớn nhất của nhạc sĩ là những tác phẩm của mình luôn được phục vụ quê hương đất nước, luôn được phục vụ công chúng là bà con lao động của xứ sở mình. Điều đáng tiếc vì những lý do lịch sử, các tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ chưa được phép sử dụng trong nền nghệ thuật của chúng ta, mặc dù nó vẫn được lan truyền trong dân gian.
Với tôi, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là mối tình đầu. Dù trong hoàn cảnh nào, tôi cũng thấy mình phải có trách nhiệm với tình cảm này. Đặc biệt trên cương vị là một ca sĩ, luôn trân trọng các tác phẩm âm nhạc hay đẹp ngợi ca quê hương đất nước, trong đó có một số tác phẩm của anh Hoàng Thi Thơ.
Năm nay tôi đã 75 tuổi, suốt một cuộc đời là phục vụ Đảng, đất nước và nghệ thuật. Với tôi, giờ đây đã gần đất xa trời. Còn điều gì chưa yên thì đấy là những tác phẩm của tình yêu đầu của mình chưa được phép sử dụng rộng rãi. Với tình cảm và trách nhiệm của một người nghệ sĩ, một Đảng viên cộng sản, tôi kính mong các đồng chí xem xét lại các tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, cho phép các tác phẩm tốt, các tác phẩm ngợi ca đất nước quê hương của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ được phổ biến rộng rãi trong công chúng như trường hợp với các tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy”.
Người con của Hoàng Thi Thơ và Tân Nhân đã viết như sau khi đọc được lá thư này:
“Những dòng nước mắt chảy dài trên má tôi. Tôi hiểu đây là những lời nói cuối, là khúc hát cuối của Mẹ cho mối tình đầu đầy khổ đau của mình… Yêu mẹ nhiều hơn, và càng thương mẹ nhiều hơn”.
Đông Kha – chuyenxua.net