Nhạc sĩ Phạm Đình Chương, từ “Thuở Ban Đầu” đến “Nửa Hồn Thương Đau”

Phạm Đình Chương là nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc Việt từ sau năm 1950. Ngoài vai trò là một nhạc sĩ nổi tiếng của miền Nam trước năm 1975, ông còn là một ca sĩ của ban hợp ca Thăng Long với nghệ danh là Hoài Bắc.

Từ trái qua: Hoài Bắc (Phạm Đình Chương) – Thái Thanh – Hoài Trung (Phạm Đình Viêm)

Phạm Đình Chương sinh ngày 14 tháng 11 năm 1929 tại Bạch Mai, Hà Nội. Quê nội ông ở Hà Nội và quê ngoại ở Sơn Tây. Xuất thân trong một gia đình truyền thống âm nhạc, cả hai thân sinh ra ông đều chơi nhạc cổ truyền. Thân phụ của nhạc sĩ Phạm Đình Chương là ông Phạm Đình Phụng. Người vợ đầu của ông Phụng sinh được 2 người con trai: Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Phạm Đình Sỹ lập gia đình với nữ kịch sĩ Kiều Hạnh và có con gái là ca sĩ Mai Hương. Còn Phạm Đình Viêm là ca sĩ Hoài Trung của ban hợp ca Thăng Long.

Từ trái qua: Thái Thanh – Phạm Đình Chương – Thái Hằng

Người vợ sau của ông Phạm Đình Phụng có 3 người con: trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy. Con trai thứ là nhạc sĩ Phạm Đình Chương và cô con gái út Phạm Thị Băng Thanh, tức ca sĩ Thái Thanh.

Từ nhỏ, Phạm Đình Chương được nhiều người chỉ dẫn nhạc lý nhưng phần lớn vẫn là tự học. Trong những năm đầu kháng chiến, ông cùng các anh em cùng cha là Phạm Đình Viêm, Phạm Thị Quang Thái và Phạm Thị Băng Thanh gia nhập ban văn nghệ Quân đội ở Liên Khu IV với tư lệnh là tướng Nguyễn Sơn (là người làm chủ hôn cho nhạc sĩ Phạm Duy và danh ca Thái Hằng).


Ban Thăng Long hát ca khúc Ra Đi Khi Trời Vừa Sáng

Phạm Đình Chương bắt đầu sáng tác vào năm 1947, khi 18 tuổi, với tác phẩm đầu tay là ca khúc Ra Đi Khi Trời Vừa Sáng, sau đó là Hò Leo Núi, đều có không khí hào hùng, tươi trẻ. Năm 1951, ông rời chiēn khu để về Hà Nội, sau đó đi thẳng vào Sài Gòn để định cư, rồi cùng với các anh chị em là Hoài Trung, Thái Thanh, Thái Hằng thành lập ban hợp ca Thăng Long lừng danh một thuở. Khoảng năm 1953-1954, ban Thăng Long có quay ngược lại Hà Nội để lưu diễn với cái tên là Gió Nam cùng với nhiều nghệ sĩ danh tiếng của miền Nam. Cũng trong năm 1953, nhạc sĩ Phạm Đình Chương lập gia đình với ca sĩ – minh tinh điện ảnh xinh đẹp là Khánh Ngọc.

Thái Thanh – Hoài Bắc – Hoài Trung trong ban Thăng Long

Trong thập niên 1950, Phạm Đình Chương đã viết những tác phẩm để đời như Ly Rượu Mừng, Xuân Tha Hương, Thuở Ban Đầu, Tiếng Dân Chài... Đáng kể nhất là trường ca bất hủ Hội Trùng Dương mà ông viết về đất nước Việt Nam hoa gấm qua ba bài ca nói về con sông Hồng, sông Hương và sông Cửu Long. Theo như lời ông đã nói với gia đình, trường ca này đã phải tốn mất 4 năm để hoàn tất.

Tuy nhiên, trong gia tài âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, người ta thường nhắc đến nhiều nhất là những bài hát buồn được ông sáng tác vào thập niên 1960-1970 sau khi đã chia tay vợ là danh ca Khánh Ngọc, đó là Đêm Cuối Cùng, Người Đi Qua Đời Tôi, Nửa Hồn Thương Đau, Định Mệnh Buồn…

Thời gian trước đó (thập niên 1940-1950), nhạc sĩ Phạm Đình Chương thường chỉ sáng tác nhạc mang tính chất hân hoan, tươi trẻ, hoặc là hào hùng, ít khi viết tình ca, và một bài tình ca hiếm hoi của ông sáng tác trước năm 1954 là Thuở Ban Đầu.

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương và ca sĩ Khánh Ngọc

Bài hát rất nhẹ nhàng êm đềm và tràn đầy tình cảm này ra đời vào năm 1953, cũng là năm nhạc sĩ Phạm Đình Chương kết hôn với người đẹp Khánh Ngọc. Đúng như tên gọi của bài hát, Thuở Ban Đầu mang giai điệu và ca từ trong trẻo, tươi sáng của mối tình vừa chớm nở:

Sao không thấy em lại
Để cùng anh thẩn thơ
Trước sân trăng vòi vọi
Để rồi cùng ước mơ 

Sao không thấy em lại
Hàng dừa nghiêng thương nhớ
Này khúc ân tình biết đưa về đâu 


Click để nghe danh ca Duy Trác hát Thuở Ban Đầu trước 1975

Nhạc phẩm mở đầu bằng hình ảnh chàng trai si tình trông chờ người yêu “lại”“Lại” ở đây tức là tới nhà, hẳn là chàng trai đã mong chờ cô gái đến chơi nhà, để cùng “anh thẩn thơ” ngắm trăng, tâm tình và ước mơ. Từng câu hát nhấn nhá nhẹ nhàng lột tả tâm trạng trống rỗng, bồn chồn, sốt ruột, nhớ nhung của chàng trai khi cô gái không tới.

Trong địa hạt tình yêu, những phút giây bùng nổ cảm xúc đầu tiên bao giờ cũng đẹp, cũng lung linh, lấp lánh mối tình đầu, là thời điểm trỗi dậy mạnh mẽ của những rung cảm yêu đương nồng nhiệt nhất. Đó là lúc trái tim đi trước lý trí, mọi suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc của người này đều hướng về người kia. Một cái chạm tay, một cái liếc mắt cũng làm nên những rung cảm, những ngượng ngùng, bối rối. Bằng những ca từ cuốn hútđậm chất thơ, nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã khắc hoạ lại cái “thuở ban đầu” vô cùng đẹp đẽ ấy rằng:

Ôi đẹp thay là thuở ban đầu
Chìm sâu đáy mắt một màu xanh khơi
Niềm thương không nói nên lời
Chỉ nghe xao xác một trời bâng khuâng

Bâng khuâng lúc em cười
Kìa ngàn cây ngẩn ngơ
Sáng trăng xanh khung đời
Dặt dìu nhạc với thơ 


Click để nghe danh ca Sĩ Phú hát Thuở Ban Đầu trước 1975

Câu hát “chìm sâu đáy mắt một màu xanh khơi” lột tả trọn vẹn đôi mắt của những kẻ si tình. Đôi mắt yêu đương, đắm đuối với những mộng ước chất chứa trong đó nhưng lại chẳng thể nói thành lời: “Niềm thương không nói nên lời, chỉ nghe xao xác một trời bâng khuâng”. Sự tinh tế, khéo léo của nhạc sĩ Phạm Đình Chương thể hiện rõ nét và chắc chắn trong cách lựa chọn những từ ngữ đầy hình cảm và âm thanh: màu xanh khơi, xao xác, bâng khuâng, ngẩn ngơ, dìu dặt,… 

Nhưng không thấy em lại
Hàng thùy dương chếch bóng
Và lũ hoa thầm khép hương chờ mong…

Sự chờ đợi, nhớ nhung chợt biến thành nỗi thất vọng của chàng trai: “hàng thuỳ dương chếch bóng và lũ hoa thầm khép hương chờ mong”. Ở đây cách sử dụng ca từ của nhạc sĩ cũng rất đặc biệt, nỗi sầu buồn của chàng trai khi người yêu không tới không hề bi luỵ, ghen tuông, nghi hoặc mà chỉ phơn phớt chút giận hờn, ủ rũ vô cùng dễ thương.


Click để nghe danh ca Thái Thanh hát Thuở Ban Đầu trước 1975

Có thể nói, Thuở Ban Đầu không phải là ca khúc hay nhất, nổi tiếng nhất nhưng lại là ca khúc ngọt ngào và nhẹ nhàng nhất trong gia tài âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Có lẽ bởi, khi viết ca khúc này, ông vẫn đang là một chàng trai trẻ yêu đời, ngọt ngào, đang đắm đuối trong tình yêu và thăng hoa trọng sự nghiệp, chưa từng trải qua những thăng trầm của đời sống.

Năm 1953, cuộc hôn nhân của đôi nghệ sĩ tài sắc Phạm Đình Chương – Khánh Ngọc diễn ra với sự ngưỡng mộ của bạn bè, đồng nghiệp. Khi đó nhạc sĩ Phạm Đình Chương chỉ ngoài 20 tuổi nhưng đã có nhiều sáng tác vang danh cả nước, còn Khánh Ngọc khi đó mới 16-17 tuổi có sắc nước hương trời, là một nữ ca sĩ trẻ đầy triển vọng.

Sau khi kết hôn, cả 2 người đều thăng hoa trong sự nghiệp và bước lên được những bậc thang của đỉnh cao danh vọng. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương lần lượt cho ra đời những ca khúc hân hoan tràn đầy niềm tin yêu cuộc sống, trở thành nhạc bất hủ suốt gần 70 năm qua: Ly Rượu Mừng, Đón Xuân, Mộng Dưới Hoa, Tiếng Dân Chài, đặc biệt là trường ca Hội Trùng Dương. Còn Khánh Ngọc cũng không kém cạnh, trở thành nữ canh ca tài sắc, đồng thời là một minh tinh điện ảnh danh tiếng bậc nhất của thập niên 1950.

Tuy nhiên chỉ 7-8 năm sau đó, cuộc hôn nhân đẹp đó đi vào những ngả rẽ đáng tiếc, dẫn đến kết cuộc thật buồn và để lại nhiều tai tiếng.

Dư chấn của thảm kịch này đã làm cho nhạc sĩ Phạm Đình Chương ngưng sáng tác một thời gian dài, để rồi khi đã nguôi ngoai và quay trở lại, ông chỉ viết nhạc buồn, rất buồn, như là Đêm Cuối Cùng, Người Đi Qua Đời Tôi, đặc biệt là Nửa Hồn Thương Đau…

Trái với nhiều lời đồn đoán rằng ca khúc Nửa Hồn Thương Đau được nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác ngay sau khi chia tay vợ. Tuy nhiên thực tế thì ca khúc này được sáng tác năm 1970 dành riêng cho phim điện Chân Trời Tím, nghĩa là sau thời điểm đó đến gần 10 năm. Tuy nhiên, dù là bài hát viết cho phim, nhưng chúng ta có thể thấy được phần nào tâm trạng của tác giả trong quãng đời buồn nhất của ông:

Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa
Cho tôi về đường cũ nên thơ
Cho tôi gặp người xưa ước mơ…


Click để nghe Thái Thanh hát Nửa Hồn Thương Đau trước 1975

Lâu nay, ca khúc này vẫn được ghi là nhạc phổ thơ của Thanh Tâm Tuyền, nhưng thực ra nhạc sĩ Phạm Đình Chương chỉ mượn ý của 2 câu thơ trong bài thơ rất dài mang tên Lệ Đá Xanh của Thanh Tâm Tuyền để phổ nhạc, đó là:

đôi khi anh muốn tin
ôi những người khóc lẻ loi một mình…

Nửa Hồn Thương Đau  là một ca khúc rất buồn, buồn cũng như cuộc đời của tác giả đã trải qua những đau thương khi cuộc hôn nhân với ca sĩ Khánh Ngọc bị tan vỡ. Nhân vật trong bài hát mang một nỗi buồn sâu thẳm như là bị ᴄhết lịm cả tâm hồn, muốn nhắm mắt để cố hình dung lại, để tìm được những thoáng hương xưa, mong gặp lại người thương yêu năm cũ.

Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa
Cho tôi về đường cũ nên thơ
Cho tôi gặp người xưa ước mơ

Hay chỉ là giấc mơ thôi
Nghe tình đang ᴄhết trong tôi
Cho lòng tiếc nuối xót thương suốt đời

Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau
Ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau
Hay ta còn hẹn nhau kiếp nào
Anh ở đâu? Em ở đâu?
Có chăng mưa sầu buồn đen mắt sâu…

Tuy nhiên càng muốn tìm lại những ngày tươi đẹp ở trong giấc mơ thì trái tim của người lại càng bị tổn thương, bởi vì khi tỉnh giấc, lòng càng thấy thêm trống vắng. Khi đó thì nhắm mắt lại chỉ thấy cả một cả một chân trời thương đau và nhớ nhung chất ngất không thể nào nguôi.

Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt
Chỉ thấy lòng nhớ nhung chất ngất
Và tiếng hát và nước mắt

Đôi khi em muốn tin
Đôi khi em muốn tin
Ôi những người
Ôi những người khóc lẻ loi một mình…

Có lẽ vì nội dung bài hát khá tương đồng với một quãng đời buồn của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nên đã có một bài viết tưởng tượng ra hoàn cảnh sáng tác Nửa Hồn Thương Đau rất lâm ly và bi lụy như là tiểu thuyết ngôn tình. Theo bài viết này, thì sau khi chia tay vợ ít lâu, có một lần nhạc sĩ Phạm Đình Chương tình cờ gặp lại vợ cũ đang hát trên 1 sân khấu. Cuối buổi diễn ông có nhã ý muốn được tiễn vợ về vì trời đang mưa nhưng lại bị từ chối. Ông đành lặng lẽ trở về căn nhà kỷ niệm, nhìn qua màn mưa nhớ về những ngày hạnh phúc đã trôi theo dòng nước, tan vỡ như những bong bóng mưa. Chịu đựng không nổi nỗi đau giằng xé, ông dự định từ bỏ cuộc đời, nhưng đúng lúc ấy tiếng khóc con trẻ đòi mẹ trong đêm làm ông phải vụt ôm con vào lòng dỗ dành mà nước mắt tuôn trào…

Câu chuyện tưởng tượng này sau đó bị chính người con được nhắc tới trong bài viết là Phạm Thành phủ nhận. Sau khi ly hôn khoảng năm 1960, vợ của nhạc sĩ Phạm Đình Chương gần như giải nghệ và không đi hát nữa. Ngoài ra, ca khúc Nửa Hồn Thương Đau được sáng tác vào năm 1970, tức là sau đó tròn 10 năm, và được sử dụng trong phim Chân Trời Tím (với 2 diễn viên chính là Hùng Cường và Kim Vui). Trong phim này, minh tinh Kim Vui đóng vai ca sĩ hát ca khúc Nửa Hồn Thương Đau, được lồng vào bằng giọng hát Thái Thanh. Trong phân đoạn phim đó, chính nhạc sĩ Phạm Đình Chương cũng xuất hiện trên màn ảnh, đóng vai người nghệ sĩ kéo đàn cho Kim Vui hát.

Hùng Cường và Kim Vui trong phim Chân Trời Tím


Click để xem Kim Vui trình diễn Nửa Hồn Thương Đau trong phim Chân Trời Tím (giọng hát Thái Thanh)

Bài: Niệm Quân – Đông Kha
(chuyenxua.net)

Viết một bình luận